Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHẶNG ĐƯỜNG MƯỜI NĂM CỦA FACEBOOK

(NCTG) Ngày 9-2-2004, trên tờ “Harvard Crimson”, một tờ báo nội bộ của trường đại học Harvard đưa một tít ngắn về Facebook: “Hàng trăm người đăng ký lập tài khoản Facebook trong ngày đầu tiên”.

Tài khoản của Marc Zuckerberg, người sáng lập mạng xã hội Facebook - Ảnh: Internet


Khi đó, Marc Zuckerberg, người sáng lập của Facebook chắc hẳn không thể hình dung nổi sau mười năm, mạng xã hội này có tới 1,2 tỷ người sử dụng, tương đương với một phần sáu dân số trên hành tinh, trong đó hơn 750 triệu người đăng nhập mỗi ngày.

Giờ đây, cứ năm trang trên Internet được mở thì một trang là Facebook. Chữ ‘f’ màu trắng bé nhỏ trên nền xanh và ngón tay cái (like) đã trở thành đại diện cho sự chiến thắng của các phương tiện truyền thông xã hội.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại những dấu mốc quan trọng trên chặng đường phát triển của Facebook.

Tháng 2-2004: Zuckerberg, cậu sinh viên năm thứ hai Đại học Harvard tạo ra một trang web với tên gọi Facemash, đăng tải hình ảnh của các sinh viên, cho phép họ bầu chọn sự hấp dẫn của các bạn cùng lớp. Vì việc này, Zuckerberg bị buộc tội xâm nhập vào máy chủ trường để truy cập hình ảnh của học sinh. Trang web nhanh chóng bị đóng cửa dưới áp lực của các quản trị viên Harvard.

Một thời gian ngắn sau đó, Zuckerberg cùng với những người bạn là Dustin Moskovitz, Chris Hughes và Eduardo Saveri đồng sáng lập mạng Facebook. Sau này, chủ đề gây nhiều tranh cãi “ai là người sáng lập viên thực sự của Facebook” nổ ra giữa Zuckerberg và những người bạn cùng lớp. Cuối cùng, họ cũng đạt được thỏa thuận với nhau vào năm 2008.

Tháng 10-2005: Tạo lập Album ảnh trên Facebook.

Phiên bản gốc của Facebook không cho phép người dùng tạo ra các album ảnh hay tag bạn bè trong hình ảnh, tính năng giờ đây trở nên phổ biến và rất được yêu thích trên mạng xã hội này. Facebook phát triển tính năng tạo lập album ảnh với các tùy chọn cho người dùng tải lên không giới hạn số các bức ảnh. Đây là một điều chưa từng có trong các mạng xã hội phổ biến vào thời điểm đó. Ngày nay người dùng Facebook tải lên hơn 350 triệu bức ảnh mỗi ngày.

Tháng 4-2006: Phát triển ứng dụng trên điện thoại di động.

Facebook đã đánh dấu bước thành công của mình với những ứng dụng đầu tiên trên điện thoại di động, giúp người dùng cập nhật trạng thái (status). Sự ra đời của iPhone vào năm 2007 và một ứng dụng Facebook kèm theo trong năm 2008 đã nhanh chóng thay đổi cách người dùng tương tác trên mạng. Giờ đây, phần lớn Facebook được sử dụng trên các thiết bị di động.

Ngày 5-9-2006: Bảng tin (The News Feed) thay đổi cách chia sẻ thông tin của người sử dụng.

Thời gian đầu, Facebook tập trung nhiều vào việc cập nhật hồ sơ của chính người sử dụng hơn là theo dõi những người khác đang làm gì. Năm 2006, News Feed ra đời giúp người sử dụng có thể cập nhật được trạng thái của bạn bè mình, nhắc ngày sinh nhật hay những dữ liệu khác.

Ban đầu, tính năng này không được nhiều người hoan nghênh vì họ cho rằng nó xâm phạm sự riêng tư của người sử dụng. Nhưng Zuckerberg vẫn kiên quyết bảo vệ lập trường giữ lại News Feed và giờ đây có rất nhiều người “nghiện” bấm vào News Feed để xem bạn bè mình đang làm gì, có điều gì mới đang diễn ra trên mạng xã hội.

Ngày 26-9-2006: Mở cửa cho tất cả mọi người.

Chỉ sau khi Facebook ra mắt News Feed, mạng xã hội này đã mở cửa cho bất cứ ai trên mười ba tuổi tham gia. Điều này đã giúp Facebook phát triển với một quy mô lớn chưa từng có.

Tháng 2-2009: Tranh cãi về bảo mật.

Một cuộc tranh luận lớn diễn ra về các tùy chọn về sự riêng tư của người sử dụng. Cuộc tranh luận này diễn ra vô cùng sôi nổi vì có một sự thay đổi trong điều khoản của Facebook ngụ ý rằng công ty có thể giữ toàn bộ các bài viết, hình ảnh hay dữ liệu nói chung của người sử dụng mãi mãi, ngay cả khi họ chấm dứt tài khoản Facebook.

Người dùng phản đối kịch liệt và thậm chí dọa sẽ từ bỏ Facebook. Mạng xã hội này lên tiếng, gọi đây chỉ là một “sự hiểu lầm”, và xoa dịu bằng cách cho phép người dùng bỏ phiếu về những thay đổi trong tương lai với các điều khoản của dịch vụ và chính sách bảo mật.

Ngày 1-10-2010: Trở thành đề tài của màn bạc.

Nổi tiếng, với thời gian Facebook còn trở thành một biểu tượng văn hóa, một đề tài được Hollywood quan tâm. Bộ phim “The social network” (Mạng xã hội) kể lại cuộc hành trình của Facebook, dù bị chỉ trích về một số thông tính không chính xác đã thắng ba giải Oscar (Biên kịch, Dựng phim và Nhạc nền xuất sắc nhất) và thu về hơn 220 triệu USD trên toàn cầu. Thành công của bộ phim đã giúp tên tuổi của Zuckerberg càng lan rộng.

Ngày 9-4-2012: Cuộc mua bán với Instagram.

Đây được coi là cuộc mua bán công nghệ cao đáng chú ý nhất gần đây. Instagram, mạng xã hội chuyên chia sẻ bằng hình ảnh lúc này mới được một tuổi rưỡi và chỉ có mười ba nhân viên. Facebook đã nhìn thấy tiềm năng của Instagram và mua lại với giá 1 tỉ đô. Từ sau cuộc mua bán này, Instagram đã phát triển lên 150 triệu người sử dụng và bắt đầu tạo doanh thu lớn cho Facebook thông qua quảng cáo.

Ngày 18-5-2012: Tham gia Thị trường chứng khoán Phố Wall.

Việc Facebook tham gia Thị trường chứng khoán Phố Wall đã tạo nên một cơn sốt. Nhưng cơn sốt này cũng giảm nhiệt dần khi nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về sự phát triển ổn định của Facebook.

Ngày 31-1-2014: Cổ phiếu Facebook tăng ổn định.

Sau hơn một năm hoạt động kém hiệu trên Thị trường chứng khoán Phố Wall, từ mùa hè năm 2013, cổ phiếu của Facebook đã có sự hồi phục ngoạn mục và có sự đột biến mạnh mẽ trong doanh thu điện thoại di động. Tính đến tháng 1-2014, cổ phiếu của công ty gia tăng ổn định trong nhiều tháng. Với cơ hội tăng trưởng lớn dự kiến sẽ đến từ Instagram và quảng cáo video trong năm nay, khả năng nguồn thu của Facebook sẽ tiếp tục tăng.

Những điều tuyệt vời và tệ hại nhất của Facebook

TUYỆT VỜI

- Kết nối:

Không ai có thể phủ nhận thành tựu này của Facebook. Có biết bao người nhờ Facebook sau bao nhiêu thời gian xa cách đã gặp lại nhau, biết về cuộc sống của nhau và cảm thấy gần gũi hơn rất nhiều. Rồi từ những người bạn mới quen, nhiều người trở thành những người bạn thực sự, chia sẻ sở thích, mối quan tâm hay nhiều người gặp lại người thân của mình sau bao năm thất lạc. Facebook trở thành một công cụ tìm kiếm tuyệt vời.

- Chia sẻ âm nhạc:

Chia sẻ với bạn bè một bài hát hay, với nhiều fan của Facebook, đó là điều tuyệt vời nhất mà mạng xã hội này mang lại. Theo một thống kê của Unruly Media, video ca khúc “On the floor” của Jennifer Lopez và rapper Pitbull với 38 triệu chia sẻ trên Facebook được coi là video được chia sẻ nhiều nhất của mọi thời đại. Trên thực tế, Top 100 những video được chia sẻ trên Facebook phần lớn là những video ca nhạc.

- Chia sẻ những khoảnh khắc quan trọng:

Facebook đã trở thành nơi để mọi người chia sẻ những hình ảnh quan trọng ở mọi nơi, mọi ngõ ngách trên thế giới: sự tàn phá của sóng thần, một người vợ của một người lính nằm bên quan tài chồng trong đám tang... Một trong những hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất của mọi thời đại là hình ảnh của Tổng thống Mỹ Barack Obama ôm đệ nhất phu nhân Michelle Obama ngay sau khi giành chiến thắng vào Nhà Trắng vào năm 2012, với chú thích “Bốn năm nữa”. Hơn nửa triệu người chia sẻ hình ảnh, và hơn bốn triệu ‘thích điều này’.

TỆ HẠI

- Sự bảo mật thông tin:

Max Schrems, một sinh viên ở Vienna (Áo), đồng thời là một nhà hoạt động bảo vệ dữ liệu đã gửi thư tới Facebook, yêu cầu mạng xã hội này cung cấp lại những dữ liệu của mình trong năm 2011. Anh này đã được Facebook gửi tới 1.100 trang dữ liệu. Facebook thậm chí lưu lại những bình luận (comment) mới chỉ được soạn ra những chưa gửi, những bình luận hay ‘status’ sau nhiều lần được chỉnh sửa (edit).

Schems cho rằng, mặc dù mục tiêu ban đầu của Facebook không phải thương mại hóa nhưng mạng xã hội này kiếm bộn tiền nhờ vào hệ thông dữ liệu khổng lồ và quảng cáo.

- Chia sẻ quá nhiều thông tin:

Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew, hơn 36% người sử dụng Facebook không thích khi nhiều người chia sẻ quá nhiều thông tin về bản thân, thậm chí những chi tiết rất vụn vặt trong đời sống, rồi thậm chí mang tính khoe khoang, kiểu như “Chờ đợi ở sân bay thật là mệt mỏi. Chuyến đi mười ngày tới Châu Âu bắt đầu chán như con gián thế này sao?”.

Ở Châu Âu, có thời gian, người ta cảnh báo về những thông tin chia sẻ trên Facebook. Bạn không biết rằng khi bạn đăng tải một status mà bạn nghĩ rằng chỉ để kể lể với bạn bè như “Lên đường nào, hai tuần khám phá Châu Phi. Yeah!” sẽ có thể khiến ngôi nhà của bạn trở thành mồi ngon cho bọn đạo chích.

- Quá nhiều ảnh trẻ em:

Vẫn theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew, 57% người dùng Facebook cực lực phản đối việc những người khác đăng tải các bức ảnh của con cái họ. Tất nhiên cũng có nhiều người cho rằng chẳng có gì nghiêm trọng khi chia sẻ những bước đi chập chững đầu đời của con mình hay những hành động ngộ nghĩnh của con khi đang ăn uống. Họ không nhận thức được rằng họ đang đăng tải những bức ảnh của con mình ra một diễn đàn công cộng, nhiều hình ảnh chẳng lấy gì làm hay ho trong khi con cái họ còn quá nhỏ để phản đối lại điều đó.

- Tốn thời gian:

Với nhiều người, Facebook đã trở thành một cơn nghiện, một cơn nghiện dễ lây lan. Người ta mê mải với Facebook và thậm chí cảm giác không thể sống được nếu thiếu nó. Một thực tế là, dùng Facebook cực kỳ tốn thời gian. Một số thống kê cho rằng thời gian trung bình cho mỗi người sử dụng khi vào Facebook là 20 phút, hay nói cách khác là 5 ngày liền một năm. Liệu có khi nào bạn tự hỏi mình, thời gian đó có đáng giá hay không?

Tác giả bài viết: Hoài Vũ (tổng hợp), từ Burgshwalbach (CHLB Ðức)