Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHÂN DUNG NHỮNG ÔNG THÀY... QUÁI TÍNH

(NCTG) Từ xưa đến nay, Việt Nam ta vẫn giữ được truyền thống tôn sư trọng đạo, người thày có vị trí thật cao cả trong suy nghĩ của tất cả mọi người. "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", rồi thì "không thày đố mày làm nên"..., điều đó dường như đã ăn sâu vào tâm khảm của mọi thế hệ học trò... Thế nhưng...

Hình chỉ mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Phải, vẫn phải có một từ "nhưng" xen vào giữa cái điều tưởng chừng đã trở thành chân lý muôn đời ấy! Cạnh đa số những người thày đức độ, luôn sống theo đúng lương tâm người thày giáo, thì chúng tôi - những người vừa rời cổng trường cấp Ba - đến nay vẫn chưa hết ám ảnh về những người thày... không bao giờ đáng được gọi là thày...

NHỮNG ÔNG THÀY THÍCH... THẢ DÊ

* Chuyện thứ nhất

Vâng, thời buổi này cứ ra ngoài đường, nhất là những nơi vắng vẻ một chút, thưa người một chút thì thế nào bạn gái cũng được gặp mấy "con dê mặt người" xuất hiện dưới đủ mọi hình thức, bất kể ban ngày hay ban đêm. Nhẹ nhàng thì "Xe ôm không em?", ghê hơn một chút thì lẽo đẽo theo sau, buông lời cợt nhả thô thiển, rồi thì trăm thứ trò mèo mỡ khác. Cứ tưởng chỉ có ra ngoài đường, những thành phần như vậy mới có "đất dụng võ", nhưng thật sự chúng tôi còn được vinh dự gặp hiện thân của những "con dê" ấy ngay trong mái trường, đó là những người mà chúng tôi vẫn luôn phải kính cẩn gọi là thày.

Chuyện cũng xảy ra cách đây đã 4 năm, khi tôi mới chân ướt chân ráo vào cấp Ba của một trường "chuyên" nổi tiếng. Trước khi vào tôi đã nghe "tiếng tăm" của thày bí thư Đoàn trường tên là S., dạy bộ môn Toán (mà tất cả đều gọi là "S. dê"), nhưng vì không học thày nên tôi không để ý lắm. Những chuyện kiểu như nâng điểm cho mấy cô bé xinh xinh, chuyện đi qua đi lại trong sân trường, thấy cô bé nào mặc áo cổ hơi rộng một chút mà vô tình cúi xuống là... supersoi tới bến, chuyện thấy một cô bé bị mất một nút áo ở cổ, thày đến... kéo nhẹ cổ áo và nói "Nút áo đâu rồi em?", chuyện gọi học sinh nữ vào phòng làm việc và đóng cửa lại cùng ụ nhiều chuyện kinh khủng hơn khác, tôi cứ tưởng chỉ là tin đồn nhảm. Ai dè, đến một ngày tôi trở thành nạn nhân tiếp theo của ông thày quý hóa này.

Thời gian đó, chúng tôi chuẩn bị thi hết học kỳ 2, tôi nghĩ đến việc phải đi "phụ đạo" thêm một chút về môn Toán, dân chuyên Văn chúng tôi thường rất sao nhãng bộ môn này. Và thế là tôi lò dò đến xin học nhà thày, lúc ấy lớp học thêm này đã mở từ đầu năm. Tôi vào học và cũng chỉ quan tâm đến học chứ chẳng chú ý gì đến thái độ của thày, chỉ thấy một đứa bạn bảo: "Này, hình như ông ấy đang "tăm" bà đấy, cẩn thận nhé". Trời đất, tôi cũng chẳng biết phải cẩn thận thế nào, nhưng từ hôm ấy tôi để ý thấy ông thày này cũng hay chú ý đến mình, hay gọi lên trả lời và không bao giờ cáu gắt khi tôi làm sai (những đứa khác mà làm sai thì... biết nhau liền). Nhưng cũng chỉ có như thế, không hơn, cho nên tôi cũng không để ý lắm, cho rằng thày ưu tiên vì mình nhập học trễ nhất trong lớp nên mới vậy.

Cho đến một ngày, thày nhờ tôi chiều hôm sau lên trường làm giúp thày hồ sơ đoàn viên cho mấy anh chị lớp 12. Cũng có chút nghi ngờ, nhưng thày nhờ chẳng lẽ lại không làm, nên tôi đành mang theo một cục cảnh giác to tướng khi làm "nhiệm vụ vĩ đại" ấy giùm thày.

Chiều hôm sau tôi đến trường, thày đưa cho một núi hồ sơ và nhờ tôi liệt kê giùm thày vào danh sách. Tôi đang làm thì thày ra phía trước bàn ngồi nhìn tôi chằm chằm làm tôi tái mặt. Sau đó thày nhìn chiếc nhẫn trên tay tôi và nói: "Nhẫn mới đẹp quá nhỉ? Hôm nay mới thấy em đeo phải không? Ai tặng em thế, cho thày coi chút nhé". Và liền đó ổng cầm chặt lấy tay tôi, tôi run bắn người giựt tay lại thì ông bảo: "Em có thích xem bói chỉ tay không? Để thày xem cho nhé". Tôi lắp bắp: "K...h...ô...n...g!" và thấy tim đập thình thịch. Vừa lúc ấy có một cô giáo nào trên văn phòng gọi thày nên thày phải ra ngoài, thừa cơ hội đó, chẳng còn phải suy nghĩ gì nữa, tôi ngay lập tức bỏ về để lại núi "công việc" còn dang dở, bởi không biết nếu mình ở lại thì sẽ còn chuyện gì xảy ra tiếp theo.

Hôm sau tôi vẫn tiếp tục đi học thêm mặc dù rất sợ thày, nhưng vì đó là phần bài quan trọng nên tôi không muốn bỏ. Cuối giờ thày kêu tôi ở lại "có việc", vốn đã nghe tới "chiêu thức" này của thày quá nhiều với những học sinh trước nên tôi lập tức từ chối và bỏ luôn lớp học thêm này.

Được biết, sau tôi, còn có rất nhiều cô bé xinh xắn được thày "giao việc" như vậy và ai cũng rất sợ, nhưng không dám phản ánh lên nhà trường. Đó là lý do vì sao nhiều năm liền, có những cô bé lớp Văn không biết gì về Toán của trường tôi lại có điểm phẩy Toán cao ngút trời ông địa (nhiều khi là chín phẩy mấy, hơn cả dân chuyên Toán và thường xuyên "bị" thày tặng quà vào cả dịp sinh nhật lẫn Valentine, dù thày đã có vợ và một cô con gái lớn).

* Chuyện thứ hai

Cũng lại là chuyện ở lớp học thêm, và cũng là năm lớp Mười. Dù thi đại học khối D, chẳng liên quan gì tới Lý - Hóa nhưng tôi vẫn đăng ký đi học thêm Hóa ở một lớp luyện thi đại học vì đây là môn tôi rất thích. Tôi học một thày giáo đã về hưu, tên Ch. Hôm đầu tiên, thấy tôi nói học chuyên Văn, thày có ý định không nhận, nhưng sau khi cho tôi làm một số bài hơi khó nhằn một chút, thấy tôi giải ngon lành, thày cũng đồng ý cho vào học và nghiễm nhiên tôi trở thành đối tượng được thày chú ý.

Một hôm, lúc giải lao giữa giờ, thày bảo tôi đi theo thày vì thày có mấy cuốn sách mới hay lắm. Tôi chưa nghe "tiếng tăm" gì về thày, hơn nữa lại thấy thày đã lớn tuổi, chắc không đến nỗi "có vấn đề" với đứa học trò chỉ đáng tuổi con cháu mình, nên tôi cũng ngoan ngoãn đi theo. Thầy gọi tôi vào phòng, lấy ra mấy cuốn sách và chiếc máy tính Fx 500, kêu sẽ chỉ tôi làm một số bài khó bằng máy tính. Kết quả là tôi cầm máy, đang làm theo hướng dẫn của thày thì thày nắm lấy tay tôi chỉ bảo như người lớn dạy đứa bé lần đầu viết chữ. Sự đề phòng cộng với chút kinh nghiệm từ lần trước, tôi đứng bật dậy chạy ra ngoài ngay khi nghe ông ấy nói rằng để ông ra đóng cửa lại bảo cho đỡ ồn. Tất nhiên, đó cũng là buổi học cuối cùng của tôi ở cái lớp học thêm kinh hoàng ấy.

Sau đó thì tôi được biết cũng với "chiêu thức" này, ông đã khiến cho bao nhiêu cô bé học trò sợ khiếp vía, may mà chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.

VÀ NHỮNG ÔNG THÀY... ĐÁNG SỢ

* Chuyện thứ nhất

Trường tôi có thày giáo ưu tú tên là C. dạy bộ môn Sử, thày không dạy tôi nhưng nhà ở ngay liền bên cạnh nhà tôi, và bạn bè tôi học thày khá đông nên những chuyện về thày tôi được cập nhật khá nhiều.

Nếu đến đây vào mỗi buổi mà thày không có giờ trên lớp, chắc chắn ai cũng kinh hoàng vì mật độ xe đạp gửi trước cửa nhà thày. Vâng, học trò của thày đến học thêm đấy mà, không phải chỉ có ai thi khối C mới đến "thỉnh giáo" thày đâu mà tất tần tật, dân chuyên Toán - Lý - Hóa - Sinh... trường tôi đều vẫn hàng ngày lóc cóc đạp xe đến tu luyện tại nhà thày. Nhìn thế ai cũng tuởng học trò ngày nay ham tìm hiểu nguồn cội cha ông quá đi mất! Nhưng... nếu không đến học thì sao? Tất nhiên là bạn đừng mơ mộng đến con điểm 5 ở lớp mà với dân chuyên, điểm phẩy không chỉ có ý nghĩa quan trọng cuối năm mà còn liên quan đến việc xếp loại bằng cấp tốt nghiệp, đến việc đi thi học sinh giỏi quốc gia để vào thẳng đại học nữa chứ. Thế là tất cả đều phải đi học, không có tiền thì ráng chạy vạy tiền mà nộp, ai không muốn mất thời gian là có thể đóng tiền rồi về nhà, không sao, thày chẳng nói gì. Còn chuyện bài kiểm tra ư? Đã đi học thêm thày thì... chuyện nhỏ thôi, tôi biết đã có cậu bạn láu lỉnh thử chép nguyên xi một... bài hát vào giữa bài kiểm tra một tiết, vẫn 8 điểm như thường? Chuyện đùa? Không đùa đâu bạn ạ, vì thày có đọc đâu, bài kiểm tra thày cũng chẳng mấy khi trả, vì thế lâu lâu tôi - vốn là hàng xóm của thày - lại thấy thày mang bài kiểm tra của học trò ra... cân kí-lô cho mấy bà ve chai quý hóa.

Biết bao thế hệ học trò đã kiến nghị về thày nhưng vẫn chỉ là nước đổ lá khoai, thày vẫn cứ giảng dạy, trò vẫn cứ chịu đựng, đơn giản vì thày là giáo viên ưu tú. Tất cả chỉ còn biết cắn răng chờ thày... về nghỉ hưu mà thôi!

* Chuyện thứ hai

Năm tôi học lớp 11 thì chuyển về một trường gần nhà cho tiện việc học hành. Trường tôi có một thày hiệu trưởng tuyệt vời, một thày hiệu phó hiền và rất thương yêu học sinh. Nhưng ngần ấy cũng không đủ để mang lại cho tôi ấn tượng đẹp đẽ về những năm tháng cắp sách cuối cùng, trước khi bước chân vào giảng đường đại học. Vì tôi lại được gặp một thày giáo... không giống ai!

Thày tên B., phụ trách bộ môn Hóa của lớp tôi. Thầy còn trẻ, dưới 30 tuổi, nhưng nói tục thì kinh nghiệm chắc phải đến... 300 năm. Tôi là một trong số những học sinh ít ỏi may mắn được thày ưu ái xưng "thày", gọi "em", còn lại thì tất cả thày đều dùng "mày", "tao" hết. Thật không hiểu nổi thày "thanh lọc" ở đâu ra bằng ấy ngôn từ khủng khiếp mà không cuốn từ điển nào dám cập nhật. Ai không làm được bài, nhẹ nhàng thì thày bảo "ngu như chó", hay "đồ đầu bò, mày ăn cái gì mà ngu thế?"; hơn một chút thì "Nhìn vậy mà ngu, con trâu nó còn giỏi hơn mày nữa. Con trâu nó còn biết tìm cỏ ngon nó ăn, còn tụi bay cứ thấy phân là cắm đầu vào mà húp, không biết gì hết trơn". Như thế vẫn còn đỡ, vẫn nhẹ nhàng chán so với thói quen thích mang ba mẹ, tổ tiên, họ hàng của học trò ra mà réo, nào là "Ba má tụi bay ngu nên đẻ ra tụi bay cũng ngu nốt", hay "Trời ơi, cái giống nhà nó là giống gì mà nói mãi không hiểu, về xem lại tổ tông nhà em xem có phải là người không?"

Đó chỉ là những câu nhẹ nhàng nhất mà tôi xin trích ra ở đây, còn những câu không thể đưa lên mặt báo nữa thì... miễn bình luận. Mỗi giờ học của thày đối với chúng tôi như một cực hình, không chỉ là cực hình với những người học yếu, mà với những người học khá giỏi cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Thế nhưng vẫn chẳng có ai dám phản ánh lên, đơn giản vì sợ bị trù dập. Muôn đời học trò ai cũng sợ bị "trù", ai cũng sợ bị đánh vào điểm học tập.

* Chuyện thứ ba

Chuyện này là chuyện của cô bạn tôi, tên M., hồi cấp Ba học trường V - Đ. Cô nàng kể rằng hồi đó trong trường có thày giáo tên H., là giáo viên giỏi cấp Quốc gia môn Sinh.Thầy sống trong khu nội trú dành cho giáo viên ở ngay phía sau trường. Mỗi ngày thày đều kêu mấy em học trò nữ xinh xắn đến nhà thày chơi, nói là chơi nhưng thực chất là đến để dọn dẹp nhà cửa, và... giặt giũ giùm thày. Nếu đến thì thày sẽ nâng điểm, sẽ ưu ái đủ thứ, còn không đến thì khỏi nói, sấm sét lúc nào cũng sẵn sàng đánh trúng vào những học trò ương ngạnh , "không-biết-nghe-lời-thày".

Chuyện thật như bịa phải không bạn!!!

*

Vâng, đó chính là chân dung của một vài con người mà chúng tôi từng buộc phải gọi là "thày". Rời khỏi mái trường cấp Ba mà những ấn tượng tồi tệ ấy vẫn đi theo chúng tôi như một nỗi ám ảnh không thể nào quên.

Là học trò, biết nói ra những điều như trên có lẽ không phải đạo, nhưng để trong lòng thì thật khó chịu và bức xúc. Bởi tôi biết, những người thày như vậy đang dần trở thành những con sâu bỏ rầu nồi canh, đang làm tha hóa sự cao quý vốn có ở lương tâm người thày giáo mà chúng tôi vẫn luôn coi trọng, tôn thờ...

Tác giả bài viết: Trúc Quỳnh, Sài Gòn 16-1-2005