CHA MẸ VÀ TẾT QUÊ
- Thứ sáu - 09/02/2007 21:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống buôn bán. Vào những năm 60, khi đất nước còn chìm trong khó nghèo thì gia đình tôi vẫn thuộc diện khá giả nhờ vào nghề mộc của bố và tài đảm đang, thu vén khéo léo của mẹ. Hồi ấy, vì bận buôn bán làm ăn nên cha mẹ thuê riêng hai người vú chuyên việc trông nom, nuôi nấng chị em tôi. Vậy là, cùng với sự lo lắng của ba người phụ nữ, chúng tôi lớn dần lên trong hòa thuận, đầm ấm, suốt ngày ngôi nhà thân thương chỉ tràn ngập tiếng nói cười.
Nhưng chẳng được bao lâu thì chiến tranh ập tới, quê hương bị bom đạn hủy diệt. Không thể buôn bán, cha mẹ tôi xin vào làm trong nhà máy sản xuất xì dầu. Hàng ngày, cha mẹ tôi vẫn lội trong mưa bom, bão đạn, từ nơi sơ tán trở về thị xã làm việc để nuôi sống cả gia đình cho tới khi hợp tác xã chính thức chuyển tới nơi sơ tán…
Thật diệu kỳ, cho tới tận bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi sức mạnh nào đã giúp cha mẹ tôi có thể nuôi đươc bảy anh chị em chúng tôi trong những năm chiến tranh ác liệt ấy. Trẻ con nào biết gì đâu, cứ vô tư chạy nhảy trong khi cha mẹ oằn lưng kiếm sống…
Công việc của cha mẹ vất vả không sao kể xiết. Khi xí nghiệp không có việc làm, cha mẹ tôi phải làm đủ nghề để có thể nuôi đươc cả nhà. Tôi còn nhớ như in hình ảnh cha mẹ đầm đìa mồ hôi, phải oằn lưng vác những bao xi măng, rồi nhào trộn làm ngói. Tôi thật sự thán phục mẹ khi nhớ lại rằng khi chưa lập gia đình, mẹ tôi là một tiểu thư đài con nhà địa chủ. Chưa bao giờ mẹ tôi phải đụng tới những công việc chân tay nặng nhọc, mà chỉ ngày ngày học chữ, học may vá, thêu thùa. Giờ thì chiếc áo màu nâu luôn ướt đẫm mồ hôi, đôi vai gầy luôn oằn theo sức nặng. Vất vả ban ngày là thế, khi chiều tà, mẹ lại cầm dao và đòn gánh đi dọc các bờ đê dài cả mấy cây số để chặt những cây khô gánh về phơi làm củi để đun bếp, nấu cơm…
Tôi cũng nhớ hình ảnh khi thỉnh thoảng mua được chiếc bánh ngon, mẹ cẩn thận cắt làm 9 phần để cả nhà cùng ăn, nhưng mẹ chỉ cắt cho bản thân phần nhỏ nhất… Ngày Tết Nguyên Đán hàng năm, dù khó khăn thế nào, cha mẹ cũng mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới, một đôi dép mới. Bữa tiệc Tết của gia đình thì cực kỳ đầy đủ, tươm tất đúng theo nghi lễ truyền thống với “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu ngày Tết, bánh chưng xanh”. Sáng mùng Một, chúng tôi quần áo xúng xính dậy thật sớm, ra phòng khách đứng xếp hàng chờ đợi được bỏ vào heo đất những đồng tiền lì xì mới keng, thơm phức do cha mẹ dành dụm cả năm trời.
"Nhớ đến cồn cào, da diết cái Têt quê..."
Chiến tranh rồi cũng qua đi, cuộc sống dần ổn định, chúng tôi đều trưởng thành từ những bữa cơm độn khoai sắn, bo bo ấy… Năm 1980, vào mùa mưa lũ, người anh trai thứ ba của tôi vì cứu một cô gái xa lạ bị té sông mà ra đi mãi mãi. Nhìn cha mẹ vật vã, đớn đau, ngất lên ngất xuống, chúng tôi dù đã khóc hết nước mắt vẫn không thể cầm lòng. Hai mươi bảy năm đã qua đi, đôi khi tôi thấy cha mẹ ngồi lặng lẽ khóc thầm vì nhớ anh tôi. Cha mẹ cũng như chúng tôi, cho đến nay không thể tin là mình đã vĩnh viễn mất đi một trong những người thương yêu nhất trên đời. Và riêng tôi vẫn không thể nguôi ngoai nỗi day dứt khi lần cuối găp anh trên đường, tôi đã đi vội vã đến mức không chào anh một tiếng khi anh ôm cây đàn guitar lững thững đi ngược chiều. Ngày ấy anh trai tôi nổi tiếng đẹp trai, hào hoa, phong nhã và học rất giỏi. Khi mất anh chưa hề lập gia đình. Tới ngày giỗ anh hàng năm, mẹ tôi thường làm những món ăn sinh thời anh yêu thích, mẹ thầm thì nói với anh rất nhiều, như thể anh tôi vẫn còn ở đâu đây…
Cha tôi giờ đã già, còn mẹ cũng đã 77 tuổi. Dáng người cao gầy, mái tóc bạc phơ nhưng mẹ rất hay cười và minh mẫn. Các con tôi nói ngoại đẹp như bà tiên, cứ lúc rảnh lại đòi về thăm ngoại. Riêng tôi luôn phấp phỏng lo âu, Nam - Bắc xa xôi hàng ngàn cây số, cuộc sống mới chỉ bắt đầu ổn định nên mỗi năm tôi chỉ có thể về thăm cha mẹ một lần. Dù luôn nhớ mong tôi nhưng cha mẹ lúc nào cũng nói: “Gọi điện thoại về cho mẹ là được rồi, về ít thôi, để thời gian tập trung mà buôn bán làm ăn con ạ”.
Thật lòng tôi rất sợ những cuộc điện thoại đêm, những lần chuông điện thoại reo về khuya. Sự bất an luôn thường trực trong tâm trí tôi mỗi khi nhớ tới cha mẹ đang tuổi xế chiều.
Tôi luôn day dứt không yên vì là đứa con được cha mẹ yêu thương nhất nhưng lại làm cha mẹ buồn nhất. Tôi chỉ mang tới cho cha mẹ những âu lo, phiền muộn. Thậm chí bây giờ khi người con gái lớn đã lập gia đình và sinh cho tôi những đứa cháu ngoại bé bỏng, xinh xắn, cha mẹ vẫn không nguôi lo lắng, quan tâm tới từng bước đi của tôi trên đường đời.
Tôi muốn viết cả ngàn trang giấy xin lỗi cha, xin lỗi mẹ, nhưng không thể nào kể xiết. Cha mẹ là bài ca vô tận của tôi về những bài học cuộc sống, về tình yêu bao la, trời biển. Cha mẹ kính yêu ơi, cho dù đi đến đâu trên thế giới này, dù bao nhiêu tuổi đời, con vẫn thấy mình như thưở còn thơ dại, luôn khao khát được về bên cha mẹ để tìm một chốn ấm áp, yên bình nhất.
Lại một mùa xuân mới đang về, gia đình tôi cố gắng sắp xếp để có thể về quê cùng cha mẹ quây quần ăn Tết. Các cháu ngoại của tôi, đứa nào đứa nấy háo hức lắm khi từ nhỏ đến giờ chỉ ăn Tết thành phố, bánh chưng cũng đặt tiệm làm mang đến tận nhà. Tôi lại nhớ những cái Tết Nguyên Đán năm nào, anh em tôi cứ đòi cha mẹ làm cho những chiếc bánh chưng nhỏ xíu, be bé và thay nhau ngồi “chầu chực” bên bếp than hồng và nồi bánh chưng xanh sôi lục bục… Nhớ đến cồn cào, da diết cái Tết quê…