Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CẤP 2 CHU VĂN AN: NHỮNG KÝ ỨC CHỢT NHỚ

(NCTG) Ðược một người bạn cho biết trường cấp 2 Chu Văn An (CVA) đang làm cuốn kỷ yếu và các cựu học sinh có thể tham gia chia sẻ những kỷ niệm của mình, trong lòng tôi lại rộn lên cảm giác bồi hồi, xúc động nhớ trường, nhớ bạn, và qua đó, nhớ cả về một thời đã rất xa, nhưng vô số ký ức vẫn đọng lại không dễ gì quên được.

Cấp 2 Chu Văn An - Ảnh tư liệu


Có cả 10 năm thời phổ thông gắn bó với ngôi trường CVA, nhưng khoảng thời gian những năm cấp 2 (1978-1981) có một vai trò quan trọng đối với chúng tôi: ấy là lúc chúng tôi gọi là qua tuổi i-tờ để bắt đầu tiếp cận với những kiến thức khoa học tự nhiên và nhân văn. Về tuổi tác, bọn trẻ 10-12 tuổi, bảo là bé thì vẫn bé thật đấy, nhưng đã bắt đầu “ngóng”, bắt chước cách đi đứng, cư xử của một số anh chị nổi bật ở “trường bên” (cấp 3 CVA). Và tâm hồn mỗi đứa trẻ thời ấy thì như những tờ giấy trắng, sẵn sàng tiếp nhận một cách hồn nhiên đủ mọi tác động tích cực cũng như tiêu cực của xã hội...

Thế nên, kỷ niệm thì rất nhiều, chồng chất - có điều, không hiểu sao, đọng lại nhất hình như lại là những mẩu chuyện nghịch ngợm, tếu táo ngoài giờ học.

*

Thuở ấy, dù không thật thường xuyên nhưng thi thoảng, chúng tôi vẫn tiếp nối “truyền thống” của những năm cấp 1, sau buổi học lại rủ nhau ra bơi ngoài Hồ Tây phía sau trường. Ở tuổi mới lớn, chúng tôi thấy hồ rộng mênh mông, có lẽ không kém “Biển hồ” Balaton ở xứ sở tôi hiện đang cư ngụ là bao, chứ không chật hẹp như bây giờ. Có lần, bọn con trai cứ thản nhiên... nude, vùng vẫy dưới nước chả biết ngượng là gì. Một bận chúng tôi còn bị trộm mất hết quần áo (để trên bờ, có đứa trông, mà cậu này lại mải chơi, lơ là, nên để mất ); may mà hôm ấy nghĩ thế nào tôi lại mặc quần đùi khi bơi.

Tất nhiên, ngoài bơi tương đối “lích kích” và mất thời gian thì bọn con trai thường chơi nhiều trò khác như “đồ tượng” ngay trong lớp vào giờ giải lao, hoặc quanh những gốc cây cổ thụ rợp bóng mát trong sân trường; ném ống bơ hay đơn thuần những trò khá “bạo lực” đơn sơ như ngáng nhau hoặc cả lũ “hội đồng tổng cốc” một đứa nào đấy. Có “điều kiện” hơn thì đá bóng - bóng da thời ấy là thứ sang trọng lắm, cả lớp may ra có một trái -, có thể là “gôn tôm” hoặc “đá ma”. Các bạn nữ thì dường như ít trò hơn, chỉ chơi “ù”, “ô ăn quan” hoặc nhảy dây các kiểu.

Ðáng nhớ là lần cả lớp chúng tôi rủ nhau bỏ học đúng mùng Năm Tết, đi gò Đống Đa vãn cảnh. Tưởng có gì hay, hóa ra trên đó đông nghịt, toàn người xem người! Trên đường về, cả bọn lo ngay ngáy vì khi ấy kỷ luật nghiêm lắm, không “lơi là” như sau này. Rốt cục, cả lớp phải viết bản kiểm điểm, nhưng vì “đồng lòng” và có đứa viết hay quá, tràng giang đại hải về “ý nghĩa lịch sử của ngày Quang Trung đại phá quân Thanh” nên cuối cùng được tha, không phải mời phụ huynh học sinh (điều mà đứa nào cũng sợ ghê gớm). Dầu sao cũng hú hồn! Ðối với riêng tôi, đó là buổi trốn học duy nhất thời phổ thông...

Cũng trong thời gian này, dù mới học cấp 2 nhưng đạt danh hiệu học sinh giỏi thì phải, nên tôi được cử sang bên cấp 3 dự lễ kỷ niệm 70 năm trường Bưởi, có các vị lãnh đạo VIP - như bác Phạm Văn Đồng và nhiều người khác - từng là cựu học sinh xuống dự, rất long trọng. Cả danh thủ Cao Cường cũng về đá cho tuyển trường một hiệp, không nhớ là trong trận giao hữu với trường nào; tuy CVA thua 1-0, Cao Cường thì mặc nguyên quần bò đá kiểu tài tử, chỉ chạm bóng vài lần cộng 1 cú vô-lê trượt, nhưng được thấy và được gần thần tượng là đủ để chúng tôi cảm thấy vui sướng mãn nguyện lắm rồi.

Một ấn tượng buồn cười - rất đặc trưng cho “thời bao cấp” ăn uống thiếu thốn dạo ấy - là cũng vào hôm hội trường CVA, còn có căng-tin bán bánh mỳ kẹp thịt (xá xíu) là đồ ăn vương giả hồi đó, chỉ có ở gần Lăng Bác để phục vụ người vào thăm Lăng và nhà Bác... Rồi, đúng giữa lúc bác Đồng phát biểu, thấy tiếng máy bay rầm rầm trên đầu, mọi người đồn có anh phi công nổi tiếng (mà tôi đã quên tên), trước là học sinh của trường, hôm đó không đến dự được nên “bay một vòng ngả cánh chúc mừng trường”. Chả biết thực hư ra sao, nhưng lũ trẻ - đặc biệt là những đứa nghịch ngợm - thì khoái tỉ lắm!

Dưới ngôi trường Chu Văn An của chúng tôi, còn có hệ thống hầm ngầm mà xuất xứ chưa rõ lắm mà hồi cấp 1-2, bọn nhóc chúng tôi thường được nghe kể và nhắc đến với vẻ bí hiểm rõ rệt. Hồi chiến tranh biên giới với Trung Quốc, người ta mới khui lại để nếu cần thì làm nơi trú ẩn cho thày trò. Thấy đồn dưới hầm có những bộ xương xiếc gớm ghiếc, chả biết hư thực ra sao! (Cách đây vài năm, tôi đọc báo thấy bảo lại phát hiện ra một hệ thống hầm ngầm cổ nữa ở trường, tôi không biết có khác hệ cũ không; nghe đâu có lẽ xây thời Pháp thuộc, sâu hơn 2 m, có thể thông đến Núi Nùng ở Bách Thảo).

Năm 1979, tôi mới là một đứa bé 11 tuổi, chả biết gì, đến lớp vẫn hồn nhiên rình lúc cô giáo chưa vào, cùng bạn bè ngồi vắt vẻo trên bàn học và rủ nhau nếu phải đi sơ tán thì cả lũ cùng nhau đăng ký theo trường “cho vui”, đừng đi với gia đình, “buồn lắm”... Trong khi các anh chị lớn hơn thì háo hức và hào hứng với khả năng có thể được đi đào phòng tuyến trên Sông Cầu, như các sinh viên đại học. Ðúng là con trẻ nên suy nghĩ đơn giản, nhìn đâu cũng chỉ nhằm tới cơ hội được thoát khỏi sự “kiềm tỏa”, “quản lý” sát sao của gia đình, để được cùng nhau chơi và làm gì đấy, chứ nào đã hiểu chiến tranh là gì!

Vẫn liên quan tới CVA, cùng thời ấy, một bộ phim dựa theo truyện ngắn “Chân dung người hàng xóm” của một nữ văn sĩ quen biết thời ấy - kể chuyện một Hoa kiều ở Việt Nam gần hết đời, ai cũng nghĩ là người tốt, hóa ra là nội gián cho Tàu...) – cũng được quay rất kịp thời tại nhà Bát Giác trong trường. Bọn trẻ chúng tôi hiếu kỳ kéo đến xem đoàn làm phim ở ngôi nhà cổ - thời ấy bị biến thành nơi nơi để dân tình phóng uế bừa bãi, lộ thiên, rất mất vệ sinh – và khoái chí khi liên tưởng tới những câu chuyện “cảnh giác” ly kỳ, mà nội dung chính yếu là nhìn đâu cũng thấy gián điệp, thám báo Tàu “nằm vùng”.

Nói thêm là những năm ấy, đứa nào trong số chúng tôi cũng nghĩ khu Bát Giác có lẽ có ma thật, vì nghe đâu từng có người tự tử, hay án mạng ở đó. Còn có tin đồn là một cô nữ sinh bị làm nhục ở đấy nữa, nhưng không ai xác minh được...

*

Với cá nhân tôi, con đường đến CVA còn gắn liền với những ký ức tuổi thơ, khi gia đình chúng tôi còn ở gần trường, ở đường Thụy Khuê, ngay sát Hồ Tây, đối diện Sở Xe điện. Đi học lúc đầu thì đi bộ, rồi tập nhảy tàu (có lần ngã bổ chửng, khá đau, nhưng sợ nhất là bị thủng đầu gối quần, về ăn mắng hoài), sau lên cấp 3 mới đi xe đạp. Một lần tôi bị ngã xe đạp, khá đau, ở đoạn trước cửa trường vì đường ray tàu điện chỗ đó nó vòng vèo oái oăm. Bọn trẻ con còn có trò chực sẵn đấy theo dõi và cá cược là ai sẽ ngã - mỗi khi tai nạn xảy ra thì ồ lên cười thích thú, có đứa còn vỗ tay.

Tàu điện tuyến Bưởi - Bờ Hồ mặc dù chậm hơn rùa, nhưng hiếm hôm nào không trật bánh, kể cả trong tiết trời nóng nực hay mùa đông lạnh giá. Được cái, vận tốc yếu nên tàu có bắn khỏi đường ray cũng không mấy khi gây tai nạn gì đáng kể. Trung bình đợi tàu tránh ở La-pho (gọi theo tên ông Laforge, người Pháp, giám đốc đầu tiên của khu vườm ươm đối diện) độ nửa tiếng, có lúc tiếng rưỡi. Được cái, thời bao cấp, mọi thứ cũng yên ả, người dân đủng đỉnh “ngồi chơi xơi nước”, tránh tàu giở báo “Nhân dân” ra đọc, không mấy ảnh hưởng và cũng ít người tỏ ra bực bội hay có bức xúc gì đáng kể.

Dốc La-pho dẫn từ đường Hoàng Hoa Thám xuống phố Thụy Khuê, bọn tôi khi tan trường thường phóng xe đạp từ trên xuống khá “tít” (mà nghĩ lại cũng khá nguy hiểm), có điều về sau có đứa tinh nghịch (gọi theo ngôn ngữ thời đó là “thằng mất dạy”) hay rải đá cuội và chờ ở dưới chân dốc xem dân tình... thi nhau ngã thì hỉ hả ra mặt. “Biến tướng” của tệ nạn ấy về sau này, có lẽ là trò rải đinh những năm gần đây. Buổi tối đến, ở đó có nhiều cặp trai gái sau khi tình tự ở Bách Thảo, đi dạo hóng mát, ăn chè, phở... “tẩm bổ”; nhưng hồi đó chưa có nạn “mông tặc” như bây giờ nên mọi thứ khá an toàn.

Như đã nói, đối diện dốc La-pho, bên kia đường là khu vườm ươm của Công ty Công viên. Vườn rất rộng, một mặt giáp Hồ Tây, mặt kia sát trường CVA, trồng nhiều cây, hoa... rất đẹp, trong đó có các giống hoa nhập ngoài, đa phần từ Châu Âu. Bọn nhóc chúng tôi hay vào nghịch cây cỏ hay hệ thống tưới nước, bày trò trốn tìm hoặc đơn giản chỉ là chạy chơi mà chưa về nhà ngay. Thỉnh thoảng lại bắt gặp 1-2 cặp nam thanh nữ tú... ôm nhau trong ấy, họ ngượng lắm. Nhưng tra tấn chúng tôi thường xuyên hàng ngày trên đường tới trường lại là cái mùi không lấy gì làm thơm tho của khu vườn.

Vào những dịp bầu cử, khu Ba Ðình hay là nơi bỏ phiếu của các vị lãnh đạo cao cấp: những khi ấy, vườm ươm (là một điểm bỏ phiếu) được trang hoàng đẹp đẽ lắm, cờ xí giăng tấp nập. Bầu không khí cũng rộn ràng từ sáng bởi những chuyến xe cổ động mui trần, trên đó thế nào cũng có một anh đội đầu sư tử múa tưng bừng, một anh làm Ông Ðịa xoa bụng, phe phẩy quạt và một anh thì chiêng chống đinh tai, trong tiếng loa phóng thanh rất rộn ràng. Bọn trẻ chúng tôi đã mấy lần kiên trì chờ đợi để được chiêm ngưỡng ông Trường Chinh ở đây, trong dòng người vẫy cờ hoa đón mừng.

Từ trường đi tiếp dọc một chút, qua vườn hoa Lý Tử Trọng thì có một sân vận động của trường Thể dục Thể thao 10-10 cũ mà bọn con trai chúng tôi hay lên đấy xem các trận thư hùng, và chơi bóng bàn thời đầu cấp 2. Thêm một đoạn ngắn nữa là tới Nhà Văn hóa Ba Ðình (?), có bể bơi Ba Đình nơi chúng tôi thỉnh thoảng được vào, và lớp học vẽ mà tôi và khá nhiều bạn bè theo học khi Hà Nội bắt đầu có các CLB năng khiếu. Riêng tôi, có lần được trường cử đi họp đội viên gương mẫu tại đấy, chả nhớ họp hành những gì nhưng giờ giải lao có vé ăn bánh bao, nhân trứng, thịt băm... ngon vô kể!

Ðấy là những mẩu chuyện thoắt đến khi nghĩ về thuở học trò ở CVA mà tôi nghĩ rằng, không đứa nào trong số chúng tôi, trải qua rồi lại có thể quên được!

*

Ðương nhiên, ba năm trong trường cấp 2 đâu phải chỉ có những phút chơi đùa ngỗ nghịch như thế, mà chúng tôi học cũng ra trò! Tôi nghĩ rằng, CVA của chúng tôi thuở ấy là ngôi trường hội tụ gồm đa phần các bạn chăm học, kiểu “ăn chắc mặc bền”, chí thú, cần cù, có lẽ không phải là trường “sao”, lịch thiệp mọi mặt như Hà Nội - Amsterdam về sau này. Vả chăng, thời ấy, khả năng giải trí, vui chơi cũng rất hiếm hoi, không có là bao, nên lao vào học - đặc biệt là môn Toán rất được nhấn mạnh thời bấy giờ - cũng là “thú vui”, “giải trí” với nhiều bạn.

Thày chủ nhiệm Vũ Quốc Lương của chúng tôi chắc chắn đã để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm sâu đậm trong đám học trò dạo đó. Dáng gày, thanh và cao, khuôn mặt có gì khắc khổ, thày nghiêm khắc nhưng khoan hòa trong cách đối xử với học sinh. Cách thày dạy suy luận, tư duy và trình bày khi giải một bài toán sơ cấp rất rành mạch, chính xác và có thể coi là kinh điển. Trong hoàn cảnh khó khăn về thông tin và các nguồn tham khảo, thày vẫn rất chịu khó thu thập, tìm kiếm các đề toán của nước ngoài (chủ yếu là Liên Xô) cho chúng tôi tham khảo, như một hình thức “thử trí thông minh” của học sinh.

Tuy nhiên, học trò nào dường như cũng hay nhớ cả những kỷ niệm “ngoài giờ giảng dạy” của các thày cô. Riêng với tôi, tôi vẫn nhớ như in một buổi học, sau khi TV Việt Nam chiếu “Những tên cướp biển của thế kỷ 20”, một bộ phim Liên Xô hiếm hoi có những pha quyền cước ngoạn mục thời đó. Vào giờ học, thày đột ngột hỏi “các em hôm qua xem phim có nhớ cú đá ấy không?” và thế là trong cả tiết, thày trò có dịp ôn lại bộ phim còn để lại dư âm trong lòng bọn trẻ chúng tôi, và nhất là về những thế võ, những đường quyền mà con trai đứa nào cũng thích, dù chỉ được nghe... lỏm đâu đó và có khi chưa thấy bao giờ.

Ðiều còn ghi dấu nhất trong ký ức chúng tôi là thời gian đó, Việt Nam thiếu thốn đủ đường và các thày cô hầu như ai cũng nghèo, nhưng tất cả đều sống thanh bạch, bần hàn nhưng rất có tư cách, rất đáng để học sinh kính trọng. Tôi còn nhớ có dịp cùng bạn bè đến thăm nhà thày Lương, cheo leo và trống trải, có lẽ không có một thứ gì đáng giá. Cái thời mà hiếm gia đình nào có được vài bộ quần áo lành không có vết vá, các thày cô đã phải chịu đựng, nỗ lực rất nhiều để mỗi lần lên bục giảng vẫn giữ được hình ảnh đường hoàng, làm gương cho đám trò nhỏ lắm khi ngỗ nghịch, nhưng đa phần là ngoan ấy.

Năm tháng trôi qua, mỗi người một ngả, một phận, không phải lúc nào cũng có dịp tụ tập, hàn huyên chuyện cũ. Hơn hai mươi lăm năm sống xa quê, thi thoảng tranh thủ về thăm nhà trong những ngày phép hạn hẹp, tôi cũng chỉ đủ thời gian gặp gỡ dăm bảy người bạn thân nhất và còn giữ liên lạc được. Thông tin về các thày cô chỉ còn có thể theo dõi qua báo chí, mạng Internet, hoặc đôi lúc qua lời kể của bạn bè. Nhưng những kỷ niệm về một thời đầy gian khó, nhưng chan chứa tình người, tình thày trò, vẫn sống mãi trong chúng tôi như hồi quang về một thời xa vắng, thân thương...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh, Budapest 12-5-2011