CẨM NANG CHỈ DẪN ĐÁNH NGƯỜI CỦA CÔNG AN TRUNG QUỐC
- Thứ bảy - 25/04/2009 20:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mang tựa đề “Thực hành Quản lý Trị an Đô thị”, sách dạy: “Phải để ý, chớ để lại vết máu trên mặt, chớ gây vết thương trên cơ thể đương sự và tại địa điểm hành động, đừng để ai nhìn thấy”. Được ấn hành cho lực lượng bảo vệ trị an với tính chất “Mật – Không phổ biến”, không rõ tại sao một số phần của sách bị phát tán trên mạng Internet, khiến chính quyền Trung Quốc đang phải mở cuộc điều tra, theo tờ “Telegraph”.
„Khi hỏi cung những kẻ khả nghi, phải làm sao để chúng không có một giây ngừng nghỉ”, sách hướng dẫn. Cuốn cẩm nang này cũng khích lệ công an Trung Quốc, khi hành động, đừng bao giờ phải nghĩ đến chuyện những vết thương hoặc hậu quả gây ra có thể lớn thế nào, điều căn bản là phải “biểu thị sự cứng rắn của Nhà nước”.
Theo một người “trong cuộc”, trước nay, những “hướng dẫn thực hành” (ví dụ, đánh người làm sao cho… hợp lý) vẫn được truyền khẩu trong giới công an, nhưng nay thì gần như ai cũng có thể đọc được trong sách.
Sách được xuất bản làm tài liệu tham khảo cho chương trình huấn luyện của các thành viên Phòng Bảo vệ trị an (Zhenkuan, được mở tại các thành phố ở Trung Quốc). Công an các Zhenkuan có nhiệm vụ “thanh toán” tất cả những ai bị giả thiết là gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, hoặc có hành vi bất hợp pháp.
Áp dụng những phương pháp dã man, nhiều khi gây tử vong, những công an Zhenkuan được coi là những kẻ khát máu. Cuối tháng 3-2009, một cuộc biểu tình đã diễn ra khi một học sinh bị thương nặng do công an hành hung. Ba năm trước, một người đàn ông 39 tuổi bị đánh trọng thương, rồi thiệt mạng, tại Thượng Hải. Theo Hãng Thông tấn Tân Hoa Xã, công an Trung Quốc không mấy khi bị truy cứu trách nhiệm vì những hành vi bạo lực “quá lố” của họ.
Dân bán hàng rong trên đường phố Thượng Hải cho biết, họ được nghe nhiều vụ, khi công an Zhenkuan đánh đập dã man những người vô tội. Theo khẳng định của những người kể, giới công an Zhenkuan có về bề ngoài dữ dằn không khác gì bọn lưu manh và trong nội thành, thông thường họ tàn ác hơn nhiều so với khi “thực thi công vụ” ở vùng ngoại ô.
Không phải lúc nào công an cũng đánh đập dân bán hàng, nhưng họ luôn dọa dẫm và thường hay đạp, phá hàng hóa của người bán rong. Một người bán hàng cho biết, cũng không cần sợ giới công an này lắm, vì thực ra dễ dàng đút lót họ. Tuy nhiên, đa số giới bán hàng rong, không còn đường nào khác là phải mưu sinh trên hè phố, thường phẫn uất và có đụng độ lớn với công an mỗi khi hàng hóa của họ bị dẫm đạp…