Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÁI NHÌN CẢNH GIÁC CỦA TRUNG QUỐC VÀO CÁC NƯỚC LÁNG GIỀNG

Theo đánh giá của một chuyên gia về an ninh châu Á người Trung Quốc, thì tình trạng an ninh của nước này đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất; tuy nhiên, tất cả các nước trong khu vực (trong đó có Việt Nam) đều là “các yếu tố chính đe dọa an ninh Trung Quốc”, và do vậy Trung Quốc phải không ngừng theo đuổi các dự tính an ninh mới.

Các thế hệ lãnh tụ Trung Quốc luôn có quan điểm coi những nước láng giềng và có liên quan là những "kẻ thù tiềm ẩn"

Những diễn biến gần đây trong tranh chấp lãnh thổ tại Đông Nam Á - đặc biệt là đụng độ Mỹ - Trung trên biển ngày 10-3 - khiến vấn đề an ninh trong khu vực trở nên nóng bỏng. Trong bối cảnh ấy, không thể không quan tâm đến việc, Trung Quốc, một cường quốc trong vùng, quan niệm ra sao về vấn đề an ninh của họ.

Mới đây, TS Chu Thụy Sâm (Zhu Ruichen), chuyên gia nghiên cứu về an ninh Châu Á và kỹ thuật quân sự, đồng thời là Phó Tùy viên Quân sự và Không quân ĐSQ Trung Quốc tại Budapest, đã có bài viết phân tích tình trạng an ninh hiện tại và chính sách an ninh của CHND Trung Hoa, đăng trên Chuyên san An ninh và Quân sự của Đại học Quốc phòng Zrinyi Miklós (Hungary), nơi tác giả bảo vệ luận án tiến sĩ.

Tác giả bài viết trên vừa là một chuyên gia an ninh, lại vừa là quan chức ngoại giao, nên bài viết của ông - bên cạnh tính "chính thống" - có thể có cái nhìn rộng hơn, và "mềm" hơn của các học giả khác.

Một điều chắc chắn, bài viết cho thấy Trung Quốc ý thức được về vị thế "thượng phong" hiện tại của họ trong vùng và trên thế giới, khi ngành ngoại giao của họ đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận trong những năm gần đây. Và như thế, có lẽ chưa bao giờ Trung Quốc ít bị đe dọa về an ninh như bây giờ.

Nhất là trong hoàn cảnh do phải đối phó với chủ nghĩa khủng bố và vướng vào những cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan sau mốc 11-9, Hoa Kỳ đã giảm đáng kể sức ép quân sự lên Trung Quốc. Cạnh đó, Đài Loan cũng không còn thái độ chống đối Đại lục như thời kỳ trước.

Nhưng Trung Quốc lại vẫn giữ cái nhìn cũ khi coi tất cả những quốc gia có liên quan đến họ, nhất là các nước láng giềng, là "những yếu tố chính đe dọa an ninh Trung Quốc". Việc nước này có ý đồ chinh phục lãnh thổ của kẻ khác, nhưng luôn coi kẻ khác là kẻ thù tiềm ẩn, là điều khiến chúng ta cần lưu tâm và suy ngẫm để có được những phương sách thích hợp trong an ninh quốc phòng (ND).

*

TÌNH TRẠNG AN NINH HIỆN TẠI VÀ CHÍNH SÁCH AN NINH CỦA CHND TRUNG HOA

CHND Trung Hoa nằm ở phần giữa vùng Viễn Đông. Diện tích trên đất liền của nước này là 9,6 triệu km2, chiếm 6,4% diện tích đất liền của thế giới, và là quốc gia có diện tích lớn thứ ba thế giới. Biên giới trên đất liền của CHND Trung Hoa dài 22,8 ngàn km, và bao quanh 15 nước: Bắc Hàn, Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan, Ân Độ, Nepal, Sikkim (1), Bhutan, Burma, Lào, Việt Nam. Bờ biển của Trung Quốc dài 18 ngàn km, qua biển vào hướng Đông và Đông Nam chúng ta sẽ gặp Nam Hàn, Nhật Bản, Philippines, Brunei, Malaysia và Indonesia.

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới: cư dân nước này, vào ngày 6-1-2005, là 1,3 tỉ. Con số này không bao hàm số cư dân Trung Quốc sống tại tỉnh Đài Loan, tại Hồng Kông và Macao.

* Tình trạng an ninh hiện tại của Trung Quốc

Xét trên phương diện địa chính trị, về mặt lịch sử, tình trạng an ninh hiện tại của Trung Quốc đã tới thời kỳ tốt đẹp nhất.

- Từ phía Bắc: Nga, nước láng giềng lớn nhất của Trung Quốc, nằm ở phía Bắc CHND Trung Hoa. Ngày 14-10-2004, ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh và ngoại trưởng Nga Lavrov đã ký kết tại Bắc Kinh "Thỏa thuận bổ sung liên quan tới biên giới phía Đông giữa CHND Trung Hoa và Liên bang Nga". Điều này có nghĩa là đoạn biên giới Trung - Nga dài 4.300 km đã được đưa vào ổn định. Đồng thời, trong những năm gần đây, những cuộc hội kiến cấp nhà nước giữa hai quốc gia đã diễn ra rất dày đặc. Càng ngày, sự hợp tác, đối thoại giữa hai nước trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, trong vấn đề an ninh khu vực, tại LHQ và những tổ chức quốc tế khác ngày càng được củng cố.

- Từ phía Tây: Trên cơ sở "Nhóm Thượng Hải 5", năm 2001, "Tổ chức Hợp tác Thượng Hải" được thành lập giữa Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Từ thời điểm đó, tổ chức này đã phát triển tốt đẹp trên nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau và đạt được những kết quả trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai, những phần tử cực đoan và để bảo vệ an ninh khu vực.

– Từ phía Nam: Ân Độ, cường quốc vùng Nam Á. Năm 2004, "Tuyên bố về nguyên tắc của mối quan hệ Trung - Ân và về sự hợp tác toàn diện giữa hai nước" đã được ký kết. Ngày 30-11-2004, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã gặp mặt thủ tướng Ân Độ Manmohan Singh tại thủ đô của Lào. Cả hai đều nhận ra rằng trong lịch sử quan hệ Trung - Ân, đây là thời kỳ tốt đẹp nhất.

Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam được bình thường hóa năm 1991. Tháng 19-2004, trong chuyến thăm Việt Nam của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, cả hai bên đều nhất trí sâu sắc với nhau trong việc giải quyết những tranh chấp biên giới và lãnh thổ đã kéo dài từ lâu. Những quốc gia khác ở phía Nam - như Pakistan, Burma, Bhutan, Lào, v.v... - đều là những nước láng giềng có mối quan hệ tốt đẹp truyền thống với Trung Quốc.

– Từ phía Đông: tại đây, tồn tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN mines the Association of South East Asian Nations), diễn đàn trong khu vực ASEAN gồm 23 thành viên, kể cả Trung Quốc. Diễn đàn này hoạt động rất hiệu quả để bảo vệ an ninh trong khu vực. Ngoài ra, nhờ những nỗ lực của Trung Quốc, "đàm phán 6 bên" được ra đời ở vùng Đông Bắc Á đã tạo điều kiện tốt để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn.

Xét trên phương diện những mối quan hệ hiện tại với các cường quốc, tình trạng an ninh hiện tại của Trung Quốc cũng đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất:

- Quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ: sau sự kiện 11-9, hai nước đã tìm thấy những khả năng hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Hiện nay, ngoài những chuyến viếng thăm ở cấp cao nhất (tầm nhà nước), hai nước còn tiến hành đối thoại chuyên môn trong những lĩnh vực như cấm phổ biến, chống khủng bố, hợp tác an ninh quân sự song phương, v.v...

- Quan hệ Trung Quốc - Nga: Các mối "Quan hệ Hợp tác Đối tác Chiến lược" đã được thiết lập giữa hai nước. Ra đời hệ thống những cuộc gặp gỡ và đối thoại cấp cao.

– Quan hệ Trung Quốc - EU: Trong những năm gần đây, mối quan hệ này phát triển bền vững, lâu dài và năng động, và đã đạt đỉnh cao lịch sử.

– Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản: Tháng 10-2003, "Tuyên bố chung về việc tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn" đã được kỳ kết và căn cứ vào đó, sự hợp tác an ninh giữa ba nước đã được thiết lập. Năm 2004, Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến hành hai vòng đàm phán về vấn đề an ninh.

* Những yếu tố chính đe dọa an ninh Trung Quốc

1. Sự thay trong đổi chiến lược của Hoa Kỳ sau "Sự kiện 11-9" và việc củng cố sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á. Sau biến cố đó, hiện tại, các lực lượng quân sự Mỹ đang tiến đến gần Trung Quốc từ hướng Đông, Nam và Tây và gần như bao vây xung quanh Trung Quốc.

2. Với hy vọng trở thành cường quốc chính trị và quân sự trên thế giới, những chính sách nội trị và ngoại giao của Nhật Bản - một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, láng giềng của Trung Quốc - ngày càng trở nên cực đoan.

3. Ân Độ cũng phát triển các vũ khí hạt nhân, nhằm mục đích chiếm quyền lực trong khu vực hoặc trên thế giới.

4. Vấn đề phi vũ khi hạt nhân trong khu vực trở nên gay go hơn, sự tồn tại của vấn đề vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn.

5. Hiềm khích trên đất liền hoặc trên biển xảy ra trong từng dịp giữa Nhật Bản và Nga vì "4 đảo phía Bắc" (2), giữa Trung Quốc và Nhật Bản vì quần đảo Điếu Ngư Đài (Diaoyudao) (3), giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á vì các quần đảo ở Nam Hải, những tranh chấp lãnh thổ giữa các nước Đông Nam Á.

6. Sự gia tăng mạnh mẽ của những nỗ lực độc lập của đảo quốc Đài Loan, sự căng thẳng ngày càng tăng tiến quanh tình hình an ninh eo biển Đài Loan.

7. Cái gọi là "tam quỷ" - chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa thông linh và những hiểm họa cực đoan thường xuyên đe dọa an ninh Trung Quốc. Ở miền Tây Trung Quốc, chủ yếu tại Khu Tự trị Ngô Duy Nhĩ (Uyghur) và Trung Á, tồn tại một nhóm khủng bố mang tên "Đông Thổ Nhĩ Kỳ". Theo những dữ liệu thống kê của Bộ An ninh CHND Trung Hoa, trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, nhóm này đã thực hiện chừng 260 hành vi bạo lực mang tính chất khủng bố, khiến hơn 160 người thiệt mạng và 440 người bị thương. Tại các quốc gia ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nhóm nói trên đã gây gần 100 vụ nổ và giết người.

Những hành vi phạm tội quốc tế - buôn lậu, cướp biển, buôn bán ma túy, rửa tiền, v.v... - diễn ra thường xuyên trong khu vực. Như đã biết, tại biên giới Trung Quốc, Burma và Thái Lan, có một "tam giác vàng", nơi diễn ra hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy.

8. Thử thách xuất phát từ những quá trình toàn cầu của nền kinh tế, ví dụ: sự khan hiếm năng lượng ngày càng trầm trọng.

9. Thiên tai. Tại Trung Quốc, năm nào cũng có những thiên tại như lụt lội, hạn hán, động đất, bão, dịch bệnh, v.v... []

* Những dự tính an ninh mới của Trung Quốc

Mặc dầu có những yếu tố [đe dọa an ninh] như trên, tình trạng an ninh của Trung Quốc rất tốt. Nhờ đâu? Câu trả lời tiềm ẩn trong "Những dự tính an ninh mới", hình thành tại vùng Viễn Đông, và chủ yếu tại Trung Quốc, trong những năm gần đây.

Cơ sở của những toan tính an ninh thời xưa là liên minh quân sự, công cụ của nó là sự củng cố kỹ thuật quân sự và sự chuẩn bị.

Bản chất của những dự tính an ninh mới do Trung Quốc đề xướng là sự tin tưởng lẫn nhau, lợi ích chung, bình đẳng, hợp tác. Bản chất của sự tin tưởng lẫn nhau là vượt qua sự khác biệt giữa các hệ thống ý thức hệ và xã hội, thoát khỏi những tư tưởng thời Chiến tranh lạnh và tham vọng quyền lực chính trị, không ngờ vực và đối đầu nhau. Lợi ích chung nghĩa là, phù hợp với tiến trình toàn cầu, tôn trọng những lợi ích an ninh lẫn nhau, trong quá trình thực hiện những lợi ích an ninh cá nhân, phải tôn trọng những điều kiện an ninh của các bên khác và chung cuộc, thực hiện an ninh chung. Bình đẳng nghĩa là không phụ thuộc và độ lớn và sức mạnh của từng quốc gia, tất cả các quốc gia đều là thành viên của cộng đồng quốc tế, do đó cần tôn trọng lẫn nhau, để từng quốc gia được bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế theo hướng dân chủ. Hợp tác có nghĩa là phải giải quyết các tranh chấp quốc tế một cách hòa bình và theo con đường đối thoại, tăng cường hợp tác trong những vấn đề an ninh vì lợi ích chung, giảm căng thẳng, đề phòng sự nảy sinh chiến tranh hoặc xung đột. Tin tưởng lẫn nhau là cơ sở, lợi ích chung là mục tiêu, bình đẳng là sự đảm bảo, hợp tác là phương pháp.

Có thể nhận thấy rất rõ ràng những dự tính an ninh mới này trong "Tổ chức Hợp tác Thượng Hải".

Tài liệu tham khảo:

1. Lukács Éva, Dr.Galla Endre, Dr.G. Mao Sou-fu, Simon Adrienn, Zhou Dongyao: Kína, NXB Xinxing, 2000.

2. China‘s National Defense in 2004., Information Office of the Steta Council of the People‘s Republic of China., 2004. december.

3. Aldo Borgu: Combating Terrorism in East Asia œ A Framework for Regional Cooperation., A collection of Papers of the International Symposium on International Counter-terrorism Situation and Cooperation, Beijing, China 10-13 may, 2004., China Institute forInternational strategic studies.

4. Li Wei: The Present Threat of Terrorism Facing China and the Countermeasures.,A collection of Papers of the International Symposium on International Counter-terrorism Situation and Cooperation, Beijing, China 10-13 may, 2004., China Institute for International strategic studies.

5. Barry Desker: ASEAN and New Forays in Regional Counter-terrorism Cooperation., A collection of Papers of the International Symposium on International Counter-terrorism Situation and Cooperation, Beijing, China 10-13 may, 2004., China Institute for International strategic studies.

6. Shireen M Mazari: Current situation & Trends of Terrorism in South Asia., A collection of Papers of the International Symposium on International Counter-terrorism Situation and Cooperation, Beijing, China 10-13 may, 2004., China Institute for International strategic studies.

7. Col. Taalaybek Temiraliev: National and Regional Strategy, Activities and Transborder Cooperation of the Kyrgyz Republic in the Field of Fight against International Terrorism.
A collection of Papers of the International Symposium on International Counter-terrorism Situation and Cooperation, Beijing, China 10-13 may, 2004., China Institute for International strategic studies.

8. General Xiong Guangkai: Promote ‚Shanghai Spirit“ and Boost Peace and development, International strategic studies, magazine of China Institute for International strategic studies 2004.4.

9. Xu Sheng: The Current Asia-Pacific Security Situation International strategic studies, magazine of China Institute for International strategic studies 2004.4.

10. Zhang Chengming, Zhang Ge: New Changes of the Situation in South Asia International strategic studies, magazine of China Institute for International strategic studies 2004.4.

11. http://www.china.org.cn

12. http:// news.sohu.com

13. http://www.chinanews.com.cn 

14. http://www.xinhuanet.com

Ghi chú (ND):

(1) Sikkim là một bang của Ấn Độ, việc liệt kê Sikkim như là một trong các quốc gia tiếp giáp Trung Quốc là quan điểm của tác giả Chu Thụy Sâm. 

(2) Các đảo Kunashir, Iturup, Shikotan và Habomai ở vùng cực Nam quần đảo Kuril, được gọi chung là "Lãnh thổ phía Bắc" (Northern Territories), đối tượng tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản sau Đệ nhị Thế chiến. 

(3) Còn gọi là quần đảo Senkaku (Tiêm Các chư đảo), một quần đảo nằm ở phía Bắc đảo Đài Loan. Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư Đài. Tuy hiện nay đang được Nhật Bản cai quản (Nhật coi nó thuộc quần đảo Lưu Cầu – Nansei - của Nhật Bản trên biển Hoa Đông), nhưng quần đảo này vẫn là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản, CHND Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). 

(*) Bài đã đăng trên chuyên san "Tuần Việt Nam" của mạng tin "VietNamNet". Bản trên NCTG là bản gốc.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh giới thiệu và dịch theo nguyên bản tiếng Hungary