CÁI CHẾT CỦA BIN LADEN VÀ VẤN ÐỀ ÁM SÁT CÓ CHỦ ÐÍCH
- Thứ bảy - 07/05/2011 15:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Ngay sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị hạ sát trong chiến dịch truy kích của Hoa Kỳ, một câu hỏi lập tức được đặt ra: tính hợp pháp của hành động ấy đến đâu? Trong bài phân tích đăng trên mạng index.hu ngày 2-5-2011, ký giả Hungary Király András điểm lại một số góc nhìn liên quan đến câu hỏi này.
Theo tuyên bố của Tổng thống Barack Obama, sau 10 năm ẩn náu và sống chui lủi, thủ lĩnh tinh thần của mạng lưới khủng bố al-Qaeda - người mà cho đến những năm gần đây có thể coi là biểu tượng thì đúng hơn là chỉ huy trong thực tế của tổ chức này - đã bị một nhóm đặc nhiệm tinh nhuệ của Hải quân Mỹ hạ sát tại một khu nhà tại thị trấn Abbottabad (Pakistan).
Nhiều chi tiết của sứ mệnh được coi là “một trong những chiến dịch quân sự tuyệt vời nhất trong lịch sử quốc gia” Hoa Kỳ vẫn được giữ kín, tuy nhiên, có thể khẳng định rằng Osama bin Laden đã là nạn nhân của cái gọi là ám sát có chủ đích (tạm dịch từ thuật ngữ targeted killing), một vấn đề gây nhiều tranh cãi và phức hợp xét trên góc độ pháp luật.
“Sẽ còn lắm chuyện”, ký giả Király András nhận xét trong bài viết, ngay sau khi điệp vụ mang tên Geronimo được thực thi.
Ám sát có chủ đích trong công pháp quốc tế
Trong thực tế, Luật Quốc tế không đưa ra những quy định xung quanh vấn đề ám sát có chủ đích, tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, đa số các chuyên gia luật cho rằng có thể chấp nhận hành động này. Chẳng hạn, khi việc bắt sống đối tượng của hành vi ám sát gặp phải nhiều khó khăn.
Một điều kiện khác của sự ám sát có chủ đích là sự tồn tại của chiến sự, và điều này được thỏa mãn vì từ ngày 11-9-2001, Hoa Kỳ đã chính thức tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Tiếp đó, một đòi hỏi khác là cuộc ám sát không vi phạm chủ quyền của quốc gia nơi nó được thực hiện. Ðiều này, thông thường không thể được đảm bảo.
Trong chiến dịch vừa qua, quân đội Pakistan không tham dự và dường như họ cũng không được biết đến điệp vụ của người Mỹ, nhưng Pakistan có chính thức tham gia cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu do Hoa Kỳ khởi xướng - cho dù trong thực tế, mức độ tham gia và sự thành thực của họ vẫn là điều cần đặt dấu hỏi - nên đòi hỏi này, có thể coi là được đáp ứng phần nào.
Những người ủng hộ cho rằng việc áp dụng ám sát là hợp thức, thậm chí, là phương tiện nhân đạo xét trên những góc độ nhất định để giải quyết một số đụng độ. Ngược lại, theo các ý kiến phản đối, hành vi thanh toán các đối thủ theo dạng này vi phạm công pháp quốc tế, bởi lẽ nó tước đi quyền được biện hộ cho mình của nạn nhân, theo thông lệ của các thủ tục pháp luật.
Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, chẳng hạn Ân xá Quốc tế (Amnesty International) giữ quan điểm coi ám sát có chủ đích thực tế là một bản án tử hình được tuyên và thực hiện mà không thông qua thủ tục phiên tòa, và điều này, ngay trong hoàn cảnh thời chiến cũng đi ngược lại công pháp quốc tế hiện hành.
Cố nhiên, các chính phủ - đặc biệt là tại các siêu cường - không mấy khi quan tâm đến ý kiến các nhóm bảo vệ nhân quyền. Dầu vậy, trong một thời gian dài, nước Mỹ đã không sử dụng sự ám sát có chủ đích như một phương pháp hạ thủ kẻ thù. Thậm chí, vào năm 1974, trong thời gian diễn ra vụ bê bối Watergate, Tổng thống Gerald Ford còn ra chỉ thị cấm thực hiện những vụ ám sát có chủ đích.
Nhiều năm sau, vẫn dưới ảnh hưởng của chỉ thị ấy, Tổng thống Bill Clinton đã không thông qua kế hoạch trừ khử kẻ thù của nước Mỹ - thủ lĩnh khủng bố Bin Laden - mặc dù đã có thể có dịp thích hợp. Về sau, ông đã phải gánh chịu rất nhiều lời phê phán vì quan điểm này.
Predator và cuộc chiến chống khủng bố
Tuy nhiên, mốc thời gian 11-9-2001 đã làm thay đổi tất cả: cơ quan mật vụ Mỹ đã thực hiện hàng loạt các vụ ám sát có chủ đích, đa phần bằng phi cơ không người lái, chủ yếu là loại Predator trong chiến sự tại Afghanistan, Pakistan và một số địa điểm “nóng”.
Với những tuyên bố của mình, Tổng thống George W. Bush khiến công luận và thế giới hiểu rằng ông đoạn tuyệt với quan niệm “nhân đạo” trước đây và coi ám sát có chủ đích cũng là một công cụ trong cuộc chiến chống khủng bố. Tháng 11-2002, cuộc ám sát đầu tiên mang tính chất như vậy đã được CIA thực hiện tại vùng sa mạc gần thủ đô Yemen, mà đối tượng là Qaed Salim Sinan al-Harethi.
Ðó là một tên khủng bố khét tiếng của al-Qaeda, chủ mưu vụ đặt bom tại tàu chiến USS Cole vào tháng 10-2000 khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Lệnh ám sát al-Harethi được đưa ra bởi đích thân Tổng thống George W. Bush, và được thực hiện bởi phi cơ không người lái Predator. Một trái hỏa tiễn Hellfire điều khiển từ xa đã bắn trúng chiếc xe có tên khủng bố - trong xe, ngoài y, còn 4 người khác, trong đó có công dân Mỹ Kamal Derwish.
Với thời gian và sự gia tăng của cuộc chiến chống khủng bố, ám sát có chủ đích ngày càng trở nên một công cụ hữu hiệu và hay được Hoa Kỳ sử dụng. Thời gian 2003-2008, đa phần quân đội Mỹ tập trung tại Iraq, nguồn lực dành cho chiến trường Afghanistan không đủ và chính phủ nước này thường xuyên phải đối phó với dư luận trong nước trước những tổn thất về người của quân lực Hoa Kỳ.
Do đó, ngay dưới thời của Tổng thống Bush, thay vì việc tiến hành những chiến dịch đòi hỏi phải đổ bộ quân đội tại những vùng “nhạy cảm”, căn cứ các dữ liệu được tình báo thu thập, Hoa Kỳ thường sử dụng máy bay không người lái Predator để tìm cách tiêu diệt các chiến binh Taliban và sự kháng cự của al-Qaeda.
“Nhả đạn nhanh chóng với bàn tay chắc chắn”
“Tôi không tin vào những cuộc ám sát, nhưng Osama bin Laden đã tuyên chiến với chúng ta, đã sát hại ba ngàn công dân chúng ta. Trong hệ thống luật định hiện tại, và ngay cả trong công pháp quốc tế, nếu có một mục tiêu quân sự như bin Laden, bạn có thể bấm cò. Và nếu bạn chỉ có 20 phút, bạn sẽ phải nhả đạn nhanh chóng với bàn tay chắc chắn” - Barack Obama khẳng định như thế trong một cuộc tranh luận chính trị, tháng 6-2007.
Cố nhiên, khi đó, Obama mới chỉ là một chính khách bình thường, một trong hàng tá ứng viên tổng thống của Ðảng Dân chủ. Có điều, tuyên bố của ông không phải là ngẫu nhiên: tính đến thời điểm đó, lần thứ hai, việc tiêu diệt Osama bin Laden đã trở thành đề tài của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Hơn nửa năm sau, trong những cuộc khẩu chiến giành đường vào Tòa Bạch Ốc, Barack Obama đã bày tỏ quan điểm dứt khoát ủng hộ việc sử dụng Predator, ít nhất cũng vì một trong những chủ đề và hứa hẹn của ông là đưa các quân nhân Mỹ đang chiến đấu ở nước ngoài hồi hương. Dầu vậy, vẫn có nhiều ý kiến phản đối việc dùng máy bay không người lái vì tỉ lệ dân sự bị thiệt mạng là khá cao.
Ngay cả trong trường hợp cơ quan tình báo có thể cung cấp những dữ liệu tức thời về kẻ cần bị trừ khử, khi bắn hỏa tiễn từ Predator, xác suất để nhiều người vô tội bị thiệt mạng vẫn là đáng kể. Ðó là chưa kể đến chuyện, khả năng ấy về kỹ thuật ít khi có thể đạt được trong thực tế, nên những bản tin gây sốc về đám cưới ở Afghanistan, trường sở ở Pakistan bị tan tành bởi Predator vẫn tiếp tục làm nhơ hình ảnh Hoa Kỳ trong mắt công luận các xứ này.
Tuy nhiên, Obama đã đặt lợi ích nước Mỹ lên trên hết và điều dễ hiểu là dùng Predator để theo đuổi chiến tranh thì rẻ tiền và ít gây tổn thất cho quân đội hơn nhiều, so với việc dàn quân đánh trận. Kể từ khi Obama giữ cương vị Tổng thống, đã có 4 thủ lĩnh khủng bố khét tiếng bị thiệt mạng bởi những cuộc tấn công hạ sát bằng tên lửa bắn từ Predator, trong đó có hai kẻ từng thực hiện các vụ nổ bom ở ÐSQ Mỹ năm 1998, một kẻ bị buộc tội tham gia ám sát Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto và một kẻ được coi là lãnh tụ thứ ba của mạng lưới al-Qaeda.
Trường hợp của Osama bin Laden gây nhiều tranh cãi bởi lẽ thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan bị trừ khử bởi một nhóm biệt kích, chứ không phải bằng Predator như trong các vụ khác. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng với sức mạnh áp đảo của lực lượng Navy SEAL, việc bắt sống bin Laden không đến nỗi là bất khả. Theo ký giả Király András, qua dịp này, tính hợp pháp của những vụ ám sát có chủ đích thế nào cũng sẽ được công luận quốc tế đặt lại một lần nữa.