Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÁCH BIỆT XÃ HỘI TĂNG TRƯỞNG DƯỚI NHIỆM KỲ OBAMA

(NCTG) “Về kinh tế xã hội, chính quyền của Obama chỉ tiếp tục chính sách cũ, phục vụ cho tầng lớp được ưu đãi, tăng trưởng nghèo khó và bào mòn giai cấp trung lưu đã làm nên sức mạnh của Hoa Kỳ khiến nơi đây trở thành giấc mơ của thế giới”.
Barack Obama để lại một nước Mỹ mà tại đó, hố sâu giàu, nghèo gia tăng, tầng lớp trung lưu bị bào mòn - Ảnh: Kevin Mamarque (Reuters)
Các thập niên 30-70 của thế kỷ trước được coi là thời kỳ vàng son (Golden Age) của Hoa Kỳ. Trong thời gian này, một giai cấp trung lưu vững mạnh thành hình và Hoa Kỳ trở thành siêu cường thế giới. Sự “quyến rũ” của nước Mỹ đối với thế giới không phải vì đây là một nước sung túc, mà là vì đó là một nơi ai cũng có cuộc sống sung túc và ai cũng bình đẳng về mặt cơ hội. Hình ảnh của nước Mỹ phú cường là nhà nhà có TV, xe con, uống Coca, mọi gia đình đi mua sắm chán chê rồi ăn bánh mì kẹp thịt bò.

Đó không phải là hình ảnh của tỷ phú chơi ngông như hoàng gia vùng Vịnh, hình ảnh của lâu đài phong kiến lộng lẫy vì ta, ở Việt Nam cũng như là ở đâu đó, không thể sang Âu Châu cổ kính để trở thành hoàng tử hay công chúa (trừ Lý‎ Nhã Kỳ ra). Ta cũng không thể sang Dubai, Qatar đua siêu xe với các cậu ấm hay lủng lẳng túi đầm Hermes như các cô chiêu. Ở ngay tại Việt Nam, ta cũng khó mà thành đại gia phố núi. Nhưng giấc mơ Mỹ quốc là giấc mơ của bình đẳng trước cơ hội, là giấc mơ của hợp chủng trung lưu dồi dào, dưới một thể chế được gọi là “dân chủ tư bản”.

Thực chất là xã hội Hoa Kỳ này đang biến thái, từ thập niên 80 trở đi chuyển mình sang chủ nghĩa “Tân tự do” (Neo Liberalism). Cách biệt giàu nghèo tăng dần trở lại, cho dù dưới nhiệm kỳ của tổng thống Dân Chủ hay Cộng Hòa, và giai cấp trung lưu ngày càng teo lại, rơi vào khủng hoảng. Ông Obama được rầm rộ bầu lên với hy vọng đổi mới (“Hope and Change”), khi ra đi để lại về mặt này một tình trạng tệ hại hơn cả tổng thống tiền nhiệm là ông W. Bush! Có nghĩa là hy vọng thì cứ hy vọng đi, chứ đổi mới thì không có và về kinh tế xã hội, chính quyền mới chỉ tiếp tục chính sách cũ, phục vụ cho tầng lớp được ưu đãi, tăng trưởng nghèo khó và bào mòn giai cấp trung lưu đã làm nên sức mạnh của Hoa Kỳ khiến nơi đây trở thành giấc mơ của thế giới.

Bài này chỉ xin tóm lược các biểu đồ trong bài viết của nhà kinh tế John Weeks, cựu giáo sư (emeritus) tại trường SOAS của Đại học London. Các bạn đọc tiếng Anh có thể xem toàn bộ ở đây.

Chỉ số Gini là chỉ số về cách biệt giàu nghèo trong thu nhập được Liên Hiệp Quốc sử dụng (dĩ nhiên, xin nhắc lại là chỉ số nào cũng có những vấn đề của nó). Chỉ số này càng cao thì khác biệt (hố sâu hay là hố nông) thu nhập càng lớn. Bảy năm Obama (chưa có số tổng kết chính thức của 2016), chỉ số này đều đặn tăng trưởng, vượt thời kỳ W. Bush: Nếu năm 2001 là 44,1 thì 2015 là 46,1. Đây gần bắt kịp cách biệt thu nhập tại Trung Quốc là 46,9 vào 2015 (chú thích của tác giả).
 
000
 
Biểu đồ thứ nhì, cũng cho thấy về thu nhập của 20% đầu bảng, thời kỳ Obama “tiến bộ” hơn thời kỳ W. Bush (màu xanh). Trong khi đó 60% thu nhập cuối bảng thì thu nhập thụt lùi. Tức là 20% người giàu nhất nước thu nhập cao lên, trong khi 60% người nghèo nhất thì nghèo thêm (mất phần trong chiếc bánh của tổng số).
 
001
 
Vậy còn giai cấp trung lưu thì sao? Biểu đồ thứ ba cho thấy giai cấp này mất đi một mảng. Màu đỏ ở đây là đường bổng, và màu xanh là đường lương. Đây không so sánh hai thời kỳ W. Bush và Obama mà phác họa tình trạng lương bổng trong thời gian 2007-2014. (Ông Obama nắm quyền từ 2009).

Cột dọc là thay đổi về lương bổng.

Cột ngang là xếp hạng lợi tức theo % (percentile). Phía trái là thành phần thuộc % thu nhập thấp nhất và phía phải là thuộc % thành phần thu nhập cao nhất.

Cách đọc biểu đồ này là, thí dụ, bạn thuộc thành phần 40% thu nhập thấp nhất nước thì trong thời gian 2007-2014, lương bổng của bạn mất 4,3%.

Đây cho thấy, thành phần đầu sổ (72 percentile) trở lên thì tăng bổng lộc trong thời gian này. Thành phần 85 percentile thì được tăng lương.

Tóm lại, biểu đồ của Phòng Thống kê Lao động Hoa Kỳ cho thấy trong 8 năm 2007-2014, người giàu ở mức 20% đứng đầu nước được tăng lương bổng, thành phần hạng 60-80 không có thay đổi, còn thành phần hạng 60 trở xuống càng nghèo thêm, khiến giai cấp trung lưu bị đục khoét và càng bé lại.
 
002

Tác giả bài viết: Đỗ Khiêm