Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Bầu cử tổng thống Nga 2008: MỘT NHIỆM KỲ NỮA CHO PUTIN?

(NCTG) Chủ nhật vừa qua (ngày 2-9), tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về ngày tổ chức cuộc bầu cử Duma Quốc gia (2-12-2007) và đến 4-9-2007, một trong hai chiến dịch vận động tranh cử quan trọng nhất của Liên bang Nga (*) đã chính thức bắt đầu ngay sau khi tờ “Báo Nga” (Rossiyskaya Gazeta) đăng tải sắc lệnh nói trên.

"Putin hay không Putin: vấn đề là ở đó" trong cuộc bầu cử tổng thống Nga sang năm

* CUỘC BẦU CỬ ÍT ĐƯỢC QUAN TÂM

Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga, đến ngày 28-10 sẽ xác định được số chính đảng tham gia tranh cử. Vào thời điểm hiện tại, tại Ủy ban đã có 15 đảng đăng ký tham gia tranh cử. Thời gian trước mắt, các đảng cần phải tiến hành đại hội để xác định được danh sách các ứng cử viên của mình. Theo Luật Bầu cử của Nga, để có thể đăng ký tranh cử, mỗi đảng cần nộp khoản phí tranh cử 60 triệu rúp, hoặc thu thập không dưới 200 ngàn chữ ký của cử tri. Trong ngân quỹ quốc gia năm 2007, số tiền được chi cho quá trình tổ chức bầu cử Duma Quốc gia, dự tính là 4,3 tỉ rúp.

Quả là khó tin nhưng thật sự, cư dân Nga rất ít người quan tâm đến sự kiện này. Theo số liệu của Trung tâm điều tra xã hội Toàn Nga (VTsIOM) cách đây mấy tháng thì cứ 4 người Nga lại có một người không biết rằng vào tháng Mười hai này, mình phải (được?) cầm lá phiếu đi bầu đại biểu Duma. Cuộc điều tra đã được tiến hành với 3 ngàn người ở 153 điểm dân cư khác nhau. Trong số những người được hỏi, rất nhiều người hoàn toàn không có khái niệm về cách thức, trình tự diễn ra các cuộc bầu cử, tóm lại là họ không quan tâm đến việc bầu bán. Thâm chí, còn có những người không biết rõ là từ độ tuổi nào thì công dân Nga mới được quyền bầu cử: từ 16 hay 20 tuổi!

* SỰ SÙNG BÁI PUTIN VÀ NHIỆM KỲ THỨ BA CHO VỊ TỔNG THỐNG ĐƯƠNG NHIỆM?

Song, ngược lại với sự nắm bắt thông tin chính trị mờ nhạt như thế, dân chúng Nga rất sôi nổi khi trả lời câu hỏi về hình ảnh vị tổng thống tương lai của nước Nga năm 2008 trong tương quan so sánh với tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin.

Giám đốc Trung tâm VTsIOM Valerii Phedorov cho biết: ngay sau khi dành được quyền tổ chức Thế vận hội mùa Đông tại Sochi, một cuộc thăm dò dân ý được thực hiện và kết quả là hơn 80% người được hỏi đã bày tỏ lòng tin tưởng đối với người đứng đầu nhà nước Nga hiện nay. Theo ông Phedorov, “dân chúng cho rằng những năm gần đây cuộc sống của họ đã dễ thở hơn trong vòng 15 năm trở lại và họ không muốn nghĩ đến việc Putin sẽ đến lúc phải từ bỏ ngôi vị của mình.

Thêm nữa, đến thời điểm này, cũng chưa một ai trong số các chính khách Nga có khả năng sẽ là người kế nhiệm Putin có được uy tín đối với dân chúng như vị tổng thống đương nhiệm.

Phải nhấn mạnh rằng việc Putin có thể ra tranh cử tổng thống lần thứ ba đã là đề tài được trở đi trở lại rất nhiều lần trên các diễn đàn chính trị. Cuộc điều tra dân ý tháng Tư vừa qua cho thấy gần 70% dân Nga ủng hộ đề nghị của nhiều chính khách về việc sửa đổi Hiến pháp nhằm kéo dài nhiệm kỳ tổng thống.

So với các tổng thống Liên bang Nga trước đây, Putin chừng như đã đem đến cho dân chúng một hình ảnh mới, lãng mạn và đẹp đẽ nhất về một chính khách, thậm chí như cả một biểu tượng về tính dục, điều một bài báo gần đây của NCTG đã nhắc tới. Nhiều người tin rằng Putin là một chính khách có cái đầu lạnh (dĩ nhiên) nhưng có trái tim ấm nóng (**) bởi lẽ ông biết cách nghe và trả lời rất kịp thời những câu hỏi của người dân bình thường nhất. Putin còn tỏ ra lịch lãm, ăn nói sắc sảo, có những nét đẹp rất “đàn ông”... - tóm lại rất nhiều người Nga, kể cả giới trẻ, đã và đang sùng bái Putin, thậm chí poster có hình Putin bán chạy không kém gì hình các ngôi sao ca nhạc đang lên. Nói là cả nước Nga thì hơi thậm xưng, nhưng có lẽ già nửa nước Nga đang sẵn sàng bầu Putin làm tổng thống nhiệm kỳ thứ ba!

Dĩ nhiên, nếu không được như sở nguyện thì cử tri Nga vẫn phải lựa chọn cho mình một “phương án khả dĩ” nhất. Phần lớn người được hỏi đều do dự không đưa ra ý kiến dứt khoát. Theo nhận định của giám đốc Viện nghiên cứu Điều tra Chính trị Quốc tế Yevgeny Michenko thì việc dân chúng khó có thể đưa ra những quyết định về việc lựa chọn người đứng đầu quốc gia trong tương lai một phần do Putin vẫn còn đương nhiệm và ông không tỏ ra là một con người sắp rời bỏ quyền hạn của mình. Tạm thời, khi tổng thống Nga vẫn chưa tiết lộ về lựa chọn riêng của ông về người kế nhiệm thì dân chúng nước này vẫn còn tiếp tục ảo tưởng về một nhiệm kỳ thứ ba của Putin.

Putin là vị chính khách có ngôn ngữ sắc sảo và linh hoạt. Đầu năm 2007, trong cuộc họp báo lớn thường kỳ hàng năm, trả lời câu hỏi: “Ông muốn ai là người kế nhiệm của mình?”, ông đã khôn khéo nói: “Người kế tục sẽ không có, chỉ có một cuộc bầu cử với những ứng cử viên mà chiến thắng phụ thuộc vào sự dân chủ của những công dân Nga…

Theo nhà bình luận Ingo Manntoiphen của tờ báo “Làn sóng Đức” online (Deutsche Welle), câu trả lời ấy của Putin như một mũi tên bắn trúng hai đích. Phát biểu trước 1.200 nhà báo trong nước và nước ngoài, Putin muốn bác bỏ nhận định của phương Tây về một hình ảnh nước Nga phi dân chủ. Thêm nữa, trong thời điểm bấy giờ, sự ủng hộ lộ liễu của ông dành cho một ứng cử viên cụ thể sẽ có ảnh hưởng quá lớn không lành mạnh đến các động thái của quan chức và chính trường nước Nga. Với câu phát biểu khôn ngoan trên, Putin muốn thể hiện là người ủng hộ dân chủ, vừa khẳng định sẽ để ngỏ mọi cánh cửa bước vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 sắp tới, đồng thời, vô hình trung giữ vững hình ảnh dẫn đầu của mình trên chính trường Nga, ít nhất là cho đến khi cuộc tranh cử bắt đầu.

* NHỮNG GƯƠNG MẶT MỚI

Hàng tuần và hàng tháng, Trung tâm Điều tra Xã hội Toàn Nga có những tổng kết về thứ hạng của các chính khách trong đánh giá của cư dân Nga, những người có vẻ nắm trong tay “chìa khóa quyết định” trong việc bầu nên người đứng đầu nước Nga trong năm tới.

Các nhà xã hội học đã đưa ra 2 câu hỏi điều tra: “Giả thiết cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào Chủ nhật tới, bạn sẽ bầu ai?” và “Hãy đưa tên 5, 6 chính khách mà bạn tin tưởng nhất”. Những cuộc điều tra được diễn ra trong nhiều kỳ từ tháng 1-2006 đến tháng 7-2007, mỗi kỳ có 1.600 người được hỏi từ 153 điểm dân cư thuộc 46 vùng và các nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga. Sai số không quá 3,4%.

Đứng đầu danh sách đương nhiên là Putin: “điểm trung bình” hàng tháng của ônglà 66,16%, còn hàng tuần là 63,4%. Không ít cử tri Nga tỏ ý tiếc vì Putin đã nhiều lần tuyên bố không tham gia tranh cử vào năm tới, cũng không đồng ý với những ý kiến đòi sửa đổi Hiến pháp để ông có thể có cơ hội này như nhiều người dân mong đợi. Nếu không, phần thắng Putin gần như đã nắm chắc trong tay. (Tuy nhiên, khả năng Vladimir Putin tái tranh cử ghế tổng thống Nga từ năm 2012 vẫn có thể trở thành hiện thực vì nó không trái với Hiến pháp Liên bang Nga, đồng thời đã từng được không ít chính khách đề xuất. Gần đây nhất là tuyên bố của chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, ông Sergey Mironov.)

Với Dmitri Medvedev, một gương mặt được coi là có thể sẽ “kế vị” Putin, chỉ số ủng hộ có vẻ quá khiêm tốn: 4%! Song, nếu so với kết quả cuộc điều tra tháng 1-2006 (0%) thì vị phó tống thống thứ nhất này đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nếu không nói là vượt bậc. Kế đó là Gennadii Ziuganov, với chỉ số hàng tháng là 3,66% và hàng tuần là 3,4%. Người hùng “showman” Vladimir Zhirinovsky đứng ở vị trí thấp hơn (3,5% hàng tháng và 2,8% hàng tuần) mặc dù trên các chương trình TV, ông là người rất nổi! Tiếp đó là cựu bộ trưởng Quốc phòng Sergey Ivanov, người hiện giữ cương vị phó thủ tướng thứ nhất (cùng Dmitri Medvedev): chỉ số hàng tháng của ông khá thấp (1,66%), nhưng trong hai tháng Sáu và Bảy qua, rating của ông đã lên được 3%, đủ để “ngang ngửa” với Zhirinovsky.

Tuy nhiên, theo dữ liệu điều tra về “lòng tin” của dân chúng đối với các chính khách thì kết quả lại khác một chút: dẫn đầu vẫn là Putin, sau đó là Medvedev và Ivanov, hai ứng cử viên sáng giá của cuộc bầu cử tháng 3-2008 sắp tới mà NCTG sẽ có bài riêng để nói về họ.

GHI CHÚ (của NCTG):

(*) Vận động tranh cử Hạ viện (Duma) và vận động tranh ghế tổng thống.

(**) Những từ ngữ được Lenin và "đao phủ thủ" Dzerzhinsky (người sáng lập Cheka, tiền thân của Cục An ninh Quốc gia KGB mà Putin từng là sĩ quan trong 16 năm) thường dùng khi nói về các nhân viên mật vụ chính trị Liên Xô. Phải chăng, vì có "cái đầu lạnh, nhưng trái tim ấm nóng" nên vào tháng 11-2005, vị tổng thống này đã cho dựng lại bức tượng Dzerzhinsky tại quảng trường Lubaynka (Moscow), nơi tọa lạc trụ sở KGB khét tiếng. Tại đây, vào cuối năm 1991, gần 20 ngàn người đã giật đổ bức tượng khổng lồ của Dzerzhinsky, biểu tượng của sự đàn áp và khủng bố chính trị một thời.

Tác giả bài viết: Mạc Thủy tổng hợp từ báo chí Nga - Moscow, ngày 4-9-2007