Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Báo chí Hungary: CHÍNH PHỦ MỚI, ĐÔNG LỰC MỚI CHO SỰ PHÁT TRIỂN MỚI CỦA VIỆT NAM

(NCTG) “Một cựu quan chức an ninh quốc gia trở thành tân thủ tướng Việt Nam”, “Chính phủ mới có thể tạo động lực mới cho sự phát triển của Việt Nam” là tiêu đề của hai trong số nhiều bài viết trên báo chí Hungary về sự kiện được công luận quan tâm ở Việt Nam đầu tháng Tư vừa qua: bầu Thủ tướng Chính phủ.
Tân thủ tướng Phạm Minh Chính trong lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội ngày 5/4/2021 - Ảnh: TTXVN/ MTI
Một lãnh đạo tỉnh ủy đã được Quốc hội Việt Nam bầu làm tân thủ tướng: ông Phạm Minh Chính và chính phủ mới được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển hơn nữa của quốc gia Đông Nam Á”, theo nhận định của nhật báo “Dân tộc Hungary” (Magyar Nemzet). Từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Xây dựng tại Romania và giữ nhiều vị trí công tác khác nhau - trong đó có cương vị Thứ trưởng Bộ Công an và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - ông là gương mặt được nhiều tờ báo, mạng tin Hungary chú ý.

“Dân tộc Hungary” cho hay: “Quốc hội Việt Nam đã chính thức bầu ban lãnh đạo mới: theo quyết định, ông Phạm Minh Chính sẽ thay thế Thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, người được bầu làm chủ tịch nước mới cùng thời điểm. Ông Phạm Minh Chính trước đây từng là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được coi là cơ quan tham mưu của Đảng, có trách nhiệm bổ nhiệm cán bộ và phê duyệt sự phục vụ của họ”.

Là ứng cử viên duy nhất cho vị trí Thủ tướng Chính phủ, chính trị gia 62 tuổi này đạt tỷ lệ đồng thuận cao 96,25% phiếu bầu trong cơ quan lập pháp, khiến ông trở thành thủ tướng thứ chín của nước CHXHCN Việt Nam kể từ khi quốc gia Đông Nam Á này giành độc lập từ Pháp năm 1945”, theo bài viết của “Dân tộc Hungary” về sự kiện diễn ra hôm 5-4 vừa qua tại Hà Nội.

Về sự nghiệp chính trị của ông Phạm Minh Chính, tờ báo cho hay: “Ông có bằng Tiến sĩ Luật, đồng thời cũng là một kỹ sư xây dựng, và ngoài sự nghiệp chính trị, ông còn giảng dạy tại các trường đại học. Trước khi trở thành thủ tướng, ông là lãnh đạo đảng ở Quảng Ninh, một tỉnh miền Bắc Việt Nam”.

Vẫn theo “Dân tộc Hungary”, “trong bài phát biểu nhậm chức, ông Phạm Minh Chính đã tập trung vào các kế hoạch và mục tiêu chiến lược chính của chính phủ trong 5 năm tới. Tân thủ tướng nói rằng trong nhiệm kỳ của mình, việc “hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” được khởi đầu từ người tiền nhiệm - cũng như chuyển đổi nền kinh tế - sẽ được tiếp tục”.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi nền hành chính quốc gia, như ông đã nói: các cơ chế chặt chẽ và hiệu quả hơn sẽ được sử dụng để “hành động cương quyết nhất ở mức có thể” chống lại mọi hình thức tham nhũng và lãng phí. Thủ tướng mới cũng nói sẽ làm mọi cách để bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của đất nước, nhưng chính sách an ninh cũng sẽ đóng một vai trò nổi bật, đồng thời mục tiêu là để Việt Nam trở thành một thành viên “có trách nhiệm và có uy tín với cộng đồng quốc tế”, theo tường thuật của “Dân tộc Hungary”.

Nhận định về cương vị Thủ tướng, mạng “Tiếng nói Hungary” (Magyar Hang) cho rằng người đứng đầu Chính phủ có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển kinh tế và việc thực hiện các quyết định ngoại giao mà Thủ tướng thực hiện với sự tham vấn của 18 Ủy viên Bộ Chính trị. Trở lại phát biểu khi nhậm chức của tân thủ tướng, mạng tin nói “ông Phạm Minh Chính cũng hứa rằng trong giai đoạn tới sẽ chú trọng hơn nữa đến phát triển mọi nguồn lực, tạo ra những tiến bộ đáng kể về khoa học và công nghệ, đây đồng thời cũng là động lực để phát triển nền kinh tế số”.

Không kém phần quan trọng đối với chính phủ là việc phát triển cơ sở hạ tầng và chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường, một vấn đề ngày càng gia tăng ở Việt Nam, một quốc gia có tầng lớp trung lưu rộng lớn hơn. Tuy nhiên, chắc chắn nhiệm vụ quan trọng nhất là đưa nền kinh tế “thị trường định hướng XHCN” phù hợp với mục tiêu đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào tháng 2-2021: tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) lên 6,5-7% (trong 5 năm gần đây, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Việt Nam là 5,9%)”.
 
Ông Phạm Minh Chính phát biểu sau lễ tuyên thệ - Ảnh: Stringer / Reuters
Ông Phạm Minh Chính phát biểu sau lễ tuyên thệ - Ảnh: Stringer/ Reuters

Quốc hội Việt Nam đã giải tán chính phủ hiện tại, đồng thời thông qua chính phủ mới và bổ nhiệm một số thành viên của chính phủ. Chính phủ hiện tại có 26 thành viên, gồm 4 phó thủ tướng và 21 bộ trưởng, lãnh đạo ngành. “Dân tộc Hungary” cũng cho hay: “Việt Nam có cơ cấu lãnh đạo được gọi bằng cái tên “bốn trụ cột” (Tứ trụ): quyền lực được phân chia giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội”.

Trước đó, vào tháng 1-2021, Chủ tịch nước - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử cương vị Tổng thư thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò được xem là quan trọng nhất trong hệ thống cấp bậc ở Việt Nam”, theo tờ báo, và ông Vương Đình Huệ trở thành người đứng đầu cơ quan lập pháp.

“Dân tộc Hungary” dẫn đánh giá của một số hãng thông tấn quốc tế cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong 5 năm thuộc nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Điểm qua một số thành quả kinh tế nổi bật, “Tiếng nói Hungary” thì nhắc tới việc “Việt Nam trong thời kỳ này đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - hiệp định hợp tác lớn nhất thế giới - và ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) với Liên Âu, những hiệp định này tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia nhiều hơn vào thương mại thế giới”.

Cần nói thêm, riêng trong quan hệ với Hungary, 2020 cũng là năm đánh dấu kim ngạch thương mại song phương lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 tỷ USD (đạt 1,297 tỷ USD, thặng dư 553 triệu USD) kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng giành được sự công nhận của người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế với những phản ứng mạnh mẽ và hiệu quả đối với đại dịch Coronavirus thời gian 1 năm qua”. Mạng “Tiếng nói Hungary” nói thêm, tính tới khi đó, “Việt Nam chỉ ghi nhận 35 ca tử vong vì đại dịch kể từ khi Covid-19 bùng phát, nhờ đất nước này đã chuẩn bị kỹ lưỡng với các biện pháp phòng ngừa cần thiết và được tuân thủ nghiêm ngặt”.

Ngoài ra, ngay từ đầu Hà Nội đã rất chú trọng đến việc thông tin cho người dân: và bên cạnh rất nhiều áp-phích ngoài đường phố, chính quyền đã liên tục được thông báo về tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp chống dịch và giãn cách”, theo “Tiếng nói Hungary”.

Theo nhận định từ trong nước, ông Phạm Minh Chính tiếp nhận vị trí thủ tướng trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và nội tại của Việt Nam có nhiều biến chuyển và nhiệm kỳ mới của chính phủ sẽ gặp không ít khó khăn thách thức nhưng cũng sẽ xuất hiện nhiều cơ hội mới.

Các thách thức lớn hiện nay về ngoài giao, có thể kể đến như tình hình quốc tế có nhiều xáo trộn, Việt Nam cần xử lý tốt mối quan hệ ngoại giao với các nước lớn, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc; sự vươn lên của Trung Quốc cùng việc bộc lộ tham vọng bá quyền với nhiều hành động leo thang gây căng thẳng trên biển Đông.

Tuy nhiên, theo đánh giá của “Tiếng nói Hungary”, “mặc dù Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước, nhưng các chuyên gia đánh giá ông Phạm Minh Chính và tân chính phủ Việt Nam sẽ hết sức nỗ lực để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế trong 5 năm tới”.

Tác giả bài viết: NCTG