Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Bà Nataliya Zhynkina: CẦU NGUYỆN CHO UKRAINE, CŨNG LÀ CẦU NGUYỆN CHO TẤT CẢ CHÚNG TA!

(NCTG) “Hãy hỏi những ai sống sót dưới tầng hầm qua những trận bom đạn, hãy hỏi người đang ôm đứa trẻ trong lòng hay người đang đứng trước chiếc xe hơi bị bốc cháy mà kéo người mẹ của mình bị liệt ra khỏi xe...”.
Đại biện Lâm thời Ukraine tại Việt Nam, bà Nataliya Zhynkina phát biểu tại Nhà thờ Thái Hà - Ảnh: Truyền thông Thái Hà
Lời Tòa soạn: Tối 27/3/2022, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, các tu sĩ trong Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và bà con giáo dân Thái Hà đã tham gia thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine và dâng nước Nga, Ukraine cho Đức Trinh Nữ Maria.

Đặc biệt, trong thánh lễ, có sự hiện diện của các nhân viên cơ quan đại diện ngoại giao Ukraine và Ý tại Việt Nam.

Bản tin về thánh lễ cho hay, buổi lễ được tổ chức để đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô là thánh hiến nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ như một hành động chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Đức Mẹ trong bối cảnh cuộc chiến tàn khốc của Nga chống lại Ukraine.

Chia sẻ Lời Chúa, cha Giuse Nguyễn Văn Toản trích lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trước tình cảnh bi thảm của các trẻ em, phụ nữ và người dân Ukraina trước làn bom đạn của Nga. Ngài mời gọi mọi người tham dự, nhất là các bạn trẻ có ba tâm tình, đó là:

(1) Hãy đồng cảm, xót thương người đồng loại đang lầm than khốn khổ,

(2) Hãy nói không với chiến tranh và ủng hộ hòa bình. Ủng hộ chiến tranh là ủng hộ sự ác, sự dữ, ủng hộ ma quỷ,

(3) Cuối cùng, hãy: “Tin vào sức mạnh của sự đoàn kết nơi những con người thành tâm thiện chí đang khao khát hòa bình khắp nơi trên thế giới. Đừng bỏ cuộc! Hãy vững tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện và quyền năng của Thiên Chúa chúng ta!”.

Trong buổi thánh lễ, các giáo dân đã đóng góp hơn 78 triệu VND cho các trẻ em Ukraine đang là nạn nhân của chiến tranh.

Có mặt trong thánh lễ cầu nguyện, vào hồi 20h tối 27/3, bà Nataliya Zhynkina - Đại biện Lâm thời Ukraine tại Việt Nam - đã có phát biểu động lòng sau đây. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)
 
Cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine - Ảnh: Truyền thông Thái Hà
Cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine - Ảnh: Truyền thông Thái Hà

Ba tuần nữa, toàn thể thế giới Công Giáo sẽ mừng lễ Phục Sinh. Đó là một kỳ nghỉ lễ phục sinh tươi sáng mà qua đó nhân loại có được niềm hy vọng về ơn tha thứ tội lỗi.

Một câu hỏi đã trở thành biểu tượng, đó là cách đây 2 ngàn năm, vài ngày trước lễ Phục Sinh, một người tên là Phongxiô Philatô (*) hỏi Đức Giêsu Kitô một câu hỏi rất quan trọng: SỰ THẬT LÀ GÌ?

Câu trả lời của Đức Kitô không làm cho Philatô ấn tượng. Mặc dù Philatô có quyền, nhưng ông ta đã không muốn can thiệp và tha bổng Đức Giêsu. Ông ta chỉ tuyên bố rằng ông ta không thấy người này có tội.

Và ông ta không làm gì để thả tự do cho Đức Kitô. Phongxiô Philatô đã rửa tay tỏ ý rằng cho dù bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo, ông ta sẽ không chịu trách nhiệm về CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU.

Điều đó đã trở thành biểu tượng rằng ngày nay lịch sử dường như đang lặp lại chính những gì đã xảy ra, tuy có sự khác biệt đôi chút so với 2 ngàn năm trước đây. SỰ THẬT LÀ GÌ? Đâu là sự thật với danh nghĩa mà chúng ta sống?

Có lẽ chỉ ở giây phút chúng ta trực diện trước CÁI CHẾT thì bấy giờ toàn vẹn ý nghĩa của câu hỏi mới được lộ tỏ đầy đủ cho chúng ta.

Đất nước của tôi xem ra như đang chết trước mắt mọi người và đất nước tôi đang đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Việc nhận biết vấn đề này không phải ở cấp độ của logic hợp lý thông thường, cấp độ của sự cân bằng toán học xơ cứng, lạnh lùng. Không, không phải vậy!

Việc nhận biết phải ở cấp độ của một sự nối kết tổng hòa giữa hiểu biết và thấu cảm.

Sự nhận biết này phải ở cấp độ suy nghĩ phản tỉnh sâu xa. Hãy hỏi những ai sống sót dưới tầng hầm qua những trận bom đạn, hãy hỏi người đang ôm đứa trẻ trong lòng hay người đang đứng trước chiếc xe hơi bị bốc cháy mà kéo người mẹ của mình bị liệt ra khỏi xe. Người ấy sẽ xác nhận những gì tôi nói.

Đây chính là vấn đề trách nhiệm!
 
ukr3

Hôm nay, mỗi người chúng ta cần chọn lựa – gánh trách nhiệm hay là rửa tay, dửng dưng đứng ngoài cuộc.

Tương lai phụ thuộc vào chọn lựa đó. Hôm nay, đây không phải là một bài phát biểu! Nhưng đó là một thực tế không thể thoả hiệp khi mà một bên là sự nguy hiểm của cuộc chiến tranh hạt nhân dẫn đến cái chết của cả nhân loại và bên kia là ƠN CỨU ĐỘ.

Hôm nay, câu trả lời cho câu hỏi đó là điều rất hệ trọng đối với mỗi người chúng ta. SỰ THẬT LÀ GÌ?

CÂU TRẢ LỜI ĐÓ LÀ CHÚNG TA PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM THẾ NÀO VỀ TƯƠNG LAI CỦA CHÚNG TA.

Hôm nay, tôi cùng với các bạn cầu nguyện cho đất nước của tôi.

NHƯNG THỰC TẾ, ĐÓ LÀ LỜI CẦU NGUYỆN CHO TẤT CẢ CHÚNG TA.

Ghi chú:

(*) Phongxiô Philatô là vị tổng trấn thứ năm của tỉnh La Mã Judaea dưới thời Hoàng đế Tiberius, và với vai trò chủ tọa phiên tòa xử Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá theo trình thuật của các Phúc Âm, ông trở thành nhân vật then chốt trong cuộc đời Chúa Giêsu.

Tác giả bài viết: NCTG