Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BULGARIA VÀ CHUYẾN CÔNG DU CỦA TỔNG THỐNG BUSH

(NCTG) Sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Đức, đồng thời thăm các nước Cộng hòa Czech, Ba Lan, Ý và Albania, vào ngày 11-6, ngày thứ tám và đồng thời cũng là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Châu Âu, tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã viếng thăm một nước ở vùng Đông Nam Châu Âu là Bulgaria.

Là một quốc gia cựu cộng sản, trong nhiều năm thuộc vùng ảnh hưởng của Nga, nhưng những năm gần đây Bulgaria đã nghiêng hẳn về phía Hoa Kỳ, ủng hộ nhiệt thành chính sách của Mỹ tại Iraq và Afghanistan và trở thành đồng minh trung thành và mạnh nhất của Hoa Kỳ trong vùng. Đồng thời, Bulgaria cũng là thành viên khối quân sự Bắc Đại Tây Dương từ năm 2004 và thành viên Liên hiệp Châu Âu từ đầu năm nay, Bulgaria

Trong chuyến thăm tại thủ đô Sofia, chủ đề chính của tổng thống Bush khi gặp mặt các vị nguyên thủ nước chủ nhà là kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại hai nước Đông Âu là Cộng hòa Czech và Ba Lan. Đây là một vấn đề đã khiến Liên bang Nga phản đối gay gắt, vì cho rằng nó là mũi nhọn chĩa vào nền an ninh nước Nga; thậm chí, tổng thống Nga Putin từng tuyên bố ông có thể sẽ hướng tên lửa về Châu Âu và không một hệ thống phòng thủ nào có thể ngăn được tên lửa Nga.

Như đã biết, hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu - được coi là để đề phòng hậu họa đến từ Iran và Bắc Hàn - sẽ không bảo vệ được những thành viên khối NATO thuộc miền Đông Nam Châu Âu, trong đó có Bulgaria. Lý do, là vì nếu đặt Bulgaria vào chương trình này, thì sẽ gây căng thẳng trực tiếp với Liên bang Nga. Chính vì vậy, chính giới Bulgaria có cảm tưởng như họ bị bỏ rơi trong kế hoạch phòng thủ tên lửa. Trong chuyến viếng thăm Sofia, tổng thống Bush có cơ hội tái khẳng định một tuyên bố trước đó của ông, theo đó, Bulgaria sẽ được bảo vệ bởi những hệ thống của NATO có thể vô hiệu hóa tên lửa tầm trung; ngoài ra, kế hoạch lá chắn tên lửa đạn đạo tại Ba Lan và Cộng hòa Czech sẽ được phối hợp với những hệ thống đang có của NATO để bảo vệ toàn bộ các quốc gia trong khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương.

Ngoài ra, chương trình nghị sự giữa tổng thống Bush và người đồng sự Georgy Parvanov còn bao hàm vấn đề Kosovo, một chủ điểm "nóng" của toàn khu vực bán đảo Balcans. Tại Sofia, tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố: đã đến lúc phải trao quyền độc lập cho Kosovo dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, nhưng cũng cần tạo điều kiện để Serbia có thể gia nhập NATO hoặc Liên hiệp Châu Âu, khiến quốc gia này - đến nay vẫn chịu ảnh hướng lớn của Nga - có được mối tương giao vững bền hơn với Mỹ.

Trong các cuộc hội đàm với tổng thống và thủ tướng Bulgaria, tổng thống Bush cũng cám ơn nước này đã hưởng ứng và hỗ trợ chính sách quân sự của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Tại Bulgaria, đã có một căn cứ quân sự mới của Mỹ được thiết lập và từ nay đến tháng 9-2007, hơn 3.000 quân Mỹ sẽ được điều tới đó, trong khuôn khổ một nỗ lực nhằm chuyển lực lượng quân sự của Hoa Kỳ tại Châu Âu tới gần vùng Trung Đông hơn.

*

Bên lề chuyến thăm công du của tổng thống Mỹ tại Châu Âu, có một số chuyện vui vui mà báo chí và truyền thông quốc tế đã loan.

Tại Roma, cuộc  tuần hành của giới đồng tính - mang tính "biểu dương lực lượng" - đã được hoãn từ ngày 9-6 xuống ngay 16-6. Lý do là, họ không muốn Ngày hội "Tự hào Đồng tính" lại trở thành một sự kiện "bậc hai" (sau chuyến thăm của tông thống Bush). Không kể đến chuyện nếu vẫn tổ chức, những biện pháp an ninh để bảo vệ ông Bush sẽ khiến có ít người tham dự ngày hội, Ban tổ chức còn quan ngại rằng, mục đích của cuộc tuần hành sẽ không được để tâm thích đáng: tạo áp lực để Quốc hội Ý thừa nhận sự bình đẳng của quan hệ đồng tính với những hình thức quan hệ "truyền thống" khác.

Còn tại Sofia, thủ đô Bulgaria, trong thời gian tổng thống Mỹ viếng thăm, cảnh sát đưa ra thông báo cấm tiệt người dân giặt đồ - nhất là đồ lót - rồi phơi loạn xạ ngoài đường phố, như hình ảnh thường thấy của thành phố này. Một chiến dịch "gọn nhà, sạch phố, đẹp thủ đô" kỳ vĩ cũng được thực hiện, nhằm mang lại vẻ mặt thân thiện và sạch sẽ cho Sofia. Người hành khất bị đưa khỏi những khu vực "đô hội", trẻ em lang thang ở các ngã tư để mời lau chùi xe cộ cũng bị cấm hành nghề (bằng không, chúng sẽ bị bắt giữ). Thế mới hay, không phải chỉ ở những quốc gia độc đoán mới chuộng hình thức kiểu này!

Tác giả bài viết: H.Linh tổng hợp, theo báo chí Hungary