Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BULGARIA PHẢN ĐỐI VIỆC DỰNG HÀNG RÀO TẠI BIÊN GIỚI HY LẠP

(NCTG) Bulgaria và Macedonia là hai quốc gia được mời tới dự hội nghị bất thường các nước cựu cộng sản khu vực Trung Âu, được nhóm họp ngày hôm nay, 15-2, tại Praha, Cộng hòa Czech ngay bên thềm Hội nghị thượng đỉnh EU về vấn đề tỵ nạn.
Người vượt biển vẫn tiếp tục cập bến Hy Lạp - Ảnh: globalpost.com
Các quốc gia có mặt tại cuộc gặp mặt đã kỷ niệm một phần tư thế kỷ ngày thành lập nhóm V4 (Visegrád 4). Tuy nhiên, đề tài chính trên bàn nghị sự của Hội nghị là khủng hoảng tỵ nạn Châu Âu, mà nhóm V4 muốn áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt tại biên giới chung giữa Bulgaria, Macedonia và Hy Lạp.

Tuy nhiên, Bulgaria không ủng hộ việc cách ly Hy Lạp và biến quốc gia này thành nơi chứa người tỵ nạn vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ, theo tin từ mạng 24chasa.bg, viện dẫn lời của Thủ tướng Boyko Borissov. Đến Praha cùng Thủ tướng Macedonia George Ivanovski, người đứng đầu nội các Bulgaria cho rằng hàng rào ngăn không giải quyết được vấn đề.

Do đó, ông Borissov muốn thuyết phục các đại diện Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech và Ba Lan rằng, sẽ là một lựa chọn tốt hơn nếu các nước Châu Âu cùng nhau kiểm soát biên giới ngoài của Liên Âu ở phía Nam, và làm thủ tục ghi danh đối với mọi người tỵ nạn.

Như NCTG đã đưa tin, cuối tuần trước nhiều tờ báo Đức đã có bài về quan điểm hiện tại của nhóm V4, theo đó, để bảo vệ biên giới Schengen, cần dựng hàng rào để chặn tuyến đường mà người tỵ nạn hay đi ở vùng Balkans. Điều này có nghĩa là biên giới ngoài của EU sẽ được đẩy lên phía Bắc.

Gần đây nhất, trong chuyến công du Slovenia, Thủ tướng Hung Orbán Viktor tuyên bố rằng cần dựng hàng rào ở cả Macedonia và Bulgaria để ngăn dòng người tỵ nạn. Tuy nhiên, điều này đi ngược lại với quan điểm của Thủ tướng Đức Angela Merkel, theo đó, cần sự hợp tác và nhất trí chung của Liên Âu, cũng như, phải tuân thủ thỏa thuận đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một diễn biến có liên quan, vài ngày trước, EU đã ra tối hậu thư cho Hy Lạp phải xử lý vấn đề người tỵ nạn trong vòng ba tháng, bằng không xứ này sẽ bị loại khỏi khối Schengen. Tuy nhiên, như giới chức Athens nhấn mạnh, nước này không thể làm khác nếu thấy người tỵ nạn trên biển: phải cứu họ.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp, theo index.hu