Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BRUSSELS MUỐN BIẾT ORBÁN NHẰM ĐÍCH GÌ KHI TRƯNG CẦU DÂN Ý

(NCTG) Việc chính quyền Hungary đề xướng trưng cầu dân ý về vấn đề phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch là công việc nội bộ của Hung, theo tuyên bố của Ủy viên phụ trách chính sách di cư của Ủy ban Châu Âu, ông Dimitris Avramopoulos.
Châu Âu chưa hiểu Orbán “định làm trò gì”
Trong cuộc họp báo được tổ chức sau hội nghị của các Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU tổ chức tại Brussels, trả lời câu hỏi của giới báo chí, ông Avramopoulos nói rằng ông đã đề nghị chính phủ Hung làm sáng tỏ những mục đích của cuộc trưng cầu mà họ đề xuất.

Quan chức EU này cho hay, ông muốn có thêm thông tin vì vụ này có liên hệ trực tiếp tới chính sách của Liên Âu: “Không được quên rằng, về việc thiết lập hệ thống phân bổ người xin tỵ nạn theo hạn ngạch, trước đây Hội đồng Liên Âu đã ra quyết định mang tính bắt buộc thi hành”. (*)

Trả lời nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz - người nhận xét rằng Thủ tướng Orbán Viktor hợp tác quá mật thiết với Putin - cho hay “theo quyết định về phân bổ người xin tỵ nạn của EU, Hungary cần nhận 1.294 người”.

Tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nhận hay không 1.294 người, bản thân điều đó nói lên tất cả, và chứng tỏ rằng quyết định này có những lý do về ý thức hệ, chứ không phải do Hungary thiếu nguồn lực hay khả năng tiếp nhận”, ông Schulz nói thêm.

Phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu, bà Natasha Bertaud phát biểu vào trưa hôm qua, 25-2: “Chúng tôi có nghe về sáng kiến trưng cầu dân ý từ truyền thông. Chúng tôi không hiểu nó trúng trật thế nào với thủ tục đưa ra quyết định của Liên Âu, mà mọi nước thành viên - trong đó có Hungary - đều đã chấp thuận”.

Bà cũng nói thêm, Liên Âu cũng được biết về cuộc tranh luận xung quanh trưng cầu dân ý tại Hung, và EU đang chờ đợi để có thêm thông tin trong vụ này.
 
Cảnh sát và quân nhân Hung cùng đi tuần tại biên giới Hungary - Serbia - Ảnh: Kelemen Zoltán Gergely (MTI)
Cảnh sát và quân nhân Hung cùng đi tuần tại biên giới Hungary - Serbia - Ảnh: Kelemen Zoltán Gergely (MTI)

Ngay sau khi Thủ tướng Orbán Viktor thông báo về đề xuất chính phủ nước này, mạng index.hu đã có ngay bài phân tích về khía cạnh pháp lý của vấn đề, theo đó, theo luật định hiện tại, chắc chắn không thể chấp nhận được một cuộc trưng cầu như vậy.

Thứ nhất, theo Hiến pháp Hung, chỉ có thể trưng cầu dân ý về những vấn đề thuộc thẩm quyền và bổn phận của Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình ra quyết định tại EU (trong đó có việc ra quyết định về phân bổ người tỵ nạn), đại diện cho Hungary không phải là Quốc hội mà là chính phủ.

Thứ nhì, cũng vẫn theo Hiến pháp, không thể trưng cầu dân ý về những bổn phận xuất phát từ các thỏa thuận, hiệp định quốc tế. Trong hiệp định gia nhập EU của Hungary có ghi rõ rằng, chính phủ và Quốc hội Hungary có bổn phận đưa những luật định của EU vào luật Hung.

Do đó, để “hóa giải” được vấn đề này, liên minh cầm quyền có thể phải sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, họ đã có một hậu thuẫn mạnh là đảng cực đoan JOBBIK, chính đảng cũng có chủ trương bài xích người tỵ nạn, và đã đưa ra đề xuất sửa Hiến pháp để “đương đầu” với làn sóng di cư hiện tại.

(*) Hội đồng Liên hiệp Châu Âu, còn được gọi bằng tên khác là Hội đồng Bộ trưởng, bao gồm các bộ trưởng của 28 nước thành viên EU, là một trong hai cơ quan lập pháp quyền lực nhất của Liên Âu (cơ quan kia là Nghị viện Châu Âu).

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp, theo index.hu