BORIS YELTSIN VÀ NHỮNG HỆ LỤY QUÁ KHỨ
- Thứ năm - 26/04/2007 14:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà thờ Chúa Cứu thế, Moscow (năm 1905) - Ảnh tư liệu
Như NCTG đã đưa tin, ông Yeltsin từ trần trong một cơn đau tim tại bệnh viện vào hồi 15 giờ 45 phút ngày 23-4-2007, thọ 76 tuổi.
Cựu tổng thống Nga là vị nguyên thủ quốc gia Nga đầu tiên được tổ chức tang lễ tại Nhà thờ Chúa Cứu thế Moscow kể từ năm 1894, khi Nga hoàng Alexander Đệ tam được Giáo hội Chính thống Nga làm lễ tang ở đây. Không phải ai cũng biết rằng, nhà thờ này - được phong ở mức "vương cung thánh đường" - là đại giáo đường lớn nhất của Giáo hội Chính thống giáo, tuy nhiên, nó chỉ là "bản sao": nằm bên bờ sông Moscow, "bản gốc" đã bị chính quyền Stalin cho nổ và phá bỏ năm 1931, đúng vào năm Boris Yeltsin chào đời.
Dạo ấy, Liên Xô định xây một tòa nhà chọc trời - mang tên Cung Xô-viết - tại đó, với dụng ý phỉ báng tôn giáo, tuy nhiên, cứ xây là lại lún. (Ngoài cách lý giải "khoa học" rằng đất ở đó quá mềm, đa số người Nga hướng về lối suy nghĩ tâm linh...). Công trình này bị bỏ dở và đến thập niên 60, người ta đã xây ở đó một bể bơi công cộng thuộc loại lớn nhất thế giới!
Năm 1994, trong thời kỳ làm tổng thống, Yeltsin đã cho phép xây lại tòa thánh đường bằng tiền quyên góp của giáo dân, và dù ông không phải là người quá mộ đạo (mặc dầu có đến lễ thánh), Giáo hội Chính thống giáo Nga vẫn coi ông là người có công đầu trong việc phục hồi tôn giáo này trong đòi sống xã hội và tâm linh ở Nga. Đây là điều mà ông Kirill, Phát ngôn viên của Giáo hội Moscow, đã không quên khi nói về Yeltsin.
Nhà thờ Chúa Cứu thế được xây lại và hoàn tất năm 2000 (nhìn từ Hồng trường, Moscow)
Với sự ra đi của mình, Boris Yeltsin thuộc lớp những lãnh tụ thượng đỉnh cuối cùng còn chút hệ lụy với quá khứ. Mảnh đất nơi ông ra đời, Sverdlovsk, mang tên lãnh tụ bôn-sê-vích cựu trào Yakov Sverdlov, chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương toàn Nga (tương đương chủ tịch nước) thời Lenin, người được coi là đã đích thân ra chỉ thị thảm sát (*) toàn thể gia đình Nga hoàng cuối cùng (Nicholas Đệ nhị) tại Yekaterinburg (tên cũ của Sverdlovsk) vào mùa hạ năm 1918.
Năm 1990, Yeltsin, trong hồi ký "Ngược dòng" của ông (**), thừa nhận rằng lịch sử Nga đã bị bóp méo ghê gớm - nhất là trong cuốn "Lịch sử giản yếu của Đảng Cộng sản bôn-sê-vích" (thời Stalin) - khi nhắc đến tội ác này, và ông là một trong số vài người ít ỏi được đọc các hồ sơ mật của vụ hành quyết hoàng gia Nga hoàng. Năm 1977, trên tư cách Bí thư thành ủy Sverdlovsk, Yeltsin đã phải thực hiện chỉ thị mật đến từ Moscow: Bộ Chính trị hạ lệnh phải san bằng tòa nhà Ipatiev, và lệnh đã được thi hành trong 1 đêm!
Tuy nhiên, lịch sử đã công bằng. Yekaterinburg, sau gần 70 năm, đã được trả lại tên. Hoàng đế cuối cùng của dòng họ Romanov, năm 1998, đã được Giáo hội Chính thống giáo Nga phong thánh và hiện nay, hiếm một quầy sách, một cửa hiệu bán đồ lưu niệm nào lại không có sách vở, tranh ảnh, thiếp... về ông và có hình ông, cho dù, thực sự, ông là một Nga hoàng yếu ớt và đầy rẫy sai lầm trong lịch sử Nga.
Và, năm 2003, trên đống tro tàn của ngôi nhà Ipatiev, đã mọc lên nhà thờ lớn nhất của vùng Yekaterinburg, một đô thị phát triển ghe gớm trong những năm gần đây với những tòa nhà kính và siêu thị, khiến giới trẻ hầu như đã hoàn toàn quên tấn thảm kịch năm 1918.
Nhà thờ Chính thống giáo được xây trên tro tàn của nhà Ipatiev
Và Boris Yeltsin, với những sai lầm, thậm chí bê bối, nay đã được người Nga và thế giới đánh giá khách quan hơn, thấu đáo hơn, như một chính khách lớn đã chấm dứt đế chế Xô-viết độc đoán trong hòa bình, đã rút quân đội Nga khỏi các quốc gia "chư hầu" ở Đông Âu và đã đem, lại những biến chuyển dân chủ, tự do và đa nguyên cho Liên bang Nga trong một hoàn cảnh hết sức rối ren.
Nhiều kênh truyền hình và phát thanh, khi tường thuật tang lễ Boris Yeltsin với sự hiện diện của các chính khách tầm thế giới, như Bill Clinton, George W. Bush, Horst Köhler (tổng thống Đức), Philippe Douste-Blazy (ngoại trưỏng Pháp), Lech Walesa cùng nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác (nguyên Thủ tướng Medgyessy Péter đại diện cho Cộng hòa Hungary), đã nhấn mạnh rằng họ không thể ra đời vào thập niên 90 thế kỷ trước nếu không có nhũng hành động dân chủ của người đã khuất.
Và nhiều tổ chức dân sự cũng như phe đối lập dân chủ Nga nhận định rằng di sản tinh thần ấy của cựu tổng thống đã không được người kế nhiệm ông, Vladimir Putin, kế tục và theo đuổi. Chỉ khiến người đời chê trách là hành động hẹp hòi của nhóm dân biểu Đảng Cộng sản Nga, đã không đứng mặc niệm Yeltsin 1 phút trong ngày quốc tang và không đến dự tang lễ ông, cũng như, việc chủ tịch đảng này đã có lời bình luận dè bỉu trước tin Yeltsin qua đời: "Tôi không thể nói tốt về thời Yeltsin mà nói xấu thì không đành".
Boris Yeltsin và người kế vị, Vladimir Putin trong ngày chuyển giao quyền lực, 31-12-1999
Nơi an nghỉ của Boris Yeltsin tại nghĩa trang danh nhân Novodevichy (Moscow), cạnh viên tướng nổi tiếng Alexander Lebed và bà Raissa Gorbacheva, người bạn đời của ông Mikhail Gorbachev, cũng mang tính chất tượng trưng: chính Yeltsin, trên tư cách Bí thư Thành ủy Moscow, vào năm 1987, đã cho phép mở cửa nghĩa trang để các "thường dân" Moscow có thể tự do thăm viếng.
Hơn nữa, ở đây, Boris Yeltsin sẽ cảm thấy gần gũi một người tiền nhiệm của ông, Nikita Khrushchev, lãnh tụ cộng sản thượng đỉnh đầu tiên đã vạch trần những tội ác của Stalin và hướng Liên Xô theo con đường hòa dịu hơn, dân chủ hơn...
Ghi chú:
(*) Một số người Hung (trong số 100 ngàn quân nhân Hung bị bắt làm tù binh trong Đệ nhất Thế chiến) cũng tham gia vụ thảm sát này.
(**) NCTG sẽ trích đăng một số đoạn đáng để ý trong cuốn sách này.