BÌNH NHƯỠNG: ÂM VANG DÀN NHẠC GIAO HƯỞNG NEW YORK
- Thứ ba - 26/02/2008 23:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhạc trưởng Lorin Maazel tại Budapest (tháng 5-2007)
Tại Washington, thủ đô Hoa Kỳ, người ta nói rằng buổi hòa nhạc này mang tính chất tượng trưng sâu sắc. Đây cũng là khẳng định của ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, một dương cầm thủ thuần thục với các bản nhạc của Gershwin. Lần đầu tiên, đại diện văn hóa lừng lẫy nhất của xứ Cờ Hoa đã có mặt tại quốc gia khép kín nhất trên hoàn cầu!
Sự kiện này đã được chuẩn bị từ một năm nay. Mặc dù ông Zarin Mehta, chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm tổng giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng phát biểu rằng họ sẽ chỉ chơi nhạc cổ điển và nhạc kịch, chứ không dính gì đến chính trị, nhưng không mấy ai nghĩ đơn thuần như thế. Đầu buổi hòa nhạc, quốc thiều Bắc Hàn và Hoa Kỳ đã được cử, và trên cầu trường, quốc kỳ Mỹ đã phấp phới bên quốc kỳ Bắc Hàn, có thể mọi người đều tâm niệm rằng phải chăng, những thay đổi chính trị rất lớn lao sẽ diễn ra ở phần Bắc của bán đảo Cao Ly?
Cho dù, chỉ cách đây một năm rưỡi, một chuyến công diễn như thế này là hoàn toàn không thể hình dung được - khi ấy, Bắc Hàn còn say sưa trong cuộc thử nghiệm nguyên tử đầu tiên. Sau đó, khi thử nghiệm nguyên tử thành công, vào tháng Bảy năm ngoái, lò phản ứng hạt nhân chính đã được đóng cửa và giời đây, có thể hy vọng được rằng nó đã, hoặc sẽ bị vô hiệu hóa. Bù lại, Bắc Hàn được nhận viện trợ, khả năng sẽ được Hoa Kỳ đưa khỏi danh sách những quốc gia khủng bố trên thế giới và một số biện pháp trừng phạt cũng được chấm dứt. Như thể Bình Nhưỡng cũng đang chuẩn bị cho một số đổi thay nho nhỏ.
Chính sách “ngoại giao bóng bàn” của Hoa Kỳ - đã rất đắc dụng với Trung Quốc và tại Trung quốc thập niên 70 thế kỷ trước - giờ lại được vận dụng trong quan hệ với Bắc Hàn. Hiện tại, các nhạc công là những người nắm vai trò sứ giả ấy. Bản giao hưởng “Tân thế giới” (Antonín Dvorák), vở “Một người Mỹ tại Paris” (George Gershwin) và một số đoạn trong tác phẩm “Lohengrin” (Richard Wagner) đã vang lên trong đêm Bình Nhưỡng. Và hẳn chúng đã tạo nên ấn tượng lớn – nhưng cũng khá lạ lẫm - đối với cử tọa. Bởi lẽ, dân Bắc Hàn từ lâu nay đã bị buộc phải “ăn kiêng”: đa phần, họ phải nghe những “ca khúc” kiểu “Cầu chúc Lãnh tụ vạn đại, vạn tuế!” và “Trái bom mười triệu người vì Lãnh tụ Kim Nhật Thành”. (Cố nhiên, đến giờ thì người kế nghiệp Kim Nhật Thành, cậu quý tử - Lãnh tụ Kính yêu Kim Chính Nhật cũng đã được “khắc ghi” trong những bài tụng ca.) Dầu sao đi nữa, cũng phải khách quan mà nói rằng, cho dù loại nhạc Rock hoặc Jazz “độc hại”, đến từ Phương Tây “thối nát” vẫn bị cấm, nhưng nhạc cổ điển thì những ai có điều kiện vẫn có thể được nghe. Nếu đó là nhạc cổ điển Nga…
Trước giờ G., một nhà ngoại giao tiết lộ với báo giới rằng từ nhiều ngày nay, trên phố phường Bình Nhưỡng, các “đồng chí” Bắc Hàn đã cần cù và kiên nhẫn tháo dỡ mọi bích chương “đả đảo đế quốc Mỹ”. Nên vào hôm qua, khi các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng New York đặt chân đến xứ sở này, mọi thứ đã sạch sẽ, tinh tươm…
(*) Dàn nhạc Giao hưởng New York thành lập năm 1842, là dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng và lâu đời nhất của Hoa Kỳ. Kể từ khi ra đời, dàn nhạc đã công diễn tại 58 quốc gia, trong đó có Liên Xô (cũ) (năm 1959), và Hungary (lần gần nhất vào mùa hè năm ngoái).
Trong dịp này, một sự kiện chưa từng có đã diễn ra: mặc dù Hoa Kỳ và Bắc Hàn không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng chính quyền Bình Nhưỡng đã cấp thị thực trong vòng 48 tiếng cho một phái đoàn lớn chừng 300 người (gồm các nghệ sĩ, ký giả và người giúp việc). Buổi hòa nhạc đã được Đài Truyền hình và Đài Phát thanh Bắc Hàn truyền trực tiếp, và đây cũng là một “động thái” độc nhất vô nhị ở quốc gia này!
Việc Washington cử một đại diện văn hóa hàng đầu sang Bắc Hàn đã gây ra những phản ứng trái ngược ở Hoa Kỳ. Chẳng hạn, bên cạnh những ý kiến khích lệ, tờ “New York Post” (Bưu điện New York) gọi buổi công diễn này là “xấu xa”. Bài viết trên báo coi đây là một hành động quảng bá cho thể chế Bắc Hàn. (Ghi chú của NCTG).