Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BIỂN “CẤM ĐÔNG ÂU VÀ CẤM... CHÓ” BỊ THÁO

(NCTG) Một người đàn ông muốn đi câu cá tại một hồ câu ở Oxfordshire (Anh), nhưng gặp phải một tấm biển khiến ông hết sức bất bình. Câu chuyện không dừng lại ở đó.
Tấm biển gây sốc
Cấm xe cộ, cấm dân câu Ba Lan và vùng Đông Âu, cấm cả trẻ em và chó” - đó là nội dung tấm bảng gây sốc mà ông Rado Papiewski (35 tuổi, người Ba Lan) chạm trán phải, khi muốn vào một hồ câu ở Oxfordshire để câu cá.

Cố nhiên, biển cấm đó cũng không phải là hoàn toàn không có cơ sở: dân câu cá người Ba Lan (và Đông Âu) thường câu được con nào là ăn con ấy, chứ không như người Anh thường thả lại, nhất là khi gặp phải loài cá thuộc danh sách được bảo vệ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng vậy, và ông Rado Papiewski cho rằng tấm biển rõ ràng là sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người làm đúng luật. “Lẽ ra không được trưng biển như vậy. Tấm biển khiến nhiều người nhập cư tuân thủ pháp luật như chúng tôi bất bình”, ông nói.
 
Ông Rado Papiewski
Ông Rado Papiewski

Tấm biển mang tính hết sức kỳ thị này gợi nhớ một cảnh trong bộ phim “Tinh Võ Môn” (Fists of Fury), khi Lý Tiểu Long (Bruce Lee) trong vai đệ tử xuất sắc Trần Chân của sư phụ Hoắc Nguyên Giáp đã tung cước đá vỡ một tấm biển “Cấm chó và người Hoa”.

Ông Rado Papiewski, đương nhiên, không có được võ nghệ siêu quần như họ Lý để phá tan tấm biển bằng chưởng lực hay cước pháp, nên đã tìm cách khác để bày tỏ sự bất mình của mình một cách “pháp trị” hơn: tìm gặp những cơ quan chức năng để lên tiếng.

Giải pháp thì đơn giản thôi: chúng tôi muốn người ta hãy hạ biển và hãy chỉ ra rằng những ngôn từ kiểu vậy không có chỗ đứng trong cộng đồng người câu cá ở Anh”, ông Rado Papiewski cho biết thêm. Tuy nhiên, một số cơ quan mà không đã tìm gặp, thì cho là chủ hồ có lý.
 
Chủ hồ cá Billy Evans
Chủ hồ cá Billy Evans

Quan điểm của doanh nghiệp điều hành hồ câu đó rất ngắn gọn, được thể hiện trong hồi âm với tờ “Guardian” (Anh): thứ nhất, mùa đông họ không “tiếp khách”, thứ nhì, đây là nơi thuộc sở hữu cá nhân nên họ muốn cho ai vào thì cho, họ có quyền như vậy.

Billy Evans, chủ nhân của “Field Farm Fisheries” (cạnh Bicester) cho hay, ông ta dựng tấm biển đó vì theo ông, rất nhiều kẻ trộm cá ở hồ và ông “không cảm thông cho bọn trộm cắp, bất kể chúng đến từ đâu”. Tuy nhiên, sau ít ngày, rồi ông ta cũng phải lùi bước và cho hạ biển.

Bởi lẽ, rốt cục cũng có một cơ quan chức năng có thẩm quyền đã lên tiếng, và cho rằng hàng chữ trên là vi phạm luật. Ủy ban Bình đẳng và Nhân quyền (Equality and Human Rights Commission) thông báo rằng, họ đã gửi thư cảnh cáo và sẵn sàng làm những bước cần thiết để hạ biển.
 
Nghề câu cũng lắm công phu và đòi hỏi tuân thủ lề luật
Nghề câu cũng lắm công phu và đòi hỏi tuân thủ lề luật

Billy Evans cho hay, sở dĩ ông ta cho hạ tấm biển gây sốc vì gia đình ông bị đe dọa, và ông cũng suy nghĩ xem có nên đóng cửa hồ câu hay không. Còn Rado Papiewski thì chào mừng quyết định đó, và nhận xét rằng cần phải chờ thêm tuyên bố bằng văn bản của ông Evans.

Đồng thời, ông Rado Papiewski cũng đề xướng thành lập cái gọi là “Building Bridges” với mục đích “giảng dạy và giúp hội nhập” những người câu cá ngoại quốc tại Anh, để họ thông hiểu và tuân thủ đúng đắn hơn những phong tục địa phương liên quan đến nghề câu.

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn tổng hợp