Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BI KỊCH TIỀN THƯỞNG TẾT

(NCTG) Gieo mình xuống ghế, M., cô bạn làm ở phòng hành chính cùng cơ quan với tôi, thút thít khóc vì... đến giờ mới hiểu rõ lòng người (!)

Chả là cô đã bị mất danh hiệu lao động loại A chỉ vì bị cô bạn ăn thân mật, ngủ thân mật và buôn dưa lê thân mật cùng phòng tố tội đến vỡ mật.

Tiền thưởng Tết hàng năm của công ty tôi tuy chẳng đáng là bao so với những kẻ thu bạc triệu ở những ngân hàng và công ty lớn, nhưng thêm được chút nào thì cũng là cho cái Tết xêm xêm một chút. Ấy vậy cho nên việc phân loại A, B, C gắn liền với độ đáng kể của cái phong bì cuối năm. Nếu việc phân loại tiền thưởng không bị giới hạn thì cái sự khẳng định “hiểu rõ lòng dạ nhau” cũng chẳng thế chắc nịch như đinh đóng cột được.

“Thế là nó được hơn em 500.000 đấy”, M hậm hực nói với tôi, “em nghĩ chúng em thân nhau nên đã không giữ kẽ với nó làm gì. Ai ngờ nó gián điệp nằm vùng, nó đã ám chỉ chuyện em thi thoảng dấm dúi bên ngoài kiếm chút tiền với bà trưởng phòng (chỉ vì khó khăn em mới phải làm thế), bà ta kết tội em chân trong chân ngoài và tiền thưởng nghiễm nhiên rơi vào tay nó. Trong cuộc họp mặt nó cứ câng câng lên. Cũng đúng thôi, được loại A năm nay thì sang năm nó được tăng lương mà. Em đúng là to đầu mà dại!”

Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện để kể về hậu trường “Họp khen thưởng cuối năm” ở một công ty mà tiền thưởng cũng kha khá và lợi lộc ăn theo cũng đáng kể. Nhưng ở một công ty không phát triển lắm khác, giám đốc thực hiện chế độ tiền lương đồng đều và tiền thưởng cuối năm cũng phân ra các loại A, B, C… với mỗi mức thưởng chênh nhau dăm chục bạc cho đỡ phức tạp. Chế độ này nghe qua tưởng chả gây sóng gió bão bùng gì trong lòng các ứng cử viên tranh mức cao nhất, mức A, ấy thế mà cũng khiến nội bộ lục đục và cao trào của cuộc nội chiến bùng phát vào cuối năm này thậm chí còn dẫn đến sự ra đi của một số nhân viên không chịu nổi sự bon chen quá quá vụn vặt.

Đó là trường hợp của H., một cô gái mới ra trường được hai năm và vào làm trong công ty trên được một năm. Tuy mức lương ở đây thuộc diện thấp, nhưng phần vì mới ra trường, phần vì thích công việc liên quan đến sách vở của mình, cô vẫn vui vẻ làm việc rất tốt. Có điều, vì tính chất công việc ở đây nên hầu như các nhân viên đều là nữ giới, phần lớn trong số họ lại cứng tuổi mà chưa lập gia đình, cho nên mức độ super soi cứ tăng lên theo cấp số nhân. Từ hơn nhau cái áo cái quần, cái xinh cái đẹp đến cái giỏi cái giang, tất thảy đều bị đem ra nói xấu cho đỡ… khó chịu. Việc hơn nhau chỉ vài chục nghìn tiền thưởng cũng trở thành trầm trọng đến mức to tiếng có, tố tội có, rồi sụt sịt có trước mặt sếp vì như thế vẫn là “nó hơn mình”, trong khi “nó làm sao mà hơn được mình”. Và H., với vài lần học hỏi kinh nghiệm một đồng nghiệp về cách giải quyết một số khó khăn trong công việc của mình, đã ngả ngửa người khi giữa cuộc họp đông đủ chị đồng nghiệp kia kết luận: “H rất lười suy nghĩ, thiếu hiểu biết, cứ tí tí lại hỏi tôi. Điều này mọi người phòng tôi ai cũng biết.”

Tôi nghe những câu chuyện kiểu này không phải như nghe những chuyện phức tạp nơi công sở, mà là nghe những tâm sự buồn của những người trong cuộc. H đã bỏ công ty cũ và kiếm được việc làm mới, nhưng cô làm việc độc lập và dè sẻn giao tiếp với các đồng nghiệp, trừ khi công việc yêu cầu. Sự ghen tị và đố kị của các đồng nghiệp trước kia đã để lại dấu ấn trong cô đến nỗi cô hầu như không giao lưu tập thể ngoài công việc. Còn M. thì khẳng định ngay trước mặt tôi là cô không bao giờ kết thân nơi công sở nữa, vì “cứ dính đến tiền là mất tình”.

Việc khen thưởng cuối năm vốn tốt đẹp và khuyến khích được người lao động là thế, đáng tiếc là có người chỉ vì tham lam và đố kị đã làm mất đi cái Tết ngon của một số người, và đời sống công sở bị bôi một vết bẩn khó xóa.

Tác giả bài viết: Kiều Diệp, từ Hà Nội