Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BẦU CỬ HẠ VIỆN NGA - CHUYỆN NGOÀI LỀ (3)

(NCTG) Để ý kỳ bầu cử lần này, người ít quan tâm đến chính trị như tôi cũng cảm thấy thú vị, vì ngày càng có nhiều điểm ngoài lề sống động!

"Moscow bầu cho Putin", một quảng cáo chính trị điển hình ở Nga - Ảnh: Denis Sinyakov (REUTERS)

* Thuật ngữ chính trị “Kế hoạch của Putin”

Những tháng gần đây, càng gần đến mùng 2-12, ngày bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, cụm từ này vang lên không biết bao nhiêu lần hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Kế hoạch của Putin” dường như đã trở thành câu cửa miệng của giới “am tường” - hoặc muốn làm ra vẻ am tường - chính trị ở Nga, vô hình trung đã trở thành một… thuật ngữ chính trị. Thậm chí, trẻ em phổ thông cũng bắt đầu có mốt dùng cụm từ này để buôn chuyện cùng chúng bạn, cho… sành điệu!

Giới trẻ Nga còn truyền tay một bài hát về “Kế hoạch của Putin” và nghêu ngao hát theo kiểu hip-hop, rất lấy làm thú vị. Lời bài hát có nhiều đoạn, có đoạn tung hô, có đoạn xuyên tạc, có đoạn mang tính chất trào phúng, trêu ghẹo:

… Kế hoạch của Putin – con đường từ đây đến ngay Hạnh phúc
Trên những ngón tay lấp lánh nhẫn Olimpic quyền uy
Tất cả huy chương mọi môn thể thao về ta hết chứ gì
Mọi thế vận hội từ nay - cả mùa hè lẫn mùa đông - đều diễn ra ở Sochi tươi đẹp
Ảnh Putin tạp chí “Hustler” và “Playboy” tranh giành nhau đến khiếp
Kế hoạch của Putin thật là phê, thật là tuyệt

Vậy, kế hoạch Putin về thực chất, là gì?

Chỉ có 9% dân Nga khẳng định mình nắm được nội dung của kế hoạch này, nằm trong khuôn khổ chương trình vận động tranh cử của Đảng “Nước Nga thống nhất” (NNTN), theo số liệu của Trung tâm điều tra xã hội Toàn Nga (VTsIOM). Còn lại, hầu như chỉ biết đó là một kế hoạch có tên như vậy, rất kêu và hấp dẫn, ngoài ra, họ không biết gì hơn.

Phải chăng, việc Đảng NNTNlấy tên tổng thống đương nhiệm, một nhân vật đang có uy tín rất lớn trong lòng dân Nga đặt tên cho một kế hoạch chính trị - kinh tế - xã hội sẽ được thực hiện trong tương lai là một thủ thuật chính trị, một trong những “công nghệ chính trị” theo lời của chính Vladimir Putin? Putin đã rất khôn khéo khi trả lời một câu hỏi của người dân qua cầu truyền hình trực tiếp về vấn đề này trong những ngày tháng Mười vừa qua, rằng không nên đánh đồng kế hoạch mang tên ông của Đảng NNTN với một kế hoạch phát triển đất nước mang tính chiến lược mà ông từng vạch ra trong các Thông điệp Liên bang nhiều năm qua, trong đó, Putin luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển xã hội, củng cố vũ trang, các hoạt động ngoại giao của Liên bang (LB) Nga, phát triển nền kinh tế. Mỗi một luận đề nêu ra đều phải có những luận điểm nhỏ cụ thể, đầy đủ, có chương trình thực hiện trung hạn và dài hạn – đó mới là một kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài của đất nước.

Trở lại với thuật ngữ chính trị “Kế hoạch của Putin”, Đảng NNTN treo khắp nơi các bích chương tranh cử của mình với dòng chữ: “Kế hoạch của Putin - chiến thắng của nước Nga”. Họ cho rằng, với kế hoạch này, Đảng NNTN không chỉ có nhiệm vụ phải giành đa số phiếu trong kỳ bầu cử tới mà còn phải trở thành một đảng của chính quyền trong nhiều thập kỷ, tương tự như trọng trách của Đảng Dân chủ - Tự do ở Nhật Bản hay Đảng Thể chế - Cách mạng ở Mexico. Và, nếu như Putin sau này sẽ lãnh đạo “Nước Nga thống nhất” - một điều không hề nằm ngoài khả năng của ông - thì cho dù Putin không còn là tổng thống LB Nga, ông vẫn là chính khách có ảnh hưởng rất lớn, nếu không nói là lớn nhất, đối với chính trường nước Nga.

 Phải chăng bằng cách ấy, Putin sẽ “kéo dài nhiệm kỳ” của mình như lòng dân mong muốn?

* Chính quyền “dụ dỗ” dân

Ngày bầu cử Duma Quốc gia Nga chính thức đã gần kề. Dân tình khắp nơi vẫn đủng đỉnh: “Chưa biết nên đi bầu cử hay không”. Đương nhiên, các ban điều hành bầu cử địa phương phải cuống cuồng “nghĩ mưu” làm sao cho các công dân không quên nghĩa vụ và quyền lợi hiển nhiên của mình. Và thế là xuất hiện các chiêu “dụ dỗ”.

Quảng cáo về những món quà dành cho người đi bỏ phiếu trên báo "Thành phố thân yêu của chúng ta" (Serpukhov, Liên bang Nga)

Nơi người viết bài này đang sinh sống là một thành phố nhỏ cách Moscow chừng 100 cây số. Hai ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử đã có thông báo dán khắp các khu nhà với chương trình cụ thể dành cho ngày 2-12. Đọc thông báo, lập tức bạn sẽ tưởng ra cảnh tưng bừng náo nhiệt của “ngày vui” sắp tới, với các màn trình diễn ca nhạc vui nhộn, các sạp bán hàng giá rẻ, những quán ăn nhanh phục vụ cử tri các món ăn truyền thống và đặc biệt, những món quà! Ở mỗi điểm bầu cử, người ta hứa rằng, nếu bạn là người bắt được tấm phiếu bầu có ghi số 50, 100, 500, 1000, 1500 - bạn sẽ được nhận một trong bốn món quà của mạng lưới siêu thị đồ điện tử - công ty “Taget”: bàn là, máy hút bụi, lò vi sóng và ấm điện đun nước. Và đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ cho những chiêu thức được đưa ra để “dụ” dân đi bỏ phiếu.

Những “mánh lới dễ thương” ấy của ban tổ chức bầu cử địa phương hẳn sẽ đem tới không khí hội hè cho ngày Chủ nhật tới. Được ăn, được nói, còn có thể được gói đem về nữa cơ mà! Không phấn khởi mới gọi là lạ!

* Dân lại… “dọa dẫm” chính quyền!

Trong suốt thời gian diễn ra cuộc chạy đua tranh cử vào Hạ viện Nga, người ta đã thử nghiệm lập những đường dây nóng để liên hệ với các cử tri trên 42 tỉnh thành cả nước. Quỹ Bầu cử Tự do Nga đã chi trên dưới một triệu Rúp cho những cú điện thoại dân gọi đến. Ngược lại với hy vọng của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (UBBCTƯ), rằng dân sẽ sử dụng đường dây nóng để tìm hiểu thêm về các thủ tục bầu cử hay thông báo về những điều chướng tai gai mắt ảnh hưởng đến… nền dân chủ của nước Nga, đa số các cú gọi đều liên quan đến mối lo sát sườn của người dân trong sinh hoạt (như chuyện ga, sưởi, điện, đường, v.v…)! Hơn thế, Andrei Przhezdomsky, chủ tịch Quỹ Bầu cử Tự do, cho biết: trong số 6.563 cuộc gọi, có tới 100 cuộc mang tính chất… dọa dẫm!

Chuẩn bị cho kỳ bầu cử tại Stavropol - Ảnh: Eduard Korniyenko (REUTERS)

Chẳng hạn, dân làng Lemeshky vùng ngoại vi Vladimir đồng thanh tuyên bố: “Chúng tôi sống cách trung tâm thành vùng Vladimir có 7 cây số, mà làng không có ga, không có đường ống nước, điện thoại. Nếu chính quyền không làm gì thay đổi điều đó, chúng tôi sẽ không đi bầu cử!” Những yêu cầu tương tự như thế “Nếu không… thì không tham gia bầu cử” được gửi đi từ khá nhiều vùng khác nhau. Chứng tỏ, dân Nga thực sự chưa có được một cuộc sống bình thường ổn định, nhiều nơi chưa đủ ấm trong mùa giá, nhiều vùng chưa có đường xá tử tế, nước và ga vẫn thiếu… Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh ấy, nếu lượng cử tri đi bầu vào 2-12 tới đây đạt được 70% dân chúng như Quỹ Dân ý tuyên bố, thì đó là một thắng lợi quá lớn đối với đợt bầu cử này!

Việc dân “dọa dẫm” chính quyền cũng cho thấy một điều nữa, là dân Nga đã khôn hơn và kiên quyết hơn so với cái thời “nhịn nhục” đứng dầm chân hàng giờ trong tuyết để đợi đến lượt mua một vài cân thực phẩm! Vả lại, dường như chỉ có thời điểm này tiếng nói của họ mới có chút sức nặng với chính quyền. Bầu cử qua đi, họ không còn là “quý cử tri” nữa, mà chỉ đơn giản là những công dân của đất nước với những vấn đề của riêng mình mà chính quyền không sức đâu tìm hiểu được hết!

* Người chết cũng được quyền bầu cử?

Ngày 30-11, theo tin của Hãng thông tấn RIA, Đảng Cộng sản LB Nga đã gửi lên Viện Kiểm sát thông tin về việc phát hiện một số phiếu chứng nhận thoát ly (*) mang tên…người đã chết. Ông Ivan Melnikov, trưởng ban điều hành các hoạt động tuyên truyền tranh cử của đảng này đã tuyên bố với báo chí rằng sẽ đưa việc này lên Tòa án Tối cao.

Xung quanh tấm phiếu chứng nhận này cũng lắm chuyện ly kỳ. Ngày 28-11, tại thành phố Perm, cảnh sát đã thu giữ gần 500 phiếu chứng nhận thoát ly rởm trong cốp xe của một người tên là Aleksander Skrebeiko.

Trả lời phỏng vấn của chương trình thời sự "Vesti" (Tin tức), kênh truyền hình RTR, ông Vladimir Churov, chủ tịch UBBCTƯ, đã lấy làm tiếc là có những trường hợp nói trên xảy ra, và ông cũng không hiểu mục đích của sự việc ấy, bởi lẽ mỗi một tấm phiếu ấy đều phải ghi tên một người cụ thể, và khi đến địa điểm bầu cử, anh ta phải trình hộ chiếu của mình. Mỗi một tấm phiếu đều có số đăng ký trong máy tính, vì thế, có thể phát hiện ra phiếu rởm một cách dễ dàng.

Bị cáo Skrebeiko khai rằng, anh ta làm giả những giấy tờ mang tính chất quốc gia ấy chỉ để khoe khoang tài nghệ khéo léo của mình với bạn bè. Giấy rởm, mục đích vớ vẩn, nhưng thời hạn bóc lịch trước mắt là rất thật!

(*) Trong trường hợp cử tri không thể có mặt tại điểm bầu cử địa phương theo khu phố, họ sẽ được ban điều hành bầu cử địa phương phát một phiếu chứng nhận “thoát ly” – để có thể có quyền bỏ phiếu tại bất kỳ điểm bầu cử nào khác trong địa bàn cả nước.

Tác giả bài viết: Mạc Thủy, 11-2007 - từ Liên bang Nga