BẦU CỬ HẠ VIỆN NGA - CHUYỆN NGOÀI LỀ (1)
- Thứ bảy - 24/11/2007 10:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Song, điều thú vị là, trong bầu không khí căng thẳng của chính trường vẫn có đâu đây những khoảng trống cho sự thư giãn.
Liệu tệ sùng bái Putin lan tràn mọi nơi mọi chỗ trên nước Nga có giúp ích cho nền dân chủ non trẻ ở xứ này?
1. Người chiến thắng là kẻ… không bao giờ chiến bại, bởi một lẽ đơn giản: không tham gia chiến đấu!
Trung tâm Điều tra Xã hội Toàn Nga (VTsIOM) ngày 17/18-11 đã tiến hành thăm dò ý kiến của 1.600 dân Nga tại 46 vùng miền, kết quả là chỉ 8% công dân Nga cho biết, họ có theo dõi cuộc tranh luận chính trị công khai trên các kênh truyền hình, và 69% trong số họ quả quyết rằng Đảng “Nước Nga thống nhất” (NNTN) trong các cuộc “đấu khẩu” ấy đã giành chiến thắng! Điều thú vị ở đây là đảng này… hoàn toàn không tham gia chương trình tranh luận công khai với các đối thủ của mình! Phải chăng, tình cảm dành cho NNTN và tổng thống Putin, người đứng đầu danh sách ứng cử của đảng này, đã lớn đến độ những người hâm mộ nhầm lẫn họ với gương mặt đại diện cho các đảng khác phải vất vả tranh cãi đến đỏ mặt tía tai trong trường quay?
Qua cuộc thăm dò dư luận này, những nhà xã hội học đi đến kết luận rằng, các cuộc tranh luận công khai nhằm giành điểm trên truyền hình giữa các chính khách thực ra chỉ thu hút sự quan tâm của những người đã xác quyết lựa chọn ai trong kỳ bầu cử tới, chứ không mấy ảnh hưởng tích cực đến bộ phận dân chúng “thụ động với chính trị” - mà thuật ngữ chính trị ở Nga gọi là “đầm lầy” (!) - như người ta vẫn hy vọng.
Trong cuộc điều tra kể trên của Trung tâm VITsIOM, chỉ có 7% số người được hỏi trả lời “có” cho câu hỏi: “Bạn có quan tâm đến chính trị hay không?” Ông V. Phedorov, tổng giám đốc VITsIOM, cho rằng giá như Đảng NNTN tham gia vào những cuộc tranh luận này thì có lẽ sẽ lôi cuốn được sự chú ý của dân chúng nhiều hơn.
Như vậy, việc không “ném chiếc găng tay” chấp nhận cuộc “đấu súng”… không hề là một hành động hèn nhát như một số đảng đã lớn tiếng chỉ trích Đảng NNTN. Đó rất có thể là một “chiến thuật” bởi kết quả cuối cùng vẫn là… chiến thắng!
2. Các chính khách cũng mê... “số đẹp”!
Ngay sau khi tuyên bố danh sách 11 đảng chính thức tranh cử vào Duma Quốc gia Nga, tại Ủy ban Bầu cử Quốc gia (BCQG) đã diễn ra một cuộc bắt thăm: mỗi đảng nhận được một số, là “mã số” đảng ấy trong lá phiếu cử tri sau này. Hầu hết các chính khách đều rất hân hoan đón chờ cuộc bắt thăm này với ý nghĩ lạc quan là sẽ không có số 13. Đảng NNTN nhận được con số 10 (đại diện đảng này tham dự bắt thăm là ông V. Volodin, đã cố gắng che giấu sự lo lắng của mình với lời tuyên bố “Mọi sự có Chúa sắp đặt!”) Đảng Cộng sản (CS) LB Nga vui sướng với con số 4, cho rằng đó là số may mắn và nhất định đảng này sẽ giành chiến thắng trong ngày 2-12 tới. Trái lại, đại diện của Đảng “Liên minh Cánh hữu” (LMCH) là ông O. Permiakov lại thất vọng khi nhận được số 5 đến nỗi ông này từ chối không bình luận với báo chí. Đảng Tự do - Dân chủ Nga hạnh phúc với con số 7, cho rằng, năm nay là năm 2007, con số 7 thực sự là con số của thắng lợi.
Đảng “Quả táo” nhận số 11, im lặng và căng thẳng! Đảng “Những người ái quốc Nga” có được số 9, cũng là con số được đảng này hâm mộ và người nhặt thăm cố gắng bằng cách này hay cách khác giải thích các khía cạnh may mắn tiềm ẩn trong con số ấy. Đảng “Sức mạnh công dân” cho rằng, con số 2 mà họ nhận được chính là hiện thân cho thắng lợi vì lẽ... cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày.. mùng 2! Đảng “Công bằng xã hội” vô cùng thất vọng với con số 6 mà với người Nga cổ, thường liên quan đến ma quỷ (666). Người hạnh phúc nhất hôm ấy là đại diện của Đảng Nông nghiệp - ông Plotnikov - vì đã chạm được vào con số 1 mà các chính khách trong thâm tâm đều mong muốn. Ông này không giấu giếm niềm vui và… không một chút khiêm tốn, tuyên bố rằng Chúa đã và sẽ theo bước đảng này trong toàn bộ chiến dịch vận động tranh cử trước mắt!
Người nhận con số cuối cùng trong quả cầu kính đựng thăm là đại diện Đảng “Nước Nga công bằng” (NNCB) vì đảng này đăng ký tranh cử sau nhất. Bà Svetlana Goriacheva, đại diện cho NNCB, than vãn rằng ở đây không có chút dân chủ nào, cũng như không có chút lịch sự nào đối với phụ nữ. Thật tiếc rằng các ông nghị không biết đến câu “Ladies first” (cũng phải, vì câu này không có trong tiếng Nga). Chỉ còn lại con số 8, và bà Goriacheva nhặt nó lên không một chút vui sướng.
Thì ra, các chính khách đều rất mê tín!
3. Ziuganov, người kể chuyện tiếu lâm
Người đứng đầu Đảng CS LB Nga từ lâu đã xuất hiện trên các trang báo “Sự thật”, “Vì chính quyền nhân dân” với tư cách là người… kể chuyện tiếu lâm!
Gennady Zyuganov, yếu nhân của Đảng Cộng sản Liên bang Nga, cũng được biết đến trong vai trò một người kể chuyện tiếu lâm
Đó là một góc nhỏ trên trang cuối của báo có tên “Truyện cười của Ziuganov”. Cuối tháng Mười vừa qua, chi nhánh của Cục An ninh Liên bang (FSB) tại vùng Novosibirsk đã đặt dấu hỏi đối với những truyện cười chính trị của đảng này liên quan đến việc cười cợt, dè bỉu hình ảnh Đảng NNTN và tổng thống V. Putin.
Không một chút lo lắng, Ziuganov vẫn tiếp tục sưu tầm, “sáng tác” và thậm chí còn cho xuất bản tập “Truyện cười của Ziuganov” và gửi tặng tổng thống một cuốn. Một trong số những mẩu chuyện kể của Ziuganov được FSB “để mắt” tới, như sau:
Chương trình tranh cử mới của “Nước Nga thống nhất” được đề ra:
Điều 1: Làm cho con người được giàu có và hạnh phúc
Điều 2: Danh sách những con người nói trên.
Sau cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia Nga, Ủy ban BCTƯ đã mất nhiều thời gian loay hoay với đống phiếu của cư tri vì có tới 102% ủng hộ cho “Nước Nga thống nhất” – thật là quá thể… Người ta đã cố gắng thái quá ngay tại trận rồi!
Bây giờ đã rõ cả rồi: rằng Pushkin - là tất cả của chúng ta, Tsereteli* - là khắp nơi của chúng ta, còn Putin - là mãi mãi của chúng ta!
- Ở nước Nga ai được sống sung sướng?**
- Chúng tôi không biết. Còn đương điều tra…
Lẽ đương nhiên, FSB sẽ không động vào Đảng CS cũng như vị lãnh tụ vui tính của đảng này bởi lẽ những chính khách cũng nên và phải biết tự trào. Cả V. Putin cũng vậy!
(*) Lãnh tụ men-sê-vích (1882-1959), năm 1923 di tản sang Pháp, năm 1940 sang Mỹ.
(**) Tên một trường ca của nhà thơ Nga N. Nekrasov (1821-1877).