Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BARACK OBAMA: NỀN DÂN CHỦ ĐANG CÓ VẤN ĐỀ Ở NHIỀU NƠI!

(NCTG) Khi Hoa Kỳ và Châu Âu thống nhất, liên mình này có tầm ảnh hưởng rất lớn, còn khi bị chia rẽ thì đó là vấn đề, theo lời cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Quốc gia Tây Ban Nha (TVE) vào tối thứ Bảy 30-1.
Cựu tổng thống Barack Obama - Ảnh chụp màn hình
Cựu tổng thống Mỹ chia sẻ: “Tin lành mà theo tôi, chúng ta có thể mong đợi từ ê-kíp của Biden, là họ tin tưởng vào pháp quyền, vào các thể chế đa phương, vào sự hợp tác, khoa học, vào hành động, nhân quyền”.

Theo quan điểm của Obama, Châu Âu có thể mong đợi chính quyền mới đại diện cho sự liên tục với các chính sách của chính quyền Obama, và nhấn mạnh việc củng cố các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và NATO.

Cựu tổng thống Mỹ nói, Joe Biden đã có tiếng nói tốt lành với ý định thống nhất đất nước, nhưng ông tin rằng điều này sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. “Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được điều đã xảy ra”, ông nói về cuộc bao vây Điện Capitol ngày 6-1, khiến 4 người biểu tình và 1 cảnh sát thiệt mạng.

Barack Obama gọi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu là không thể phủ nhận, mà lý do được ông đánh giá là bởi người dân không cảm thấy an toàn theo cả nghĩa kinh tế hoặc văn hóa. “Chúng ta phải học cách sống chung với nhau”, ông phát biểu.
 
Tân tổng thống Joe Biden (phải) vào năm 2016 khi còn phục vụ trong nội các của Barack Obama - Ảnh: AP
Tân tổng thống Joe Biden (phải) vào năm 2016 khi còn phục vụ trong nội các của Barack Obama - Ảnh: AP

Vị cựu chính khách nói về sự biến đổi của Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ, bao gồm sự suy giảm của các lực lượng ôn hòa trong đảng. Vì vậy, “bây giờ có một Đảng Dân chủ là một đảng cánh tả hoặc trung tả, và ở phía bên kia, một Đảng Cộng hòa, là một đảng cực hữu”, ông tuyên bố.

Trong phiên bản trực tuyến dài hơn của cuộc phỏng vấn, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI, Barack Obama giải thích rằng bên cạnh những bất đồng, cả hai bên phải bắt đầu bằng thỏa thuận chung, ví dụ như về các vấn đề sự đại diện, bầu bán, luật pháp hoặc luồng thông tin.

Các sự kiện những năm gần đây, những tháng cuối cùng đã dạy chúng ta rằng ngay cả những quốc gia giàu có nhất, những nền dân chủ phát triển nhất, cũng không tránh khỏi những vấn đề này. Chúng tôi nhận thấy loại vấn đề này ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Myanmar.

Nhưng đây dường như cũng là vấn đề ở Mỹ, Tây Ban Nha, Hungary, Đức
”, cựu tổng thống Hoa Kỳ nhận xét.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh