Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BẠO HÀNH TRONG NHÀ TRƯỜNG Ở VIỆT NAM

(NCTG) Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, báo chí Việt Nam đã liên tục đưa tin về những hành vi phản dân chủ, thậm chí, tội lỗi, của một bộ phận giáo viên, xảy ra ngay trong mái trường "XHCN". Điều đáng ngại là những hành vi này, hầu như đã diễn ra sau khi tân bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân lên nhậm chức, tỏ ý chấn hưng nền giáo dục Việt Nam và có lá thư ngỏ được đánh giá là rất tâm huyết, nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

Tuy nhiên, trong lá thư thẳng thắn đả động đến nhiều vấn nạn trong ngành Giáo dục Việt Nam, một vấn đề khá cốt lõi đã không được nhắc đến: tệ bạo hành, xâm phạm đến thể xác và tinh thần học sinh, dẫn đến bầu không khí phản dân chủ và phi giáo dục trong mái trường!

Thử điểm lại một số "biến cố" điển hình, đã khiến công luận Việt Nam vô cùng công phẫn trong thời gian qua.

* PHẠT HỌC SINH ĐI BẰNG ĐẦU GỐI

Bốn em học sinh lớp 3, mới 8 tuổi, do nói chuyện với nhau khi cô chưa vào lớp và bị một bạn mách lẻo, đã bị cô giáo Loan (đã có gần 20 năm trên bục giảng) bắt lên đứng trước bảng rồi tát nhiều lần vào mặt, dứt tai rồi đập đầu các cháu vào nhau, đồng thời bắt các cháu quỳ gối xuống. Có cháu bị chảy máu mũi thì được về chỗ, ba cháu còn lại bị bắt phải quỳ và phải lết đi bằng 2 đầu gối xung quanh lớp 100 vòng, cấm không được chống tay, trước sự chứng kiến của hơn 40 bạn học cùng lớp 3A1.

Hành vi bạo hành để lại ảnh hưởng đến tâm lý của cháu bé...

Sau khi chép bài tập lên bảng xong, cô Loan cho ba cháu về chỗ ngồi (khi đó, ba cháu đã lết được gần 20 vòng xung quanh lớp) nhưng bắt cả ba cháu tiếp tục vừa quỳ vừa làm bài tập cho đến hết giờ. Vì bị quỳ và lê lết nhiều, đầu gối của cả ba cháu bị trầy xước, chảy máu, thâm tím...

* ĐẬP BẦM NGÓN TAY, GÕ CHẢY MÁU ĐẦU HỌC SINH

Em Nguyễn Thị Thị Thanh Liên, mới học lớp 1 Trường Tiểu học Phú Xuân 2, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), đã bị cô giáo Bình dùng thước đập bầm các đầu ngón tay, liên tiếp gõ vào đầu của em đến sưng vù và chảy máu, khiến em phải bỏ ăn bỏ uống cả mấy ngày. Mới đây, em Trần Văn Tuấn, học sinh lớp 5/A cũng bị cô giáo tên Mười đánh bằng một dụng cụ bằng nhựa. Sau 10 ngày, những vết quất của cô giáo Mười vẫn còn trên đôi chân của em Tuấn, với những vết bầm tím chi chít từ đầu gối trở xuống.

Được biết, đây không phải là những trường hợp cá biệt của trường: những năm qua, tình trạng giáo viên đánh học sinh ở đây là "chuyện thường ngày ở huyện". Chỉ khi nào phụ huynh quá bức xúc, viết đơn phản ánh hay đến tận trường đối chất trực tiếp thì may ra, họa hoằn mới nhận được lời xin lỗi thờ ơ từ phía giáo viên. Tuy nhiênh, chuyện "sửa sai" đã không hề diễn ra!

* XÉN TÓC THÔ BẠO HỌC SINH ĐỂ "CHẤM CHỈNH NỀN NẾP"

Đang giờ học, 200 học sinh Trường THPT huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, bất ngờ bị xén tóc nham nhở, đến thợ cắt tóc sau đó muốn chỉnh sửa cũng không được, đành cạo trọc. Hành vi này, được trường cho là hợp pháp để "chấn chỉnh nền nếp, tác phong".

Học sinh tả lại vụ cắt tóc

Tường trình của học sinh cho thấy mọi việc diễn ra như một đợt khủng bố. Cả trường Sơn Hà đang trong giờ học, một đoàn giáo viên do hiệu trưởng Nguyễn Thị Xuân Hương làm trưởng đoàn, cùng hiệu phó Đinh Thị Phương, nhân viên y tế học đường Nguyễn Thị Thu Hà, bảo vệ trường Hồ Viết Công và thày giáo thể dục Linh, tay cầm kéo lần lượt ùn ùn vào từng lớp. Theo lệnh hiệu trưởng, tất cả học sinh phải đứng dậy để "kiểm tra tư cách". Trong 5 phút, 6 nam học sinh của lớp đã bị ông Công và thày Linh xén tóc với lời giải thích là vi phạm "nội quy" của trường về tóc. Không chỉ lớp 11B10, trong 3 ngày 17-19/11, Ban giám hiệu cùng một số giáo viên lần lượt đến tất cả khối lớp. Thao tác "xén, hớt, cắt" được thực hiện ở từng lớp trong vòng 5 phút. 200 học sinh đã trở thành nạn nhân của biện pháp "chấn chỉnh nền nếp" này.

Sự việc xảy ra đã xúc phạm nặng nề đến học sinh, khiến nhiều em bức xúc. Theo lời kể lại, có em là ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường, luôn gương mẫu trước bạn bè, đầu tóc luôn gọn gàng nhưng không hiểu sao vẫn bị ông Linh "xoẹt một nhát đứt phăng một bên mai". Có em "tóc thuộc dạng quăn tự nhiên thì có bao giờ dài được đâu, nhưng khi kiểm tra, Ban giám hiệu và các thày cô cứ bắt phải kéo dài sợi tóc quăn ra - tóc quăn kéo ra thì đương nhiên là phải dài và do đó các thày mặc nhiên cắt". Một em là con một gia đình người dân tộc Hre vừa ở vùng cao xuống, do di truyền nên có râu quai nón dính liền với mai tóc tạo thành một đường chạy dài vượt quá quy định của trường. Các thày cho rằng em này để mai quá dài nên cầm kéo cắt.

Bà hiệu trường trong trang phục không lấy gì làm mô phạm...

Hành động mang tính nhục mạ học sinh này, đã được bà hiệu trưởng Nguyễn Thị Xuân Hương cho là đúng với nội quy nhà trường. Bà ngang ngược cho biết: từ 5 năm nay, bà đưa ra và thực hiện quy định, học sinh vào lớp mặc quần ống loe sẽ bị hớt, đi dép quai chéo (như dép Lào) sẽ bị thu hoặc cắt quai; còn nam sinh để tóc chấm tai, mái quá hàng lông mày, mai quá một phần ba tai là xén. Bà Hương nhấn mạnh sẽ tiếp tục trò bạo lực này, mà bà gọi là "kỷ luật trấn áp", trong khi, các ký giả đến trường có nhận xét tinh tế: "Khi hiệu trưởng quả quyết giữ nguyên việc chấn chỉnh tác phong đối với học sinh thì bà lại dễ dãi với mình: làm việc ở văn phòng, nhưng bà vẫn mặc áo thun không cổ và cộc tay!"

* PHẠT ĐỂ... XẢ STRESS?

Hành hạ học sinh bằng bạo lực chưa đủ, nhiều thày cô còn thích hành hạ tinh thần các cháu bằng một biên pháp "giáo dục" thô sơ: hơi tí là phạt, bắt chép cái này cái nọ!

"Lớp 6, cháu không nhớ mình viết bao nhiêu bản kiểm điểm. Nhưng hai tháng đầu năm lớp 7, cháu viết 3 bản rồi, mẹ cháu không còn la khi ký vào đó nữa" - lời tâm sự một học sinh lớp 7, kể về "thành tích"... nhờn "thuốc phạt" của thầy cô. "Bản kiểm điểm lần đầu của em vì tội "té nước vào bạn", chỉ vài giọt nước còn sót lại trong chai vào giờ giải lao. Trên áo bạn cũng không bị ướt nhiều. Nhưng xui là bị giám thị nhìn thấy nên phải viết bản kiểm điểm. Bản kiểm điểm thứ 2 là tội "trao đổi bài với bạn khi chưa được phép". Bản kiểm điểm thứ 3 với lời hứa "không lơ là trong giờ học nữa".

Các ký giả Việt Nam phải ngạc nhiên khi được biết: "Hình thức chép phạt lâu nay được dùng để giúp học sinh nhớ bài hoặc nhớ lỗi của mình hơn. Nhưng kiểu chép phạt như một học sinh lớp 12 mà chúng tôi được biết thì... xưa nay hiếm. Trong thời hạn 1 tuần, em phải chép phạt cả trăm lần 3 bài học thuộc lòng, dài gần 1 tờ giấy đôi học sinh. Tính ra, mỗi tối, em "tập thể dục" bốn chục trang (!) Lý do để chép phạt rất phong phú. Mỗi lần khảo bài, nếu học sinh đọc sai 1 hoặc 2 chữ thì bị chép phạt toàn bài. Làm bài kiểm tra dưới điểm trung bình cũng... chép phạt. Bây giờ, cứ nhắm mắt lại là thấy...phạt chép mỏi tay".

Nhiều học sinh một trường phổ thông khẳng định: "Tụi em chép phạt cả ngàn lần". Các em đều công nhận, chép ngày chép đêm vừa chép vừa giận thầy nên không nhớ được gì. Đấy là chưa kể, bảng liệt kê các hình phạt: thầy Toán: chép phạt; thầy chủ nhiệm: phơi nắng đến 1 giờ chiều; cô Sử: lau lớp học...

Bị phạt "tùm lum" như thế nên học sinh đâm ra "nhờn": chỉ cần một bạn ngồi suy nghĩ để viết kiểm điểm, cả lớp sẽ viết lại giống nhau hết. Viết xong rồi quên. Học sinh học thuộc mẫu kiểm điểm, mỗi lần chép là chỉ cần thay tội và lời hứa.

Giải thích về hành vi "bạ đâu phạt đấy" của các giáo viên, một chuyên gia nhận xét: có những giáo viên không được đào tạo tốt về kỹ năng giáo dục. Hơn nữa, chất lượng giáo dục  được đánh giá qua điểm số, tỉ lệ lên lớp, dạy đúng chương trình... dẫn đến áp lực giáo viên chăm chút lo chạy theo chương trình, căng thẳng để lo cho học sinh mình được lên lớp 100%. Chính vì thế, khi gặp sự cố, nhiều thầy cô lại chỉ nghĩ đến hình phạt như một cách xả stress tức thì!

* HIỆU TRƯỞNG BẮT ĐỒNG NGHIỆP QUỲ LẠY

Họa hoằn, bạo hành trong nhà trường còn lan sang cả các đồng nghiệp nhà giáo. Như chuyện ông Trịnh Duy Minh, hiệu trưởng Trường THCS Đông Khê (Đông Sơn, Thanh Hóa), đã bắt cô giáo Lê Thị Tú phải quỳ lạy tại văn phòng nhà trường khi giáo viên này đến lấy chữ ký chuyển trường. May cho cô Tú, hành động nhục nhã này đã bị một số giáo viên trong trường bắt gặp và 17 giáo viên đã gửi đơn tố cáo ông Minh về hành vi xúc phạm nhân phẩm cô giáo Tú.

*

Tệ bạo hành, phi dân chủ và phi giáo dục trong nhà trường ở Việt Nam, đã được báo chí Việt Nam nhắc đến khá nhiều. Dư luận Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng công phẫn. Một số thày cô giáo "biến chất" đã bị kỷ luật, bị tước đảng tịch, v.v... Nhưng vấn đề bạo hành không hề được giải quyết, và vẫn lặp đi lặp lại ở trường này, trường nọ. Cũng không thày cô nào bị truy cứu hình sự bởi hành vi bạo lực, xúc phạm nhân phẩm học sinh, của họ.

Làm sao có thể "tôn sư trọng đạo" trong một môi trường giáo dục như thế? Vẫn biết, những trường hợp trên, có thể chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một nồi canh có quá nhiều sâu?

Mấu chốt của vấn đề, phải chăng, là vì ở Việt Nam, quyền lợi và nhân phẩm của trẻ em nói chung, chưa được quan tâm? Phải chăng, là vì quan niệm "thương cho roi cho vọt" vẫn phổ biến, dễ khiến thày cô có những hành động phản giáo dục, thay vì kiên trì dạy dỗ học sinh?

Để giải quyết trọn vẹn vấn đề, phải chăng, cần dân chủ hóa hơn nữa, công khai hóa hơn nữa, chẳng những trong nhà trường, mà trong toàn thể mọi hoạt động của xã hội?

Tác giả bài viết: Trần Lê - tổng hợp theo báo Việt Nam