BÁO CHÍ TRONG MẮT EM
- Thứ ba - 21/06/2011 03:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Là quyền lực thứ tư trong một xã hội văn minh và phát triển, báo chí trở nên quen thuộc và gần gũi nhưng cũng gây nhiều phiền phức, hãy tỉnh táo trước xa lộ thông tin như một phần báo chí hiện nay mà ngày ngày chúng ta phải tiếp nhận một cách bị động”, cảm nghĩ của Như Quỳnh nhân Ngày báo chí Việt Nam 21-6-2011.
Báo chí gắn bó với em khá sớm, là bạn với em như sách. Từ nhỏ, hay đọc báo “Nhân dân”, “Tạp chí Cộng sản”, “Văn nghệ” và “Lao động” của bố, “Phụ nữ Việt Nam”, “Sức khỏe Ðời sống” của mẹ và “Thiếu niên”, “Nhi đồng”, “Hoa học trò”, “Văn nghệ trẻ” của em.
Báo “Nhân dân” em thích mục Bình luận Quốc tế, ấn tượng không bao giờ phai mờ là báo “Lao động” của anh Vũ Mạnh Cường cứ mỗi dịp Tết các phóng viên lại đi các nước viết bài và có hình ảnh kèm theo, biết anh Cường từ hồi bé tý đó. Có một dạo, “Hương đầu mùa” và “Văn nghệ trẻ” như một thời đẹp đẽ của tuổi mới lớn đầy tâm trạng, khắc khoải với nhiều truyện ngắn hay đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn nhiều kỷ niệm.
Thi đại học, ai cũng nghĩ em thi báo, học báo. Cuối cùng em chọn một ngành không liên quan gì đến viết lách để cân bằng sự nhạy cảm, bay bổng của mình với đời sống thực tế. Bốn năm học đại học chơi với các bạn khoa Báo nhiều đến mức vẫn bị nhầm là sinh viên khoa Báo. Đến giờ, viết báo như một sở thích, em luôn hướng tới tính nguyên bản của vấn đề và nhân vật mà em viết. Em thích viết chân dung các nhân vật - những người bạn, người thầy của em -, thích viết về phim ảnh, văn hóa truyền thông. Đã từng viết báo giấy, báo mạng, làm báo hình, sản xuất phim và tvshow. Đối với em, đó là một niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào bởi những cơ duyên đến một cách tự nhiên, may mắn.
Nghề báo là một nghề khó khăn. Khi đọc những phóng sự dài kỳ trên báo “Lao động” hồi xưa, em luôn hình dung đó là một nghề phải đi nhiều, sống nhiều số phận, nhiều cuộc đời, phải rất mạnh mẽ, dũng cảm nhưng luôn có một trái tim mềm để rung động vì cuộc sống có quá nhiều bất hạnh bên cạnh những cái Đẹp không thể im lặng. Tác nghiệp báo chí khổ như tác nghiệp phim trường. Đến giờ, em vẫn thấy đó là một nghề nguy hiểm, viết hay và theo đúng thời đại, đúng nhân vật, không vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi lương tâm người làm nghề phải luôn sống và tỉnh táo trước những khó khăn, cám dỗ.
Báo chí và tự do luôn là khát khao lớn của bất cứ ai cầm bút, viết chính xác, được đề cao tính nguyên bản, không bị cắt vì lý do gì để nói lên những khát khao, mong đợi, mục đích cuối cùng là có hiệu quả với cộng đồng, với một nhóm nào đó trong xã hội. Nhiều số phận thay đổi nhờ báo chí, thông tin được chuyển tải đến người đọc. Báo chí không thể thiếu trong đời sống bởi thông tin là một giá trị thường trực như việc ăn ở đi lại hàng ngày, một ngày không thông tin không phải là người văn minh, xử lý thông tin đó một cách thông minh nói lên văn hóa đọc của chính bạn. Em thấy, càng tự do càng có khuôn khổ nhất định để những con chữ trên bàn phím của những người viết càng trở nên giá trị hơn, hiệu quả hơn.
Báo chí và truyền thông của thời đại thế giới phẳng cho nhiều cơ hội bất cứ ai thích viết, muốn viết. Nhà nhà làm báo, người người viết báo, báo mạng và blog ra đời như một công cụ đắc lực, sức lan tỏa mạnh mẽ tạo nên nhiều làn sóng dư luận. Nhờ blog và facebook, em ít đọc báo hơn bởi thông tin em cập nhật từ chính các trang của bạn bè mình, của các anh chị làm báo chuyên nghiệp. Một thế hệ làm báo trẻ trung, nhiều sức sống ở Việt Nam đang là sự chờ đợi của một thời đại làm báo hiện đại hơn, nhanh nhậy hơn, em luôn tin vào tương lai tốt đẹp dù có một vài hiện tượng, nhiều câu chuyện khiến cho thất vọng về báo chí truyền thông hiện nay.
Em vui vì có một ngày cho những người làm nghề báo, viết báo vào tháng 6, không ở đâu như Việt Nam nghề nào có ngày đó tôn vinh. Là quyền lực thứ tư trong một xã hội văn minh và phát triển, báo chí trở nên quen thuộc và gần gũi nhưng cũng gây nhiều phiền phức, hãy tỉnh táo trước xa lộ thông tin như một phần báo chí hiện nay mà ngày ngày chúng ta phải tiếp nhận một cách bị động.