Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÁNH TRÔI TÀU – QUÀ MÙA ĐÔNG

(NCTG) “Rời hàng bánh, vị cay thơm của gừng, vị béo của bánh, vị ngọt của mật sẽ còn đọng lại trên đàu lưỡi, người nóng bừng, cái lạnh, cái rét đã biến mất. Bạn sẽ thấy mùa đông giá rét dường như đã ở lại sau lưng!”.


Hà Nội đã vào đông. Những cơn gió bấc thổi ù ù trên mái nhà lại thêm mưa phùn lâm thâm làm cho tiết trời thêm u ám. Mới chỉ 5-6 giờ chiều mà trời đã sẩm tối. Lúc này, bọn nam thanh nữ tú hay rủ nhau vào những hàng bánh trôi Tàu san sát nhau trên phố Hàng Điếu hay quán nhà cụ Phạm Bằng ở Hàng Giày.

Các quán bán trôi Tàu thường nhỏ nhỏ, xinh xinh, khách hàng ngồi xúm xít quanh những chiếc bàn nhỏ đợi đến lượt mình. Bên ngoài trời rét mà nhìn những viên bánh tròn tròn nhỏ hơn quả trứng gà ta “bảy nổi, ba chìm” lênh phênh trong nồi nước đường màu vàng nhạt đang tỏa hơi nghi ngút là đã thấy ấm sực cả người.

Bà hàng vừa nhoay nhoáy nặn bánh, vừa để ý nồi bánh. Khi lớp bột của bánh đã trong, bánh nổi hẳn lên mặt nồi chè là đã chín. Bà hàng nhanh tay vớt những viên bánh màu nâu nhạt cho vào bát. Nước mật mía màu nâu đỏ nấu với gừng tươi giã dập đan sôi lục bục được dội ngập bánh. Nước cốt dừa trắng muốt, lạc rang vàng ươm giã dập rắc lên mặt bát bánh. Chỉ mới nhìn thế thôi, sự kết hợp hài hòa giữa các màu sắc đã làm thực khách nuốt nước miếng.

Chờ mãi rồi cũng đến lượt. Khách bưng bát bánh nóng rãy trên tay, dùng thìa múc từng ngụm chè nóng bỏng xì xụp, rồi khẽ khàng cắn một miếng bánh nho nhỏ. Ăn bánh trôi Tàu không thể vội, phải rất thong thả, vừa ăn vừa tận hưởng cái hương vị đặc biệt của nó.

Cắn một miếng bánh rồi từ tốn chiêu thêm thìa nước mật. Chà, cái dẻo của vỏ nếp, ngọt thơm của nhân đậu xanh giã nhuyễn hay nhân vừng đen giã dập ngào với đường cát và dừa nạo, cái ngậy của cốt dừa, cái bùi của lạc rang quyện vào vị ngọt của mật mía, cay nhẹ của gừng tươi mới tuyệt làm sao!

Mà cũng rất đặc biệt là một bát bánh trôi Tàu đúng kiểu bao giờ cũng có hai viên. Một viên nhân đậu xanh và một viên nhân vừng đen xay. Màu trắng của vỏ bánh, màu vàng tươi của nhân đậu xanh, màu đen của nhân vừng đen hòa trong màu vàng óng của nước mật mía, màu vàng sậm của lạc rang. Một sự pha trộn hài hòa của các gam màu ấm nóng.

Lửa ấm từ bếp tỏa ra, nồi bánh sôi lục bục, lục bục, mùi thơm cay của gừng tươi thoảng trong gió lạnh, bà hàng trông phúc hậu buôn chuyện giòn tan... Tất cả những cái đó đã tạo nên một hương vị riêng cho bánh trôi Tàu, làm nó không thể lẫn với hàng chục, không, hàng trăm thứ chè, bánh khác của Hà Nội.

Gọi là bánh trôi Tàu vì trước đây thứ bánh này chỉ có ở các quán của người Tàu và bán ở các phố đông người Tàu ở như Tạ Hiền, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy... Cũng là một dạng bánh trôi nhưng bánh này gọi là bánh trôi Tàu là vì thế, nó khác với bánh trôi người Việt làm cúng Tết Hàn thực mùng 3 tháng Ba.

Mỗi thứ quà Hà Nội thường xuất hiện trong những mùa nhất định. Bánh trôi Tàu thường chỉ bán vào mùa đông và phải ăn thật nóng. Điều quan trọng nhất là phải thưởng thức nó tron một quán nhỏ đơn sơ của Hà Nội trong một buổi chiều đông giá rét thì mới cảm nhận được trọn vẹn hương vị của nó.

Thời gian trôi đi nhưng những quán bán bánh trôi Tàu dường như vẫn thế, hầu như không thay đổi. Các bộ bàn ghế cũ kỹ, bài trí đơn giản vẫn được giữ nguyên bởi chẳng ai thích vào một quán sáng choang, điều hòa nhiệt độ, bàn ghế phủ khăn lịch sự để ăn bánh trôi Tàu.

Người Hà Nội đến ăn bánh không chỉ là để ăn mà quan trọng là họ thích thưởng thức mùi vị, màu sắc của bánh, tận hưởng một môi trường ẩm thực bình dân nhưng ấm cúng. Khách vừa ăn vừa nói chuyện rì rầm khe khẽ chứ tuyệt nhiên không ồn ã, xô bồ.

Theo thời gian, bánh trôi Tàu giờ đây không còn là độc quyền của những bác Hoa kiều và những phố Tàu nữa. Trên khắp các đường phố của Hà Nội khi mùa đông đến là xuất hiện nhiều hàng bánh trôi Tàu.

Nhiều người Việt ở nước ngoài kể với tôi rằng vào những ngày mùa đông buốt giá, tuyết rơi trắng trời khiến họ nhớ vô cùng hương vị bánh trôi Tàu. Kỳ cục nhờ người thân gửi nguyên liệu từ trong nước sang rồi hì hụi làm. Lạ thay, cũng công thức ấy, cũng bánh ấy, cũng mật ấy mà sao ăn cứ nhạt thếch, không thấy ngon, dường như gia giảm vẫn còn thiếu gì đó?

Tôi biết cái thứ làm cho nồi bánh của bạn kém ngon là gì rồi! Nó chính là cái khung cảnh bình dị của Hà Nội, là hương vị của đất, của trời, của mùa đông Hà Nội, là tiếng Việt thân thương của chúng ta… những thứ mà nơi ở nơi xa bạn không thể có được!

Một ngày mùa đông nào đó bạn về Hà Nội, tôi sẽ rủ bạn đi ăn bánh trôi Tàu. Rời hàng bánh, vị cay thơm của gừng, vị béo của bánh, vị ngọt của mật sẽ còn đọng lại trên đàu lưỡi, người nóng bừng, cái lạnh, cái rét đã biến mất. Bạn sẽ thấy mùa đông giá rét dường như đã ở lại sau lưng!

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Vĩnh Quyên, từ Hà Nội