Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BẮC TRIỀU TIÊN - ĐƯỜNG ĐẾN THIÊN ĐƯỜNG CỘNG SẢN (Kỳ cuối)

(NCTG) “Các cô phụ trách ra hiệu cho chúng hát, bài hát ca ngợi Kim Nhật Thành, người hết lòng chăm lo, yêu quý trẻ mồ côi. Theo nhịp nhạc bọn trẻ đung đưa những thân hình gầy guộc, răng lợi huếch hoác hát lên bài ca cách mạng. Lũ trẻ hôi hám, đầy chấy rận và chắc hẳn những đau đớn khủng khiếp đang hành hạ cơ thể nhỏ bé của chúng. Nhưng chúng vẫn hát vì bắt buộc phải cống hiến cho các vị khách tới từ thủ đô xa xôi.”
Xem Phần 1, Phần 2 Phần 3 Phần 4Phần 5 của phóng sự.


Bệnh viện mang tên nhà độc tài Rákosi do Hungary xây dựng từ đầu thập niên 50 thế kỷ trước, nay đã đổ nát và nhiều nơi vẫn giữ nguyên trạng như 60 năm về trước, được coi là một trong những cơ sở y tế hiện đại nhất của Bắc Hàn - Ảnh: pokoli.hu

 … Ở xưởng làm bánh mì công việc kết thúc khá nhanh, ngoài mấy con chuột đói lùng sục đây đó ra chúng tôi thấy mọi thứ đều ổn, chất lượng bánh mì cũng đạt mức tạm “ăn được”. Các kho của tổ chức Baptiste được canh gác cẩn mật, không hề có dấu tích bị đột phá. Béla cho công nhân bốc đầy hai xe tải thực phẩm, rồi chúng tôi lên đường đi Sarivon.

Mới đến thành phố chúng tôi đã thấy khu bệnh viện hiện ra. (Đây là bệnh viện do Hungary thiết kế và xây dựng từ đầu những năm 50 thế kỷ trước - ND). Nhưng khi tới cổng ra vào thì tôi thực sự bị bất ngờ đến kinh ngạc. Tôi hỏi Chol dòng chữ tiếng Triều Tiên trên cửa ra vào có nghĩa gì. Anh ta dịch theo thói quen:

- Bệnh viện Hungary Rákosi Mátyás, Sarivon.

Tôi phải ngồi xuống đất. Vậy là giai thoại về bệnh viện này là có thật. Cho đến tận bây giờ, đầu thế kỷ XXI nó vẫn mang tên Rákosi Mátyás (*).

Vừa bước vào qua cổng tòa nhà chính đã thấy sự ranh ma sắp đặt trước: họ cố đưa chúng tôi vào những khu nom sạch sẽ dễ coi hơn. Tòa nhà do những công nhân xây dựng Hungary xây cất cách đây đã 50 năm không hề được sửa sang gì thêm. Đây lại là cơ sở y tế duy nhất trong thành phố 200 ngàn dân này.

Hong giới thiệu chúng tôi với ông giám đốc, người được các nhân viên của đồn công an Kim Nhật Thành phía đối diện kèm sát, có lẽ vì họ sợ ông sẽ phàn nàn với chúng tôi những gì không cần thiết. Ông mời chúng tôi đi xem nhà bảo tàng của viện, vì ta nên nhớ ở Triều Tiên ngay cả cơ quan nhỏ nhất cũng có bảo tàng hay nhà trưng bày để giới thiệu “công lao” của Kim Nhật Thành.

Chúng tôi mất nửa giờ ngán ngẩm trong bảo tàng, có cả một bức ảnh chân dung Rákosi, tôi chưa từng thấy ở đâu có bức ảnh nom ông ta hói đầu và béo như thế. Sau đó chúng tôi ra đặt vòng hoa viếng đài tưởng niệm các công nhân xây dựng và các bác sĩ Hungary do lãnh đạo thành phố cho dựng nên. Rồi cuối cùng phải đi xem hết thư viện (vì một năm trước đây Kim Chính Nhật đã tới đây và theo sự chỉ đạo sáng suốt của Người, tất cả các cơ quan phải có thư viện, chủ yếu trưng bày các trước tác của hai cha con ông ta).

Hong coi như chuyến thăm bệnh viện thế là xong, nhưng Béla từ tốn nói:

- Chúng tôi muốn coi số thuốc men của Hungary ra sao.

Hong miễn cưỡng gật đầu ra hiệu cho ông giám đốc dẫn đường, nhưng Béla biết chính xác lối đi, vì anh đã tới bệnh viện này nhiều lần.

- Người mới là liều thuốc thực sự! - Hong cố chỉ lên bức ảnh Kim Nhật Thành treo trên tường, nhưng Béla cứ cúi đầu đi lên trước. Chúng tôi vào một căn phòng nhỏ, không khí bức bí ngột ngạt. Ông giám đốc kéo chiếc rèm che sang một bên, phía sau rèm trên các giá đỡ là những hộp thuốc viên, kim tiêm, những lọ thủy tinh trống rỗng.

- Chúng tôi đã sử dụng hết phần lớn số thuốc - ông giám đốc giải thích.- Bệnh nhân đông quá…

Béla ra hiệu không cần nói thêm nữa, rồi bước ra khỏi phòng. Dù sao anh cũng không thể chứng minh nổi số thuốc đã được dùng cho các bệnh nhân Sarivon hay đã lọt vào nhà các cán bộ đảng ở Bình Nhưỡng. Ông giám đốc dẫn chúng tôi vào một phòng mổ, và tôi bắt đầu ghi hình. Béla giơ bàn tay ngăn ống kính.

- Chúng tôi không quan tâm tới cái này, mà muốn xem phòng mổ thật kia. Bệnh viện Sarivon sẽ không nhận được một cắc viện trợ nếu chúng tôi mang hình ảnh của cái phòng mổ tạm coi được này đi giới thiệu đâu.

Đây là phòng mổ đã được những người Baptiste sang sửa lại, sạch sẽ tới mức đáng ngờ. Họ cũng không phẫu thuật trong phòng này, trừ phi có lãnh đạo cỡ bự cần giải phẫu. Phòng bên cạnh trong tình trạng thật thảm hại. Trong một chậu nhựa màu xanh còn ngâm mấy con dao mổ dính máu, bên cạnh đó là mấy miếng gạc bẩn đã dùng ngâm trong một chiếc xô chờ sử dụng lại.

Nền nhà lát tấm nhựa nhầy nhụa mỡ và trơn tuột như hàng năm nay chưa được lau rửa. Hàng đàn kiến đỏ lũ lượt rồng rắn kéo nhau dưới chân tường. Phòng mổ chiếu ánh sáng xanh, có mùi hơi khét bốc lên từ kim loại nung nóng cháy, muốn nghẹt thở. Chúng tôi được dẫn vào một gian chứa củi, được giới thiệu là phòng Röntgen. Ở giữa phòng đặt một máy Röntgen cũ kỹ, có ghi dòng chữ: Nhà máy Röntgen Budapest, 1953.

Mấy phút sau chúng tôi sang phòng bệnh nhân hậu phẫu. Những bệnh nhân nhếch nhác nằm lăn lộn trên những tấm nệm bẩn thỉu trải dưới đất, trên nền loang lổ những vết máu khô. Không phải là những ca mổ lớn, nhưng trong môi trường ô uế này họ có thể dễ dàng bỏ mạng. Những bệnh nhân bất tỉnh do cơn sốt lại là những người may mắn, có người co giật như lên cơn động kinh trên nền nhà.

Lúc này, khi bước ngang qua những con người khốn khổ, dở sống dở chết này không thấy ai lải nhải những bài tụng ca cha con Kim Nhật Thành. Dường như các nhà chức trách cố ý loại bỏ tất cả những gì có chút nhân tính, họ cho đặt những thiết bị khổng lồ chắn hết cửa sổ, ngăn không cho gió và ánh sáng vào các căn phòng. Có cảm giác cả bệnh viện là một màn đêm vĩnh cửu, không có ánh sáng.

Suýt nữa tôi vấp phải một thân người còn trẻ. Có lẽ cảm thấy chân tôi, anh ta nặng nề mở đôi mi mắt nặng trịch, khó khăn lắm như định nói điều gì nhưng không thành tiếng, chỉ nghe phều phào, chắc anh ta chẳng còn sống được mấy nữa…

Nhưng những khủng khiếp địa ngục chưa kết thúc. Từ bệnh viện chúng tôi đi thẳng sang một trại trẻ mồ côi, nơi nuôi những đứa trẻ mà cha mẹ chúng bị đưa vào trại tập trung, hoặc bị coi là “không thích hợp”.

 …Chúng tôi bước vào một căn phòng tăm tối, mùi hôi thối nồng nặc không chịu nổi. Những đứa trẻ nhơ nhớp, bẩn thỉu nằm trên nền đất, chỉ có hai tấm phản cũ mướp trong căn phòng. Tôi không thể tả nổi cảm giác của mình khi đó, có lẽ bao trùm lên tất cả là sự bàng hoàng kinh ngạc. Khi nhìn thấy chúng tôi bọn trẻ cố gượng đứng dậy, một đứa không tự dậy nổi, tấm lưng vẹo vọ của nó có lẽ là di chứng của một căn bệnh hay dị tật bẩm sinh.

Các cô phụ trách ra hiệu cho chúng hát, bài hát ca ngợi Kim Nhật Thành, người hết lòng chăm lo, yêu quý trẻ mồ côi. Theo nhịp nhạc bọn trẻ đung đưa những thân hình gầy guộc, răng lợi huếch hoác hát lên bài ca cách mạng. Lũ trẻ hôi hám, đầy chấy rận và chắc hẳn những đau đớn khủng khiếp đang hành hạ cơ thể nhỏ bé của chúng. Nhưng chúng vẫn hát vì bắt buộc phải cống hiến cho các vị khách tới từ thủ đô xa xôi.

Bọn Hong nhìn lũ trẻ với vẻ tự hào, cứ như mọi chuyện thế là ổn cả. Tôi tự hỏi liệu ai trong bọn họ sẵn lòng đưa con cái mình tới cái lò hành xác bẩn thỉu, tường đầy nấm mốc, nhung nhúc ròi bọ này. Hát xong, có mấy đứa trẻ kiệt sức lăn kềnh ra đất, nhưng khi Béla bảo sang phòng bên thì chúng lập tức theo sang ngay, chúng biết nếu không sẽ không kịp nhận được phần quà.

Béla chia bánh mì và xúc-xích cho bọn trẻ, mỗi đứa được thêm một chai nước hoa quả. Chúng xếp hàng rất có khuôn phép, tới gần Béla, nhận phần quà, cúi đầu cám ơn rồi mới về chỗ. Một cậu bé chắc không chịu nổi sự chờ đợi, chạy lên trước nằm lăn trên chiếc bao quà trước Béla. Mấy cô phụ trách vội lao đến lôi thằng bé ra góc phòng và đánh túi bụi. Bọn Hong cũng gằm gằm nhìn thằng bé.

- Dừng lại, đừng đánh nó!

Béla nói như ra lệnh và lại gần ôm cậu bé, đặt vào tay nó một gói quà. Tôi bật camera, Hong có vẻ khó chịu, nhưng tôi phớt lờ anh ta. Tôi đã quay được mấy phút…

Chúng tôi cho bốc một xe tải hàng cứu trợ xuống sân. Trong khi Béla mải đàm phán với những người đứng đầu trại trẻ, tôi hỏi tìm nhà vệ sinh. Hong cử một người lính đi theo tôi, đến cuối hành lang anh ta đứng châm thuốc hút, tôi đóng cửa buồng vệ sinh. Ngập ngụa một thứ bùn nhão trộn phân người tởm lợm tới con khoai.

Đúng ra tôi chỉ muốn vào rửa qua mặt mũi sau những gì vừa trải qua, nhưng không dám nữa, biết thứ gì sẽ chảy ra từ cái vòi nước kia? Qua cửa sổ nhỏ sau nhà vệ sinh tôi lạnh người nhận ra một tốp lính đang quăng những túi hàng chất trên sân lên một chiếc xe tải. Tôi định báo ngay cho Béla, nhưng nghĩ đến bọn Hong, tôi đành trấn tĩnh lại. Quay ra hành lang tôi không thấy người lính đi theo ban nãy đâu, chắc anh ta đã ra sân tán gẫu với mấy người bạn.

Tôi tranh thủ cơ hội thử đi khám phá thêm trại mồ côi xem thế nào. Nhưng tôi không đi được bao xa. Từ trong một chiếc tủ kê dọc hành lang tôi nghe thấy tiếng rên nho nhỏ. Tôi thận trọng mở cánh tủ, một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt. Một đám nhặng bay vù lên, và trong tủ là hai đứa trẻ sinh đôi kiểu Xiêm (mình dính vào nhau) chừng 6 tuổi, nằm tách biệt với bên ngoài.

Bắc Triều Tiên hổ thẹn vì những công dân dị tật của mình, và vì thế trong đa số các trường hợp sau khi ra đời, chúng bị “thủ tiêu” ngay. Cặp song sinh này còn lại có lẽ là do cha chúng là một ông “cốp” nào đó. Vì vậy mà chúng còn sống, nhưng sống như thế này đâu phải cuộc sống con người. Tròng mắt chúng đảo lên, đảo xuống chậm chạp, lưỡi chúng run run trong hốc miệng khô tối, chúng chỉ còn thở khò khè, những vành tai nham nhở ri rỉ máu tươi…

Bỗng nghe thấy tiếng chân người từ phía sau, tôi vội nấp vào một chỗ khuất. Do vội vàng tôi không kịp khép cánh tủ lại. Hai người lính lại gần, sững lại nhìn vào tủ. Một người đưa tay lên che miệng, rồi họ quay ngược lại, chạy vụt đi.

 … Tôi ra hiệu với Béla là tôi có chuyện muốn nói riêng với anh, nhưng anh nháy tôi không cần. Sau này anh bảo có biết việc hàng cứu trợ bị xà xẻo. Rồi anh cho biết thêm có khoảng 80% hàng viện trợ đến địa chỉ, ở một đất nước như thế này thì tỷ lệ ấy là rất khá. Nhưng việc cặp song sinh bị nhốt trong tủ, thì ngay Béla cũng phải sửng sốt.

Lát sau, chúng tôi thấy những người lính khiêng một bao tải lớn tới công-te-nơ đựng rác, khi họ ném cái bao lên đỉnh đống rác, chúng tôi thấy thò ra một cánh tay trẻ em. Tôi vội lia camera về phía đó. Ngay lúc đó, Kim từ nãy vẫn im lặng bỗng gào lên. Rằng tôi làm gì thế, tôi đến Triều Tiên làm gì? Làm gián điệp ư? Quay phim gì thế? Và tôi làm cho ai?...

- Chính Đại sứ quán (tại Viên - ND) của các anh cho cậu ấy vào Triều Tiên đấy Kim ạ. Cậu ấy là cộng tác viên PR của chúng tôi - Béla bình tĩnh nói và nhìn sang Hong.

Nhưng Hong im lặng và cố ý đứng lùi về phía sau. Có vẻ như cơn thịnh nộ của Kim cũng chỉ là một phần của màn kịch. Và Kim đã diễn quá đà. Anh ta gào lên hết cỡ, mắt long lên dữ tợn.

- Anh nghe tôi nói đây, Kim - tôi lên tiếng, và hình như chỉ chờ có thế, anh ta lập tức im lặng. - Chúng tôi biết chính vì bọn đế quốc Mỹ mà nhân dân Triều Tiên bị đói, chúng đang muốn hủy diệt dân tộc này. Chúng tôi biết, nhưng thế giới thì không biết điều đó. Chính vì vậy phải cho thế giới biết không chỉ những điều tốt đẹp về đất nước tuyệt vời của các bạn, mà phải cho họ thấy bọn chó đểu Mỹ đã làm những việc kinh khủng như thế nào với các bạn.

Kim đứng lặng vài giây, rồi đột nhiên lại ôm chầm lấy tôi. Từ đó trở đi tới đâu anh cũng là người đầu tiên nhắc tôi “quay cảnh này đi, Vujity!”, hay “quay chỗ kia kìa, anh bạn!”.

… Hôm sau cả ba cùng tiễn chúng tôi ra sân bay.

- Thuốc cho con trai anh đây, tý nữa thì tôi quên - Béla bảo Chol. Ở Triều Tiên con Chol khó có cơ hội chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo.  

Hong thì rút trong túi ra một chai rượu rắn, anh ta bảo, nếu tôi thấy rượu ngon thì hãy mang về một chai.

Từ phía Bình Nhưỡng nghe những mảnh vỡ âm thanh vọng lại, thành phố đang chuẩn bị cho ngày lễ. Hong rơm rớm nước mắt nói anh cũng sẽ đọc thơ trên bục dựng trong cái sân vận động khổng lồ kia. Chúng tôi vỗ vai chúc mừng anh, rồi lần lượt ôm nhau dưới ánh mắt nghiêm khắc của những người lính phía sau. Khi đến lượt Hong, anh ghé vào tai tôi nói nhỏ:

- Hãy làm thành một phim thật khá, ông phóng viên nhé!

Tôi toát mồ hôi hột, mỉm cười với anh.

- Chắc sẽ là một phim khá, tôi xin hứa - tôi đáp và đi về phía chiếc máy bay cũ kỹ. Từ cầu thang, tôi quay nhìn lại một lần nữa. Hong vẫy vẫy nom rất lạ. Tôi hiểu anh biết tất cả. Cả điều này nữa: việc giữ kín bí mật cũng là một phần của tấn trò.

*

Giờ đây, khi đã mấy tháng trôi qua kể từ chuyến đi Triều Tiên, tôi đã viết thư cám ơn Sándor và Béla đã giúp tôi thực hiện phóng sự quan trọng nhất của đời mình. Nhưng tôi vẫn thấy cần rút ra bài học, đó là đôi khi hãy cứ để mơ ước nguyên vẹn là mơ ước. Có một người thông thái hơn tôi nhiều đã từng nói: ở đâu cũng hay, nhưng hay nhất là khi đang ở trên đường, chừng nào ta còn đang chuẩn bị thực hiện điều ta mơ ước. Khi giấc mơ đã thành hiện thực, niềm vui có khi còn cách xa những gì ta mong đợi…

Nhưng tôi vẫn biết ơn số phận đã cho dành cho tôi chuyến đi này, và tôi chỉ có thể hy vọng tới một ngày nào đó cuộc sống của những người dân Bắc Triều Tiên sẽ thay đổi. Chóng hay chầy thì tức nước sẽ vỡ bờ, gió bão cũng sẽ quyét phăng những bức tường ngăn cách, dù sau gió bão sẽ là nạn hồng thủy đi nữa, vẫn còn hơn những gì hiện đang diễn ra ở Bắc Hàn.

Ghi chú (của NCTG):

(*) Rákosi Mátyás (1892-1971), Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Hungary, Thủ tướng Hungary đầu thập niên 50 thế kỷ trước, được coi là thủ hạ đắc lực nhất của Stalin trong khối Ðông Âu. Sự sùng bái cá nhân vô độ và cách hành xử độc đoán với các đồng sự và nhân dân của ông là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng mùa thu 1956. Mùa hè 1956, trước sức ép của công luận và cánh cải tổ trong nội bộ đảng, Rákosi phải sang Liên Xô và sống lưu vong những năm cuối đời tại đó.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung lược dịch