Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÁ QUYỀN

(NCTG) Bá quyền là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, ám chỉ tình trạng thống trị, chế ngự của một tập đoàn nào đó trên các phương diện khác nhau (ví dụ: bá quyền về quân sự, chính trị, ý thức hệ hoặc văn hóa).

Nguy cơ bá quyền hiện nay của Trung Quốc trên các phương diện quân sự, kinh tế và văn hóa đã rất rõ ràng... - Ảnh: Tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 trong trận chiến không cân sức với Hải quân Trung Quốc (hoangsa.org)

Trong nghĩa hiện đại của thuật ngữ này, bá quyền là ưu thế của một tập đoàn nhất định đối với những tập đoàn cạnh tranh, kình địch. Có thể diễn giải khái niệm bá quyền trong những quan hệ giữa các quốc gia, quan hệ trong một đất nước, cũng như, trong những chiều, kích khác.

Trên phương diện quốc tế, trong thế kỷ XX, bá quyền được ghi lại như tương quan lực lượng, cũng như, những nỗ lực để chiếm ưu thế lẫn nhau giữa các cường quốc.

Trong mỗi quốc gia, bá quyền tương đương với tình thế cuộc chiến giữa các tổ, nhóm xã hội quan trọng nhất.

Còn trong những chiều, kích khác, bá quyền ám chỉ sự mở rộng, lan truyền của các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các liên minh chính trị, các vương quốc truyền thông, các tôn giáo tầm thế giới và các hệ tư tưởng. (Bá quyền về ý thức hệ vượt qua mọi biên giới quốc gia).

Xét về toàn cục, những vấn đề bá quyền có thể dẫn về cuộc đấu để giành giật, bảo lưu ưu thế, để thoát khỏi cảnh tụt hậu trong một thế giới thiếu thốn các nguồn lực. (Trong cách tiếp cận này, không quan trọng là những nguồn lực ấy có thực sự nghèo nàn hay không, hay sự sử dụng những nguồn lực ấy là không bình đẳng, phung phí, vô nghĩa và vì thế, một bộ phận của những kẻ tham gia bàn cờ chính trị thế giới cảm nhận chúng là có giới hạn. Chỉ cần coi những nguồn lực ấy là có giới hạn cũng đủ là lý do cho một cuộc chiến tranh giành). Như vậy, bá quyền là quyền quyết định được xác lập trên những nguồn lực, là khả năng thực thi những mong muốn.

Trong tiến trình lịch sử, xét về cơ sở của bá quyền, có thể nhận thấy sự chuyển dịch và khác biệt.

Thoạt tiên, khi không có sự khác biệt đáng kể trong kỹ thuật và trong khả năng thực hiện của các xã hội khác nhau, sức mạnh chân tay - quân sự thô kệch còn chiếm vai trò chế ngự. Về sau, yếu tố này được bổ sung với khả năng tổ chức - tập trung trong chính trị.

Thế kỷ XVI-XIX, những mối quan hệ kỹ thuật – kinh tế từng bước chiếm ưu thế và trở thành nền tảng của một nền thống trị bền vững. Thế kỷ XX làm gia tăng giá trị của nền văn hóa và truyền thông đặt trên cơ sở năng suất kinh tế, cũng như, gia tăng khả năng tạo dựng liên kết, điều động, lôi kéo của chúng.

Sự chuyển dịch của nền tảng bá quyền không có nghĩa là trong cuộc đấu để giành bá quyền, bạo lực không còn nữa: thực chất, cần phải tạo dựng ưu thế lâu dài trong nhiều chiều, kích, cũng như, với sự ứng dụng thích hợp, có thể chuyển đổi ưu thế đạt được trong một chiều, kích này sang một chiều, kích khác.

Như vậy, việc bá quyền mang tính đa chiều, kích cũng có nghĩa là những nguồn lực khác nhau có khả năng thay thế hoặc cân bằng lẫn nhau một phần (nhưng không phải là không có giới hạn). Chẳng hạn, lịch sử thuộc địa hóa kéo dài nhiều thế kỷ đã cho thấy bá quyền quân sự - kinh tế đã chuyển sang bá quyền văn hóa – tư tưởng, trong khi nó hủy diệt mọi nền văn hóa khác.

Cũng có thể coi cuộc chiến giữa những thế lực quốc xã và phe Đồng minh giữa thế kỷ XX như một cuộc chiến giành bá quyền đa chiều, kích mà tại đó, cả hai phía đều nhiều lần phải sử dụng sự thay thế hoặc cân bằng. Theo nghĩa đang nói, sự ganh đua giữa Liên Xô, Trung Quốc và Hoa Kỳ trong hậu bán thế kỷ XX cũng là một cuộc chiến giành bá quyền đa chiều, kích, trong đó, mỗi bên đều tìm cách lan truyền những ưu thế sở hữu được trong kinh tế, quân sự hoặc tư tưởng sang những lĩnh vực còn lại.

Tính chất đa chiều, kích của bá quyền có những hậu quả rất sâu xa trong các mối quan hệ quốc tế. Một cường quốc về kinh tế hoặc quân sự có thể cảm thấy một thôi thúc nội tại rất mạnh mẽ để trở thành bá quyền trong mọi chiều, kích căn bản khác, và để chấm dứt những bất đối xứng nhất thời. Nếu một cường quốc đã chế ngự thị trường, cường quốc ấy cũng muốn phải chế ngự chính trị và các chính quyền, và tìm cách tràn ngập thế giới với những sản phẩm (văn hóa) của nó. Đấy là ví dụ của Hoa Kỳ, vừa là sen đầm, vừa mang tính mẫu mực.

Câu hỏi được đặt ra: Nhật Bản, rất thành công về kinh tế, có thể chịu đựng về mặt tâm lý xã hội đến bao giờ trong tâm thức một quốc gia không đáng kể về quân sự và chính trị? Hoặc, Trung Quốc sẽ xử lý ra sao sự bất đối xứng giữa dân số hùng hậu và tầm ảnh hưởng ít ỏi ở tầm thế giới?

Bá quyền không bao giờ đơn thuần là sức mạnh bạo lực, vì vậy, để có được bá quyền, không thể thiếu được cách cư xử mang tính đồng thuận, ghi nhận, chấp nhận và góp phần, một phần hoặc toàn thể, của những kẻ bị bá quyền. Điều này khiến bá quyền trở nên hợp thức, và không chỉ là là sự “đã rồi”. Chẳng hạn, trong một xã hội, hành động hợp thức hóa bá quyền có thể là việc tham gia bầu bán và chấp nhận kết quả bầu cử, sự tuân thủ những luật định kinh tế - sở hữu đã có hiệu lực pháp lý, cũng như sự “thuần phục” những hệ tư tưởng chiếm ưu thế.

Có thể, bá quyền bắt đầu với khí giới và tiền bạc, nhưng kết thúc trong tâm tưởng và thái độ ứng xử hàng ngày của người dân (sự đồng thuận). Nhưng từ đó, cũng có thể rút ra rằng, có thể đảo lộn bá quyền trong một quốc gia bằng cách chấm dứt sự chấp thuận một cách dai dẳng và kiên quyết, hoặc, với sự thay đổi thái độ ứng xử của đám đông. Bởi lẽ, mọi thể chế đều được định nghĩa bởi một tập hợp có trật tự của những định chế và những thái độ.

Theo cách nhìn nhận cũ, những tư tưởng thống trị là những tư tưởng của giai cấp thống trị. Nhưng nếu bá quyền mang tính chất đa chiều, kích, trên nguyên tắc, có thể hình dung một tình huống, khi một tổ, nhóm xã hội nào đó có khả năng lan truyền những tư tưởng thống trị (nghĩa là khi họ chiếm được vai trò bá quyền văn hóa và truyền thông), tổ, nhóm xã hội ấy, không chóng thì chầy, sẽ đưa mình lên vị trí một yếu tố thống trị.

Điều này có thể xảy ra khi các chiều, kích, hoặc các giai tầng xã hội không mang tính chất đẳng cấp nghiêm ngặt và không khép kín theo hướng của nhau, mà có tác động tương hỗ và có thể dễ dàng biến đổi ở mức độ nào đó. Khi ấy, cho dù không phải với cùng triển vọng như nhau, nhưng có thể đạt trạng thái bá quyền bằng nhiều con đường khác nhau.

Những thử nghiệm theo chiều hướng này của thế kỷ XX khiến chúng ta phải rút ra những kết luận đa phần là tiêu cực. Có vẻ, bá quyền kinh tế, trước sau cũng sẽ đưa ra hóa đơn ở tất cả những lĩnh vực khác, và đòi hỏi ưu thế về cho họ.

Tác giả bài viết: Trần Lê dịch - Márkus Péter