Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BA KÝ GIẢ TRUNG QUỐC BỊ ĐUỔI VIỆC VÌ MỘT RAO VẶT

(NCTG) Thứ Hai vừa qua, trên tờ báo "Thành Đô buổi chiều" (Chengdu Wanbao), đã xuất hiện một quảng cáo nhỏ trong mục rao vặt, có nội dung gián tiếp lên án chính phủ Trung Quốc vì sự đàn áp năm 1989 trước phong trào dân chủ của thanh niên, sinh viên. Người đăng quảng cáo đó nhắc nhở nỗi đau của những bà mẹ có con bị tàn sát ngày 4-6-1989 tại Quảng trường Thiên An Môn.

Tổng bí thư Triệu Tử Dương khóc và kêu gọi sinh viên về nhà (ngày 19-5-1989). Bên trái ông chính là Ôn Gia Bảo, nay giữ chức thủ tướng Trung Quốc

"Tôi dành sự kính trọng cho các bà mẹ nghị lực cứng cỏi, đã có những người con trở thành nạn nhân trong ngày 4-6-1989" - những dòng này đã được đăng tải trên trang 14 tờ "Thành Đô buổi chiều", số ra ngày thứ Hai 4-6, đúng vào dịp kỷ niệm 18 năm "Mùa xuân Bắc Kinh" bị đàn áp và bóp nghẹt.

Tại Trung Quốc, đây là một đề tài cấm kỵ và tuyệt nhiên không ai được phép nhắc đến. Theo cách đánh giá chính thống, những sự kiện mùa xuân năm 1989 là "bạo loạn phản cách mạng". Quảng cáo trên được một nữ nhân viên trẻ tuổi của báo tiếp nhận, cô này mới tốt nghiệp phổ thông không lâu nên không biết nội dung quảng cáo ám chỉ điều gì. Theo thông tin của tờ "South China Morning Post" (tiếng Anh, ấn hành tại Hồng Công), về sau, cô tỏ ra nghi ngờ và gọi điện hỏi người đăng quảng cáo để hỏi lại. Tuy nhiên, người nọ trấn an cô rằng, "tôi muốn nhắc đến các nạn nhân của vụ tai nạn hầm mỏ ngày 4-6 mà thôi".

Sau "biến cố" này, phó TBT và hai BTV của tờ báo đã thành "bia đỡ đạn": theo một nguồn tin ngày thứ Năm 7-6-2007, cả ba đều bị sa thải. Không rõ người đăng quảng cáo có bị "hề hấn" gì không: dường như người này còn muốn đăng ở hai tờ báo khác tại Thành Đô, nhưng bị khước từ.

*

Mười tám năm sau biến cố Thiên An Môn, vẫn còn ít nhất 13 nhà đối kháng Trung Quốc còn ngồi trong nhà tù vì tham gia phong trào đòi dân chủ cho xứ sở mình. Đó là khẳng định của Tổ chức Bảo vệ nhân quyền Trung Quốc trong dịp kỷ niệm 18 năm "Mùa xuân Bắc Kinh", tại Hồng Công. Trong một tuyên bố được lan truyền qua điện thư (e-mail), tổ chức này phát biểu: "Đối với những ai nghĩ rằng Thiên An Môn đã thuộc về quá khứ, chúng tôi nhắc nhở rằng sau những bức tường cao ngất được bao bọc bởi hàng rào thép gai, vẫn còn những người bị kết án vì tham gia phong trào dân chủ dạo ấy".

Bức ảnh lừng danh của Jeff Widener (AP) về một "người biểu tình vô danh" (Unknown Rebel, hay Tank Man), một người không rõ danh tính, đã đứng chặn một đoàn xe tăng (gồm ít nhất 17 chiếc) ngày 5-6-1989 tại đại lộ Trường An, cách quảng trường Thiên An Môn (cửa chính của Tử Cấm Thành) chừng 1 phút đi bộ. Ảnh được chụp bằng ống kính 400 mm, từ tầng 6 Khách sạn Bắc Kinh (cách "hiện trường" chừng 800 mét), và được coi là một trong những hình ảnh làm thay đổi thế giới

Theo tuyên bố, cả 13 nhà dân chủ đều bị buộc tội "bạo loạn phản cách mạng", trong số đó 7 người bị án tử hình, song bản án chưa được thực hiện, và 6 người còn lại bị án tù chung thân. Tổ chức Bảo vệ nhân quyền Trung Quốc đòi chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện để xét lại biến cố ngày 4-6-1989 một cách công khai và không thiên vị.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI