Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ahmad Mohammad: “NHƯNG NGƯỜI TỐT THÌ CHẲNG THẤY AI NHẮC TỚI”

(NCTG) “Ngày nào Mohammad cũng phải nghe những tin tức, rằng đám tỵ nạn xấu xa như thế nào, rằng phải đuổi hết chúng về nước. Những điều đó khiến anh thấy buồn. Những tên gây loạn bị cáo buộc là kẻ xấu đã đành, “nhưng người tốt thì chả thấy ai nhắc đến” mặc dù cũng có những người tốt”.
Lý do của đa số những cuộc trốn chạy: chiến tranh và sự tàn phá ở Syria
Lời Tòa soạn: Câu chuyện một người tỵ nạn Syria cùng nhóm bạn đồng hương của anh đã cứu một nữ sinh viên Mỹ đến từ Seattle khỏi đám đông cuồng loạn trong đêm Giao thừa tại Köln, đăng trên tờ “Thời báo New York” (The New York Times) hôm 15-1 vừa qua, như một giọt nước trong sa mạc giữa những “hung tin” liên quan tới người tỵ nạn tại Đức trong những ngày qua.

Hung hãn, đòi hỏi, thô bạo với phụ nữ, không biết “nhập gia tùy tục”, mù quáng với những giáo điều tôn giáo lạc hậu, ăn bám... là những điều mà chúng ta có thể theo dõi trên truyền thông khi nhắc tới những người thuộc làn sóng tỵ nạn khổng lồ đang đổ vào Châu Âu. Đó là chưa kể đến yếu tố an ninh bị đe dọa, khi trong dòng người tỵ nạn khó tránh khỏi có những kẻ khủng bố trà trộn.

Nước Đức trong một thời gian rất ngắn đã tiếp nhận hàng triệu người tới xin tỵ nạn, và bộ máy chính quyền của nước này - dù hoàn thiện và phát triển tới đâu - cũng không thể đủ sự chuẩn bị cho “nhiệm vụ lớn” như thế. Nhất là, làn sóng tỵ nạn lần này, đa phần là những con người đến từ một nền văn hóa khác biệt, từ những xứ sở có phong tục tập quán và tính cách rất xa lạ với Châu Âu.

Bên cạnh đó, khi nói về người tỵ nạn nói chung, không thể quên rằng đó là những con người rất khác nhau đến từ những xứ sở khác nhau: ngoài Syria, đất nước tan tác trong cuộc chiến kéo dài từ nhiều năm nay và các công dân đến từ đó được coi là “ít có vấn đề”, thì Iraq, Afghanistan, Bắc Phi, hay vùng Balkans cũng là những khu vực “góp” không ít người tỵ nạn trong làn sóng hiện tại.

Do đó, xếp tất cả những người tỵ nạn vào chung một “rọ” khi nhắc tới một số tiêu cực liên quan đến họ, là không thỏa đáng. Như bất cứ nhóm người nào khác, người tỵ nạn không phải thiên thần, cũng không phải ác quỷ, tuy nhiên, chỉ cần một tỷ lệ rất nhỏ trong số hơn một triệu người tới Châu Âu gây rối cũng dễ khiến công luận cho rằng đó là đặc tính, là bản chất của tất cả người tỵ nạn.

Câu chuyện dưới đây - do Nguyên Anh dịch từ bản tin tiếng Đức (*) - về căn bản, không làm thay đổi tính chất vụ cướp bóc, móc túi và sách nhiễu tình dục do một số kẻ đang xin tỵ nạn ở Đức gây ra ở Köln. Những kẻ phạm tội cần bị trừng phạt thích đáng, theo luật định. Tuy nhiên, nó cho thấy, không phải hễ cứ người Ả Rập, hay Hồi giáo, hay tỵ nạn... là ắt phải hung bạo và gây bất ổn an ninh.

Chắc chắn, ngươi tỵ nạn Trung Đông còn phải nỗ lực học hỏi rất nhiều và rất kiên trì nếu muốn hội nhập với xã hội Châu Âu, nhưng cố gắng ấy của những người “vô can” - ra đi chỉ vì muốn cứu mạng sống cho mình và gia đình - có thể sẽ rất khó khăn, nếu công luận đánh đồng họ với những “con sâu” trong đêm Giao thừa ở Köln, như lo ngại của nhóm Syria đã cứu cô gái Mỹ trong dịp đó.

Nước Đức đã chứng tỏ lòng nhân đạo đáng trân trọng khi giang tay đón hàng triệu người tỵ nạn trên tinh thần Châu Âu và Ki-tô giáo, bất kể những khó khăn và rủi ro mà không phải chính quyền nước này không ý thức được. Nhưng Đức sẽ thực sự trưởng thành, xứng đáng là một đại cường khi xử lý được “sứ mạng nhân đạo” (lời Thủ tướng Angela Merkel) một cách bình tâm, công bằng và cảm thông. (NCTG)
 
Người tỵ nạn Syria với dòng chữ phản đối sách nhiễu tình dục phụ nữ
Người tỵ nạn Syria với dòng chữ phản đối sách nhiễu tình dục phụ nữ

Đó là một câu chuyện, như những câu chuyện mà giới phụ nữ kể lại về những gì họ đã trải qua trong đêm giao thừa ở Köln. Thế nhưng câu chuyện của Caitlin Ducan lại có một kết cục khác: cô sinh viên đã được những người di cư Syria cứu thoát khỏi đám đông hỗn loạn.

Köln. Đêm giao thừa trên sân ga chính đã trùm bóng đen lên thành phố. Đã có đến 700 đơn tố cáo, mà phần lớn của phụ nữ, về hành động sàm sỡ quấy rối tình dục của đám đàn ông được gửi tới cảnh sát. Thủ phạm là những kẻ đang xin tỵ nạn. Phần đông họ đến từ các nước Bắc Phi, có một số đến từ Syria.

Mới đây mới nảy ra một câu chuyện mà kết cục của nó lại hoàn toàn khác với những gì do bọn “tử vì đạo” gây ra, khiến các cô gái khác phải đau khổ chịu đựng trong đêm hôm đó. Câu chuyện do chính nạn nhân kể lại, cô Caitlin Ducan người Mỹ, sinh viên khoa thần kinh học ở Tüblingen. Cô đã cùng bạn trai đến thành phố Köln để đón giao thừa.

Trong đám hỗn loạn trên ga, cô và bạn trai đã lạc mất nhau, trong khi đó bạn trai (người Đức) của cô lại cầm điện thoại di động và ví tiền của cô.

“Mày làm gì thế?”

Bỗng, một đám đàn ông vây lấy cô gái 27 tuổi. Theo lời kể lại với tờ “Thời báo New York”, những kẻ này tìm cách hôn vào mặt, vào cổ cô, chúng giật mũ cô xuống. Cô vùng vẫy chống đỡ, vừa đẩy một tên áp vào cô ra vừa la lớn “mày làm gì thế?”.

Cuối cùng Duncan cũng chạy được đến gần một anh công an. Thế nhưng anh ta đang bận dẹp đám đông. Lúc đó, xuất hiện một người đàn ông lạ mặt đến giúp Duncan, đó là một người di cư tên là Hesham Ahmad Mohammad. Cùng các bạn của mình, anh đã kết thành một vòng bảo vệ cô và đưa cô ra khỏi đám người sàm sỡ hỗn loạn đó.

Nhóm bạn người Syria đưa Duncan điện thoại bảo cô gọi bạn trai, nhưng cô lại không nhớ số. Cô đã tả hình dáng bạn trai mình. Đám người này đã tỏa ra khắp nơi trên sân ga và quả nhiên họ đã tìm được bạn trai của cô.

“Họ đã mất lý trí”

Tôi rất ngạc nhiên vì nhiều phụ nữ bị sờ mó như vậy” - Duncan kể. “Tôi không nhìn thấy cụ thể xảy ra như nào. Sau này tôi càng kinh ngạc vì sự việc lại ở mức độ lớn như thế”.

Người cứu cô - Ahmad Mohammad - trước từng là một giáo viên phổ thông cơ sở. Năm 2014, trước khi xảy ra cuộc giao chiến ở Aleppo (thành phố lớn thứ hai của Syria - ND) anh chạy qua Thổ và vùng Balkans đến Đức. Anh đã phải để lại vợ và hai con trai ở một làng gần biên giới Syria - Thổ. Bây giờ, Mohammad đang cư trú ở gần thành phố Köln cùng với mấy đồng hương và họ đang chờ được chấp nhận đơn xin tỵ nạn.
 
Hỗn loạn trước nhà ga chính của Köln, nơi xảy ra vụ quấy rối tình dục và cướp bóc trong đêm Giao thừa
Hỗn loạn trước nhà ga chính của Köln, nơi xảy ra vụ quấy rối tình dục và cướp bóc trong đêm Giao thừa

Về vụ sàm sỡ ở Köln, Mohammad quy hết trách nhiệm cho đám “trai mất dạy”. Qua điện thoại, anh nói với “Thời báo New York”: “Tôi nghĩ họ đã uống say, lại còn hút tài mà hoặc xì ke gì đó. Họ đã mất lý trí”.

Ngày nào Mohammad cũng phải nghe những tin tức, rằng đám tỵ nạn xấu xa như thế nào, rằng phải đuổi hết chúng về nước. Những điều đó khiến anh thấy buồn. Những tên gây loạn bị cáo buộc là kẻ xấu đã đành, “nhưng người tốt thì chả thấy ai nhắc đến” mặc dù cũng có những người tốt.

Caitlin Duncan rất vui là đã gặp được Mohammad trong đêm hôm ấy. Anh chàng 32 tuổi này cũng hy vọng có được một tình bạn mới từ đó. Dù sao thì Duncan và người cứu cô cũng sẽ giữ liên lạc với nhau. Hai người đã trao đổi nhau số điện thoại cầm tay.

(*) Nhan đề Việt ngữ do NCTG tạm đặt.

Tác giả bài viết: Nguyên Anh chuyển ngữ, từ Weimar (Đức)