Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ARMENIA ĐOẠN TUYỆT NGOẠI GIAO VỚI HUNGARY

Chiều thứ Sáu 31-8-2012, trong một diễn biến hết sức đột ngột, Tổng thống Armenia đã tuyên bố đình chỉ quan hệ ngoại giao và tất cả các mối quan hệ chính thức khác với Hungary.

Tổng thống Armenia Serzh Sarkisian tuyên bố đình chỉ quan hệ ngoại giao với Hungary - Ảnh: asbarez.com


Đồng thời, quân đội Armenia được đặt vào trạng thái trực chiến ở mức độ cao nhất. Tòa lãnh sự Hungary tại Yerevan bị người dân ném cà chua, quốc kỳ Hung bị xé tại đây, và bị đốt trong các cuộc  biểu tình.

Lý do là vì buổi trưa cùng ngày, chính quyền Hungary đã trao trả Ramil Safarov, một tù nhân đang thụ án tù chung thân tại nước này cho Azerbaijan, với lời lý giải chính thức là để bản án tiếp tục được thi hành tại quê hương ông ta. Cách đây 8 năm, vì lý do thù hằn dân tộc, Safarov đã thảm sát dã man một quân nhân Armenia tại Budapest.

Trái với những thông tin do phía Hung đưa ra, ngay sau khi tới phi trường Baku, Safarov (năm nay 35 tuổi) đã được Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ký quyết định đặc cách ân xá và được tiếp đón như một anh hùng dân tộc. Động thái này khiến Armenia không thể bỏ qua, và coi như một điều mà “nhân dân Armenia không thể tha thứ”, như khẳng định của tổng thống nước này trong phát biểu trước đại diện ngoại giao các nước.

Safarov: tên sát nhân - người hùng?

Ramil Safarov từng khét tiếng với biệt danh “tên sát nhân dùng rìu người Azerbaijan”. Ðầu năm 2004, mang hàm thượng úy, ông ta sang Hungary theo học khóa tiếng Anh 3 tháng trong chương trình Ðối tác vì Hòa bình của NATO với sự tham dự của quân nhân đến từ 15 nước. Là người có học lực xuất sắc, nói được nhiều ngoại ngữ, chơi nhạc và thể thao, sau khi tốt nghiệp khóa học, quân đội Azerbaijan dự định cử Safarov sang Mỹ.

Tuy nhiên, giữa chừng, vào ngày 19-2-2004, tại ký túc xá Ðại học Quốc phòng Budapest, Safarov đã dùng rìu và dao cắt cổ Gurgen Markaryan, cũng là một sĩ quan, một bạn học người Armenia. Vụ án xét xử Safarov được tiến hành tại Budapest và gây sóng gió trong ngoại giao: ở Yerevan (thủ đô Armenia) đã diễn ra những cuộc biểu tình phản đối kẻ giết người, còn tại quê hương, Safarov được bầu là “Người của năm”.


Ramil Safarov và luật sư bào chữa tại phiên xét xử ở Budapest - Ảnh: Nagy Attila (index.hu)


Trước tòa, Safarov khai rằng lý do của hành vi giết người đó tiềm ẩn trong sự thù địch giữa hai dân tộc Azerbaijan và Armenia. Safarov chào đời tại vùng Nagorno-Karabakh, từ nhiều thế kỷ nay là nơi xảy ra các cuộc chiến sắc tộc và hiện đang bị các lực lượng ly khai Armenia hoành hành. Từ thuở nhỏ, ông ta luôn hãi hùng trước các quân nhân Armenia - hiện nay đang xâm chiếm 40% lãnh thổ Azerbaijan - và những ký ức đau thương vẫn đọng lại trong ông sau vài chục năm.

Theo lời kể, Safarov vẫn nhớ cảnh chiếc tạp dề đẫm máu của thân mẫu và đó là lần cuối ông được gần mẹ. Vị hôn thê của ông và 7 thân nhân khác cũng trở thành nạn nhân của chiến tranh, bản thân Safarov cũng luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh những xác chết bị cháy xém và tan tành vì bom đạn. Cơn ác mộng đó đã trở lại trong tâm tưởng Safarov khi ông tiếp xúc với hai bạn học gốc Armenia, nhưng sinh sống ở Mỹ, tại khóa học ở Budapest.

Safarov cho hay, hai người này thường xuyên châm chọc ông ta và giễu cợt những phong tục truyền thống của Azerbaijan, chẳng hạn việc phụ nữ Hồi giáo ở quê hương ông ta đến giờ vẫn phải đeo mạng che mặt, hoặc quốc kỳ của tổ quốc ông cũng bị đem ra làm đề tài đàm tiếu. Khi đó, ông ta đã lên kế hoạch cho hành vi khủng khiếp của mình. Rạng sáng, Safarov xông vào phòng khi nạn nhân còn đang ngủ và gần như chặt đứt đầu nạn nhân.

Sau đó, Safarov lao đến căn phòng của người bạn Armenia thứ hai và đã dùng rìu phá cửa thì bị các đồng bạn giữ lại rồi báo cảnh sát. Hành vi giết người của Safarov bị tòa án Hungary nhìn nhận là có chuẩn bị trước, đặc biệt dã man và xuất phát từ lý do đê tiện. Cáo trạng vạch ra rằng Sfarov sở dĩ nhập ngũ là để giết được càng nhiều người Armenia càng tốt. Tháng 2-2007, Ramil Safarov bị tuyên án tù giam chung thân và sau đó, trục xuất khỏi Hungary trong vòng 10 năm.

Trên nguyên tắc, sớm nhất là sau 25 năm thụ án, Safarov mới có khả năng được tại ngoại có điều kiện, trong trường hợp ông ta chứng tỏ được “nhân thân tốt” trong tù. Là một quân nhân được coi là thông minh, có nghị lực, có chỉ số thông minh rất cao trong cuộc kiểm tra giám định y tế, trong thời gian ngồi tù Safarov vẫn rất được ưa chuộng qua trang website của ông ta. Ðặc biệt, Safarov còn học hỏi và chuyển ngữ một tiểu thuyết nổi tiếng của Hungary, và đây cũng là tác phẩm văn học đầu tiên của Hung được dịch ra tiếng Azerbaijan.

Vụ trao trả tù nhân mờ ám và phản ứng của Armenia

Từ hơn một năm nay, vụ án mạng năm 2004 và cá nhân Safarov không còn là đề tài trên báo chí Hungary. Rất bất ngờ, trưa thứ Sáu tuần qua, Bộ Hành chính và Tư pháp Hungary ra một thông cáo cho biết Hungary đã đáp ứng đề nghị của phía Azerbaijan. Căn cứ một điều khoản về trao trả tù nhân thuộc Công ước Strassburg năm 1983 của Hội đồng Châu Âu, Budapest đã cho phép Buku dẫn độ Safarov để người tù này có thể tiếp tục thụ án tại quê hương, theo lời hứa của Bộ Tư pháp Azerbaijan.


Từ một tên giết người, trở thành người anh hùng dân tộc khi được hồi hương... - Ảnh: MTI


Tuy nhiên, ở vào thời điểm bản thông cáo được đưa ra, Safarov đã được trả tự do và thậm chí, được thăng hàm thiếu tá - như thế, quyết định ân xá của Tổng thống Azerbaijan đã khiến Chính phủ nước này trở nên bất tín. Armenia cáo buộc Budapest đã trao trả một kẻ sát nhân - mặc dù có thể biết rằng tại quê hương ông ta, ông ta được coi như một người hùng - vì lý do kinh tế, và chính một số nguồn tin từ Azerbaijan cũng dường như xác nhận điều này, đặt Hungary vào tình thế hết sức khó xử.

Việc Yerevan đình chỉ quan hệ ngoại giao và mọi quan hệ chính thức khác với Budapest được các nhà bình luận Hungary đánh giá là một quyết định hết sức trầm trọng. Kể từ năm 1967, khi Hungary đình chỉ quan hệ ngoại giao với Israel sau “cuộc chiến 6 ngày”, chưa bao giờ có trường hợp tương tự trong lịch sử ngoại giao Hung. Tại Hungary có một cộng đồng Armenia từ 3-10 ngàn người, và họ được coi là một cộng đồng sắc tộc thiểu số tại nước này.

Kể từ thứ Sáu tuần trước, đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình lớn tại Yerevan, trước Bộ Ngoại giao và Văn phòng Lãnh sự Danh dự Hungary tại Armenia với đòi hỏi Armenia phải đoạn tuyệt quan hệ với Hungary chừng nào chính quyền nước này chưa chứng tỏ được bằng hành động là họ đã tạ lỗi. Những khẩu hiệu và lời lẽ mang tính hết sức mạ lỵ đối với Hungaryđã được đưa ra, cho rằng nước này đã “bán mình như một gái mại dâm” khi nhận tiền để thả một kẻ sát nhân.

Một thư ngỏ cũng được công bố, kêu gọi mọi cộng đồng Armenia trên thế giới hãy tận dụng mọi mối quan hệ và làm tất cả để vận động biểu tình trước các đại diện ngoại giao của Hungary ở nước ngoài. Những người ký tên trong thư ngỏ cũng yêu cầu giới lãnh đạo ở các quốc gia hãy đòi hỏi Azerbaijan phải hủy chỉ thị ân xá đối với Safarov, buộc ông ta tiếp tục thụ án tù giam chung thân, cũng như, đề nghị quốc tế hãy trừng phạt Hungary vì hành động trao trả tù nhân vừa qua.

Thư ngỏ bày tỏ sự đau đớn và thất vọng trước Hungary, một thành viên EU, tự cho mình là dân chủ và phát triển, nhưng đã có một thỏa thuận vi phạm những giá trị và luật pháp Châu Âu với Azerbaijan. Theo những người ký thư ngỏ, điều này chứng tỏ chính quyền Hungary không xứng đáng với vai trò thành viên Liên hiệp Châu Âu khi họ khích lệ những kẻ sát nhân và mở đường cho những tội ác giết người trên cơ sở sắc tộc và tôn giáo.

Hungary được gì từ Azerbaijan trong vụ “đi đêm” này?

Khá chậm trễ, nhưng 2 ngày sau khi những lời cáo buộc về sự tồn tại của những lợi ích kinh tế trong vụ trao trả kẻ sát nhân được đưa ra, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại giao và ngoại thương thuộc Văn phòng Thủ tướng Szíjjártó Péter cũng tuyên bố: “Nhiều người có trí tưởng tượng phong phú, nhưng thực tế đây là một trường hợp về Luật Quốc tế đơn thuần và nó không hề có tác động gì đến hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia”.

Tuy nhiên, sự thực là có rất nhiều dấu hiệu cho thấy đã có thỏa thuận kinh tế đằng sau bê bối này. Trong những năm qua, nội các của thủ tướng Orbán Viktor đã cố gắng thiết lập mối quan hệ khăng khít hơn với Baku. Điều này được phản ánh một phần qua chuyến công du Azerbaijan của Tổng thống Hungary vào tháng 11-2011 và của chính ông Orbán Viktor vào tháng 6 năm nay. Bên cạnh đó, một trung tâm thương mại Hungary được khai trương tại Baku mùa xuân năm nay và ngày càng có nhiều hãng xây dựng của Hung được hưởng quy chế ưu tiên đặc biệt tại Azerbaijan.


Di ảnh của nạn nhân Gurgen Margaryan trong cuộc biểu tình trước tòa lãnh sự quán Hungary tại Yerevan - Ảnh: Artur Harutjunjan (MTI)


Cũng có không ít dấu hiệu chứng tỏ, chính phủ Hungary muốn Azerbaijan - một quốc gia có doanh thu lớn từ xuất khẩu năng lượng - mua công trái nước này. Nguồn tin của báo chí Hungary cho rằng thông qua sự môi giới của Thổ Nhĩ Kỳ, Baku có thể mua 2-3 tỉ Euro trái phiếu quốc gia của Hung, và đây là điều mà nội các của ông Orbán rất cần, khi những cuộc đàm phán để nhận được gói cứu trợ của IMF sẽ vẫn rất căng thẳng, và tỉ lệ nợ công của nước Hung ở mức rất cao.

Những tính toán cho thấy tính đến cuối tháng 6 năm nay, Hungary cần phải thanh toán món nợ chừng 3-3,2 tỉ Euro cho các cơ sở cho vay tín dụng và nếu thương vụ nói trên thành công thì đồng nghĩa với việc Azerbaijan có thể hỗ trợ Hungary trong dịp này. Khi đó, Budapest có thể thở phào nhẹ nhõm được trong nửa năm tới, trước khi phải lo trả những khoản nợ trong hai năm 2013-2014, được biết là còn cao hơn trong năm nay (5,2 tỉ Euro).

Một số nhà bình luận cho rằng, chính phủ Hungary rất cần nửa năm tĩnh tại đó, với khoản tín dụng giả định từ Baku. Bởi lẽ, giai đoạn quyết định trong cuộc đàm phán để có được gói cứu trợ từ IMF sẽ bắt đầu từ mùa thu năm nay và có thể thấy là IMF sẽ đưa ra nhiều vấn đề để dồn nội các Hung vào chân tường. Căn cứ vào những gì đã diễn ra cho tới nay, có thể đặt khả năng là chính phủ của Thủ tướng Orbán sẽ tiếp tục quan điểm cứng rắn trong đàm phán và khi đó, trên nguyên tắc, việc Baku mua công trái của Hung chứng tỏ, kể từ tháng 5 năm ngoái, Hungary lại bán được trái phiếu quốc gia cho nước ngoài.

Với động thái này, Budapest có thể đưa ra một tín hiệu, rằng có thể trả nợ bằng cả những nguồn ngoài IMF, thậm chí, nếu đã một lần xuất được công trái, họ có thể làm những lần khác nữa. Có thể, chính phủ Hungary hy vọng rằng với một bước đi như vậy, họ sẽ chiếm được lợi thế trên bàn đàm phán, hoặc có được một chút tín dụng trong trường hợp thỏa thuận bị trì hoãn. Tuy nhiên điều này cũng dễ tạo cảm giác Budapest không cần tiền của IMF và đây là lý do khiến nước này trong vài tháng gần đây đã nhiều lần bác bỏ việc xuất công trái cho Baku.

Ngoài vấn đề công trái, không loại trừ khả năng Hungary muốn nhập khẩu năng lượng từ Azerbaijan - cụ thể là dầu lửa và hơi đốt tự nhiên - nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc năng lượng vào Liên bang Nga. Bên cạnh đó, chính phủ Hungary cũng có thể đặt ra mục tiêu đưa các doanh nghiệp, các ngạch công nghiệp - như sản xuất máy móc nông nghiệp, công nghiệp dược phẩm hoặc kỹ thuật thông tin - vào Azerbaijan, một quốc gia có thị trường tiêu thụ lớn.

Khả năng “được - mất” của Hungary?

Một chuyên gia kinh tế, ông Samu János nhận định rằng, Azerbaijan hoàn toàn có thể mua lại được những khoản nợ của Hungary, do đó, việc nước này cử những phái đoàn riêng để đàm phán về việc mua công trái của Hungary cho thấy, có thể Budapest muốn có được tín dụng từ Baku với lãi suất thấp. Ngược lại, với thương vụ đầu tư ít lợi nhuận này, rất có thể Azerbaijan phải đòi hỏi một số thứ khác từ Budapest, chẳng hạn như việc trao trả một tù nhân trong bê bối vừa rồi.

Tuy nhiên, ngay cả khi Budapest có được gói cứu trợ với lãi suất thấp (so với thị trường) từ Baku, các tính toán cho thấy cái lợi thực sự không lớn. Thậm chí, nếu chính phủ Hungary nỗ lực “hòa giải” với IMF để có được tín dụng rất ưu đãi (chừng 4,5% hàng năm), thì kết quả mang lại còn tốt hơn rất nhiều. Đấy là chưa tính đến chuyện, Hungary có thực sự thành công trong thương vụ này không vì trước đó, Budapest đã thất bại trong nỗ lực tương tự đối với Trung Quốc và Saudi Arabia.

Trên góc độ năng lượng, quả thực Azerbaijan có trữ lượng khí đất và dầu lửa đáng kể, song việc khai thác những trữ lượng này chỉ mới được khởi động trong thời gian gần đây (đầu thiên kỷ mới, Baku còn phải nhập khí đốt từ Nga). Chính vì thế, trong thời gian ngắn, Azerbaijan chưa thể tăng lượng năng lượng xuất khẩu một cách đáng kể, để có thể đủ cho nhu cầu của khu vực Đông - Trung Âu.

Các số liệu cho thấy, trên cương vị một quốc gia đứng thứ 20-21 trên thế giới về sản xuất dầu lửa và thứ 31 về sản xuất khí đốt, lượng khí đốt do Azerbaijan sản xuất chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng số lượng khí đốt được các nước khu vực Á - Âu sản xuất. Các nước Azerbaijan, Romania, Georgia và Hungary đang hưởng ứng một dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên AGRI dẫn khí đốt từ Azerbaijan qua Georgia, biển Hắc Hải và Romania sang các nước vùng Trung Âu.


Phải chăng tất cả đều do lợi ích kinh tế? Thủ tướng Hungary Orbán Viktor và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tại Dinh Tổng thống tại Baku, tháng 6-2012 - Ảnh: Burger Barna (Văn phòng Thủ tướng Hungary)


Dầu vậy, nếu có thành công đi nữa, dự án này cũng là một chương trình đầu tư hết sức đắt đỏ và không rõ Hungary sẽ nhận được bao nhiêu từ khoảng 8 tỉ m3 khí đốt đó, trong khi nhu cầu của nước này đã gấp đôi như thế. Cũng không rõ trong thực tế, khi nào đề án mới đi vào sản xuất - chắc chắn Liên bang Nga sẽ làm tất cả để gây khó dễ cho việc thực hiện AGRI và do đó, chắc chắn là trong vòng vài năm nữa, Hungary không thể tính đến khí đốt Azerbaijan như một “đối trọng” với khí đốt Nga, trên góc độ năng lượng.

Xét về tổng thể, giới bình luận cho rằng, để được những lợi ích về kinh tế một cách giả định như thế, chính phủ Hungary lẽ ra không nên phiêu lưu vào những vụ việc mờ ám, gây rắc rối về ngoại giao đến như vậy, nếu đúng là câu chuyện trao trả tù nhân có hậu trường là thỏa thuận về kinh tế...

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest