Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ÁO HẠN CHẾ NGƯỜI TỴ NẠN NHẬP CẢNH

(NCTG) Cộng hòa Áo vừa đưa ra một quyết định quan trọng: chính quyền nước này sẽ tìm cách ngăn chặn hoặc làm chậm lại dòng người tỵ nạn vào Châu Âu, bằng cách không cho phép những ai không muốn xin tỵ nạn tại Áo được đi tiếp sang Đức và các nước khác.
Người tỵ nạn chờ đợi tại biên giới Áo - Đức, gần vùng Simbach (ngày 2-11-2015)
Tuyên bố này được đưa ra bởi Bộ trưởng Nội vụ Johanna Mikl-Leitner. Tờ “Die Presse” cho hay, chưa biết nước này sẽ nhận bao nhiêu người tỵ nạn bằng cách ấy, và trong kế hoạch xử lý làn sóng tỵ nạn, Áo cũng chưa đưa ra con số tối đa mà nước này có thể tiếp nhận.

Nếu chúng ta không có những biện pháp ở tầm quốc gia và Châu Âu, làn sóng tỵ nạn sẽ vẫn tiếp tục”, bà Johanna Mikl-Leitner phát biểu trong chương trình buổi sáng của Kênh Truyền hình Quốc gia Ö1 hôm nay, 15-1.

Trong năm nay, Áo ước tính sẽ có 120 ngàn người xin tỵ nạn sẽ nhập cảnh nước này, tuy nhiên theo tình hình hiện tại thì con số này có thể còn cao hơn nhiều, do đó cần xác định xem quốc gia này có thể tiếp nhận bao nhiêu người tỵ nạn, theo vị bộ trưởng.

Ở biên giới Áo, hàng ngày phía Đức vẫn trả lại cho Áo 2-300 người tỵ nạn, đó là những người muốn đệ đơn xin quy chế tỵ nạn tại Đức. Còn những ai muốn qua Thụy Điển hay Na Uy thì đều không được nhập cảnh Đức, theo thông tin của bà bộ trưởng.

Do đó, chính quyền Áo cũng quyết định rằng, từ đầu tuần sau sẽ không cho nhập cảnh Áo những ai muốn tiếp tục đi nước khác. Ngoài ra, nước này cũng sẽ đưa ra một giới hạn trên cho số người tỵ nạn mà Áo có thể tiếp nhận.
 
Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner - Ảnh: Emmanuel Dunand (AFP)
Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner - Ảnh: Emmanuel Dunand (AFP)

Trả lời câu hỏi nếu vậy nhỡ hàng vạn người tỵ nạn sẽ bị mắc lại ở biên giới phía Nam nước Áo thì sao, bà Johanna Mikl-Leitner cho hay, chính quyền Áo hy vọng sau một thời gian thì số người tỵ nạn sẽ giảm.

Bên cạnh đó, những ai tới Áo sau khi nước này đã tiếp nhận đủ con số theo hạn ngạch, thì sẽ không được nhập cảnh, mà phải chờ đợi tại các khu “chuyển tiếp” ở dọc biên giới, và chỉ được nhận các hỗ trợ tại đó.

Đảng Xã hội Dân chủ Áo (SPÖ), một thành viên của liên minh cầm quyền, hiện còn phản đối việc xác định giới hạn trên của số người tỵ nạn mà Áo có thể nhận. Tuy nhiên, bà Johanna Mikl-Leitner cho rằng đã đến lúc cần từ giã chính sách tiếp nhận người tỵ nạn một cách hồ hởi.
 
Trần Lê, theo index.hu

* Bạn nghĩ rằng Châu Âu cần một chính sách thống nhất như thế nào để xử lý được làn sóng tỵ nạn hiện tại? Hãy chia sẻ với NCTG.