Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ÁO GIẢM THIỂU VIỆC NHẬN NGƯỜI XIN TỴ NẠN

(NCTG) Từ sáng thứ Sáu, Áo chỉ tiếp nhận 80 người xin tỵ nạn mỗi ngày và hạn chế này chủ yếu ảnh hưởng tới Slovenia, nhưng trong thời gian ngắn nó sẽ khiến cả lộ trình mà người xin tỵ nạn thường đi ngang vùng Balkans có thể bị tắc nghẽn.
Biên giới Áo - Serbia ở vùng Spielfeld đã được củng cố - Ảnh: Rene Gomolj (AFP)
Như đã biết, trong năm 2016 Áo chỉ muốn tiếp nhận 37.500 người xin tỵ nạn, so với 90 ngàn người của năm ngoái và theo một quyết định mới đây nhất của chính quyền, để làm chậm làn sóng tỵ nạn, hàng ngày nước này chỉ cho tối đa 3.200 người đi tiếp sang Đức. 

Còn số người đệ đơn xin tỵ nạn ở Áo cũng được quy định tối đa 80 người mỗi ngày, và sau khi đã đủ “chỉ tiêu” nước này sẽ khóa biên giới trong ngày hôm đó, theo Phát ngôn viên Cảnh sát Fritz Grundnig. Quyết định này không nhận được sự đồng tình từ Brussels.

Không hề phù hợp với những bổn phận mà Áo đã cam kết với Châu Âu và thế giới”, đó là khẳng định của ông Dimitris Avramopoulos - ủy viên EU phụ trách vấn đề nhập cư - trong thư gửi Bộ trưởng Nội vụ Áo. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cũng có ý kiến tương tự:

Tôi không thích quyết định này, đối với chúng tôi, câu hỏi đặt ra là nó có phù hợp với Luật Châu Âu hay không? Chúng tôi sẽ có một cuộc trao đổi thân mật”, ông Jean-Claude Juncker nói. Vị chính khách này cho rằng các quốc gia không nên tự ra những quyết định riêng.

Tuy nhiên, như hội nghị thượng đỉnh vừa qua của EU cũng cho thấy, trong vấn đề tỵ nạn, một số quốc gia thay vì thảo luận cho một giải pháp tầm Châu Âu, thì lại tự bàn bạc để “đi đêm” riêng. Về phần mình, Thủ tướng Áo cho hay nước này sẽ không thay đổi lập trường.

Bởi lẽ, Vienna cho rằng thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa mang lại kết quả, nên các nước vùng Balkans cũng cần có những biện pháp để hạn chế dòng người tỵ nạn. Do vậy, một số nước như Slovenia, Croatia và Serbia cũng đã thắt chặt kiểm soát tại biên giới.
 
Biên giới Serbia - Hungary ở vùng Röszke, ngày 10-9-2015 - Ảnh: Kisbenedek Attila (AFP)
Biên giới Serbia - Hungary ở vùng Röszke, ngày 10-9-2015 - Ảnh: Kisbenedek Attila (AFP)

Tại cửa khẩu Nickelsdorf giữa Hungary và Áo, phía Áo cũng đã tăng cường kiểm tra biên giới, nghĩa là nước này cũng tính đến làn sóng tỵ nạn đến từ Hungary, cho dù kể từ khi Hung cho xây hàng rào ở biên giới Serbia và Croatia, hầu như không còn ai nhập cảnh Áo từ Hung.

Tuy nhiên, ở biên giới Đông Nam giữa Hungary và Serbia, hàng rào sắt sẽ không chịu được nếu bị “tấn công” với cường độ mạnh hơn: nếu cùng một lúc, người tỵ nạn muốn xâm nhập ở nhiều điểm trên đường biên thì Hung hiện không đủ điều kiện kỹ thuật và nhân lực để “cự lại”.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu