Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ÁO ĐƯA RA GIỚI HẠN TRONG VIỆC TIẾP NHẬN NGƯỜI TỴ NẠN

(NCTG) Từ nay cho đến năm 2019, Áo có thể nhận tối đa 127.500 người tỵ nạn, theo quyết định đang chờ được thông qua của chính quyền Liên bang và Tiểu bang trong cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ Tư 20-1.
Làn sóng tỵ nạn vẫn tiếp diễn trong mùa đông - Ảnh: Kay Nietfeld (AFP)
Cụ thể, con số nói trên được chia ra theo từng năm như sau: năm nay 37.500, năm 2017 35 ngàn, năm 2018 30 ngàn, và năm 2019 25 ngàn, theo thông tin từ tờ “Die Presse”. Đây là sự thay đổi rất lớn theo hướng siết chặt, vì chỉ trong năm 2015 Áo đã tiếp nhận đơn xin tỵ nạn của 90 ngàn người.

Theo truyền thông Áo, khi xác định con số người tỵ nạn, chính quyền nước này đã dựa trên một nguyên tắc chủ đạo, theo đó tỷ lệ những người tỵ nạn mới đừng vượt quá 1,5% dân số Áo (hiện là 8,4 triệu). Trước mắt, chưa rõ điều gì sẽ xảy ra nếu con số người tỵ nạn đạt mức tối đa này.

Thủ tướng Áo Werner Faymann phát biểu rằng đây là một giải pháp tình thế kiểu “phương án B”, vì Áo tất nhiên không thể nhận được tất cả mọi người tỵ nạn. Ông cũng bày tỏ hy vọng giải pháp này của Áo rốt cục sẽ khiến Liên Âu thức tỉnh.

Như NCTG đã đưa tin, từ tuần trước, chính quyền Áo đã tuyên bố chỉ cho nhập cảnh những người không phải là di dân kinh tế, muốn ghi danh và nộp đơn xin quy chế tỵ nạn tại Áo, hoặc những ai chắc chắn không bị Đức khước từ trên cương vị di dân kinh tế.

Người tỵ nạn muốn đi tiếp sang Thụy Điển hoặc các nước Châu Âu khác sẽ không được nhập cảnh Áo, và tin tức cho hay đã có ít nhất 500 quân nhân được điều tới biên giới phía Nam giữa Áo và Slovenia để kiểm tra chặt chẽ tất cả mọi người tỵ nạn.

Phó thủ tướng Reinhold Mitterlehner, thành viên Đảng Nhân dân cho hay con số người tỵ nạn gia tăng là một gánh nặng lớn đối với Áo, nên nước này phải kiểm tra và ghi danh ngay tại biên giới, và chuẩn bị để gửi trả lại một bộ phận người tỵ nạn trong tương lai.

Thị trưởng thủ đô Vienna Michael Häupl thì cho rằng, cần có “những biện pháp để nhờ nó chúng tôi thực sự giúp đỡ được những người phải trốn chạy để bảo vệ tính mạng của họ”: “Chúng tôi muốn giúp những người tỵ nạn chiến tranh, nên không thể tiếp nhận tất cả”.

Những người được chấp nhận quy chế tỵ nạn sẽ phải học tiếng Đức một cách bắt buộc, để sau khi quá trình xét đơn chấm dứt họ có thể đi học hoặc làm việc dễ dàng hơn. Còn nếu ai đó bị bác đơn thì cũng không mất gì cả, vì biết một ngoại ngữ luôn là điều quan trọng, theo ông Michael Häupl.
 
Trần Lê, theo index.hu

* Rất có thể các nước Châu Âu sẽ dần dần theo mô hình của Áo, tức hạn đưa ra giới hạn tiếp nhận người tỵ nạn và tiến hành kiểm tra ngay tại biên giới. Theo bạn, khi đó, cần xử lý ra sao với những người “đến sau”? Hãy chia sẻ với NCTG.