Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ẢNH FAKE KỲ THỊ NGƯỜI TỴ NẠN NGẬP TRÀN MẠNG INTERNET

(NCTG) Những tuần gần đây, các “công dân mạng” đã bình luận sôi nổi và chuyền tay nhau những tấm ảnh kèm nhiều khẳng định rất bất lợi cho người tỵ nạn, tuy nhiên có thể nhận ra rằng đa số đều là “hàng giả”.
ẢNH FAKE KỲ THỊ NGƯỜI TỴ NẠN NGẬP TRÀN MẠNG INTERNET
Chẳng hạn, một tấm ảnh kép được đăng trên một số cơ quan truyền thông thân chính phủ tại Hung, đưa hình một chiến binh, và cạnh đó là một cảnh khác, như thể đương sự đang ở Châu Âu theo dòng người tỵ nạn.

Nhiều người, nhân đó, cho rằng đây là bằng cứ cho thấy nhiều tên khủng bố đang trà trộn vào các nhóm tỵ nạn để gây bất ổn tại Châu Âu. Tuy nhiên, người đàn ông được phát hiện là một thủ lĩnh “khởi nghĩa” ở Syria.

Đứng đầu một nhóm “khởi nghĩa” có bảy trăm thành viên, anh ta tham gia cuộc nội chiến ở Syria, và tấm ảnh còn lại - khi người này mặc áo phông màu xanh - thì là khi anh trả lời phỏng vấn hãng AP tại đảo Kos (Hy Lạp).

Những kẻ kỳ thị người tỵ nạn đã sử dụng hai hình ảnh này để lừa đảo và kích động các “công dân mạng” không biết rõ sự thể, và kết quả là họ cũng đạt được thành công lớn: tấm ảnh được chia sẻ (share) rất nhiều trên mạng.

Một số bức ảnh sau đây cũng rất hay thấy trên mạng Internet và các diễn đàn, mạng xã hội, và nhận được nhiều bình luận ác ý theo hướng bài xích người tỵ nạn. Nhưng chúng đều là đồ giả mạo, theo mạng vice.com.
 
2

Người tỵ nạn béo tốt, phương phi - đó là một trong những lý luận của giới bài xích tỵ nạn, theo đó dòng người tới Châu Âu không phải là những kẻ chạy nạn từ vùng chiến sự, cứ xem ảnh thì biết.

Tuy nhiên, bản gốc của tấm ảnh được chụp từ năm 2013 tại Úc, chứ không phải Châu Âu. Địa điểm là tại đảo Phục sinh ở phía Tây Bắc nước Úc, và có thể thấy trên bản gốc của ảnh một nhân viên công lực Úc.
 
3

Người tỵ nạn là những đàn ông hèn nhát, ra đi bỏ vợ con? Chẳng hạn trong tấm ảnh này, chỉ thấy một nhóm đàn ông tới nhà ga ở München, nhưng không thấy phụ nữ và trẻ em đâu cả. Tất nhiên nhìn cảnh ấy ai chả bực?

Tuy nhiên nếu xem đoạn clip của Reuters mà tấm ảnh được cắt ra từ đó, thì có thể thấy cảnh phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh đang tái ngộ người thân lâu ngày không gặp nhau, và thở phào nhẹ nhõm sau hàng tháng trên đường.
 
4

Nhiều khi, sự giả mạo khá trắng trợn nhưng vẫn được nhiều người chia sẻ. Chẳng hạn, tấm ảnh người Albania tìm cách di tản sang Ý, chụp từ năm 1991, giờ bị coi là phác họa cảnh người tỵ nạn Syria đang “trùng trùng lớp lớp” tìm đưòng qua Châu Âu.
 
5
 
Một tấm ảnh khác được các phần tử cực hữu cho là bằng chứng của việc các chiến binh khủng bố đang hành quân sang Châu Âu. Nhưng kỳ thực đó là bức ảnh do Liên Hiệp Quốc chụp cách đây hai năm, cảnh dân Syria chạy nạn qua Tích Giang (sông Tigris) để qua Iraq.

Cũng trong đề tài này, có một tấm ảnh một người đàn ông có vũ trang từ đầu đến chân ở Syria, và một cảnh khác anh ta chụp cùng với người bạn ở Đức. Rõ là khủng bố đã sang Châu Âu còn gì nữa?

Tuy nhiên, trong thực tế đây là một chiến binh người Kurd, và là kẻ thù số một của tổ chức khủng bố Hồi giáo IS!

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn, theo index.hu