Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐAN MẠCH THẮT CHẶT VỚI NGƯỜI TỴ NẠN

(NCTG) Với sự ủng hộ của đảng đối lập Đảng Xã hội Dân chủ, Quốc hội Đan Mạch đã biểu quyết sửa đội Đạo luật Tỵ nạn theo hướng thắt chặt, theo đề xuất của nội các trung hữu, trong đó có cả điều khoản đánh vào túi tiền người tỵ nạn.
Người tỵ nạn xuống tàu tại Đan Mạch - Ảnh: Stig-Ake Jonsson (AFP)
Mục tiêu được đặt ra của những sửa đổi là để Đan Mạch trở nên ít hấp dẫn đối với những người đệ đơn xin tỵ nạn. Một số điểm đáng chú ý nhất:

- Chính quyền có thể tịch thu khoản tiền mặt hoặc tài sản, tư trang trị giá lớn hơn 10 ngàn DKK (Krone Đan Mạch), tương đương 1.340 Euro, để chi trả cho một số chi phí cho người tỵ nạn,

- Siết chặt những điều kiện đoàn tụ gia đình,

- Rút ngắn thời hạn của các loại thẻ cư trú.

Được biết, thoạt tiên nội các Đan Mạch đề xuất tịch thu tiền mặt, tài sản của người tỵ nạn từ 3 ngàn DKK trở lên, nhưng do phản ứng gay gắt của quốc tế nên giới hạn duới này được tăng lên hơn gấp ba.

Không có gì lạ khi bên cạnh các chính đảng theo khuynh hướng tự do, bảo thủ, cũng như đảng vừa giành được nhiều phiếu nhất trong kỳ bầu cử - Đảng Nhân dân Đan Mạch - theo quan điểm bài xích người nhập cư, đa số các đảng viên Đảng Xã hội Dân chủ cũng ủng hộ việc siết chặt Đạo luật Tỵ nạn.

Bởi lẽ, năm ngoái, khi còn cầm quyền, chính Đảng Xã hội Dân chủ Đan Mạch đã cho tiến hành một chiến dịch mang tính bài ngoại - còn trước cả chiến dịch tương tự của nội các FIDESZ ở Hungary - theo đó người nhập cư nếu đến Đan Mạch thì phải làm việc.
 
Người tỵ nạn tới Đan Mạch từ nay phải đối mặt với những điều kiện ngặt nghèo hơn - Ảnh: Claus Fisker (AFP)
Người tỵ nạn tới Đan Mạch từ nay phải đối mặt với những điều kiện ngặt nghèo hơn - Ảnh: Claus Fisker (AFP)

Năm 2015, đất nước Đan Mạch với 5,6 triệu cư dân đã tiếp nhận 21 ngàn người tỵ nạn. Trong số những sửa đổi trong luật, thì điều khoản cho phép tịch thu tiền bạc và tài sản, tư trang của người tỵ nạn đã gây “phản cảm” nhất ở nhiều người.

Dân biểu Jens Rohde, trước kia từng là thành viên Đảng Tự do, đã chỉ trích đảng này về sự ủng hộ trong việc sửa đổi Đạo luật Tỵ nạn. Theo ông, một đạo luật cho phép tước đi những tài sản cuối cùng của người tỵ nạn, là một đạo luật tước đi nhân phẩm con người.

Nils Muiznieks, phụ trách Ủy ban Nhân quyền trực thuộc Hội đồng Châu Âu cũng lên tiếng phê phán đạo luật này với Bộ trưởng Bộ Di dân Đan Mạch. Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) thì cho rằng luật mới làm gia tăng nỗi sợ hãi và bài ngoại.

Trả lời những ý kiến trên, người đứng đầu nội các Đan Mạch cho rằng đối với “thế giới bên ngoài” thì đây là đạo luật bị hiểu sai nhất trong lịch sử Đan Mạch. Theo ông Lokke Rasmussen, luật này chỉ có nghĩa là những ai có đủ khả năng tự nuôi mình, thì đừng bắt nhà nước phải nuôi.

Việc đưa vào luật khả năng tịch thu tiền hay tài sản của người tỵ nạn không phải “đặc sản” của riêng Đan Mạch. Năm ngoái, trong 112 trường hợp, Thụy Sĩ đã tịch thu lượng tiền mặt vượt quá 750 Euro của người tỵ nạn.

Còn tại Đức, tiểu bang Baden-Württenberg ấn định “giá trị trần” để có thể tịch thu tiền mạt của người tỵ nạn là 350 Euro. Chính quyền Đức cho hay, bất cứ ai tự nguyện rời nước Đức trong vòng bảy tháng sẽ đều đượ trả lại tiền bạc, tài sản bị tịch thu.
 
Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI
 
* Theo bạn, việc tịch thu tiền mặt và tài sản của người tỵ nạn là có hợp lý và công bằng? Hãy chia sẻ với NCTG.