20 năm ngày thống nhất nước Đức: MẢNH TƯỜNG BERLIN TRƯỚC NHÀ KHỦNG BỐ BUDAPEST
- Thứ sáu - 12/11/2010 01:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Nhân kỷ niệm sự sụp đổ của bức tường Berlin và 20 năm ngày thống nhất nước Đức, một mảnh tường Berlin - cao 4m, bề rộng 1m - đã được phía Đức trao tặng Budapest và đặt trước Bảo tàng Nhà Khủng bố, nơi trưng bày những di chứng của các thể chế toàn trị thế kỷ XX.
Phó Thị trưởng Csomós Miklós (trái), Cựu Thủ tướng Németh Miklós và TS. Schmidt Mária (thứ hai từ bên phải) trong lễ khai trương một mảnh tường Berlin tại Budapest - Ảnh: Koszticsák Szilárd
Trong lễ kỷ niệm tổ chức vào thứ Năm vừa qua, với sự hiện hiện của các chính khách Hungary và Đức, các diễn giả đã nhấn mạnh: cần cảnh giác, cần nhớ và nhắc nhớ để đừng bao giờ có thêm một bức tường như thế, chia đôi một thành phố và cư dân của đô thị ấy trong nhiều thập kỷ, và những ai muốn vượt nó thì phải trả giá bằng tính mạng của họ.
TS. Sử học Schmidt Mária, giám đốc Bảo tàng Nhà Khủng bố phát biểu: bao gia đình ly tán, bao tình bạn, tình yêu tan vỡ vì bức tường. Nhưng, theo lời bà, Berlin là một thành phố thông minh, “không giữ chặt trong lòng mà đã bộc lộ, đã phơi bày những vết thương của mình”.
Viện dẫn lời văn hào Márai Sándor khi nói về Berlin, “nơi con người mộng tưởng tới”, bà Schmidt Mária nhận thấy sau khi thống nhất, đô thị này đã trở thành trung tâm của Châu Âu, một thành phố lạc quan, tôn trọng nhân tài và “ngày nay còn hơn những năm 20 thế kỷ trước”.
Nhận định về sự sụp đổ của bức tường Berlin, TS Schmidt Mária cho rằng “một trong những biểu tượng bị căm ghét nhất của thế kỷ XX đã sụp đổ không qua đổ máu, bằng sức mạnh của ngôn từ và nguyện vọng”: “Trách nhiệm chung của chúng ta là tại châu lục này, đừng bao giờ xảy ra nỗi nhục nhã khủng khiếp, như khi một thanh niên Đức bị bắn đã hấp hối hồi lâu bên bức tường mà không ai dám tới gần”.
Đặt song song bức tường Berlin và Hiệp ước Trianon, đại diện cho thủ đô Budapest, Phó Thị trưởng Csomós Miklós nói rằng nếu một dân tộc hiểu tấn bi kịch của mình thì họ cũng sẽ thấu hiểu bi kịch của những dân tộc khác. Ông chỉ ra rằng, thông qua tấn thảm kịch của người dân Đức, bức tường Berlin trở thành tượng trưng cho sự chia cắt của Châu Âu, và nước Đức thống nhất cũng đem lại sự thống nhất cho Châu Âu.
Phó Thị trưởng Csomós Miklós nhắc lại buổi Pinic Toàn Âu, khi mấy trăm công dân Đông Đức có thể rời Hungary sang Áo và bằng hành động ấy, một cách biểu tượng, người Hungary đã nhấc viên gạch đầu tiên khỏi bức tường Berlin. Mảnh tường Berlin đặt trước Nhà Khủng bố cũng mang tính tượng trưng ấy.
Mảnh tường Berlin trên đại lộ chính Andrássy của thủ đô Budapest, trước bảo tàng Nhà Khủng bố - Ảnh: MTI
Trong phát biểu của mình, Cựu Thủ tướng Németh Miklós thuật lại những tiền đề và sự chuẩn bị cho việc mở biên giới Hungary, ông nói rằng Ban lãnh đạo Hungary biết không còn giải pháp nào khác, nhưng họ không muốn “đâm đầu vào tường”, không muốn đầu rơi máu chảy.
Cựu Thủ tướng nói thêm: nhiều người đã được tặng thưởng vì vai trò của họ trong sự kiện mở biên giới, nhưng ông thấy rằng công trạng còn thuộc về một nhân viên biên phòng, ông Gulyás Károly, người đã trao lại con nhỏ cho một bà mẹ trong khi chạy để vượt biên đã làm rơi đứa con. Ông Németh Miklós cho rằng, đó là một CON NGƯỜI theo nghĩa thực của từ này.
Đại diện cho Chính phủ Hungary, Quốc vụ khanh Balog Zoltán phát biểu: luôn cần đến những người không bao giờ chấp nhận những bức tường ngăn cách con người và thế giới. Như ông nói, những người này - trong tâm trí và trong trái tim - không bao giờ chấp nhận sự chia cắt. Quốc vụ khanh Balog Zoltán nhấn mạnh: phải phá bỏ mọi bức tường ngăn trở sự hợp tác, và cho dù có thể có những bức tường cần thiết, nhưng ở đó luôn phải có những cánh cửa để có thể vượt qua tường.
Ông Hans Kaiser, đại diện tại Hungary của Quỹ Konrad Adenauer khẳng định: việc Hungary dũng cảm mở biên giới, rồi sự sụp đổ của “bức tường ô nhục” Berlin đã dẫn tới sự thống nhất của nước Đức, điều rốt cục đã tạo dựng nên một Châu Âu thống nhất. Bức tường Berlin - “khối ô nhục” - đã cặt đôi một thành phố, chia cắt con cái khỏi cha mẹ, phân ly anh em và những cặp tình nhân.
“Một nhà nước noi theo những giá trị nhân đạo không bao giờ xây tường như thế, vì vậy, rõ ràng là bức tường không thể tồn tại mãi mãi”, ông Hans Kaiser phát biểu và đặc biệt chào mừng Cựu Thủ tướng Németh Miklós, người mà theo ông, đã có vai trò quyết định trong việc dỡ bỏ bức tường.
Cựu Chủ tịch Quốc hội bang Thüringen Dagmar Schipanski cắt băng khai trương mảnh tường Berlin - Ảnh: Koszticsák Szilárd
Cựu thị trưởng Berlin, ông Eberhard Diepgen nhấn mạnh: phải ghi nhớ rằng con người đã từng có thể làm những việc như thế nào, “phải cảnh giác” để đừng bao giờ xảy ra những chuyện như dựng tường. Ông diễn đạt: bức tường Berlin không chỉ tượng trương cho sự vô nhân đạo không bao giờ được phép tái hồi, mà còn là biểu tượng của sức mạnh con người, không khuát phục trước những gì đã diễn ra và chỉ ra rằng sức mạnh của cách mạng và mộng ước tự do là bất diệt.
Cựu Chủ tịch Quốc hội bang Thüringen (Đức), ông Dagmar Schipanski thì cho rằng, đường biên giới là biểu tượng của một “xã hội khép kín”, biểu tượng của sự cô lập với Phương Tây, với những thông tin về cuộc sống bên kia Bức màn sắt. “Công lao to lớn” của các dân tộc trong vùng Đông Âu và CHDC Đức là đã dỡ bỏ “biên giới chết chóc” này, một trải nghiệm tuyệt vời là tự bản thân con người đã giành được tự do cho chính mình, ông Dagmar Schipanski nhấn mạnh.
Phó Giám đốc di tích Berlin-Hohenschönhausen (nơi từng là nhà tù của cơ quan mật vụ chính trị Stasi), ông Helmuth Frauendorfer cho hay: trước khi một mảnh bức tường Berlin được đưa sang Budapest vào thứ Tư tuần trước, ông đã đứng cạnh nó và cảm thấy hết sức nhỏ bé và bất lực. Tất cả mọi người sống trong thể chế độc tài cộng sản đêu có cảm giác như thế - ông nhấn mạnh, và nói thêm: để có được biến chuyển tại Đức, trước tiên phải có những công dân tước quyền hành khỏi tay các lãnh đạo cộng sản.