Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


17 năm ngày mất bác sĩ Carlo Urbani: NGƯỜI ANH HÙNG CHỐNG SARS-CORONA

(NCTG) “Carlo không phải là một anh hùng, mà là một người đàn ông không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ ngoảnh mặt quay đi khi có người cần giúp đỡ”.
Bác sĩ Carlo Urbani cùng vợ và con - Ảnh tư liệu
Lời người dịch: Ngày 29-3-2003, tại một bệnh viện ở Bangkok, bác sĩ Carlo Urbani đã qua đời vì virus SARS-Corona, căn bệnh mà chính vị bác sĩ của TP. Castelplanio (Ý) là người đầu tiên phát hiện, phân lập thành công chủng virus mới, từ đó đưa ra lời cảnh báo giúp thế giới chặn đứng đại dịch.

Carlo Urbani không chỉ là anh hùng của nhân dân Việt Nam, mà còn là anh hùng của toàn thế giới trong cuộc chiến chống Virus SARS Corona năm 2003. Trước khi nhắm mắt, ông đề nghị các bác sĩ cắt lá phổi của mình để lại làm tiêu bản nghiên cứu. Sau khi mất 2 tuần, nhờ lá phổi của bác sĩ Carlo Urbani, Coronavirus đã được chỉ mặt vạch tên và đại dịch SARS được khống chế.

Mười bảy năm sau ngày ông qua đời, thật đáng buồn khi thế giới đang phải chứng kiến những điều khủng khiếp hơn 17 năm trước rất nhiều: đại dịch mang tên SARS Corona-2 hay Covid-19 lan tràn khắp nơi, gieo rắc cái chết.

Tờ nhật báo ra hàng ngày ở Milan “Corriere della sera” đã có bài phỏng vấn với vợ ông, bà Giuliana Chiorrini, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TP. Castelplanio (miền Trung nước Ý, cách Rome khoảng 4 giờ lái xe về phía Đông Bắc). Hãy cùng bà Giuliana Chiorrini ôn lại những kỷ niệm về bác sĩ Carlo Urbani.
 
Người anh hùng trong đồng phục trắng của bác sĩ - Ảnh tư liệu
Người anh hùng trong đồng phục trắng của bác sĩ - Ảnh tư liệu

- Trong 17 năm qua, chúng ta vẫn nhớ về di sản của Carlo Urbani và sự hy sinh anh hùng của ông. Ngày hôm nay, chứng kiến những gì đang xảy ra giữa đại dịch Covid-19, bà nghĩ gì về bài học mà chồng bà vị bác sĩ của nhân loại đã để lại?

Những điều tôi chia sẻ sau đây, chỉ là những suy nghĩ của cá nhân tôi, nhưng sự thực là trong những ngày này tôi đang đọc lại một cuốn sách về Carlo - chồng tôi, và tôi đã bị ấn tượng về một phần trong cuốn sách kể lại những liên hệ, những phát hiện của anh ấy ở Việt Nam trong những ngày quyết định ấy, bắt đầu từ 28-2-2003 khi anh ấy là đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Kể từ khi phát hiện bệnh nhân số 0 tại Bệnh viện Việt - Pháp ở Hà Nội, một doanh nhân nhập viện vì viêm phổi nghiêm trọng, anh ấy đã nhận thấy rằng đây là một căn bệnh mới, có khả năng lây nhiễm rộng trong cộng đồng, anh đã ngay lập tức đưa ra lời cảnh báo, và yêu cầu đóng cửa các cảng, sân bay và biên giới.

- Ông đã trải qua những ngày ấy như thế nào?

Anh ấy trở về nhà, rất cáu giận, anh ấy nói rằng có mức độ rủi ro là cực kỳ nghiêm trọng, nhưng họ đã không thực sự lắng nghe những cảnh báo của anh ấy. Tuy nhiên, anh đã không bỏ cuộc mà vẫn kiên trì cảnh báo và thuyết phục, vào ngày 10/12-3 cuối cùng Việt Nam và các nước khác đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch SARS.

Trong khi đó, tại Ý, trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, chúng ta đã chưa có những nhận định chính xác về mối nguy hiểm của Coronavirus. Họ đã đóng cửa các trường học, sau đó lại mở lại, chặn các chuyến bay từ Trung Quốc, nhưng không phải các chuyến bay gián tiếp từ các nước thứ ba. Những điều này vẫn tiếp diễn cho đến đầu tháng Ba, mặc dù những trường hợp viêm phổi bất thường ở Ý đã được ghi nhận từ cuối tháng 12-2019. Nỗi sợ hãi mà tôi chưa từng thấy ở Carlo đã xuất hiện trở lại!
 
Chiến đấu để chiến thắng dịch bệnh tại những vùng đất xa xôi - Ảnh tư liệu
Chiến đấu để chiến thắng dịch bệnh tại những vùng đất xa xôi - Ảnh tư liệu

- Bà nghĩ sao khi bây giờ chúng ta cũng đang ca ngợi những y tá và các bác sĩ đang chiến đấu trong đại dịch Coronavirus là những anh hùng?

(Bà Chiorrini ngay lập tức nói Carlo không phải là một anh hùng, mà là một người đàn ông không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ ngoảnh mặt quay đi khi có người cần giúp đỡ (un uomo che non si voltava dall’altra parte.). Ông thường tưởng tượng ra những trò đùa khi họ gọi ông là anh hùng hay thánh nhân).

Ngay cả khi không gọi họ là anh hùng, tôi nghĩ chúng ta cũng sẽ phải biết ơn họ mãi mãi. Tôi thực sự ngưỡng mộ họ.

Rất nhiều các y tá, bác sĩ, chuyên gia y tế đang bất chấp những rủi ro cho chính bản thân họ, lên tuyến đầu của cuộc chiến, vâng ví dụ như Carlo, anh ấy đã mặc lại chiếc áo blouse phòng thí nghiệm bệnh truyền nhiễm của mình một lần nữa để trực tiếp thăm khám cho một bệnh nhân nghi nhiễm ở Hà Nội, trong khi mà vào thời điểm đó, đấy không phải là công việc của anh, anh ở đó với tư cách là Giám đốc điều hành của WHO tại Việt Nam.

Phương châm của anh ấy, từ khi còn là một chàng trai trẻ là “sẵn sàng giúp đỡ tất cả những người cần giúp đỡ”. Đó cũng chính là những gì mà các bác sĩ và y tá của chúng ta đang làm. Tôi thấu hiểu sâu sắc những khó khăn khi phải làm việc trong bệnh viện với những bệnh nhân bị nhiễm bệnh, tôi đã ở bên cạnh Carlo trong những ngày cuối căn bệnh của anh.

- Tại Ý, 43 đồng nghiệp của chồng bà đã qua đời vì Coronavirus chỉ trong tháng Ba, 647 nhân viên y tế đang phải cách ly (*). Chúng ta cần phải bảo vệ họ nhiều hơn nữa, theo bà? Thậm chí bây giờ đồ bảo hộ rất khan hiếm.

Đó là một điều tôi thực sự không thể hiểu được, các thiết bị bảo hộ là rất cần thiết cho bất kỳ ai để chống lại virus. Tại Ý, chúng ta đã sai lầm khi không coi khẩu trang, mặt nạ trang bị bảo hộ và các thiết bị y tế khác là sản phẩm chiến lược vì lợi ích (an ninh) quốc gia.
 
Một bệnh viện đã được đặt tên Carlo Urbani ở vùng Jesi
Một bệnh viện đã được đặt tên Carlo Urbani ở vùng Jesi

Tại bệnh viện mang tên chồng bà ở thành phố Jesi, hiện có 110 bệnh nhân nhiễm Coronavirus đang điều trị nội trú. Có lời khuyên nào được đưa ra để bảo vệ sức khỏe trong tình huống khẩn cấp này? Có lẽ bây giờ bà hiểu đầy đủ tầm quan trọng của dịch vụ y tế công cộng, ý nghĩa của việc “chữa bệnh cho tất cả mọi người” (cure per tutti) điều mà chồng bà đã dành trọn cuộc đời cống hiến trên khắp thế giới?

Thật không may là nó lại đúng, những ngày này chúng ta đều đã nhìn thấy rõ ý nghĩa của điều đó. Nhưng đáng buồn là tất cả các nhân viên y tế tại bệnh viện Carlo Urbani cũng như trong các bệnh viện khác đang phải đối mặt với một nhiệm vụ “bất khả thi” (l’impossibile).

Trong khu vực của chúng tôi, hiện có một nhóm bác sĩ thuộc tổ chức tình nguyện phi lợi nhuận mang tên “Bác sĩ không biên giới” (Medici senza Frontiere - MSF - Doctors Without Borders) mà Carlo từng tham gia, nhờ đó, chúng tôi góp vai trò trung gian để mời họ tới đây. Sẽ thật tuyệt vời khi thấy họ làm việc tại bệnh viện Carlo Urbani của thành phố Jesi được đặt theo tên của Carlo, tiếc là điều đó lại không thể xảy ra, bởi nhóm các bác sĩ tình nguyện hiện đang làm việc tại Viện Dưỡng lão, một mặt trận rất nguy hiểm khác.

Họ kể rằng ông Carlo thường nói với mọi người “hãy rộng lượng” (đừng ích kỷ - non essere egoisti). Một thông điệp mà trong những thời điểm khó khăn, nó thật sự hữu ích cho tất cả mọi người. Với tư cách là chủ tịch Hộ Chữ thập đỏ TP. Castelplanio, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi. Bà thấy điều gì, đằng sau những cánh cửa đóng im lìm, nơi mọi người đang “ẩn náu”?

Những ngày gần đây tôi ít có điều kiện ra ngoài hơn, vì tôi đang hỗ trợ một người thân lớn tuổi của gia đình, bài học của Carlo “suy nghĩ cho người khác” đang gặt hái những thành công. Trong cuộc khủng hoảng này, giai đoạn đầu, mọi người đã không nhận ra nhiều điều, có những người vẫn ra khỏi nhà dù đi một cách lặng lẽ, hoặc có những người lại dựng cả rào chắn trong nhà.

Nhưng bây giờ, rất nhiều người đang bận rộn, họ tham gia các hiệp hội tình nguyện, cam kết giúp đỡ hàng xóm và những người cao tuổi. Và trong những ngày này, rất nhiều người đã viết thư cho tôi, họ nói với tôi về sự cần thiết và hữu ích như thế nào để đào tạo nên những bác sĩ chuyên nghiệp và hào phóng như Carlo.
 
Người bác sĩ có tình thương sâu sắc đối với con người - Ảnh tư liệu
Người bác sĩ có tình thương sâu sắc đối với con người - Ảnh tư liệu

- Năm nay bà thậm chí không thể tổ chức lễ tưởng niệm ông. Bà có dự định gì để tưởng niệm ông?

Chúng tôi đã chuẩn bị một số hoạt động như mọi năm, nhưng bây giờ chúng tôi không thể thực hiện nó ở nơi công cộng như trước. Ở nhà, gia đình tôi, tôi và ba con của chúng tôi sẽ cùng nhau ôn lại kỷ niệm về anh ấy, trong đại dịch này khiến chúng tôi như sống lại những ngày khủng khiếp ấy. Carlo nhập viện ngày 13/3/2003, khi đó họ đã phải đặt nội khí quản cho anh ấy, những ký ức ấy đang tái hiện trước mắt chúng tôi trong những ngày này. Nó không dễ dàng chút nào. (**)

Ghi chú:

(*) Con số tính đến ngày 28-3. Tới nay (5-4), đã có 74 y, bác sĩ qua đời tại Ý vì Coronavirus.​

(**) Bài phỏng vấn đã được trích đăng trên “Người Lao Động”. Bản trên NCTG là bản gốc do dịch giả cung cấp cho báo (NCTG).

Tác giả bài viết: Thanh Hường chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Ý