Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


150 NGÀN NGƯỜI NGA KỶ NIỆM NGÀY 7-11

(NCTG) Theo ước tính, trên toàn nước Nga, đã có chừng 150 ngàn người tham gia các lễ kỷ niệm 91 năm ngày Đảng bôn-se-vích cướp chính quyền (thường được biết đến với cách gọi cũ: Đại cách mạng XHCN tháng Mười). Trong số đó, đặc biệt đáng kể là cuộc diễu binh tại Hồng trường, Moscow.

Vẫn kỷ niệm, dù 7-11 không còn là ngày lễ mừng Cách mạng tháng Mười

Tại hiện trường, thị trưởng Moscow Yury Luzhkov đã chào mừng 75 cựu chiến binh, những người đã tham gia cuộc diễu binh lịch sử ngày 7-11-1941 "Vì Tổ quốc, vì Stalin!", cũng như các quân nhân thời nay, ăn vận theo kiểu đương thời. Đi đầu đoàn tuần hành là đội kỵ binh trong trang phục lịch sử, tiếp đó là các đoàn quân nhân ăn vận như thời Nga hoàng Catherine Đệ nhị và quân phục thời Đệ nhị Thế chiến. Sau họ là chừng 4.000 thiếu nhi và thanh niên, đại diện cho các tổ chức thanh thiếu niên, các câu lạc bộ ái quốc, trong số đó có đội thiếu sinh quân trường Quân nhạc Moscow. Đoàn quân nhạc Quận khu Moscow, cũng như Đội vệ binh doanh dự điện Kremlin cũng có mặt trong cuộc diễu binh.

Thị trưởng Moscow điểm lại các sự kiện mùa đông năm 1941, khi quân đội Đức chỉ còn cách thủ đô 30 km, chừng 1,5 triệu công nhân và kỹ sư phải sơ tán xuống vùng núi Ural và công việc của họ được thay thế bởi những người phụ nữ và trẻ em. Trong hoàn cảnh "máu lửa" ấy, cuộc diễu binh lịch sử ngày 7-11 càng có tầm quan trọng đặc biệt: đa số các quân nhân tham dự cuộc diễu binh đã đi thắng từ Hồng trường ra chiến trường! (Nhiều sử gia và các nhà nghiên cứu quân sử có ý kiến khác về sự kiện này: việc Stalin - sau khi phạm phải những sai lầm thảm khốc trong quân sự, khiến Hồng quân chịu những tổn thất kinh hoàng trên mọi mặt trận - cho tổ chức một cuộc diễu binh khích động lòng ái quốc và tự hào dân tộc của người dân Nga, rồi để các chiến sĩ từ đó đi thẳng tới chiến tuyến, là một quyết định rất vô trách nhiệm với tính mạng người lính).

Các nguồn tin của Bộ Nội vụ Nga cho hay, chừng 14 ngàn cảnh sát, quân nhân và nhân viên đội đặc nhiệm đã được cắt cử để giữ trật tự cho khoảng 150 hoạt động kỷ niệm trong ngày 7-11.

Ông Gennady Zyuganov, chủ tịch Đảng Cộng sản Nga, tuyên bố: ngày 7-11 vẫn là một ngày lễ lớn của nước Nga. Các tín đồ của Đảng Cộng sản cũng tham gia tuần hành ở hai thành phố lớn - thủ đô Moscow và cố đô St. Petersburg -, tổng cộng chừng 3-5 ngàn người. Hai dân biểu thuộc Đảng Cộng sản của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) còn chúc mừng các dân biểu khác nhân dịp 7-11, khiến ông Vladimir Zhirinovsky, chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (được coi là một chính đảng cực đoan ở Nga), phẫn nộ cho rằng biến cố 7-11-1917 không phải là một cuộc cách mạng, mà là một cuộc đảo chính, và nếu ông ở cương vị tổng thống Liên bang Nga, ông sẽ giải tán Duma nếu nghe những lời kêu gọi theo hướng tung hô 7-1. Ông Oleg Morozov, đại diện Đảng Nước Nga Thống nhất, phó chủ tịch Duma Quốc gia, người chủ tọa phiên họp, cũng đồng ý với quan điểm của ông Zhirinovsky, rằng 7-11 không phải ngày quốc lễ.

Ngày thứ Sáu 7-11, lăng Lenin đóng cửa và như thường lệ, vấn đề mai táng Lenin lại được đưa ra. Ông Arseny Roginsky, chủ tịch tổ chức bảo vệ nhân quyền mang tên Memorial (Hồi tưởng) đã chỉ ra rằng, cho dù sự đánh giá toàn diện và khách quan các sự kiện năm 1917 vẫn còn chưa thống nhất, nhưng xã hội Nga đã sẵn sàng để mai táng người cha của Cách mạng tháng Mười.

Chùm ảnh của AFP về lễ kỷ niệm 7-11 tại Hồng trường (Moscow):

Moscow vẫn tổ chức diễu binh vào ngày 7-11-2008

Hồi nhớ chính thức tới cuộc duyệt binh lịch sử 1941

Năm 1941, các quân nhân sau khi tham dự duyệt binh đã được điều thẳng ra chiến trường

Các quân nhân trong trang phục đương thời

Ngày 7-11 không còn là quốc lễ tại Liên bang Nga

Nhưng vẫn có tới 150 ngàn người tham gia các cuộc tuần hành trên toàn quốc

Đảng Cộng sản đi đầu trong việc tổ chức các lễ kỷ niệm

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI