Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


10 NĂM CÔ HOẠ SĨ TRANH BƯỚM

(NCTG) 30 tuổi, là cô gái khuyết tật, nhưng tự rong ruổi đi tìm kiếm, sưu tầm được hàng chục giống bướm lạ, xây trại nuôi bướm, rồi xưởng tranh thủ công cho ra đời hàng nghìn bức tranh toàn bằng bướm nổi tiếng không chỉ tại Việt Nam, mà còn được biết tới ở nhiều nước trên thế giới.

Nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh tại xưởng tranh bướm của gia đình

Đã có người gọi chị Vũ Thị Nguyệt Ánh (đường Trần Phú, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng) là bà phù thủy của nghề hội hoạ, nhưng chị Ánh chỉ mỉm cười: “Tôi chỉ là một người có chút đam mê về tranh mà thôi”.

* Duyên nợ với nghề tranh bướm

Sinh ra, Nguyệt Ánh không có được đôi chân lành lặn như bao người. Năm 1998, khi theo học lớp Trung cấp Nông - Lâm, Trường Kinh tế - Kỹ thuật nông nghiệp Bảo Lộc, trong khi các bạn bè cùng chạy nhảy tung tăng giờ giải lao thì Nguyệt Ánh lại lắt nhắt đôi chân tật một mình theo các bờ cỏ dọc hàng rào quanh nhà trường để nhìn bướm bay bướm đậu cho đỡ buồn.

Lâu thành quen, Nguyệt Ánh nắm được luôn cả quy luật sinh tồn của bướm. Trên một vùng đất có nền khí hậu mưa nhiều, nắng ấm, cây cỏ dễ đâm chồi bén rễ nên nguồn bướm ở đây cũng rất phong phú, đa dạng với vô số chủng loại. Thời tiết ra sao bướm sẽ xuất hiện, khi nào sắc màu trên cánh bướm thắm nhất, hoa nào bướm thích đậu... - tất cả như đã hình thành hết trong suy nghĩ cô học viên Nguyệt Ánh. Đến một ngày, chị bỗng nảy ra ý nghĩ: “Bướm sinh ra, lớn lên rồi lại chết đi chỉ trong vòng có mấy chục ngày, vậy sao không tìm cách để giữ lại những đôi cánh với đủ sắc màu của chúng!" Ý tưởng nảy sinh cũng chính là cái mốc mở đầu cho việc hình thành nghề tranh bướm của Nguyệt Ánh.

Tốt nghiệp lớp Nông - Lâm khóa 2000 với tấm bằng trung cấp chuyên nghiệp trong tay nhưng Nguyệt Ánh lại không đi xin việc làm ở đâu mà chị về nhà đi bắt bướm để làm tranh. Một, hai, mười, rồi hàng trăm bức tranh đã lần lượt ra đời từ đôi tay nhỏ xíu nhưng rất khéo léo của chị. Có bức là những nữ sinh trắng trong đùa chơi trên sân trường, có bức là bếp lửa mùa đông có người mẹ già ngồi thêu áo, rồi những bức tranh khỏa thân mỹ miều sâu lắng, chân dung thiếu nữ có đôi má ửng hồng, những đôi trai gái hẹn hò bên bến nước, chú mục đồng...

* Tay ngang, trở thành nghệ nhân sáng tác tranh

Điều đáng thán phục là dù chưa đến trường hội họa bao giờ, nhưng khả năng thiên bẩm về mỹ thuật cùng với ít vốn kiến thức về ướp xác côn trùng học từ Trường Trung cấp Bảo Lộc đã giúp Nguyệt Ánh gần như hội đủ những phẩm chất của một hoạ sỹ. Điêu luyện trong từng thao tác vẽ tranh, lại hết sức phong phú về ý tưởng đề tài, chỉ trong vòng 10 năm (từ 2000-2009) cơ sở tranh của Nguyệt Ánh đã cho ra đời trên 1800 bức tranh các loại. Từ loại tranh vải, tranh hoa khô đến tranh thêu thổ cẩm đính bướm, tất cả đều qua bàn tay của chi.

Căn nhà ở của gia đình bố mẹ Nguyệt Ánh dần dần đã trở thành phòng treo tranh bướm, và nhiều thành viên trong gia đình bỗng thành người giúp việc cho Nguyệt Ánh trong việc sáng tác của chị. Xưởng tranh bướm này đã bán tranh đi khắp nơi, qua điện thoại, e-mail... Không chỉ trong nước mà nhiều khách du lịch nước ngoài cũng đến tận cơ sở tranh của Nguyệt Ánh để đặt hàng. Chị tâm sự: “Cứ mỗi lần bán đi một bức tranh không biết sao mình thấy tiếc lắm, cứ như mất đi một kỷ niệm thân thương vậy”. Vì vậy với những tranh làm ra chưa bán được Nguyệt Ánh đem treo hết lên tường nhà.

Thấy tranh bướm của chị vừa đẹp vừa lạ, nhiều người bảo chị mang đi dự thi ở các đợt triển lãm. Và chỉ sau 4 lần mang tranh tham gia dự thi Nguyệt Ánh đã 3 lần giành được giải thưởng của Ban tổ chức, trong đó giải thưởng cao quý nhất là giải Tinh hoa Việt Nam năm 2005. Cũng trong dịp này, Nguyệt Ánh đã chính thức được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng danh hiệu Nghệ nhân.

Những bức tranh bướm như thế này đã trở thành quà lưu niệm không thể thiếu của khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng

Từ những cánh bướm khô tưởng chừng chẳng còn chút giá trị, bằng niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng, cộng với lòng chịu thương chịu khó học hỏi trong sáng tạo, hiện nay ngoài Cơ sở Tranh bướm Ánh Kim đặt ngay tại nhà (đường Trần Phú, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng) với hàng trăm bức tranh độc nhất vô nhị, Nguyệt Ánh còn có một gian trưng bày tranh khác tại Khu du lịch Đồi Mộng Mơ (TP Đà Lạt) với hàng ngàn bức tranh đem lại cảm giác thích thú cho khách du lịch có dịp ghé qua.

Chị còn vui vẻ cho biết, sau nhiều năm bán tranh, tích cóp được chút vốn liếng, trong năm 2009 này chị sẽ cố gắng mở thêm từ 1-2 gian trưng bày tranh nữa tại Đà Nẵng và TP HCM để đưa sản phẩm tranh bướm của mình vươn cánh bay cao bay xa hơn.

Tác giả bài viết: Trần Minh Đức, từ Đà Lạt