Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“TOÉT MẮT LÀ TẠI HƯỚNG ĐÌNH…”

(NCTG) “Khi nhiều người xung quanh “xấu”, điều đó không hề và sẽ không bao giờ làm cho việc làm tương tự của mình đỡ xấu. Thêm một hành động xấu của mình chỉ làm cho chính mình hạ cấp đi và làm cho cả xã hội tệ hại hơn”.
Giẫm đạp lên nhau cướp lộc thánh sau giờ khai ấn đền Trần: nguyên nhân vì “ai cũng thế cả”? - Ảnh: Internet
Ca dao Việt Nam có câu: “Toét mắt là tại hướng đình. Cả làng toét mắt chứ mình em đâu”, ý nói những người bao biện cho cái xấu của mình bằng việc dẫn chứng người khác cũng đều xấu cả, do một nguyên nhân bất kỳ nào đó ngoài phạm vi của mình. 

Chen nhau vào công viên nước, giẫm lên nhau để cướp ấn đền Trần, thậm chí có cả bạo lực chảy máu để cướp hoa tre đến Gióng - có bao nhiêu người trong các đám đông này làm thế vì nhìn thấy người khác đang làm thế? 

Xe gặp nạn thì cả làng hò nhau ra hôi của - có bao nhiêu người trong đó nghĩ rằng mình không lấy cũng “thiệt”, vì những người khác đều đang làm thế cả? 

Xả rác công viên ư? Sao lại nhắc tui, mọi người đều xả rác cơ mà, có sao đâu? - có người sẽ nói. 

Với tâm lý “mình cũng chỉ là một trong số nhiều người đang làm việc (xấu) tương tự xung quanh, nhiều người sẽ cảm thấy phần nào được “an tâm” chăng? 

Nhưng rất tiếc cho các bạn này, và cũng rất may cho chúng ta, điều đó không đúng! 

Một bài học về tư duy phản biện cơ bản nhất (mà tôi hy vọng) mọi học sinh đều được học là lỗi ngụy biện “mọi người cũng làm thế” (Appeal to Common Practice) - vì mọi người làm thế nên tôi làm thế có gì sai? Thêm nữa là lỗi ngụy biện “anh cũng thế” (Ad Hominem Tu Quoque) - vì anh cũng như thế nên tôi cũng thế thì có sao? 

Sự thật là, ngay cả khi mọi người đều làm một việc thì chưa chắc việc đó đã đúng. Hơn nữa, chỉ ra một sai lầm của người khác không hề làm cho sai lầm của mình biến mất. Sai lầm của mình phải được xem xét bằng chính bản thân nó, mặc dù mọi người xung quanh có hay không có. 

Khi nhiều người xung quanh “xấu”, điều đó không hề và sẽ không bao giờ làm cho việc làm tương tự của mình đỡ xấu. Thêm một hành động xấu của mình chỉ làm cho chính mình hạ cấp đi và làm cho cả xã hội tệ hại hơn. 

Trong khi đó, ca dao Việt Nam cũng có vô vàn điều răn dạy “đạo người giữ vẹn, bần cùng sá chi”, mà ông bà cha mẹ nào cũng có dịp dạy con cháu. 

Trong nhịp sống hiện đại, nhiều phụ huynh đang đầu tư cho con em mình vào các lớp giáo dục kỹ năng sống, giáo dục cảm xúc và lối sống mới cho trẻ, lớp quân đội hè cho học sinh trung học, trong đó rèn luyện khả năng tư duy độc lập, sống độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân. 

Mục đích của mọi sự giáo dục về đạo đức hợp lẽ, theo tôi, đều bao hàm việc xây dựng sức mạnh cho một người có thể nói: tôi sẽ không làm việc đó, vì việc đó không đúng (mà không quan tâm đến việc có nhiều người sẽ đồng lõa hay không). Ở mức độ cao hơn, khó khăn hơn: tôi sẽ làm việc này, vì nó đúng, mà không xét đến việc người xung quanh không làm. 

Sự “đồng lõa” của tập thể bắt nguồn từ những cá nhân tự “xá tội” cho chính mình. Nhưng lẽ hiển nhiên, “làng toét mắt” chỉ có thể biến mất nếu từng cá nhân tự chữa bệnh “toét mắt”. Nếu ai cũng chờ làng đổi hướng đình để bệnh mình được tự chữa khỏi thì quả là một giấc mộng đáng thương và đáng trách. 

Chờ đến lúc đó, ca dao hiện đại sẽ được đổi thành: “Toét mắt nào tại hướng đình.Cả làng toét mắt riêng mình em không”. 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thủy, từ TP. HCM