Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TẠI SAO TẤM CÁM?

(NCTG) “Qua truyện “Tấm Cám” mới thấy người ta mong muốn trả thù ghê gớm đến thế! “Người ta” chứ không phải cô Tấm. Người ta đã đặt vào miệng cô Tấm những lời ngon ngọt với cô Cám, đặt vào tay cô Tấm nồi nước sôi, người ta đã chuẩn bị sẵn hũ muối để làm mắm. Và người ta hả hê khi cô Tấm trả thù”.
Câu chuyện cổ tích truyền thống lại hàm chứa nhiều yếu tố bạo lực - Minh họa: Internet
Tôi vốn thích xem phim cổ tích thần tiên và phim hoạt hình. Đến giờ vẫn vậy. Khi buồn chỉ tìm phim hoạt hình xem, “Tom và Jerry” chẳng hạn. Không khéo mai mốt có cháu ngoại lại tranh nhau xem phim với cháu, như hồi xưa từng tranh nhau đọc “Doremon” với con. 

Truyện “Tấm Cám” thì tôi đọc từ nhỏ, sau này có truyện tranh và phim hoạt hình thì tôi không xem, vì thấy nó cứ giả tạo thế nào ấy. Nhưng xem kịch “Tấm Cám” của Idecaf hay truyện tranh của bọn trẻ vẽ lại rất hài hước thì tôi lại cực thích. Hình như những chuyện đau khổ phim VN làm không tới thành ra xem bực mình, thà làm quách phim hài có khi lại thành công - (đúng thôi, bi kịch và hài kịch chỉ cách nhau có một sợi tóc thôi mà). 

Nhưng phim “Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem” của Tiệp Khắc (trước đây) khoảng 1977-78 gì đó thì làm tôi say mê. Hồi đó đi xem bao lần ở rạp, rồi sau này chiếu ở TV (thành phim đen trắng) cũng xem đi xem lại… Diễn viên xinh ơi là xinh, cảnh thì đẹp ơi là đẹp… Các nhân vật như mẹ ghẻ, hai cô em thì có ác đấy nhưng hành vi của họ lại hài hước nên chỉ thấy tội nghiệp, buồn cười chứ không thấy ghét. Và cái kết cũng chỉ như mơ ước ngàn đời của bao nhiêu nàng Lọ Lem trên thế giới này là được lấy Hoàng tử và sống cả đời hạnh phúc giàu sang. Ba mẹ con dì ghẻ xấu hổ bỏ đi. Sự may mắn – như là một Bà Tiên – là nguyên nhân chính cho nàng Lọ Lem đổi đời. 

Gần đây xem “Cinderella” (phim Mỹ, 2015). Nội dung không có gì mới hơn ngoài một vài chi tiết. Nhưng tôi thích cái kết. Lọ Lem đã dũng cảm giành lấy cơ hội hạnh phúc của mình, giành lấy tình yêu của mình. Khi đạt được những gì thuộc về mình, nàng không trả thù mà tha thứ cho mẹ ghẻ, dù trước đó nàng đã nói “bà chưa bao giờ là mẹ tôi”. 

Ừ thì muôn đời chuyện mẹ ghẻ con chồng, chuyện con anh con tôi… Người Mỹ dạy về chuyện Lọ Lem thì họ coi cách cư xử của bà mẹ ghẻ là có thể hiểu và thông cảm được. Nhưng tôi chợt nghĩ, nếu ngược lại, mẹ ghẻ có con trai thì sao nhỉ? Chắc nàng Lọ Lem không bị khổ sở như vậy vì anh em trai thì không cần phải giành lấy chàng Hoàng tử của nàng. 

Hóa ra lại là đàn bà làm khổ lẫn nhau à? 

Những ước mơ của chúng ta có lẽ luôn là những điều tốt đẹp… Vậy thì vì sao truyện “Tấm Cám” lại có cái kết kinh hoàng như vậy? Lại còn được giải thích rằng “ác giả ác báo”, là “công lý” của nhân dân ta. Trẻ em từ nhỏ đã được học cách cầu xin trông đợi sự may mắn. Nếu bị tước đoạt thì hãy nhẫn nhịn, chịu đựng … Rồi cuối cùng thì phải trả thù dù đã có được điều mình muốn có. 
  
Vậy hóa ra, qua truyện “Tấm Cám” mới thấy người ta mong muốn trả thù (đàn bà) ghê gớm đến thế! “Người ta” chứ không phải cô Tấm. Người ta đã đặt vào miệng cô Tấm những lời ngon ngọt với cô Cám, đặt vào tay cô Tấm nồi nước sôi, người ta đã chuẩn bị sẵn hũ muối để làm mắm. Và người ta hả hê khi cô Tấm trả thù. 

Hả hê, cho nên người ta mới lưu truyền câu chuyện này lâu đến thế! 

Hình như rất hiếm có sự tha thứ nào được truyền lại, chỉ có sự trả thù: An Dương Vương giết con gái, Tấm giết em và gián tiếp giết mẹ ghẻ, Lý Thông bị trời đánh chết, người anh giành cây khế và túi vàng ba gang cũng rơi xuống biển mà chết… 

Ngày tháng Tư… sao tôi cứ nghĩ về những gì như là “định mệnh”! 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hậu, từ TP. HCM