Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ZAKHAR, NGƯỜI CỨU HỘ CHERNOBYL

(NCTG) “Tám ngàn con người đã hy sinh, và hàng trăm ngàn người đang vật vã với căn bệnh Chernobyl. Họ đang chết dần chết mòn từng ngày, từng giờ. Nhớ lại Chernobyl để mà biết ai đã cho chúng ta cuộc sống bình an hôm nay”.
26/4/1986, ngày đen tối của Liên Xô (cũ) tại TP. Chernobyl

26/4/1986, ngày đen tối của Liên Xô (cũ) tại TP. Chernobyl

(Kính tặng những anh hùng đã hy sinh cho chúng tôi có cuộc sống bình an hôm nay)

Năm ấy, thành phố bỗng dưng chuyển chợ từ bờ sông trung tâm ra làng Barabashovo, khách ở đâu đâu kéo đến mua hàng nườm nượp. Nhà tôi cũng “đánh” thêm hàng và thuê thêm một chỗ nữa trong chợ Đồng Hương. Biết ý định tuyển thêm nhân viên, bà Mila trông trẻ mới bảo tôi: “Anh để suất đấy cho bố thằng Lyosha để nó làm lấy tiền nuôi con”.

Ngay hôm sau, một thanh niên khoảng ba mươi tuổi, có vầng trán cao sáng sủa, tóc trắng, môi to đến gặp tôi. Tôi có cảm tình với anh ngay từ đầu nhưng còn phân vân vì nước da trắng thâm sì sì, đôi mắt mệt mỏi và nhất là cái mũi to hơn bình thường, hơi mộng đỏ, mặt mày thì lấm chấm mụn. Về hỏi lại Mila, bà chỉ nói: “Nó có uống rượu đấy, lính cứu hộ Chernobyl thì ai mà không uống”.

Thế là Zakhar thành nhân viên “công ty” tôi, làm giúp việc cho Quy lo các khoản kho bãi, bốc xếp, đóng bao, chở hàng, tóm lại là “cửu vạn” và đứng phụ bán hàng ngày phiên chợ “optom” (bán buôn).

Việc rất nhiều mà Quy mới ở Việt Nam sang chưa biết tí tiếng Nga nào, đêm không ngủ được vì nhớ vợ và con nhỏ, vì thay đổi múi giờ và thời tiết nên em tôi cáu như khỉ. Thế mà kỳ lạ thay, ngay từ ngày đầu hai đứa hợp nhau như cậu với mợ. Điều ngạc nhiên nữa là sau chừng hơn tháng thì Zakhar bắt đầu nói được lơ lớ những từ tiếng Việt đầu tiên, tất nhiên là những từ bậy bạ mà em tôi nói với cậu ta kiểu như “đo ngu”, “cut đi”, “me may”... Một thời gian sau anh ta đã ghép được các câu ngắn: “Toi khong biet”, “toi thich”, “toi muon cai nay”... và đã đếm được đến 100.

Tôi ít nói chuyện với Zakhar nhưng mỗi lần gặp đều thấy anh bình thường và lúc nào cũng thấy làm việc, khi không có khách thì lại chui vào công-tơ-nơ xếp xếp, bó bó. Tôi hỏi vợ, anh ta làm việc thế nào, vợ tôi bảo: “Nó rõ nhanh, chăm chỉ, nhưng nhiều bệnh lắm, anh hỏi Quy thì rõ”. Nhưng Quy thì phẫn nộ: “Anh đừng có mà phát lương cho thằng này”.

Thì ra, cứ đi làm bình thường, được ăn uống với cả bọn, nhận tiền đi metro trong ngày thì không sao. Nhận lương xong là một tuần sau không thấy Zakhar đâu nữa. Tôi lại phải nhờ đến Mila. Sau tuần nghỉ ngơi Zakhar gần như chỉ còn là cái xác, hai cái chân cứ xiu vẹo như đang có nguy cơ thả rơi tự do cái thân người xuống đất. Từ anh bốc ra một mùi tổng hợp, mỗi khi anh nói hoặc thở tôi có cảm giác là đang phì ra một vị của hợp chất dịch dạ dày với cồn rẻ tiền. Lắp bắp mãi mới được câu. Tôi quát chửi, dọa nạt một hồi rồi cho Quy dẫn đi. Nửa trưa vào kho kiểm tra thì Quy chỉ: “Kia, nó đang nằm trong góc”!

Tôi thường đi xa nên để cho vợ quản lý người làm. Vợ tôi bảo, thương hoàn cảnh nó và nể Mila. Cứ lẽo đẽo vậy cho đến gần hai năm, một lần Zakhar nhận lương xong và không quay về làm việc nữa. Mila bảo: “Nó thành bomzhi (bụi đời) rồi”.
 
*

Zakhar sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Tây Ukraine. Đang học dở trung cấp thì bị gọi đi nghĩa vụ quân sự, lính tăng. Sau một thời gian huấn luyện tại Kharkiv anh được điều sang Afghanistan. Anh tham gia chiến đấu chừng một năm thì được về nước và xuất ngũ. Năm tháng ở chiến trường đã để lại dấu ấn trong tận đáy lòng của con người này. Klaudya - hàng xóm, bạn của Mila, là vợ không hôn thú của Zakhar, mẹ của Lyosha, kể lại rằng, anh không thích ai hỏi về Afghanistan của mình. Thỉnh thoảng anh ngủ mơ, thét toáng lên, tỉnh dậy được thì khóc.

Anh ra quân, nghề ngỗng thì chẳng đâu vào đâu. Đi làm công việc khá nặng nhọc mà lương lại thấp. Thế rồi một đêm cuối tháng Tư năm 1986, vợ chồng đang ngủ bỗng hàng xóm đập cửa gọi có điện thoại của Ủy ban Động viên Quân đội, sau hai giờ anh phải có mặt. Bắt buộc - thời đó làm gì có chuyện trốn lệnh như bây giờ, nghe đến Ủy ban Động viên là cuống lên rồi.

Klaudya cứ nghĩ chồng đi đến trưa về nên chỉ chuẩn bị cho anh cái túi có chai nước và hai miếng bánh mì kẹp phô-mai. Zakhar đi một thời gian ngắn rồi về. Khi chị biết rõ chuyện chồng bị ném lên Chernobyl làm công tác dập lò hạt nhân nổ cũng là khi anh bắt đầu có hiện tượng. Bệnh của anh rất lạ. Nó cứ ngấm dần dần và càng ngày càng kéo sập anh xuống.

Trước hết là căn bệnh đau đầu, anh cứ kêu đau ở tận đáy óc. Anh kêu mệt mỏi, thỉnh thoảng buồn nôn, da dẻ cứ xấu dần ra, ngã sang mầu xam xám. Vài năm sau thì bắt đầu rụng tóc, lúc đau thận, lúc đau gan, không còn thiếu cái bệnh gì nữa. Zakhar cứ yếu dần đi, một thời gian nữa chuyển sang đau khớp, chân cứ khụyu dần xuống. Khổ một nỗi là mỗi khi cơn đau đầu lên là anh phải uống một cái gì đấy cho nó tê dại đi để hết cảm giác đau. Tự mình anh không thể chống cự lại được.
 
ukr2

Dần dần anh trở nên nghiện. Tiền không có, lấy đâu ra để mua vodka và bia, mà trong cửa hàng cũng có đâu mà mua, nên vớ được thứ gì là Zakhar uống thứ đấy. Từ nước hoa rẻ tiền cho đến cồn công nghiệp. 

Thế nhưng Zakhar là một con người kỳ lạ. Vợ cứ tưởng chồng quỵ ngã, nhưng sức lực ở đâu lại hồi về, lại thấy Zakhar lò dò bò dậy.
 
*

Năm ấy mãi đến giữa tháng Tư tuyết mới tan hết, nhưng sau đấy trời đất bổng bừng dậy, nắng luôn cho hơn tháng. Mùa xuân chao ơi là đẹp. Cây cối bung lộc nở hoa, những chùm nắng chui khắp mọi nơi, soi vào tận góc chòi trên mảnh vườn ngoại ô (đa-cha) nhà Klaudya.

Hôm nay là thứ Bảy, Klaudya đi chuyến tàu ngoại ô đầu tiên ra đây để trồng nốt hai luống khoai tây. 

Cuộc sống càng ngày càng nặng nề, cần cái gì cũng phải xếp hàng dài. Xếp đến lượt mình có khi lại hết. Thằng Misha cả tháng chỉ được đôi lần ăn thịt. Cũng may là ở Kharkiv còn mua được bánh mì, sữa và giò Tây. Lương chị có chưa đến hai trăm, tiền đâu mà mua thịt ngoài chợ. Có mẫu vườn này là khoai tây và rau quả hầu như nhà chị không phải mua, có điều là ngày nghỉ nào chị cũng phải ra đây từ sáng. Mà có phải mình mình khổ thế này đâu, đi ra đường thấy ai ai cũng cắm đầu nhìn xuống đất, gặp nhau chả buồn chào hỏi.

Đang xới đất Klaudya cảm thấy như có ai đó nhìn mình từ phía chòi bên. Chị ngước lên thì ngạc nhiên, một chàng trai mặc quân phục đang sột soạt lách rào nhảy sang vườn chị. Qua câu chuyện Klaudya hiểu, đấy là Zakhar, anh vừa giải ngủ, anh muốn về Kharkiv tìm việc làm. Không tìm được chỗ ở, một người bạn “Afghan” đã cho anh mượn căn chòi này ở tạm. Cũng tài, đêm lạnh vậy, không có lò sưởi mà anh vẫn ngủ được.

Klaudya đã một lần lấy chồng. Họ đã chia tay khi thằng Misha còn bế ngửa. Klaudya gặp Zakhar như số trời định sẵn. Con người này thực sự làm Klaudya rung động. Thế mà chị cứ tưởng đàn ông tử tế bây giờ biến mất tăm vào đống vỏ chai hết cả rồi.

Chị đưa Zakhar về nhà và họ sống với nhau. Anh chăm chỉ làm việc, cứ đến cuối tháng lại mang hết lương về cho chị, ngày nghỉ hay dẫn thằng Misha đi ăn kem. Tính anh vui vẻ và rất chiều chị. Cuộc sống với chị nhẹ nhàng lên bao nhiêu.
 
*

Được hơn một năm sau khi Zakhar đi Chernobyl về thì Klaudya sinh thằng Lyosha. Những ngày mang bầu nó đã vất vã, sinh con còn vất vã hơn. Thằng bé sinh thiếu tháng, may mà khi lọt lòng nó vẫn khóc được một tiếng và bắt đầu thở. Chị cứ nghĩ con mình không qua được. Thế nhưng khi nuôi con chị mới thấy cuộc đời là nặng nợ với con thế nào. 

Con chị bị bệnh tim. Không biết bao nhiêu lần đi cấp cứu. Cứ trở giời là nó lại lăn ra ốm. Đầu tiên là tịt hai lỗ mũi, ngày hôm sau đỏ họng và tiếp đến là ho. Lại phải tiêm kháng sinh và truyền nước. Bác sĩ bảo sức đề kháng của nó kém lắm. Tóc chẳng chịu mọc và mắt lúc nào cũng thâm quầng. Lên ba tuổi rồi mà con vẫn chưa đi được.

Được cái là hai đôi mắt rực sáng và mở rõ to, cái trán mở, thẳng đứng y như trán bố nó. Cái gì nó cũng biết. Nhìn con mà chị cứ thấy lòng mình quặn lại. Không biết rồi con chị lớn lên có làm sao không. Thôi thì tất cả ở số phận. Cầu Đức Chúa Jesus cứu giúp cho con trai ốm yếu của chị!

Con ốm nhà thì bấn quá. Nhà máy của bố nó thì đóng cửa. Zakhar đi làm đủ các việc mà có được mấy đồng. Càng ngày anh càng uống nhiều nên có mang được tiền về mua thuốc cho con nữa đâu. Bạn bè, bà con, người cùng đôm (nhà chung cư) thương thằng Lyosha lắm. Ai cũng biết nó là trẻ Chernobyl. Trong người nó có căn bệnh không thể chữa khỏi. Người giúp này, người giúp kia nhưng thời buổi bây giờ ai cũng nghèo, ai cũng túng bấn tiền nong lắm. Có cả mấy người bạn Việt của Mila cũng giúp. Mila còn bảo để xem họ có việc ngoài chợ thì xin cho Zakhar đi làm.

Đã thế, nỗi khổ của chị từ phía Zakhar cứ lớn dần. Anh đau lắm, càng đau thì càng uống. Có được đồng nào và còn được chút sức lực nào phải dồn hết cho con nên chị cũng không còn thời gian quan tâm đến anh nữa. Chị phải gửi thằng Misha về bà ngoại ở quê. Vợ chồng bắt đầu to tiếng với nhau. Về chuyện anh say, về chuyện không có tiền, về chuyện con ốm, về chuyện chị sắp phát điên... Hàng xóm thấy anh say xỉn chả ngó ngàng gì đến con đang đau ốm ban đầu thì tiếng ra tiếng vào, sau thấy Zakhar càng ngày càng nát họ cũng bâu vào sỉ vả.

Một buổi tối, sau một cuộc cãi vả, Klaudya thấy Zakhar vớ chiếc áo khoác, đi vội đôi giầy, không kịp đội mũ và mở cửa căn hộ.

Thỉnh thoảng anh cũng bỏ nhà đi, nhưng hôm sau lại về. Nếu hôm sau không về, Klaudya nhờ bà Mila đi tìm hộ, đến ngày hôm sau nữa là anh lại về và đi làm.
 
ukr3

Lần này Klaudya cảm thấy mình mệt mỏi quá rồi. Nuôi hai đứa con nhỏ lại còn phải cõng thêm một ông chồng nghiện ngập và đau ốm này nữa. Hôm vừa rồi không biết thế nào anh lại làm mất hết giấy tờ. Lên quận thì tay cán bộ chính sách không cấp lại cho, ông ta đòi 1.200. Đào ở đâu ra hở trời! Không có giấy tờ vậy là không làm được trợ cấp cho con nữa. Nghĩ mà điên với Zakhar, cho đi biệt tăm luôn đi!

Mấy ngày vẫn không thấy Zakhar về, Claudya cảm thấy chột dạ. Chị để Lyosha một mình và chạy lên nhà bà Mila. Bà vừa đi làm về, nhìn nét mặt Claudya bà đã đoán ra sự việc. “Cô hết việc để lo rồi sao mà đi tìm nó. Cứ để tôi xem!”- Mila bảo vậy.

Nhưng lần này bố Lyosha đã không về với con nữa, anh đi làm “bomgi” rồi!
 
*

Bẵng đi một thời gian.

Hôm ấy Mila đi làm muộn, vợ tôi đã càu nhàu: “Sao bà hôm nay lại không đi làm nhỉ?”. Khi nhà đang ăn trưa thì thấy bà ì ạch bước vào, mắt đỏ hoe. Vừa trông thấy tôi, bổng bà oà lên. Tôi thấy sự không lành nên kéo bà ngồi xuống.

Thằng Zakhar nó chết rồi!”- bà lu loa trong nước mắt.

Zakhar nào? Chết ở đâu?”.

Zakhar Chernobyl, bố thằng Lyosha ấy!”.

Vợ tôi đứng đàng sau cũng khóc rống lên. Tôi lúng túng hỏi dồn bà: “Như nào, như nào?”.

Nó chết cả tuần nay rồi bây giờ mới tìm được xác”.

Bà lau nước mắt rồi tiếp: “Nó đi tắt qua mặt hồ nước đóng băng để vào thành phố. Mấy hôm nay trời nóng lên nên chắc là có chỗ băng tan, hay là do say mà trượt chân ngã xuống hố nước băng. Mọi người không thấy nó về mấy hôm mới đi tìm. Thấy trên mặt băng có cái mũ của nó”.
 
*

Hôm rồi có người bạn tự nhiên đăng một status về Chernobyl làm mọi người mới sực nhớ. Thế mà đã 32 năm qua đi rồi. Gần một nửa đời con người. Thời gian đã xoá nhòa mọi thứ, trong trí nhớ của chúng ta chỉ còn lại hình ảnh cột khói nhà máy điện Chernobyl, với những bức tường cháy đen cháy xám và đâu đó là những gương mặt lúc rõ lúc mờ, lúc ẩn lúc hiện.

Thế mà làm sao tôi lại nhớ đến Zakhar ngay. Nhớ lại tất cả những gì tôi biết về anh.

Có lẽ vì cuộc đời của anh nó khổ quá. Anh đã hy sinh nó cho tôi, cho con tôi và cho triệu triệu người. Và anh còn hi sinh cả đời con, đời cháu anh cho tất cả chúng ta hôm nay. 

Không có những người như anh, lấy thân mình ra chắn cái lò hạt nhân số 4 ấy, không chôn được cái thảm họa ấy vào lòng bê tông khối thì không riêng gì Ukraina mà cả thế giới sẽ bị phủ kín những đám mây mù phóng xạ. Đến nguồn nước ngầm cũng không uống được nữa. Tám ngàn con người đã hy sinh, và hàng trăm ngàn người đang vật vã với căn bệnh Chernobyl. Họ đang chết dần chết mòn từng ngày, từng giờ. Nhớ lại Chernobyl để mà biết ai đã cho chúng ta cuộc sống bình an hôm nay.

Mila thỉnh thoảng lại thở dài: “Vì những tội lỗi của chúng ta mà Trời đã trừng trị đấy, chỉ khổ những đứa như nó phải chịu tội thay cho tất cả”. Tôi thì nghĩ trong bụng: “Có ông Trời nào ở đây, Chernobyl là sáng tạo của con người, ta cứ làm thật nhanh-nhiều-tốt-rẻ thì thế nào cũng đến lúc nó nổ. Sao nước khác họ không nổ. Mà chả ai quan tâm đến ai cả sao nó không nổ”.

Rồi tôi cứ băn khoăn, có phải vụ nổ này là tiếng hú của chim cú mèo giữa đêm khuya báo điềm không lành cho cả một đất nước vĩ đại không?

Và đất nước ấy đã bị nổ, không còn nữa!
 
ukr4

Có một lần Mila mới bảo: “Tôi bây giờ mới thấy thương cái thằng Chernobyl ấy. Khi nó đau, đến tôi cũng chả quan tâm đến nó. Trong người nó lúc nào cái hạt nhân cũng cháy, chắc nó nóng lắm nên mới gieo mình xuống nước băng lạnh”. Nghĩ đến đây là tôi lại trào nước mắt.

Chủ nhật này vợ chồng tôi sẽ theo Mila đến Nhà thờ Pantelemonova, ở đấy có buổi cầu nguyện cho các vong hồn liệt sĩ Chernobyl. Tôi sẽ thắp cho anh một ngọn nến và cầu mong cho linh hồn anh được siêu thoát.

Tác giả bài viết: Chân Vũ, từ Kharkiv (Ukraine) - Ngày 26/4/2018