Vasily Grossman và tác phẩm “Cuộc đời và số phận” (3): TƯ LIỆU VỀ GROSSMAN
- Thứ tư - 13/02/2008 11:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bảng tưởng niệm Grossman tại Donetsk, nơi nhà văn đã sống và làm việc trong thập niên 30 thế kỷ trước
* “Đêm” (truyện ngắn, viết vào thời kỳ 1928-1930).
Phiên họp trọng thể kết thúc vào hồi đêm trong nhà hát. Ông bước ra ngoài phố. Lạnh cóng. Gió thổi vào mặt ông. Những giọt mưa chảy ròng ròng từ những mái nhà. Mặt trăng cứa đôi những đám mây. Ông nhớ lại bài phát biểu của ông. Những lời lẽ nặng nề, bình thản. Bi cảm. Cờ xí. Đèn pha. Toàn cầu trường nghiến răng kèn kẹt và rú rít, rồi ai nấy gào thét tên ông một cách vô lý trí... Và rồi ông chợt nhớ đến một hình ảnh từ thế kỷ trước. Một thanh niên đứng bên bờ sông Siberia cuồn cuộn. Khi đó là mùa xuân. Cuộc sống khiến thiên nhiên ồn ào như một kẻ say xỉn. Chàng trai gày gò và lưng còng. Anh ta có bàn tay đẹp và cái cổ mỏng nực cười như cổ ngỗng. Chàng trai đọc một bài thơ và những giọt nước mắt chảy ròng ròng trên gò má không cạo của anh. Và dòng sông vẫn cuồn cuộn chảy, đây đó tuyết đã phủ kín mặt đất.
Một xe hơi lao nhanh như một bóng ma. Không hề phát ra một tiếng động, chẳng mấy chốc chiếc Lincoln đã đến điện Kremlin. Một ông già ngồi trong xe và khóc.
* Trích đoạn lời nói đầu “Sách đen”.
Chủ nghĩa xã hội quốc gia (quốc xã) chỉ có thể xuất khẩu một món hàng độc nhất sang các quốc gia bị chinh phục, đó là thứ hàng vốn rất thông dụng ở nước Đức ngày nay: lòng căm thù chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái.
Ý nghĩa và ích lợi thực tiễn của chủ nghĩa bài Do Thái là ở đâu? Tại sao nó lại được chuyên chở hàng kiện lớn từ Đức qua Ukraine?
Chủ nghĩa phát-xít quyết định xây dựng một cái thang khổng lồ của các dân tộc bị áp bức. Nó muốn xúi giục dân tộc này xung khắc với dân tộc khác. Nó đặt người Hà Lan và Đan Mạch lên những bậc cao nhất của chiếc thang khổ sai, nhằm chỉ cho họ thấy dù sao họ cũng vẫn sống khá hơn người Pháp và người Na Uy; nó đầu độc ý thức dân Pháp bằng những đặc quyền thảm hại, để đặt họ trước người Tiệp và người Thổ; nó còn đặt người Serbia và Ba Lan ở vị trí thấp hơn nữa, an ủi họ rằng người Ukraine và Byelorussia còn tồi tệ hơn nữa vì những người này còn ở dưới nữa, tại những bậc thang cuối cùng. Và cuối cùng, chủ nghĩa phát-xít xua đuổi mọi dân tộc vào vòng hoảng loạn: nó chỉ cho họ thấy thứ vực thẳm kinh khủng của sự vô tồn tại mà dân tộc Do Thái đã bị xô đẩy vào.
* Trích đoạn biên bản tốc ký được ghi chép trong cuộc tranh luận về tiểu thuyết “Stalingard” (Vì chính nghĩa) tại toà soạn báo “Novy Mir” ngày 24-4-1950.
Tvardovsky, Tarasenko, Fedin, Valentin Katayev, Sergei Smirnov đánh giá tốt toàn bộ cuốn tiểu thuyết. Bubennov có ý kiến chê trách tiểu thuyết, ông tuyên bố: "Sai lầm lớn nhất của nó [của cuốn sách] là không giới thiệu những người cộng sản. Phải giới thiệu vị tổng tư lệnh, đồng chí Stalin. Không thể viết về Stalingard mà không nhắc đến đồng chí Stalin.
* Biên bản khám nhà Grossman.
Chúng tôi, thiếu tá Nyefedov và Varanov, những nhân viên cơ quan KGB hoạt động dưới sự quản lý của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, trước sự có mặt của các nhân chứng, đã thực hiện lệnh khám nhà Joseph Solomonovich Grossman (địa chỉ) theo chỉ thị ra ngày 14-2-1961 của KGB.
Trong quá trình khám nhà, chúng tôi đã tịch thu những đồ vật sau:
1. Hai bản thảo đánh máy tiểu thuyết “Cuộc đời và số phận”, được cất trong sáu bìa cứng màu nâu, dùng để kẹp giấy.
2. Bản thảo viết tay tiểu thuyết, đựng trong một bìa cứng màu rau diếp.
3. Bản đánh máy tìm thấy tại nơi ở của Victor Davidovich Serencis, em trai Grossman. (Cất trong ba tấm bìa cứng màu nâu, dùng để kẹp giấy).
Ghi chú: J.S. Grossman cho biết rằng ngoài những bản đánh máy và viết tay đã trao, những bản đánh máy khác của tiểu thuyết được để ở những nơi sau:
1. Tòa soạn tạp chí “Znamya”: 3 bản.
2. Tòa soạn tạp chí “Novy Mir”: 1 bản.
3. Nhà cháu trai của Grossman (địa chỉ).
Thời gian khám nhà: ngày 14-2-1961, từ 11 giờ 40 phút đến 13 giờ.