Vasily Grossman và tác phẩm “Cuộc đời và số phận” (1): CHÍNH NGHĨA CHIẾN THẮNG
- Thứ tư - 13/02/2008 10:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vasily Grossman cùng Hồng quân tại Đức (1945)
Nhà văn, kịch tác gia, nhà báo Nga Grossman (1905-1964) tốt nghiệp khoa Toán-Lý trường Đại học Moscow năm 1929, sau đó làm việc tại vùng mỏ than sông Đông trên cương vị một kỹ sư hóa học. Năm 1934, Grossman được văn hào Maksim Gorky trực tiếp đọc bản thảo tác phẩm có giá trị đầu tiên, mang tựa đề "Gluckauf", về cuộc sống của những người thợ mỏ. Gorky đã cho đăng bản chỉnh lý của cuốn sách trong tuyển tập văn học của ông và khuyến khích Grossman theo nghiệp văn chương. Rồi, Grossman viết cuốn tiểu thuyết đầu tay "Stepan Kolchugin" năm 1937-1940, từng được đưa vào danh sách những tác phẩm được đề cử lên Giải thưởng Stalin (giải thưởng văn học lớn nhất ở Liên Xô thời ấy).
Trong Thế chiến thứ hai, Grossman là phóng viên chiến trường của tờ báo quân đội "Krasnaya Zvezda" (Sao đỏ), nổi tiếng với nhiều bài phóng sự sâu sắc. Năm 1942, tác phẩm "Nhân dân bất tử" của ông đã gây tiếng vang lớn.
Sau 1945, Grossman tìm cách tổng kết những suy nghĩ của ông về chiến tranh, về số phận con người... trong những tác phẩm lớn mang tầm vóc triết học. Truyện vừa nổi tiếng "Tất cả đều trôi đi" năm 1955, đề cập những suy tưởng về lịch sử triết học thông qua đề tài trại tập trung, đã bị phê phán nặng nề: cho đến cuối thập niên 80, tác phẩm chỉ được ấn hành tại các nước phương Tây.
Kiệt tác chính của Grossman là "Cuộc đời và số phận", phần hai của bộ tiểu thuyết sử thi về chiến dịch Stalingrad (2). Đó là một bản anh hùng ca hoàng tráng mang tính thời đại, được các nhà phê bình so sánh như một "Chiến tranh và hòa bình" của thế kỷ XX. Grossman sáng tác bộ tiểu thuyết này vào cuối thập niên 50, nhưng cuốn sách chỉ được ra mắt độc giả Nga mùa xuân năm 1988 trong bốn số đầu của tạp chí "Oktyabr" (Tháng Mười). Ngay sau khi được in trên mặt báo, các chuyên gia văn học và độc giả Liên Xô đã nhất trí coi "Cuộc đời và số phận" là một tác phẩm lớn, "đáng được liệt vào hạng mẫu mực, hạng thượng thặng của văn xuôi Xô-viết".
"Cuộc đời và số phận" đã được giới thiệu và trích dịch trên tuần báo "Văn nghệ" ở Việt Nam vào thời kỳ "cởi trói" cuối thập niên 80.
*
Dưới thể chế "cộng sản" ở Liên Xô (cũ), không hiếm những kiệt tác văn học đã phải chịu số phận hẩm hiu trong một thời gian dài. Chỉ cần nhắc đến những ví dụ điển hình nhất: "Trái tim chó" của Bulgakov, "Bác sĩ Zhivago" của Pasternak, "Những cậu bé phố Arbat" của Rybakov, "Kinh cầu hồn" của Akhmatova, "Trang phục màu trắng" của Dudintsev, "Bò mộng" của Granin... "Cuộc đời và số phận" của Grossman cũng thuộc số đó.
Semyon Lipkin (1911-2003)
Bài viết "Chính nghĩa chiến thắng" (3) sau đây của Semyon Lipkin (4), cho chúng ta biết về số phận một tác phẩm vĩ đại trong một thể chế độc đoán.
CHÍNH NGHĨA CHIẾN THẮNG
Năm 1961, Vasily Grossman bị triệu đến chỗ Mikhail Suslov, bí thư Ban Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô. Suslov thông báo cho văn hào biết: đảng và nhân dân đánh giá cao những tác phẩm của Grossman như "Nhân dân bất tử", "Stepan Kolchugin", những truyện ngắn và tùy bút về đề tài chiến tranh. Nhưng nói về tiểu thuyết "Cuộc đời và số phận", thì đây, tiểu thuyết đó cùng lắm chỉ có thể được ấn hành hai, ba trăm năm sau. Những nhà lãnh đạo Hội Nhà văn thời bấy giờ - Georgiy Markov, Sergei Sartakov và Sergei Shchipachov... - cũng nói với Grossman con số này.
Grossman bắt đầu viết cuốn thứ hai của bộ sách hai phần về trận chiến Stalingrad năm 1950. Cuốn thứ nhất, "Vì chính nghĩa" xuất hiện năm 1952 trên tờ "Noviy Mir" (Thế giới mới) và quyển sách này cũng phải trải qua một con đường khó khăn. Năm 1953, người ta phê phán cuốn sách một cách vùi dập. Tuy bị một đòn nặng nề, suýt nữa nguy hại đến tính mạng tác phẩm và tác giả, nhưng Grossman vẫn bền bỉ viết cuốn thứ hai. Sau khi Stalin chết, trận đấu đá chống lại nhà văn chấm dứt. Và khi Fadeyev (5) phát biểu trong Đại hội lần thứ hai của Hội Nhà văn, ông còn đủ nghị lực để xin lỗi Grossman vì trước kia, ông ta từng đả phá tiểu thuyết "Vì chính nghĩa" một cách không công bằng. Sau đó, cuốn tiểu thuyết đó cũng được hai nhà xuất bản ấn hành.
Đầu mùa đông năm 1960, Grossman đem cho tôi xem bản thảo đánh máy tiểu thuyết "Cuộc đời và số phận", dày hàng ngàn trang. Khi đọc đến đoạn cuối của bản thảo, tôi chợt hiểu: tôi được may mắn là độc giả đầu tiên của một tác phẩm xuất sắc, và tôi dám hi vọng rằng, của một kiệt tác bất tử.
Thử hỏi BBT tạp chí "Znamya" có biết rõ điều này không, khi Grossman đề nghị TBT V. Kozhevnikov cho đăng tải cuốn tiểu thuyết trên tờ báo? Tòa soạn báo quyết định thảo luận mọi chuyện với những nhân vật hữu quan khác. Như thế, bản thảo tác phẩm đã bị tịch thu năm 1961.
Mặc dù vô cùng buồn nản, Grossman không từ bỏ hy vọng sẽ có những biến chuyển trong cách đánh giá chính thức tác phẩm của ông. Ông nhận thấy những ưu điểm của Khrushchev và coi bài phát biểu (6) tại Đại hội XX là tuyệt vời. Một năm sau ngày tiểu thuyết "Cuộc đời và số phận" bị tịch thu, Grossman viết thư cho Khrushchev. Đến ngày nay, tôi vẫn còn giữ một bản sao của lá thư:
THƯ GỬI NIKITA KHRUSHCHEV
Gửi Nikita Sergeyevich Khrushchev
tổng bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô
Đồng chí Nikita Sergeyevich thân mến!
Tháng Mười 1960, tôi có trao bản thảo cuốn tiểu thuyết "Cuộc sống và số phận" cho tòa soạn tạp chí "Znamya". Cùng trong khoảng thời gian đó, TBT tờ "Noviy Mir" A.T. Tvardovsky cũng được biết về tiểu thuyết của tôi.
Trung tuần tháng Hai 1961, các nhân viên Ủy ban An ninh Quốc gia (7) xuất hiện ở nhà tôi, họ xuất trình lệnh khám nhà và tịch thu toàn bộ các bản và bản nháp cuốn "Cuộc sống và số phận", tiếp đó họ cũng tịch thu các bản thảo để ở tòa soạn "Znamya" và "Noviy Mir".
Lời đề nghị gửi các tòa báo đã từng đăng tải rất nhiều lần các tác phẩm của tôi, yêu cầu họ hãy đánh giá công trình lao động trong mười năm trời của tôi, đã kết thúc như thế.
Sau khi bản thảo cuốn sách bị tịch thu, tôi xin Ủy ban Trung ương - cụ thể là đồng chí Polikarpov - giúp đỡ. Đồng chí D.A. Polikarpov nghiêm khắc lên án tác phẩm của tôi và khuyên tôi hãy nghĩ lại một lượt, hãy thừa nhận tính chất sai lầm và độc hại của cuốn sách, và hãy viết thư lên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Một năm trôi qua. Tôi ngẫm nghĩ nhiều, không ngừng về tấn thảm kịch xảy ra trong đời tôi và số phận bi thảm của cuốn sách của tôi.
Tôi muốn thẳng thắn chia sẻ những suy nghĩ của tôi với Đồng chí. Trước hết, phải nói rằng tôi không rút ra kết luận cuốn sách của tôi chứa đựng những điều gian dối. Trong cuốn sách của tôi, tôi đã viết những gì tôi coi là đúng đắn và đến nay, tôi vẫn coi chúng là đúng; tôi chỉ viết những gì tôi đã suy ngẫm, đã chiêm nghiệm, đã chịu đựng.
Cuốn sách của tôi không phải là thứ văn chương chính trị. Trong mức độ năng lực nghèo nàn của mình, tôi đã viết về con người, về nỗi buồn, niềm vui, về những bước lạc lối của họ, về cái chết của họ, về tình thương con người và lòng đồng cảm với con người.
Trong cuốn sách của tôi có những trang cay đắng, nặng nề, đưa chúng ta về quá khứ, về cơn lốc chiến tranh. Có thể không nhẹ nhàng khi đọc những trang sách đó. Nhưng đồng chí hãy tin rằng tôi cũng không hề nhẹ nhõm khi viết chúng. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ phải viết.
Tôi bắt đầu viết cuốn sách trước Đại hội XX, lúc sinh thời Stalin. Trong thời gian đó, dường như không có một tia hi vọng nào để cuốn sách được ra đời. Và dù vậy, tôi vẫn viết nó.
Bài phát biểu của Đồng chí tại Đại hội XX khiến tôi tin tưởng chắc chắn. Bởi lẽ những suy nghĩ, những ấn tượng, nỗi đau của nhà văn chỉ là một phần nhỏ của những suy nghĩ chung, những ấn tượng chung và sự thật chung.
Tôi đã đoán trước được rằng khi bản thảo của tôi lọt vào tay tòa soạn, sẽ có những cuộc tranh luận giữa tác giả và biên tập viên, rằng người biên tập sẽ đòi hỏi bỏ một số trang, thậm chí cả một số chương sách nhất định.
Kozhevnikov, TBT tờ tạp chí "Znamya", cũng như các nhà lãnh đạo Hội Nhà văn: Markov, Sartakov, Shchiphchov, những người đã đọc bản thảo, bảo tôi rằng cuốn sách độc hại, không thể ấn hành được. Tuy nhiên, họ không buộc tội cuốn sách không nói đúng sự thật. Một đồng chí bảo: "Tất cả đều đúng, hoặc đều đã có thể, cũng đã từng có hoặc từng có thể có những người giống những nhân vật trong tiểu thuyết." Một đồng chí khác nói: "Có điều, chỉ có thể in cuốn sách 250 năm sau."
Bài phát biểu của đồng chí tại Đại hội XX làm sáng tỏ với một sức mạnh mới tất cả mọi đau khổ, lầm lạc đã diễn ra ở đất nước ta trong thời gian Stalin lãnh đạo, và nó càng củng cố trong tôi cái suy nghĩ cuốn tiểu thuyết "Cuộc đời và số phận" của tôi không mâu thuẫn với sự thật mà Đồng chí đã nêu ra, rằng đây là sự thật của hiện tại và ở đây, người ta không trì hoãn việc công bố nó 250 năm sau.
Còn khủng khiếp hơn nữa đối với tôi là người ta đã dùng vũ lực để tịch thu, để lấy đi cuốn sách từ tôi. Cuốn sách này quý giá đối với tôi như những đứa con lương thiện đối với một người cha. Lấy đi cuốn sách từ tôi cũng như cướp đi những đứa con ruột thịt từ một người cha.
Thấm thoắt đã một năm từ ngày cuốn sách bị tịch thu. Thấm thoắt đã một năm từ khi tôi không ngừng ngẫm nghĩ về số phận bi thảm của cuốn sách, tìm lời giải đáp cho những gì đã xảy ra. (...)
Tôi biết rõ rằng cuốn sách của tôi không hoàn thiện, rằng không thể so sánh nó với những kiệt tác của các đại văn hào trong quá khứ. Có điều đây không phải vấn đề nhược điểm trong khả năng của tôi. Vấn đề ở đây là chúng ta có quyền viết sự thật hay không, sự thật mà trong những năm dài của cuộc đời chúng ta, chúng ta đã bị dằn vặt, đã tự chiêm nghiệm.
Tại sao lại dùng biện pháp cấm đoán để trừng phát một cuốn sách mà - trong một chừng mực nhất định -, có lẽ chỉ đáp ứng những nhu cầu nội tại của người dân Xô-viết, một cuốn sách mà trong đó không hề có sự dối trá, không hề có sự vu cáo, nhưng có thể tìm thấy ở đó sự thật, nỗi đau và tình yêu con người, tại sao lại dùng đến những phương pháp bạo lực mang tính chính quyền để lấy nó đi từ tôi, tại sao lại giấu nó trước tôi và trước các độc giả, như một thứ tội phạm giết người?
Thấm thoắt đã một năm trôi qua và tôi không biết cuốn sách của tôi còn hay mất, nó có được gìn giữ ở đâu không hay đã bị hủy, bị thiêu thành tro?
Nếu cuốn sách của tôi là dối trá thì hãy nói công khai điều đó với những người muốn đọc nó. Nếu cuốn sách của tôi là vu cáo thì hãy nói công khai điều đó. Hãy để người dân Xô-viết, hãy để các độc giả Xô-viết phán xét - đã ba chục năm nay tôi viết cho họ -, rằng có bao nhiêu sự thật và bao nhiêu dối trá trong cuốn sách của tôi.
Nhưng, độc giả đã bị tước đi khả năng nói lời phán xét về tôi và về công trình của tôi trước chiếc ghế quan tòa vốn khủng khiếp hơn mọi thứ ghế quan tòa khác: tôi nghĩ đến chiếc ghế quan tòa của trái tim, của lương tâm. Tôi đã và vẫn muốn được đứng trước sự phán xét đó.
Chẳng những khước từ cuốn sách của tôi, tòa soạn tạp chí "Znamya" còn khuyên tôi trả lời những câu hỏi của các độc giả, nói rằng tôi vẫn còn sửa chữa bản thảo, tôi vẫn chưa kết thúc cuốn sách, rằng công việc còn kéo dài rất lâu. Nói cách khác, họ khuyên tôi nói những lời gian dối.
Vẫn chưa hết, bởi khi tịch thu bản thảo của tôi, người ta muốn bắt tôi phải ký một tờ giấy, theo đó, đưa ra dự luận việc cuốn sách bị tịch thu sẽ khiến tôi phải chịu sự xử lý hình sự.
Những phương cách mà bằng nó, người ta muốn ỉm đi mọi điều xảy ra với cuốn sách của tôi, không phải là những phương pháp đấu tranh chống sự dối trá, vu khống. Làm như vậy, người ta chỉ chống lại sự thật.
Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Cần phải hiểu điều đó như thế nào dưới ánh sáng những sự kiện được trình bày trong Đại hội XX của đảng?
Đồng chí Nikita Sergeyevich kính mến! Ngày nay, ở nước ta, người ta thường viết và nói rằng chúng ta quay trở lại những chuẩn mực Leninist của nền dân chủ. Trong những năm gian khổ thời nội chiến, thời bị chiếm đóng, thời kinh tế suy sụp và đối khát, những kim chỉ nam của nền dân chủ do Lenin thiết lập luôn luôn tỏ ra quá cao trong thời Stalin.
Tại Đại hội XX, Đồng chí đã không ngần ngại lên án những hành động phi pháp và tàn bạo đẫm máu do Stalin gây ra. Đồng chí đã làm điều đó với một nghị lực và lòng quả cảm hoàn toàn khiến tôi có quyền suy nghĩ như sau: những kim chỉ nam của nền dân chủ chúng ta sẽ tăng tiến cùng nhịp độ với sự tăng trưởng của nền sản xuất thép, than và điện lượng kể từ giai đoạn đổ vỡ sau cuộc nội chiến. Bởi lẽ bản chất của xã hội con người mới phải thể hiện trong sự tăng tiến của dân chủ và tự do, hơn là trong nền sản xuất và tiêu dùng. Tôi không thể hình dung nổi một xã hội mới mà lại hiếu sự tăng trưởng không ngừng của các kim chỉ nam của tự do và dân chủ.
Phải hiểu thế nào đây, việc trong thời đại chúng ta, người ta khám nhà một nhà văn, tịch thu cuốn sách của anh ta, cuốn sách mà dù có chưa hoàn thiện đi nữa, cũng vẫn được viết bằng máu thịt của anh, nhân danh tình thương đối với chân lý và con người và dọa dẫm tù đày nếu anh ta dám nói về đòn giáng xuống anh ta.
Vì tôi tin tưởng rằng những viên biện lý từng phán xử một cách khắc nghiệt nhất và tàn nhẫn nhất về cuốn sách của tôi, giờ đây sẽ phải thay đổi ý kiến của họ trong nhiều điểm, phải thừa nhận rằng hàng loạt những luận điểm buộc tội cơ bản mà họ đã đưa ra về cuốn sách của tôi cách đây một, một năm rưỡi - từ trước Đại hội XXII -, là không đúng đắn.
Xin Đồng chí hãy trả lại tự do cho cuốn sách của tôi, đề nghị hãy để cho các biên tập viên - chứ không phải các nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia - tranh luận với tôi về bản thảo của tôi.
Có một cái gì đó vô nghĩa và dối trá trong hiện trạng của tôi, trong sự tự do thân thể của tôi, khi cuốn sách mà tôi đã dành cho nó cả đời tôi đang ở trong tù ngục, rốt cuộc tôi cũng đã viết nó, rốt cuộc tôi cũng đã không từ bỏ nó và cũng sẽ không phủ nhận nó. Mười hai năm đã trôi qua kể từ ngày tôi bắt tay viết cuốn sách này. Ý kiến của tôi vẫn không thay đổi: tôi đã viết sự thật trong đó, bằng tình thương, bằng nỗi đồng cảm với con người và bằng niềm tin vào con người. Xin Đồng chí hãy trả tự do cho cuốn sách của tôi.
Kính trọng sâu sắc Đồng chí
V. Grossman (8)
Chú thích - Tham khảo:
(1) "Le livre noir du communisme", Editions Robert Laffont (Paris, 1997).
(2) Phần đầu, tiểu thuyết "Vì chính nghĩa" được đăng tải nhờ sự ủng hộ và lòng dũng cảm của Tvardovsky, TBT tạp chí "Noviy Mir". "Vì chính nghĩa" đã được đánh giá là một kiệt tác của dòng văn học chiến tranh.
(3) "Moskovskye Novosti" (Tin tức Moscow), ngày 18-10-1987.
(4) Semyon Lipkin (1911-2003): nhà thơ, dịch giả Nga, thành viên sáng lập của Hội Nhà văn Liên Xô. Là bạn thân của Grossman. Năm 1979, ông tự ra khỏi Hội để phản đối những biện pháp đàn áp của chính quyền đối với cuốn hợp tuyển "Metropol" do những văn nghệ sĩ đối lập chủ trương. Từ đó trở đi, các tác phẩm của Lipkin chỉ được ấn hành ở phương Tây.
Lipkin được "phục hồi" trong thời "cải tổ", năm 1986, ông được mời lại vào Hội Nhà văn Liên Xô. Ông viết nhiều bài báo, hồi tưởng và đã cho in cuốn hồi ký về Vasily Grossman, trước đó mới chỉ được ra mắt ở Mỹ.
(5) Aleksandr Fadeyev (1901-1956): nhà văn Nga - Xô-viết. Trên cương vị tổng thư ký Hội Nhà văn Xô-viết và ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Fadeyev đã tỏ ra giáo điều và cuồng tín khi ông nhiệt thành bảo vệ những nguyên tắc của nền "văn học hiện thực XHCN" và chức năng "giáo dục" của văn học. Sau Đại hội XX, lâm trọng bệnh và thất vọng trước những tội trạng bị vạch trần của Stalin bị vạch trần, Fadeyev đã tự vẫn.
"Đội cận vệ thanh niên" (1946), tác phẩm chính của Fadeyev, rất được ưa chuộng ở miền Bắc Việt Nam thời trước 1975.
(6) Văn kiện "mật" mang tựa đề "Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó", vạch trần một số tội ác của Stalin, do Khrushchev đọc tại phiên họp kín của Đại hội XX, tháng 2-1956.
(7) Tức KGB.
(8) Sau khi gửi lá thư này cho Khrushchev, Grossman lại bị triệu lên gặp Suslov. Ông đã ghi lại theo trí nhớ cuộc nói chuyện tại điện Kremlin ngày 23-7-1962, như sau (trích đoạn):
Suslov nói:
"Anh đã viết một lá thư thành thực cho Khrushchev. Đó là điểm tích cực. Trong đó, anh đề nghị được in tiểu thuyết "Cuộc đời và số phận"... Cuốn tiểu thuyết của anh mang tính thù địch với nhân dân Xô-viết, đăng tải nó sẽ gây ra tổn hại, chẳng những cho nhân dân và đất nước Xô-viết, mà còn cho tất cả những người đấu tranh vì chủ nghĩa cộng sản ở nước ngoài, cho toàn thể người lao động tại các quốc gia tư bản, cho mọi chiến sĩ hòa bình. Cuốn tiểu thuyết giúp ích cho kẻ thù của chúng ta.
... Tôi chưa đọc cuốn sách của anh, nhưng tôi đã chăm chú xem một lượt nhiều bài giới thiệu, nhiều ý kiến, trong đó có vô số trích đoạn cuốn tiểu thuyết của anh. Anh hãy coi đây, tôi đã cắt biết bao mẩu giấy từ những bài giới thiệu và trích đoạn ấy. Tất cả những ai đã đọc cuốn sách của anh, đều đánh giá đó là một tác phẩm thù địch về mặt chính trị. Chúng ta không cần phải đưa nó cho các nhà văn như Fedin, Leonov, Ehrenburg... đọc làm gì, vô nghĩa.
Chúng ta không thể in và cũng không phát hành cuốn sách của anh... Sách của anh so sánh thẳng thừng chúng tôi với chủ nghĩa phát-xít của Hitler. Sách của anh nói những điều tốt đẹp về tôn giáo, về Thượng đế, về công giáo. Sách của anh bảo vệ Trotsky... Anh biết cuốn sách của Pasternak đã gây ra tổn thất lớn lao biết nhường nào cho chúng tôi. Hoàn toàn hiển nhiên là đối với chúng tôi, tiểu thuyết "Cuộc đời và số phận" còn nguy hiểm gấp bội so với "Bác sĩ Zhivago…
(Tư liệu của M. Goldberger, trích từ kho lưu trữ chưa hề được công bố của nhà văn, đăng trên báo "Sovietskaya Kultura" (Văn hóa Xô-viết) ngày 25-10-1988)