Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VYACHESLAV TIKHONOV: HUYỀN THOẠI ĐIỆN ẢNH VÀ VAI DIỄN ĐỂ ĐỜI STIRLITZ

Vyacheslav Tikhonov, nam tài tử nổi tiếng của nền điện ảnh Nga – Xô-viết, người được coi là diễn viên nam được ưa chuộng nhất của mọi thời đại ở Nga, đã từ trần ngày 4-12-2009 vì chứng nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 81 tuổi.

Tin về sự ra đi của ông được thông báo trong ngày thứ Sáu tuần qua bởi Hội Điện ảnh Nga và Hãng Thông tấn ITAR-TASS.

Sinh năm 1928, khởi nghiệp từ thập niên 50, Tikhonov đã xuất hiện trong vài chục bộ phim Nga – Xô-viết, trong đó có những tác phẩm lớn, rất quen thuộc với khán giả Việt Nam như “TASS được quyền tuyên bố”, “Chiến tranh và Hòa bình”, “Họ chiến đấu vì Tổ quốc” và đặc biệt, “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”, bộ phim truyền hình kinh điển 12 tập của điện ảnh Liên Xô.

Những vai diễn điển hình nhất của ông - thể hiện hình ảnh người anh hùng Xô-viết, một lòng một dạ cho lý tưởng cộng sản - hiện vẫn để lại dấu ấn rất mạnh trong tâm thức cư dân Nga. Không phải ngẫu nhiên mà trong “thời đại Boris Yeltsin”, một thăm dò dư luận cho thấy, trong số các nhân vật điện ảnh Nga, Max Otto von Stirlitz (do Tikhonov thủ vai trong “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”) được coi là xứng đáng nhất trong ghế tổng thống nước này!

Ít lâu trước khi qua đời, lễ sinh nhật lần thứ 80 của Tikhonov đưọc kỷ niệm trên toàn nước Nga: rất nhiều bài báo viết về ông được đăng tải, phim của ông được tái trình chiếu trên TV và khán giả có dịp được xem những bộ phim về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Có lẽ hiếm diễn viên điện ảnh nào trên thế giới được hưởng sự ưa chuộng ở mức sùng bái như Tikhonov, trong suốt nghiệp diễn của mình!

Từ một câu chuyện tình báo thời chiến…

Đối với rất nhiều người, đọng lại nhất trong họ là vai diễn ấn tượng, đầy nam tính và đậm tính trí tuệ của Tikhonov trong vai đại tá SS Đức Max Otto von Stirlitz - thực tế là một sĩ quan tình báo Xô-viết, thiếu tá Maxim Isaev - của bộ phim “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”.

Tất cả bắt đầu từ năm 1968, khi Julian Semyonov (1931-1993), nhà văn được người đương thời cho là một nhân viên KGB, ấn hành lần đầu tiên cuốn tiểu thuyết “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” với những chi tiết xác thực đến mức bất ngờ về hoạt động của cơ quan tình báo Xô-viết.

Nhận thấy đây là dịp rất thích hợp để phục hồi phần nào uy tín của KGB đã bị nhấn chìm bởi những hoạt động mang tính đàn áp, khủng bố kiểu Stalinist, chính quyền Liên Xô – thông qua KGB – đã đặt hàng một bộ phim chuyển thể từ cuốn sách trên và diễn xuất thiên tài của Tikhonov trong phim đã góp phần đáng kể cho sự thành công của ý định này.

12 tập của bộ phim truyền hình được quay trong 3 năm và theo những nguồn tin đương thời, đích thân Yury Andropov - “ông trùm” KGB thời đó, người sau này trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô - là người đầu tiên xem và duyệt phim.

Theo lời nữ đạo diễn Tatiana Lioznova, đáng ngạc nhiên là Andropov hầu như không đề xuất cắt xén gì, ngoại trừ hai ý kiến: bỏ tên các chuyên gia KGB khỏi danh sách của đoàn làm phim và đưa vào phim một đoạn ngắn về phong trào công nhân Đức.

Về hình thức thể hiện, “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” khá đặc biệt với lời giới thiệu - được đọc thường xuyên một cách chính xác, chi tiết, nhưng đơn điệu và làm tăng tính quan trọng, “sử biên niên” của câu chuyện - về những sự kiện đang diễn ra, như: “Vào hồi 12 giờ 3 phút, Stirlitz ra khỏi nhà và bước đến chiếc xe hơi”.

Đây cũng là tác phẩm điện ảnh Xô-viết đầu tiên tiếp cận thực tế theo một cách khác so với những bộ phim trước đó: các lãnh đạo cơ quan an ninh, các sĩ quan cao cấp của “địch” (như Heinrich Müller trong phim) không phải những kẻ bất tài, xuẩn ngốc, mà là những quân nhân quả quyết, thông minh và do đó, vô cùng nguy hiểm, khiến cuộc đấu trí “địch” – “ta” trở nên hồi hộp và nhiều kịch tính.

Phải nói thêm rằng, cho dù câu chuyện trong phim (và tiểu thuyết) có vẻ hiện thực đến đâu đi nữa, các sử gia và chuyên gia tình báo đều cho rằng, trong thực tế, không thể có chuyện một điệp viên Xô-viết có thể lọt vào một cương vị cao như thế trong bộ máy SS, vì các sĩ quan cấp cao SS đều bị thanh lọc rất kỹ càng và “gia phả” của họ được truy ngược lại cho đến năm 1750.

… đến vai diễn huyền thoại Stirlitz

Tháng 8-1973, khi “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” được truyền hình Liên Xô công chiếu lần đầu, đường phố Moscow vắng lặng, dường như không còn gì hoạt động. Lượng điện tiêu thụ tăng vọt, nhưng lượng nước thì giảm và cũng không thấy bóng tội phạm rình rập như mọi khi, vì tất cả những ai có thể đều đã ngồi trước màn hình vô tuyến.

Theo hồi tưởng của nữ đạo diễn Lioznova, ngay tổng bí thư Leonid Brezhnhev cũng chăm chú theo dõi bộ phim hằng tối trên TV. Với “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”, một mẫu anh hùng mới của dân tộc Nga đã được tạo dựng với những nét khắc khổ, nhưng sắc sảo và hấp dẫn.

Hơn 35 năm trôi qua, vai diễn “để đời” của Tikhonov vẫn không hề phai mờ trong tâm tưởng dân Nga, và bộ phim 12 tập vẫn được chiếu lại 3-4 lần hàng năm, thậm chí có năm tới hàng chục lần. Nguyên nhân của sự thành công mỹ mãn ấy, bên cạnh một kịch bản đầy yếu tố kịch tính, sự dàn dựng theo lối mới và nền nhạc dễ nghe, thuyết phục, là diễn xuất huyền thoại của Tikhonov.

Như đến giờ chúng ta đã có thể biết, tuy nội dung phim là hư cấu, nhưng có dựa trên một số tình tiết có thật. Hình mẫu nguyên thủy của Stirlitz khả năng là Willi Lehman, một người Đức chính hiệu và “thuần chủng”. Từ năm 1920, ông là nhân viên phản gián và sau đó, trở thành sĩ quan cơ quan mật vụ chính trị Đức Gestapo.

Vốn thù ghét những thủ hạ khát máu của Hitler và bất bình vì bị sa thải mà không nhận được lương hưu, từ năm 1929, Lehman tự nguyện phục vụ cho phía Liên Xô. Hoạt động với biệt danh Breitenbach, nhưng tới năm 1942, ông bị phát hiện và có lẽ đã bị hành quyết.
 

Với một “xuất phát điểm” có lẽ không mấy lãng mạn và đẹp đẽ như thế, nhưng hình ảnh Stirlitz do Tikhonov tạo dựng trong phim lại khác hẳn. Có lẽ đây là hình tượng một điệp viên hoàn hảo và lý tưởng của NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô): chào đời tại trái tim nước Nga, có kiến thức quảng bác, nói được đại đa số các thứ tiếng Châu Âu. Thay vì sức mạnh chân tay, Stirlitz sử dụng bộ óc và tự hào rằng, ở độ tuổi 50, trải qua bao năm tháng của nghề điệp viên, chỉ một lần ông phải nổ súng hạ sát địch thủ Klaus trong phim.

Tikhonov đã rất thành công trong việc thể hiện đầy nam tính một điệp viên thích rượu Konyak, lái xe hơi Horch và khước từ một cách lịch sự cả những đề nghị hấp dẫn của phụ nữ đẹp: “Cho tôi một tách cà phê nhỏ thì hơn”. Như thế, không chỉ hình tượng Stirlitz, mà Vyacheslav Tikhonov - người diễn viên xuất sắc đã tái hiện hình mẫu lý tưởng của những điệp viên Liên Xô tài trí, quả cảm và tinh tế - cũng đã đi vào tâm khảm của nhiều thế hệ khán giả Nga – Xô-viết.

“Người Mohican cuối cùng”

Lev Dukov, bạn diễn của Tikhonov, người thủ vai Klaus trong bộ phim, có kể một câu chuyện thú vị. Sau một buổi công chiếu tại tỉnh lẻ, trong khi họ đang chờ người lái xe tới, một phụ nữ nhào vào phòng họ, ôm chầm lấy Tikhonov và hạnh phúc kêu lên, chị sẽ có thể kể cho con cháu nghe rằng chị đã được ôm Stirlitz.

Như thế, cá nhân người diễn viên Tikhonov đã được đồng nhất với vai diễn Stirlitz, cho dù, như hồi tưởng của nữ đạo diễn Lioznova, hầu như chỉ nhờ một sự ngẫu nhiên mà ông được nhận vai diễn. Bởi lẽ, khi đó, Tikhonov đã đóng 7 phim và có tên tuổi, nhưng cái chính là ông đang... rảnh rỗi, không phải đi diễn tại các nhà hát kịch và chấp nhận bỏ 3 năm cho vai diễn!
 

Vật đổi sao dời”, cho dù hình tượng tình báo viên Stirlitz có tính cách mạnh mẽ nhưng lạnh lẽo, luôn có nét mặt đăm chiêu nhưng lãng mạn đã để lại dấu ấn sâu sắc trong nền điện ảnh Nga - Xô-viết, thì có một bộ phận không nhỏ trong thế hệ trẻ Nga hiện tại đã không còn bị cuốn hút bởi bộ phim và không thể hiểu những “điển tích”, những mẩu chuyện “tiếu lâm Stirlitz”, vốn rất được truyền tụng và còn được ưa thích cho đến giờ, trong giới khán giả đứng tuổi.

Sáu năm trước, nhân kỷ niệm 30 năm ngày bộ phim ra đời, Tikhonov – khi đó đã sống ẩn dật và ít xuất hiện trước công chúng – nói rằng những cựu binh từng tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và thế hệ tiếp sau đó đã dần dần ra đi và trong công nghiệp điện ảnh hiện tại, có ít vai diễn mà ông muốn đóng. Cho dù, ông vẫn có thể thủ vai trong các bộ phim đề tài…. Maffia, nhưng – theo lời ông - tội phạm và máu không phải là thế giới của Tikhonov.

Được tôn trọng và yêu mến cho đến khi qua đời trong cảnh bần hàn, Tikhonov có lẽ là “người Mohican cuối cùng” của điện ảnh Liên Xô còn được đông đảo khán giả Nga yêu thích với những vai diễn kinh điển về người anh hùng Xô-viết kiểu mới.

Một huyền thoại đã lặng lẽ ra đi, như thế, trong lòng nước Nga náo nhiệt, xô bồ và đầy biến động…

(*) Bài viết đã đăng trên chuyên san "Tuần Việt Nam" của mạng tin "VietNamNet".
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh, 6-12-2009