“VÚC - CHÚ CÁO DŨNG CẢM” TỚI VIỆT NAM
- Chủ nhật - 23/10/2011 04:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Sau “Những ngôi sao Eger” (Egri csillagok, tác giả: Gárdonyi Géza) và “Những cậu con trai phố Pál” (Pál utcai fiúk, tác giả: Molnár Ferenc), lại thêm một tác phẩm kinh điển khác của nền văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên Hungary được ra mắt độc giả Việt Nam: tiểu thuyết “Vúc - chú cáo dũng cảm” của nhà văn Fekete István, với bản dịch của dịch giả Giáp Văn Chung.
Nhà văn Feteke István trong một buổi đi săn
Fekete István (1900-1970) là tác giả của rất nhiều cuốn sách dành cho tuổi niên thiếu, đặc biệt là trong mảng văn học về các loài thú và săn bắn. Với chuyên ngành về nông học, trong đời từng có những khoảng thời gian rất dài sống cùng thiên nhiên, những cuốn sách của ông mang tính hướng thiện rõ rệt, khiến các em nhỏ có thêm kiến thức về cuộc sống, môi trường và thế giới xung quanh để trau dồi nhân cách và những đức tính cần thiết.
Chỉ riêng tại Hungary, sách của Fekete István đã được in hàng chục triệu ấn bản, đưa ông vào hàng những nhà văn được đọc nhiều nhất ở xứ sở này. Ở nước ngoài, nhiều tác phẩm kinh điển của ông cũng đã được ra mắt với hàng chục thứ tiếng ở hơn 10 quốc gia. Trong số đó, “Vúc - chú cáo dũng cảm” (Vuk, 1965) - phản ánh sâu sắc tương quan giữa con người và thiên nhiên - là cuốn sách được ưa chuộng hàng đầu. (*)
Cho dù được coi như một cuốn sách dành cho thiếu nhi, nhưng câu chuyện được khắc họa trong “Vúc - chú cáo dũng cảm” hoàn toàn có thể khiến người lớn phải suy ngẫm. Trọng tâm tác phẩm đặc tả sự trưởng thành của một chú cáo nhỏ mang tên Vúc, từ những bước chập chững và tự lập đầu tiên đến khi trưởng thành, qua những niềm vui và nỗi buồn của cuộc sống.
Ði trên con đường gập ghềnh và gian nan ấy của thế giới động vật, từng bước một, Vúc ý thức và học hỏi được những giá trị của cuộc sống, như tình mẫu tử, nghĩa thày trò, lòng dũng cảm, kiêu hãnh, sự thông minh và kiến thức. Từ một chú cáo liều lĩnh và bất trị, Vúc đã trở thành một ông chủ gia đình điềm đạm, chín chắn, có chí hướng và hành động có sự cân nhắc.
Trong nghệ thuật mô tả của Fekete István, các loài thú đều được gắn những tính chất và nét riêng như của con người. Ðọc “Vúc - chú cáo dũng cảm” và nhiều cuốn sách khác của nhà văn, độc giả có dịp trực diện với chính bản thân theo góc độ của loài thú, và có thể hiểu được, tại sao, chúng ta, con người, không thể ngự trị trên các loài vật khác một cách độc đoán, tùy thích và vô lối.
Cùng con đọc sách - Ảnh: Bích Ngọc (từ Hà Nội)
Ðược NXB Kim Ðồng ấn hành, một cách rất có ý nghĩa, tác phẩm lớn của Fekete István đã được ra mắt trước đông đảo độc giả là các thành viên CLB Đọc sách cùng con (do TS Giáo dục học, nhà văn, dịch giả Nguyễn Thụy Anh chủ trương và đứng đầu) đúng vào ngày Quốc lễ 23-10 của Hungary, bên cạnh một cuốn sách thiếu nhi kinh điển khác của Nga là “Giọt rừng” (Mikhail Prishvin).
Theo ý tưởng của nhóm chủ trương, với chủ đề “Em sống giữa thiên nhiên”, buổi đọc sách có thể giúp các em nhỏ thành phố vốn ít có dịp gặp gỡ, giao hòa với thiên nhiên, nay có điều kiện cảm nhận thiên nhiên với vẻ đẹp bí ẩn, lộng lẫy, giản dị và dễ hiểu, nguyên sơ và dễ gần với tâm hồn con trẻ của các cháu. Thông qua đó, các độc giả “nhí” sẽ được bồi bổ về kỹ năng sống, nhạy cảm hơn, ý thức hơn về mỗi hành vi của mình.
Một điều chắc chắn: tác phẩm dễ thương và sâu sắc của nhà văn Fekete István sẽ để lại dấu ấn trong suy nghĩ và hành động của các độc giả ở tuổi thiếu nhi, và cả ở những người lớn, những bậc cha mẹ...
(*) Tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường ở bậc tiểu học, và cũng đã được dựng thành phim hoạt hình.