Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỚI PHAN VIỆT VÀ “MỘT MÌNH Ở CHÂU ÂU”

(NCTG) “Điều lạ là, khi tôi vượt qua sông Seine dưới trời mưa, đầu để trần, và nhìn những người Paris cắm cúi bước trong cơn mưa dưới những chiếc ô đen, rồi nhìn sông Seine và cả thành phố ủ dột dưới màn nước xam xám, đột nhiên tôi bình tĩnh lại. Một cảm giác thanh thản, thậm chí hạnh phúc, lại len lén đến gần ôm lấy tôi” (Phan Việt, “Một mình ở Châu Âu”)

Nhà văn Phan Việt cùng giáo sư Ngô Bảo Châu, dịch giả Lâm Vũ Thao và BTV Võ Hằng Nga tại cuộc tọa đàm

Ngày 9-7-2013 vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L'Espace, Hà Nội) đã diễn ra hội đàm (mà tác giả Phan Việt thích gọi là cuộc “nói chuyện”) về cuốn sách mới “Một mình ở Châu Âu”.

Ca sĩ trẻ Giang Trang, một trong những độc giả tham gia cuộc hội đàm cho biết: “Tôi rất vui vì đã có mặt ở một tọa đàm sách được đông đảo bạn trẻ quan tâm tới dự kín khán phòng. Cá nhân người tham dự và nhiều ý kiến phát biểu tại tọa đàm đã bày tỏ sự yêu mến giọng văn của Phan Việt.

Nói riêng về “Một mình ở Châu Âu”, cuốn văn chương du ký này đã chia sẻ nhiều thông tin hay cho người đọc. Trong cái tài xâu chuỗi một Châu Âu quá khứ trong Châu Âu đương đại, trong hành trình nội tâm xê dịch của mọi ký ức đều như là hiện tại, người đọc như cũng xáo động bởi tất cả những gì chất chứa trong cuốn sách, như tất cả chúng ta đều đang là những người hành hương trầy trật đi bằng các con đường khác nhau để đến cùng một thái độ vượt lên, đi ra khỏi những giằng xé, và chấp nhận: bất hạnh nếu có đến trong cuộc đời thì cũng là một giá trị trải nghiệm giàu có
.”

Còn Giang, một bạn trẻ khác đến với hội thảo và đến với sách của Phan Việt thì chia sẻ: “Hội thảo lần này diễn ra với không khí khá cởi mở. Đối với một người trẻ thì không thể tránh khỏi đôi lúc có cảm giác cô đơn và bất hạnh. Phan Việt như thấu hiểu họ vậy. Họ muốn được đi, muốn trải nghiệm thế giới  và muốn tìm sức mạnh nội tại cho mình.

Cá nhân mình cảm thấy hội thảo đã tạo cơ hội rất tốt để các bạn trẻ nói riêng cũng như độc giả của nhiều lứa tuổi nói chung có thể trò chuyện với hai diễn giả tuyệt vời là nhà văn Phan Việt và giáo sư Ngô Bảo Châu. Chị Phan Việt đã gây ấn tượng với mình từ trích đoạn “Bất hạnh là một tài sản”. Khi gặp chị ngoài đời thực, mình cũng thấy chị là một phụ nữ độc lập, mạnh mẽ mà vẫn lãng mạn. Rất cám ơn chị đã viết những chia sẻ của mình với nhiều độc giả. Và xin đừng để sự bất hạnh đi ngang bạn một cách lãng phí, hãy để nó trở thành tài sản quý giá của bạn
.”

Sau đây là cuộc trò chuyện của PV NCTG với tác giả Phan Việt.


Phan Việt tại Paris - Ảnh do nhân vật cung cấp

- Chào Phan Việt. Rất vui được giới thiệu bạn với độc giả báo NCTG. Bạn có thể nói sơ qua một vài nét chính về bản thân được không?
 
Tôi là con gái thứ hai trong gia đình có ba chị em gái. Bố mẹ tôi đều là viên chức nhà nước bình thường, giờ các cụ đã nghỉ hưu. Cả nhà tôi đều sống ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2000, tôi sang Mỹ học Thạc sĩ về Truyền thông rồi học tiếp Tiến sĩ về Công tác xã hội tại Đại học Chicago. Hiện giờ tôi là Phó Giáo sư ngành Công tác xã hội tại Đại học South Carolina, Hoa Kỳ.
 
- Bạn đã xuất bản những tác phẩm nào?

Tập truyện ngắn “Phù phiếm truyện” (2005); tiểu thuyết “Tiếng người” (2008); tập truyện ngắn “Nước Mỹ, nước Mỹ” (2009). Giờ tôi đang viết một bộ sách 3 cuốn có tựa đề “Bất hạnh là một tài sản”, trong đó cuốn đầu tiên “Một mình ở Châu Âu” vừa mới ra, còn hai cuốn nữa sẽ ra vào mùa thu này và năm sau.
 
- Điều gì đã thúc đẩy bạn viết “Một mình ở Châu Âu”? Có sự thay đổi gì trong suy nghĩ, cách viết cuốn này với các tác phẩm trước?

Cuốn này khác các cuốn trước ở chỗ nó là sách phi hư cấu. Tôi kể câu chuyện thật của tôi. Khoảng thời gian đó, tôi ở một thời điểm mà tôi thấy những thứ hư cấu không có sức mạnh bằng một câu chuyện thật, một câu chuyện cá nhân, cho nên tôi quyết định viết cuốn này.
 
- Bạn có dự định về văn chương?

Dự định quan trọng nhất là cứ viết thôi, còn viết gì thì mỗi một lúc, tác phẩm tự nó hình thành. Tôi không nghĩ một nhà văn biết trước mình sẽ viết gì đâu, họ chỉ biết là họ sẽ còn viết cho đến lúc chết thôi. Hiện tại, tôi cũng chỉ biết là tôi sẽ ra tập 2 và 3 sau “Một mình ở Châu Âu” và sau đó ra một cuốn tiểu thuyết. Còn sau đó nữa là gì thì tôi chưa biết. Chờ đợi cuốn sách tiếp theo xuất hiện trong đầu mình là một trong những niềm vui lớn của người viết.
 
- Bạn có thể cho biết cảm nhận của bạn về bạn đọc Việt Nam với các tác phẩm của bạn, trước và sau buổi hội đàm vừa qua?

Lúc trước tôi biết là mình có bạn đọc nhưng không hình dung rõ lắm ai là người đọc mình. Tôi đoán họ là người trẻ vì độc giả đầu tiên của tôi là những người đọc Internet. Nhưng hôm qua đến tọa đàm có nhiều bạn sinh viên và cả những bác rất lớn tuổi, có người nghiên cứu văn học, có nhà báo, dịch giả, có người làm toán, vân vân… Nói chung rất đa dạng. Nói rằng tôi vui khi gặp bạn đọc là còn chưa đủ.
 
- Bạn có hay về Hà Nội không?

Từ bây giờ thì chắc năm nào tôi cũng sẽ ở Việt Nam cả mùa hè để giảng dạy, nghiên cứu, nghỉ ngơi. Trong năm học thì tôi phải dạy bên kia nên chắc chỉ về ngắn nếu có việc.
 
- Có bao giờ bạn ở Hà Nội và cảm giác, cảm thấy “một mình” ko?

Có chứ, mà tôi đoán ở đâu chắc tôi cũng ít nhiều có cảm giác đó. Tôi sống ở trong đầu nhiều cho nên đi đến đâu, kể cả ngay lúc ngồi giữa nơi rất đông người, rất vui, nhưng bên trong vẫn luôn có một con mắt cứ một mình lặng lẽ quan sát, lặng lẽ cảm nhận, lặng lẽ hỏi và trả lời. Nó thành bản năng, thói quen rồi. Hình như các nhà văn và người làm nghệ thuật nói chung đều thế cả.
 
- Mỗi lần về Hà Nội, bạn có cảm nhận thấy sự thay đổi không: sự thay đổi của thành phố, cuộc sống - bên ngoài; và cảm xúc cá nhân - bên trong?

Hà Nội thay đổi nhiều. Bây giờ tôi chỉ còn nhớ những đường chính ở Hà Nội, nhiều khu tôi hoàn toàn không biết gì. Gần đây mỗi lần về tôi hơi hơi sợ cảm giác mất Hà Nội và mất cảm giác lạ lẫm với Hà Nội. Tức là tôi sợ rằng nếu mình trở nên quá quen thuộc với Hà Nội thì mình bỗng nhiên thấy mọi thứ ở đây bình thường, mình không còn quan sát như một nhà văn nữa mà như một người sống ở đây, bị cuốn vào bên trong nó. Tôi thích giữ cảm giác mình vẫn gần như là khách du lịch ở Hà Nội mỗi khi về.


Tại Hampton - Ảnh do nhân vật cung cấp
 
- Hà Nội có đem lại cảm xúc, dữ liệu để bạn viết không?

Nhiều lắm. Cuộc sống ở đây cứ chảy trôi liên tục, nó cứ nhơn nhơn ra, nó chẳng bận tâm gì đến tôi, chẳng cần biết tôi là ai, ở đâu về, nó xô đẩy mình theo cách mà tôi không thấy ở Mỹ. Tất cả sướng, khổ, hỉ, nộ, ái, ố đều trực tiếp và lập tức, đều bày hết lên mặt, chưa bị lọc qua các quy định của sự văn minh… Với tôi thì những cái đó đều là dữ liệu văn học quá quý. Tôi lại còn thích cái sống động của ngôn ngữ ở Hà Nội bây giờ nữa, nhất là của thế hệ dùng Internet. Đọc các em ấy giao tiếp với nhau trên các trang web rất là vui vì nó thật.
 
- Điều kiện cần và đủ với bạn để có thể viết nên một tác phẩm?

Mình đều đặn ngồi xuống viết và không bỏ dở giữa chừng. Chỉ có thế thôi.
 
- Vài điều lặt vặt nho nhỏ về Phan Việt nhé? Màu sắc yêu thích?

Đỏ.

- Thời tiết yêu thích?

Chắc là không có, miễn không nóng quá, không lạnh quá là tôi thích.

- Âm thanh yêu thích?

Nếu nói yêu thích tức là cái mình nghe được liên tục lâu nhất mà vẫn chịu đựng được thì chắc là sự im lặng.

- Vần thơ yêu thích?

Một câu thơ nào đấy thì không có. Nhưng tôi thích thơ Tagore, Walt Whitman, thơ Lưu Quang Vũ.
 
- Loài cây yêu thích?

Không có.
 
- Câu nói yêu thích?

Nhìn chung không có. Mỗi một lúc có những câu mà nó đột nhiên khai mở và rọi sáng tất cả những khúc mắc trong cuộc sống của tôi vào lúc đó, thì tôi thực hành theo nó; đến lúc khác lại có một câu khác. Ví dụ gần đây có người nói với tôi “Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y tính bất y tướng”, tức là sự thật là quan trọng, không quan trọng ai nói ra sự thật; nghĩa quan trọng, chứ lời không quan trọng; bản tính quan trọng chứ hình tướng bên ngoài không quan trọng.  Hay một câu khác: tâm có an thì trí tuệ mới phát sinh, tâm không an thì có nhìn cũng chẳng thấy được gì.
 
- Tác phẩm văn học yêu thích?

Nhiều nhưng tôi ngại kể ra lắm. Tôi thích văn, cứ tác phẩm nào có văn trong đó là tôi thích, còn kể tên ra tự nhiên lại đánh mất ý nghĩa đi.
 
- Bộ phim yêu thích?

Có vài phim tôi công nhận là kinh điển, như “Bố Già” (The Godfather), các phim của Martin Scorsese. Hay “Công dân Kane” (Citizen Kane) đúng là một phim tuyệt vời. Nhưng cũng chẳng có phim nào gọi là đặc biệt yêu thích. Tôi xem phim cũng tạp lắm, trừ có phim kinh dị là tôi không xem được, còn thì phim hài, phim tình cảm, hay hành động, thương mại hay nghệ thuật tôi đều xem nếu có thời gian.
 
- Món ăn yêu thích?

Phở.

- Vậy là các fan của Phan Việt đã biết nếu mời Phan Việt đi ăn thì nên mời món gì rồi nhé. Xin cám ơn Phan Việt về cuộc trò chuyện này. Chúc bạn có đủ niềm tin, yêu và đam mê để tiếp tục viết.

*

Và tôi, người phỏng vấn Phan Việt, đôi khi không vì lý do gì cả (hoặc có chăng?) cứ nhớ đoạn trích này trong cuốn “Một mình ở Châu Âu: “Điều lạ là, khi tôi vượt qua sông Seine dưới trời mưa, đầu để trần, và nhìn những người Paris cắm cúi bước trong cơn mưa dưới những chiếc ô đen, rồi nhìn sông Seine và cả thành phố ủ dột dưới màn nước xam xám, đột nhiên tôi bình tĩnh lại. Một cảm giác thanh thản, thậm chí hạnh phúc, lại len lén đến gần ôm lấy tôi.”

Tác giả bài viết: FR thực hiện