Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VĨNH BIỆT “DÒNG SÔNG XANH” XỨ THẦN KINH - NỮ DANH CA HÀ THANH

(NCTG) “Chim hoàng oanh của mảnh đất Thần kinh những thập niên 60-70 thế kỷ trước - người sở hữu giọng hát nhẹ nhàng, thướt tha và phiêu du như gió thoảng, trầm bổng và mảnh mai như sương khói mà da diết, ngọt ngào, đầy tính biểu cảm trong các ca khúc tiền chiến và lãng mạn - đã cất cánh bay đi, để lại nỗi nhớ thương và nuối tiếc cho biết bao thính giả yêu chuộng giọng ca bà!”.

Nữ danh ca Hà Thanh

Nghe bản audio tại đây.

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
người về bơ vơ

(...) Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi.
..”

Ca khúc “Chiều mưa biên giới” là một trong nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã tỏa sáng với phần trình diễn của nữ danh ca nổi tiếng nhất của xứ Huế, người mang nghệ danh “Dòng sông xanh” Hà Thanh.

Giọng ca “của những hoài niệm và nhớ mong”, “giọng hát thiên phú, hát rất thoải mái dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng nó cuốn hút ta đi trong cái bềnh bồng không gò ép đó” theo nhận xét của chính Nguyễn Văn Đông đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 75 tại TP Boston, Hoa Kỳ, vào đúng ngày đầu năm 2014 sau một thời gian bị căn bệnh ung thư máu hiểm nghèo.

Chim hoàng oanh của mảnh đất Thần kinh những thập niên 60-70 thế kỷ trước - người sở hữu giọng hát nhẹ nhàng, thướt tha và phiêu du như gió thoảng, trầm bổng và mảnh mai như sương khói mà da diết, ngọt ngào, đầy tính biểu cảm trong các ca khúc tiền chiến và lãng mạn - đã cất cánh bay đi, để lại nỗi nhớ thương và nuối tiếc cho biết bao thính giả yêu chuộng giọng ca bà!

Danh ca Hà Thanh, tên khai sinh là Trần Thị Lục Hà, sinh tại Thừa Thiên - Huế năm 1939 (có tư liệu cho rằng trong thực tế bà sinh năm 1937) trong một gia đình có mười anh chị em nhưng chỉ riêng bà theo đuổi “kiếp cầm ca”. Thuở nhỏ, cô nữ sinh Lục Hà theo học Trường Đồng Khánh và có cơ hội thể hiện khả năng âm nhạc trong chương trình Tiếng hát Học sinh Quốc học - Đồng Khánh trên Đài Phát thanh Huế. Hoài niệm những năm tháng trên ghế nhà trường, sau này đã được nữ danh ca truyền tải trong một ca khúc của nhạc sĩ Thu Hồ mang tựa đề “Cô nữ sinh Đồng Khánh”.

Năm 1955, khi mới 16 tuổi, cô nữ sinh Lục Hạ dấn thân tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ do Đài Phát thanh Huế tổ chức với sáu nhạc phẩm lãng mạn kinh điển, được đánh giá là rất khó hát, trong đó có hai bản ngoại quốc là “Dòng sông xanh” (The Blue Danube) của Johann Strauss (Phạm Duy đặt lời Việt) và “Nhạc buồn” (Tristesse) của Chopin (lời Việt của Anh Ngọc), cùng bốn ca khúc nổi tiếng của tân nhạc Việt Nam là “Đêm tàn bến Ngự” và “Áng mây chiều” (của Dương Thiệu Tước), “Được mùa” của Phạm Đình Chương và “Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đoàn Chuẩn - Từ Linh.

Kết quả, Lục Hạ được Ban Giám Khảo chấm giải nhất với số điểm gần như tuyệt đối 19/20 và kể từ đó, thính giả được biết tới một giọng ca tài năng mới với nghệ danh “Dòng sông xanh” - Hà Thanh. Yêu thích âm nhạc và xác định sẽ theo nghiệp hát, nhưng Hà Thanh vẫn ở lại Huế tiếp tục con đường học vấn mà chưa chuyển tới mảnh đất kinh kỳ Sài Gòn, nơi chắp cánh cho đa số các giọng ca khác. Tuy nhiên, qua làn sóng điện của Đài Phát thanh Huế, những ca khúc do Hà Thanh trình diễn đã vang xa và thu hút sự để tâm của các trung tâm băng đĩa lớn.

Phải tới năm 1963, tức là tám năm sau thành công đầu đời,  trong chuyến thăm “Hòn ngọc Viễn Đông” Sài Gòn, Hà Thanh mới hội ngộ các hãng đĩa Continental, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Asia, Việt Nam và được mời thu âm thanh nhiều nhạc phẩm chọn lọc. Chỉ trong vòng hai năm, Hà Thanh đã được xếp cùng hàng với nhiều giọng ca nữ hàng đầu của nền nhạc miền Nam thời bấy giờ, như Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thúy, Mai Hương, Kim Tước và giọng ca “rất Huế” của bà liên tục hiện diện trong các đại nhạc hội, hoặc trên làn sóng điện của Đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do...

Trong sự nghiệp của Hà Thanh, phải nhắc tới mối giao tình đặc biệt của bà với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Giám đốc các hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca nổi tiếng, người có nhiều sáng tác đáng kể từ giữa thập niên 50 như “Chiều mưa biên giới”, “Mấy dặm sơn khê”, “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”... Bên cạnh đó, Nguyễn Văn Đông còn là nhà tổ chức và điều khiển các chương trình Đại nhạc hội tại Sài Gòn, cũng như, là Trưởng ban Ca nhạc Tiếng Thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, quy tụ nhiều danh ca, nhạc sĩ danh tiếng, trong đó có Hà Thanh sau này.

Hồi tưởng về “thuở đầu lưu luyến ấy” giữa hai nghệ sĩ miền Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho hay: “Lần đầu tiên, tôi được gặp cô Hà Thanh là vào năm 1963 tại Đài Phát thanh Sài Gòn (...). Ngày đó cô Hà Thanh từ Huế vào Sài Gòn thăm người chị gái (...). Chính nhạc sĩ Mạnh Phát cho tôi biết về cô Hà Thanh nên tôi nhờ Mạnh Phát liên lạc mời cô Hà Thanh đến hát với Ban Tiếng Thời Gian. Đây là lần đầu tiên tôi được tận tai nghe tiếng hát Hà Thanh, hát nhạc sống và hát thật ngoài đời với ban nhạc của tôi, không nghe qua làn sóng phát thanh hay qua băng đĩa nhạc. Điều này giúp cho tôi có cơ sở nhận định chính xác về giọng hát Hà Thanh.

Tôi hiểu ngay đây là giọng ca thiên phú, kỹ thuật tốt, làn hơi diễn cảm tuyệt đẹp, là một vì sao trong những vì sao hiếm hoi ở đỉnh cao nghệ thuật nhưng chưa có cơ hội phát tiết hết hào quang của mình. Ngay sau đó, tôi có mời Hà Thanh thâu thanh cho Hãng đĩa Continental. Nếu tôi nhớ không lầm thì bản nhạc đầu tiên tôi trao cho Hà Thanh là bài “Về mái nhà xưa” do tôi sáng tác. Lần đó, cô Hà Thanh hát thật tốt, toàn ban nhạc và Ban giám đốc Hãng Continental rất hài lòng, khen ngợi. Sau ngày đó, cô Hà Thanh từ giã trở về lại Huế, trở về lại với Cố đô trầm mặc, tĩnh lặng, không sôi nổi như thủ đô Sài Gòn, là cái nôi của âm nhạc thời bấy giờ
”.

Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, sau khi Hà Thanh trở về Huế, ông đã có nhiều suy tư về giọng hát đặc biệt của bà, mà ông coi là “vì sao còn bị che khuất, chưa tỏa hết ánh hào quang, vì chưa có hoàn cảnh thuận lợi để đăng quang, nếu phó mặc cho thời gian, cho định mệnh, có thể một ngày kia sẽ hối tiếc”. Do đó nhạc sĩ đã bàn với Ban giám đốc Hãng đĩa Continental để mời Hà Thanh vào Sài Gòn cộng tác, và chính ông đã viết thư mời Hà Thanh “với những lý lẽ rất thuyết phục, rất văn nghệ, rất chân tình”. Và, sau khi đã thuyết phục được các vị song thân vốn giữ gia phong nền nếp của chốn cố đô, Hà Thanh đã vào Sài Gòn khởi nghiệp ca sĩ.

Tấm lòng thịnh tình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã khiến Hà Thanh là người thể hiện tốt nhất hầu hết những ca khúc nổi tiếng của ông, đến nỗi nhiều người cho rằng ông đã sáng tác riêng cho giọng ca của Hà Thanh. Sự thật, Nguyễn Văn Đông cho biết bài nào ông cũng thích, cũng vừa ý, có lẽ vì vậy mà ông không nghĩ đến chuyện viết bài đặc biệt cho riêng Hà Thanh. Theo ông, khi trình bày một bản nhạc, “Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật”, “đã sống và cùng đồng điệu sẻ chia với tác giả” khiến ca khúc của ông “thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca”.

Trong mười năm từ 1965 tới 1975, Hà Thanh đã cộng tác với hãng băng đĩa và đặc biệt thành công với những nhạc phẩm tiền chiến và lãng mạn như “Tiếng xưa” của Dương Thiệu Tước, “Thiên thai”, “Suối mơ” của Văn Cao, “Chiều vàng” của Nguyễn Văn Khánh, “Tôi đi giữa hoàng hôn” của Văn Phụng, “Khối tình Trương Chi”, “Cô hái mơ”“Hoa xuân” của Phạm Duy, “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương, “Ai lên xứ hoa đào”“Tà áo tím” của Hoàng Nguyên, v.v... Giọng oanh vàng số một của xứ Huế đã thổi hồn vào những ca khúc vốn đã được rất nhiều ca sĩ khác thành danh trình diễn, khiến chúng có những nét riêng khó phai của bà.

Trong sự nghiệp ca hát của Hà Thanh, giọng ca thiên phú của bà đã nhận được những đánh giá hết sức ưu ái từ rất nhiều nhà văn, nhạc sĩ.  Một đồng hương của bà, Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế, nhạc sĩ Văn Giảng (tức Thông Đạt, tác giả bản tình ca quen biết “Ai về sông Tương” mà Hà Thanh cũng đã thể hiện rất xuất sắc) đã nhận định: “Hà Thanh có một giọng hát thanh tao, quý phái với mức thể hiện cường độ và trường độ âm thanh vừa vặn, diễn cảm tuyệt vời. Đặc biệt là những luyến láy mềm mại rất có hồn và gợi cảm trong tiếng ca. Luyến láy mà không làm điệu tới mức uốn lượn quanh co thành ra làm dáng trình diễn là nét độc đáo nhất trong tiếng ca Hà Thanh”.

Được coi là một trong những nữ danh ca làm nên dấu ấn của tân nhạc Việt Nam, cả sự nghiệp âm nhạc gắn liền với Sài Gòn, mảnh đất hoa lệ, nơi tập trung mọi sinh hoạt của giới nghệ sĩ, Hà Thanh giữ trọn đời nề nếp gia giáo và phong thái chừng mực của cố đô Huế và không hề gặp phải những thị phi như nhiều văn nghệ sĩ cùng thời. Sau biến cố 1975, chồng bà - một trung tá Binh chủng Thiết giáp của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã phải đi tập trung cải tạo trong nhiều năm. Năm 1984, Hà Thanh sang định cư tại miền Đông Hoa Kỳ, bà có ghi âm một số đĩa nhạc nhưng không đi biểu diễn thường xuyên.

Chào đời trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, hơn mười năm cuối đời, Hà Thanh tìm về với thiền học, thiền định và thiền ca, bà trình diễn những bản nhạc Thiền, nhạc Phật giáo. Đôi khi Hà Thanh có xuất hiện trên sân khấu và tham gia thu băng gây quỹ từ thiện, tuy nhiên, nhắc đến bà, người ái mộ vẫn nhớ tới tiếng hát sang trọng, quý phái và vượt thời gian của những năm tháng xa xưa, nay chỉ còn trong giấc mộng, nhớ tới bóng dáng quê hương thân thương với bao trầm luân và đau khổ.
 
Một mùa thương kết muôn hoa lòng
Người về đây nối câu tâm lòng
Về cho thấy xuân nồng áo em
Cho tình xưa thôi cách xa
Về chung mái nhà lá

Người về đây giữa non sông này
Hội trùng dương hát câu sum vầy
Về cho thấy con thuyền nước Nam
Đi vào mùa Xuân mới sang
Xa rồi ngày ấy ly tan.
..”

“Hải ngoại thương ca”, một ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng được Hà Thanh trình diễn rất thành công, xin là lời tiễn đưa người ca sĩ tài danh xứ Huế, đã bỏ cõi trần ra đi trong một ngày đầu năm. “Mặc thời gian tóc phai đổi màu - Mặc đại dương sóng to mưa gào - Đàn chim bé trong làn chớp xanh - Yêu trời tự do Á Đông - Thương về đồi núi xa xa”, mong hương hồn của bà được yên nghỉ trong lòng đất Việt, nơi bà đã ra đi tròn ba thập niên mà chưa một lần có dịp trở về...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh