Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VĨNH BIỆT ANH NGUYỄN THỤ!

(NCTG) “Quãng thời gian mà mình có dịp gần gũi anh cũng không dài, bất quá chừng dăm năm. Sau đó, anh về Việt Nam sinh sống, và anh em cũng ít có dịp có tin gì của nhau. Đột ngột, đêm hôm kia mình nhận được tin nhắn từ họa sĩ Lê Thương, báo tin anh qua đời ở trong nước. Cả một trời kỷ niệm trỗi dậy trong lòng mình, khuấy động, cồn cào và mình nghĩ mấy anh em thời ấy, ai cũng có cảm giác như mình, bàng hoàng và xúc động”.
Tác giả Nguyễn Thụ (Budapest, tối 26-6-2005) - Ảnh tư liệu
Thi ca của Hungary, một xứ sở xa xôi và có ngôn ngữ riêng biệt, “không giống ai”, thật bất ngờ, lại đến Việt Nam từ rất sớm, thông qua các bản dịch từ tiếng Pháp. Thơ József Attila cũng đến với chúng ta từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Dường như có một cái gì chung giữa tâm thế và tình cảm của cư dân hai xứ sở, cộng với sự mẫn cảm đặc biệt của các nhà thơ kiêm dịch giả Việt Nam đầu tiên của nền thơ Hung (Tế Hanh, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trung Thông, Vũ Tú Nam...), khiến các thi phẩm của József Attila - dù được chuyển ngữ thông qua một ngoại ngữ thứ ba - đã được Việt hóa ở mức tối đa và rất thân thuộc, gần với cảm nhận của độc giả Việt.

Tuy nhiên, với thời gian, độc giả Việt Nam hẳn có quyền đòi hỏi những bản dịch khác, có hệ thống và đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn, từ nguyên bản tiếng Hung. Nhiều thế hệ các du học sinh Việt Nam tại Hung đã làm công việc đó, chúng ta đã được thưởng thức nhiều bài thơ văn Hung từ các dịch giả Trương Đăng Dung, Vũ Ngọc Cân... Có điều, chuyển ngữ một số lớn thơ József Attila một cách hệ thống, chi tiết, có chọn lọc, và trong đa số các trường hợp, giữ được hơi thở, mạch thơ và nắm bắt được “hồn” của tác giả, có lẽ mới chỉ có Nguyễn Thụ, dịch giả tuyển thơ mà quý độc giả đang cầm trong tay.

Mấy chục bài thơ của thi hào Hung trong tuyển tập này chỉ là một phần nhỏ trong hơn 200 bài thơ József Attila mà Nguyễn Thụ đã dịch với bao trải nghiệm của cuộc đời, trong vòng 30 năm qua. Vốn là một du học sinh, tốt nghiệp khoa Máy Đại học Bách khoa Budapest giữa thập niên 70 thế kỷ trước, rồi trở lại Hung vào những năm cuối thập niên 80, bươn chải làm đủ mọi việc để sinh kế trên xứ người, trong gần hai chục năm ở Hung, với niềm say mê thi ca vô bờ bến, Nguyễn Thụ đã tự tạo cho mình một bầu không khí, một “môi trường” rất “Hung” để, hơn ai hết, ông có thể tiếp cận với thi nghiệp các nhà thơ lớn của Hung, trong đó József Attila là một tác gia chính.

Đọc các bản dịch thơ József Attila mà Nguyễn Thụ đã suy ngẫm ròng rã và âm thầm suốt ba thập niên - nhất là bản dịch các thi phẩm lớn như “Gửi Juhász Gyula” (Juhász Gyulának), “Tụng ca” (Óda), “Bài ca của người Hung buồn” (Bús magyar éneke), “Mẹ” (Mama)... - hi vọng các độc giả sẽ tìm thấy và cảm nhận được một tâm hồn Hung, một trí tuệ Hung vĩ đại, người với trực cảm thơ ca đã vượt khá xa thời đại ông sống cùng những hạn chế của nó.

Chẳng những là một dịch giả, Nguyễn Thụ còn là một nhà thơ theo nghĩa đích thực của từ này. Ở ông, vai trò một dịch giả và một nhà thơ đã hòa quyện và thúc đẩy lẫn nhau, giúp ông vẫn có được cảm hứng mạnh mẽ khi đã quá độ tuổi “tri thiên mệnh”. Nguyễn Thụ làm thơ từ thuở còn đi học và từ đó, thơ đã theo ông trên mọi bước đường đời, nhiều lúc, đã là người bạn tri âm duy nhất khi ông gặp nỗi khổ đau và những nhọc nhằn nhân thế. Ông sáng tác nhiều, nhưng có lẽ chỉ cho mình, chứ ít  nhằm đăng tải; thơ của ông rải rác trong sổ thơ của bạn bè, trên những tờ giấy một mặt dùng lại, những tấm bìa carton lăn lóc ngoài chợ trời xứ lạ, nghĩa là đẫm vị Đời và Tình, những gì mà vì chúng ông sống. Một phần nhỏ trong kho sáng tác của Nguyễn Thụ, được giới thiệu trong tuyển tập này, sẽ cho độc giả thấy ít nhiều về “con người thơ” của ông.

Được tác giả cho phép có vài lời phi lộ, lẽ ra tôi phải viết nhiều hơn về Nguyễn Thụ và những gì ông đã làm. Nhưng vì biết ông, dù cũng đã có trên dưới ba chục năm trong nghiệp cầm bút, vẫn cảm thấy như mình là kẻ mới vào nghề trong gian đại sảnh của thi ca, và luôn coi mình là người học trò nhỏ, hậu sinh của thi hào vĩ đại József Attila, nên mấy dòng này chủ yếu chỉ nhằm vào bậc thầy mà Nguyễn Thụ luôn ngưỡng mộ.

Còn về những thi phẩm và dịch phẩm của Nguyễn Thụ, xin để độc giả cho ý kiến cuối cùng!
”.
 
*

Đó là một đoạn mình viết về thơ và thơ dịch của Nguyễn Thụ, đăng trong tập thơ và thơ dịch của anh cách đây 15 năm ở Việt Nam. Thuở ấy, ai có sách in ở Việt Nam, mà là sách văn học, hẳn là “xịn” lắm. Trường hợp anh Nguyễn Thụ, cả nhóm “bạn văn” - nói cho oai, chỉ mấy anh em gọi là có quan tâm và hệ lụy đôi chút với chữ nghĩa, quây quần quanh tờ NCTG khi đó mới ra vài năm - đều mừng, vui và hãnh diện cho anh.

Nguyễn Thụ từng có thơ (và thơ dịch) đăng trên các báo “Văn nghệ”, “Văn nghệ Quân đội”... khi còn ở Việt Nam cuối thập niên 80. Tuy nhiên, chỉ sau khi NCTG ra đời ít lâu, mình mới được biết tới anh như một cây bút làm thơ, dịch thơ đam mê và cuồng nhiệt đến kỳ lạ mà với mình, dưới con mắt của một người buộc phải “tỉnh táo” để làm báo, chứ không thể luôn mơ màng, thì không phải lúc nào cũng nắm bắt được hết.

Có những giai đoạn (thời 2003-2005) Nguyễn Thụ cộng tác và gửi thơ liên tục cho NCTG bằng rất nhiều cách, có lúc đọc qua điện thoại cho mình chép, có lức gửi sms, có lúc tiện thể viết lên bất cứ thứ giấy gì mà anh tiện tay vớ được trong lúc trông hàng cho vợ, chị Mai, người phụ nữ rất tần tảo yêu thương anh, và cũng không ít phen phát bực vì ông thi sĩ không mấy khi tỉnh và không mấy khi bên người không có lon bia, ly rượu này.

Nói vậy, chứ ai biết được là anh có tỉnh không, kể cả những khi trời chiều, mình đi bán dạo dạo về (mà trong các phỏng vấn sau này mình gọi hành động đó một cách mỹ miều là “trực tiếp đi phát hành báo”), ghé vào quầy của anh chị nằm đường hoàng ngay giữa chợ, được anh cho cốc trà, tấm bánh, có lúc bát phở “cho nó hoàn hồn đi em!”, rồi cứ thế ngồi im, có lúc ngẩng mặt lên trời, tất mông lung, chắc là để rượt đuổi theo một tứ thơ nào đó.

Hai anh em đã có không biết bao nhiêu dịp như thế, mình thì kể thao thao bất tuyệt về số báo mới ra kèm những “sự cố”, câu chuyện có liên quan mà loại “trần tục” như mình coi là thú vị, anh cứ ngồi gật gù, cũng không biết có thèm nghe không, đôi lúc “phán” một câu gì đó hoặc bật dậy xếp hàng cho khách, nhưng rất dễ thấy là thế giới thơ của anh đương nhiên không đồng nhất với thế giới của đứa luôn phải suy nghĩ làm sao ra được số báo tiếp tới như mình.

Anh uống nhiều, và mình cũng cho đấy là điều tự nhiên với người sáng tác “thứ thiệt”, không phải loại “tay ngang” như mình, vì họ luôn cần một chất xúc tác gì đấy. Như những Phùng Quán, Văn Cao hay Trịnh Công Sơn lúc nào cũng được hình dung với điếu thuốc hoặc ly rượu trong tay, tuổi mới năm mươi mà râu tóc bạc phơ như người thượng thọ. Mình hay trêu anh là, không biết trong cơ thể anh, còn bao nhiêu phần máu, hay toàn rượu.

Nguyễn Thụ rất hiền, độ lượng và không bao giờ chấp bọn “trẻ con” như mình, kể cả khi mình nói nửa đùa nửa thật, “anh biết không, mỗi bài thơ của anh trên NCTG khiến báo mất đi nửa số độc giả đấy” (đương nhiên đây là lời “cóp” của Stewen Hawking trong “Lược sử thời gian”, chứ mình sức mấy nghĩ được câu hay thế). Anh chỉ cười khà khà, lại tợp chút rượu, ra điều đắc chí lắm, và khoát tay dáng rất đẹp và khí phách “thế mới gọi là thơ chứ”.

Tuy nhiên, với thơ và câu chữ, anh lại kỹ lưỡng đến mức nhiều khi khiến mình phát hoảng. Với anh, việc “bảo nhà in nó dừng lại để đổi một từ trong bài X” là điều không phải anh chỉ thị một lần, rất gấp gáp, qua điện thoại, thường là vào lúc mọi sự đã an bài rồi. Vậy mà có lần mình đã mạo muội bỏ hẳn 2 khổ thơ cuối trong một bài của anh, mà còn không xin phép trước, vì cũng không còn thời gian mà điện đàm hay trao đổi gì nữa.

Cầm tờ báo mình mang đến tận tay, mở trang có bài thơ, anh không tin vào mắt mình khi thiếu đoạn kết (mà mình cho là hoàn toàn không cần thiết, dài dòng và chỉ phá đi những gì hay ho cho tới khi đó), và nghĩ rằng chắc là... lỗi kỹ thuật của “thằng đánh máy”. Đến lúc mình rụt rè thú nhận “do em... biên tập đấy” thì thật là... tất nhiên anh chấp nhận nhưng không tránh khỏi một cơn giận lôi thiên và sự đoạn tuyệt trong vòng đôi ba tuần.
 
Anh Nguyễn Thụ (giữa) cùng hai con gái trong buổi kỷ niệm “thôi nôi” của NCTG (đầu năm 2003) - Ảnh tư liệu
Anh Nguyễn Thụ (giữa) cùng hai con gái trong buổi kỷ niệm “thôi nôi” của NCTG (đầu năm 2003) - Ảnh tư liệu

Anh là thế, sáng tác dường như rất dễ dàng nhưng cũng rất nhó nhọc. Thơ anh với kẻ ngoại đạo như mình, có bài hay, rất hay, và cũng có những bài bình thường. Nhưng đó là tiếng lòng của một người trải qua rất nhiều dằn vặt, khổ đau, với đời và với mình, và anh giữ được sự tươi tắn ấy trong lao động nghệ thuật một thời gian dài, chứ không thành người chuyên nghiệp nhiều khi viết theo bài bản khuôn thước, và đó là điều mình thích ở anh.

Rất ngộ nghĩnh là cũng có lúc, anh thương mình vất vả chạy ngược xuôi lo bài cho báo, và cho rằng mình “không giúp ích được gì... thiết thực ngoài mấy bài thơ”, nên đã đăng ký... dịch bài cho NCTG. Mình rất sướng, anh thì thạo tiếng quá rồi, còn gì bằng, nhưng tới khi nhận được bản dịch một bài xã luận mà anh rất thích của tờ nhật báo lớn nhất thời bấy giờ là “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), thì mình lại có một cái hoảng khác.

Ấy là, anh dịch quá phóng túng, kiểu Bùi Giáng, đúng phong cách một nhà thơ hồn để trên mây, mà ít để tâm tới sự chính xác từng câu chữ của một bài chính luận đúng là rất hay của một ký giả Hung có tiếng. Mất thời gian để so lại với bản gốc thì là chuyện bình thường, nhưng chỉnh lại sao cho vẫn giữ phong cách Nguyễn Thụ (để anh khỏi mất lòng), mà vẫn trung thành và bám nguyên bản âu cũng không phải là điều quá dễ dàng với mình.

Năm 2003, mình được anh gửi cho xem tập bản thảo đã được đánh lại trên máy tính, gồm những bài thơ József Attila mà anh đã dịch trong bao năm, và nhờ mình viết Lời nói đầu. Với mình, đó là một vinh dự lớn, vì nhiều người chắc chắn là rành văn thơ Hung, cũng như văn học dịch hơn mình chứ. Mình coi sự ưu ái ấy là tình cảm dành cho một người em, và đã viết với lời nhắn “em cứ gửi bản full, NXB ở nhà tùy họ cắt lọc anh nhé”.

Thật vui là những dòng của mình tuy đôi chỗ có đụng chạm đây đó, nhưng được giữ nguyên trong sách, duy chỉ có mấy chú thích là bị cắt đi, chắc NXB cho là không cần thiết. Nhận sách, anh vui lắm, ký tặng tất cả bạn bè trong và ngoài nước Hung của NCTG, chữ anh rất đẹp, phóng khoáng như mình hay trêu “đúng là thủ bút của người danh gia vọng tộc”. Đó là những khoảnh khắc đẹp nhất của mấy anh em mà mình vẫn nhớ tới giờ.

Sau đó một năm, NCTG có tổ chức được một buổi giới thiệu các tác giả tiêu biểu của báo trong mấy mảng thơ (đặc biệt là thơ tình), văn xuôi, tản văn và thơ dịch. Năm ấy (2005) cả thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của József Attila (được kỷ niệm như Ngày Thi ca Hungary), và tất nhiên anh có trong số các anh chị em tối hôm đó. Ấn tượng khi được nghe anh đọc những bài thơ dịch của mình, đầy nội lực và cảm xúc, thật khó tả.

Anh Nguyễn Thụ còn là người rất khích lệ hai cô con gái, khi đó mới là những sinh viên rất trẻ trưởng thành ở Hungary, tham gia với báo “để cho chúng nó học tiếng”. Cả Thùy Linh lẫn Phương Nga đều đã có những đóng góp bài vở với báo vào thời đầu và khi NCTG tổ chức buổi “thôi nôi” rất đầm ấm đầu năm 2003, cả nhóm anh em đã tặng cho gia đình anh danh hiệu “Gia đình tham gia báo”, tấm ảnh ba bố con giờ mình vẫn còn giữ.

Thật ra, quãng thời gian mà mình có dịp gần gũi anh cũng không dài, bất quá chừng dăm năm. Sau đó, anh về Việt Nam sinh sống, và anh em cũng ít có dịp có tin gì của nhau. Đột ngột, đêm hôm kia mình nhận được tin nhắn từ họa sĩ Lê Thương, báo tin anh qua đời ở trong nước. Cả một trời kỷ niệm trỗi dậy trong lòng mình, khuấy động, cồn cào và mình nghĩ mấy anh em thời ấy, ai cũng có cảm giác như mình, bàng hoàng và xúc động.

Giật mình se sẽ đông sang - Người xa xăm ấy có bàng hoàng không - Hoa đào tha thẩn gió đông - Đêm run nhè nhẹ giấc mòng ai hay” là những vần thơ anh gửi NCTG cách đây 14 năm, cũng vào những ngày đông lạnh lẽo thế này. Bài thơ mang tên “Lạnh”, giờ đây khi viết những dòng này, em cũng thấy lạnh và bàng hoàng anh ạ. Nhưng bọn em sẽ luôn nhớ tới anh với tình cảm ấm áp, và biết rằng ở nơi ấy, anh cũng vẫn sẽ có THƠ theo cùng...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh, từ Budapest - Tối 26-1-2018