VỀ CUỐN "MA CHIẾN HỮU" VÀ VIỆC XUẤT BẢN CUỐN SÁCH NÀY TẠI VIỆT NAM
- Thứ ba - 03/03/2009 12:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà văn Mạc Ngôn, tác giả "Ma chiến hữu"
Tôi mua 3 cuốn (mỗi cuốn 18 ngàn) để đọc và tặng bạn bè. Cho đến nay, tôi chưa có trong tay bản tiếng Hoa của "Ma chiến hữu". Sau khi đã đọc cuốn sách, tôi có ý kiến như sau:
1. "Ma chiến hữu" là cuốn sách mỏng và xuống tay nhất trong các tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn.
2. Tác phẩm này đúng là viết về "những người đã hy sinh vào tháng hai năm một ngàn chín trăm bảy mươi chín" (tr.13), tức là viết về chiến tranh biên giới Việt - Trung. Những nhân vật trong tác phẩm là những hồn ma của những chiến sĩ trong lực lượng Giải phóng quân Trung Quốc đều đa số xuất thân từ các vùng nông thôn nghèo khổ của Trung Quốc, và (trong tác phẩm) họ thực sự bị sốc khi biết rằng "Bộ Ngoại giao đưa tin về mối quan hệ hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu bình thường hóa" và họ "cảm thấy cái chết thật là oan uổng" (tr. 56).
3. Tác phẩm "Ma chiến hữu" của Mạc Ngôn là một tác phẩm mang tính chất phản chiến, tức là phản đối chiến tranh Trung - Việt bằng một giọng văn khá hài hước, và đằng sau tác phẩm là nỗi niềm cảm thông đối với các gia đình có con em chết trận trong cuộc chiến với Việt Nam, qua đó thể hiện tiếng nói của nhà văn với nhà cầm quyền Trung Quốc trong việc gây ra cuộc chiến tranh vô lý này.
4. Mặc dù tác giả Mạc Ngôn là một người Hoa, viết về cuộc chiến Trung - Việt, tháng 2-1979, và mặc dù có những đoạn viết về tinh thần và "sự anh hùng" của người lính Trung Quốc, nhưng tác phẩm không gây nên thù hận Việt - Trung, không kích động độc giả của mỗi bên, và theo tôi, đây là tác phẩm viết rất khéo về chiến tranh nói chung và chiến tranh Việt - Trung năm 1979 nói riêng.
TS Nguyễn Xuân Diện
5. Cuốn sách được dịch và xuất bản vào tháng 2-2008 tại NXB Văn học. Qua việc đưa lời đề từ của tác phẩm ra bìa 4, NXB Văn học đã giới thiệu cuốn sách như một tác phẩm có nội dung kích động độc giả Việt Nam. Việc không ghi thể loại của tác phẩm là tiểu thuyết, truyện ngắn, hay truyện vừa ở ngay sau tên sách cũng là một cách làm PR thiếu hiểu biết và non kém về văn học và chính trị của Ban Giám đốc NXB Văn học cũng như của những người trực tiếp phụ trách việc đưa bản dịch đến với bạn đọc.
6. Với những lý do trên, đặt trong bối cảnh của chính trị và xã hội Việt Nam lúc này, và cũng đặt trong bối cảnh nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật (văn học, mỹ thuật, sân khấu...) viết về cuộc chiến trang Việt - Trung tháng 2-1979 đã và đang bị cấm đoán hiện nay (như "Rồng đá" của Vũ Ngọc Tiến chẳng hạn) thì việc để cho xuất bản và lưu hành tác phẩm này là không nên.
Vì thế, theo tôi, đã thu hồi "Rồng đá" thì nên thu hồi cuốn "Ma chiến hữu", hoặc cho phép lưu hành trở lại "Rồng đá" để biểu thị tinh thần nhất quán trong công tác quản lý hiện nay. (*)
(*) TS Nguyễn Xuân Diện tốt nghiệp ngành Hán Nôm, khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1992. Năm 1998 bảo vệ luận án Thạc sĩ. Tháng 3-2007, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về nghệ thuật ca trù. Hiện ông là phó giám đốc Thư viện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Xin cám ơn TS Nguyễn Xuân Diện đã gửi bài cho NCTG! (NCTG)