VỀ BẬC THÀY ÂM NHẠC WOLFGANG AMADEUS MOZART
- Thứ sáu - 03/02/2006 13:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Vào buổi chiều cuối cùng của cuộc đời, tại căn nhà của Mozart, cùng với mấy người bạn, họ chơi thử một chương của bản “Requiem”. Sau nhịp đầu tiên của bản nhạc, người nhạc sĩ dừng lại, gạt bản nhạc qua một bên và nói: “Đêm nay tôi sẽ ra đi, bản “Requiem” này, tôi đã viết cho chính mình”. Sự việc xảy ra đúng như lời ông nói”.
Thiên tài âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart (27-1-1756 - 5-12-1791), người Áo nổi tiếng nhất của mọi thời đại
Cuối tháng Giêng qua, toàn thế giới đã long trọng kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Mozart, nhà soạn nhạc Áo lừng danh.
Ông là một nhạc sĩ thiên tài, là đứa trẻ thần đồng, biết đọc nhạc trước khi biết chữ. Mozart ra đi rất trẻ ở tuổi 35 nhưng để lại cho nhân loại một kho tàng âm nhạc khổng lồ: 628 tác phẩm, nổi bật với những bản opera “Cây sáo thần”, “Don Giovanni”, “Đám cưới Figaro”...
Sáng tác theo trường phái “Cổ điển Vienna”, Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) là một trong những nhà soạn nhạc lớn nhất trong lịch sử âm nhạc. Thân phụ ông đã phát hiện ra những khả năng âm nhạc đặc biệt ở hai đứa con, ông chối từ tất cả và đặt nhiệm vụ giáo dục những đứa con lên vị trí hàng đầu.
Chú bé Mozart có một năng khiếu lạ thường, mới có năm tuổi đã viết những bản nhạc đầu tiên. Cùng chị gái là Nannerl, với những khả năng âm nhạc đặc biệt, Mozart trở nên rất nổi tiếng và được ngưỡng mộ tại thành phố Salzburg (Áo), vì thế ông bố quyết định mang hai đứa con đến những thành phố khác để giới thiệu khả năng hiếm có của chúng.
Lúc đó, vào năm 1762, Nannerl 11 tuổi và Wolfgang mới có 6 tuổi đã cùng với cha mẹ gặt hái với những buổi hòa nhạc tuyệt vời. Và cứ như thế, năm tháng ròng rã, họ đi biểu diễn khắp nơi. Họ diễn nhạc tại cung điện ở München (Đức). Ở Vienna, Nữ hoàng Maria Theresie đã mời những nhà nghệ sĩ tí hon, Hoàng đế Franz dí dỏm lấy chiếc khăn mỏng che lên phím đàn rồi cho Wolfgang biểu diễn tài năng đặc biệt của mình.
Trên những chặng đường biểu diễn, thành công còn lớn hơn rất nhiều so với dự tính của gia đình. Cả nửa châu Âu hâm mộ tài năng của Mozart. Những nơi chốn dành cho tầng lớp thượng lưu, những nghi lễ cung đình, sự sáng trong cuộc sống châu Âu có nhiều tác động lớn đến các tác phẩm nghệ thuật của Mozart. Điều này có thể nhận thấy trong các bản nhạc Divertimento - một thể loại âm nhạc giải trí - với những mô-típ cân xứng.
Trong cung vua, những buổi hòa nhạc sáng trong luôn có nhu cầu cần những bản nhạc mới do Mozart sáng tác. Đến tận cuối đời, Mozart không ngừng viết những bản nhạc có giai điệu êm ái, nhẹ nhàng, và chính bản thân ông cũng rất có tài khiêu vũ, chính vì vậy mà âm nhạc của ông luôn cuốn hút các vị khác và các bạn khiêu vũ.
Sau khi quay trở lại Salzburg, Mozart trở lại làm âm nhạc cho chính quyền thành phố, công việc lúc đó trở nên ngột ngạt, không còn thoải mái như những thời gian trước đây. Chính vì vậy mà ông bỏ trốn khỏi nơi đây, cùng cha đến Vienna kiếm việc nhưng vô ích.
Trong thời gian này, Mozart sáng tác bản “g-moll simfonia”, bên cạnh các thể loại Divertimento, Serenat, Simfonia ông bắt đầu viết Concerto - những bản nhạc độc tấu cho các nhạc cụ và dàn nhạc. Thời ấy, người nghe nhạc có nhu cầu lớn đến piano, Mozart viết “vỏn vẹn” 25 bản Concerto cho dương cầm.
Gia đình Mozart - Tranh của Johann Nepomuk (1781)
Năm 1785, lần đầu tiên ở Vienna, Mozart gặp Haydn, một nhạc sĩ vĩ đại khác; hai người đã trở thành bạn vong niên của nhau. Dù Haydn lớn tuổi hơn Mozart rất nhiều nhưng ông coi Mozart như bạn cùng lứa và đánh giá rất cao tài năng của Mozart.
Beethoven, thành viên trẻ tuổi nhất của trường phái “Cổ điển Vienna” cũng đã có dịp diện kiến Mozart. Nhà soạn nhạc trẻ 16 tuổi này đến Vienna tìm Mozart, xin Mozart nghe cho về khả năng piano của anh và cũng xin được làm đệ tử. Mozart lúc đầu không dành nhiều thời gian cho chàng trai “tóc rối” này.
Beethoven yêu cầu bậc thày chơi cho ông một giai điệu trên đàn piano, sau đấy ông chơi lại và cảm hứng tiếp một cách tuyệt vời. Lúc đó Mozart nói với các bạn đồng nghiệp: “Mọi người hãy để ý đến chàng trai trẻ này, chắc chắn thế giới sẽ còn nói nhiều về anh ta”. Beethoven vô cùng vui mừng được làm trò của Mozart và sau đấy, ông tiếp tục làm đệ tử của Haydn.
Xung quanh cái chết của Mozart, sử sách thuật lại một giai thoại: vào một buổi chiều, có một người mặc bộ áo khoác dài màu đen tìm đến người nhạc sĩ vĩ đại, khi ấy mới 35 tuổi, và xin đặt viết cho ông ta một bản nhạc tang lễ. (Sau này, người ta biết người đặt hàng kỳ bí nọ là bá tước Walsegg, ông ta định cho xuất bản tác phẩm này đứng tên của chính mình).
Mozart dù đang ốm liệt giường nhưng vẫn làm hết sức mình để thực hiện bản Kinh cầu hồn, mà thù lao ông đã được nhận. Phần cuối của tác phẩm còn chưa hoàn thành, sau đó đã được hai môn đệ giỏi của Mozart - Eybler và Süβmayr - hoàn tất theo dàn ý và chỉ dẫn của bậc thầy.
Vào buổi chiều cuối cùng của cuộc đời, tại căn nhà của Mozart, cùng với mấy người bạn, họ chơi thử một chương của bản “Requiem”. Sau nhịp đầu tiên của bản nhạc, người nhạc sĩ dừng lại, gạt bản nhạc qua một bên và nói: “Đêm nay tôi sẽ ra đi, bản “Requiem” này, tôi đã viết cho chính mình”. Sự việc xảy ra đúng như lời ông nói.